Vàng trắng vùng biên

Sau một thời gian dài nhường chỗ cho những mùa cao su thay lá, đến nay hàng ngàn công nhân cao su ở vùng biên giới Tây Ninh, Bình Phước, Đắk Nông… hối hả bắt tay vào công việc mới với những dòng mủ trắng thân thuộc. Với họ, bỏ lại sau lưng những vất vả của lao động chân tay, cao su chính là dòng vàng trắng, là cứu cánh giúp người dân vùng biên giới nơi đây thoát khỏi đói nghèo.

Sau một thời gian dài nhường chỗ cho những mùa cao su thay lá, đến nay hàng ngàn công nhân cao su ở vùng biên giới Tây Ninh, Bình Phước, Đắk Nông… hối hả bắt tay vào công việc mới với những dòng mủ trắng thân thuộc. Với họ, bỏ lại sau lưng những vất vả của lao động chân tay, cao su chính là dòng vàng trắng, là cứu cánh giúp người dân vùng biên giới nơi đây thoát khỏi đói nghèo.

Chuyện đời người thợ cạo

Cao su, loài cây công nghiệp vô cùng quan trọng này hiện đang được trồng rộng rãi ở các nông trường lớn hay các hộ kinh doanh cao su tiểu điền Đông Nam bộ - khu vực được coi là “vương quốc” cao su của cả nước. Mỗi năm, ngoài việc ngành công nghiệp cao su thu về hàng chục triệu đôla xuất khẩu, tạo ra việc làm cho hàng chục ngàn hộ gia đình nông dân nghèo ở các tỉnh này cũng chính là một thắng lợi của cây cao su.

Mặc dù năm nay giá cao su không cao bằng năm ngoái, nhưng theo nhiều chủ thu mua cao su họ vẫn có lợi nhuận khi giá cả ổn định. Thế nên, không chỉ những công ty cao su lớn mà cả những chủ cao su tiểu điền cũng mong chờ một mùa bội thu sắp tới.

Công nhân khai thác mủ cao su. Ảnh: LONG THANH

Công nhân khai thác mủ cao su. Ảnh: LONG THANH

Ngồi dưới tán những hàng cao su cao vút, chạy thẳng dài hút mắt như tới chân trời, chị Trần Thị Thúy ở Lộc Hiệp (Lộc Ninh, Bình Phước), tâm sự năm nay chị đã 41 tuổi và có thâm niên gần 10 năm gắn bó với nghề cạo mủ cao su này. Chị cùng chồng là anh Nguyễn Văn Tuấn cùng làm công nhân cạo mủ cho nông trường cao su Phú Riềng. Buổi sáng, bắt đầu từ 4 giờ anh chị chạy xe tới nông trường chuẩn bị cho ca làm việc.

Ngoài lương, tiền công ở đây còn được tính theo sản phẩm nên mọi người phải cố gắng làm từ sớm để năng suất lao động đạt cao nhất. Thông thường, một người công nhân sẽ cạo chừng 6 thùng mủ cao su. Tại mỗi gốc cao su có một chiếc chén nhỏ chứa mủ cao su chảy từ thân cây xuống. Sau khi thu hoạch chén đó, công nhân phải cạo một lớp vỏ mỏng mới men theo dòng nhựa cũ mà không làm xước quá nhiều thân cây, tránh ảnh hưởng đến việc tái tạo vỏ cây thời gian sau.

Sau đó, qua ngày họ sẽ quay lại thu hoạch mủ và tiếp tục cạo lại lớp vỏ. Mặc dù công việc nhìn qua có vẻ đơn giản nhưng thực sự khá vất vả do phải di chuyển nhiều, từ cây này sang cây khác kèm theo việc phải mang thùng mủ cao su khiến những người công nhân rất mệt nhọc.

Tuy nhiên, chị Thúy cười bảo: “Mặc dù có vất vả nhưng thu nhập của công nhân cạo mủ khá cao, trung bình khoảng 6-7 triệu đồng/tháng. Nhiều thời điểm, giá cao su tăng cao, lương năng suất có thể gần 10 triệu đồng/tháng cùng với nhiều tiền thưởng nữa. Vì thế, cây cao su thực sự đã cứu cánh vợ chồng tôi. Bởi trước kia, hai vợ chồng trẻ đi làm công nhân nhiều năm cũng chỉ đủ ăn. Từ ngày làm công nhân cạo mủ, anh chị đã dành dụm và cất được ngôi nhà ở gần chợ Lộc Hiệp khá khang trang, con cái có điều kiện học hành”.

Hạnh phúc miền đất đỏ

Những ngày này, hầu hết con đường đất đỏ vùng biên giới ở Tân Châu, Châu Thành, Tân Biên (Tây Ninh), Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập (Bình Phước)… chúng tôi từng đi qua đều được che phủ bởi những rặng cao su. Những rặng cao su dài hun hút, thẳng đều đến lạ lùng cứ như một bức tranh siêu thực nhìn đơn giản mà không làm sao nắm bắt được khi nó cứ vùn vụt chạy lại sau lưng trên những vòng xe.

Dưới những hàng cao su ấy, thấp thoáng những bóng người công nhân lầm lũi với công việc của mình. Họ lặng lẽ, cần mẫn và chăm chỉ. Thỉnh thoảng lại có một cái lán, nơi công nhân tập hợp lại sau những ca làm việc để tính sản phẩm của mình. Đó là những thùng cao su màu trắng tinh tươm được tập kết về đây. Có một điều khá kỳ lạ, chỉ ở những vùng đất đỏ bazan cây cao su mới phát triển mạnh và cho những dòng mủ quý giá năng suất cao hơn hẳn những vùng đất bình thường khác. Có lẽ, đó chính là điều thiên nhiên đã ưu ái ban cho vùng đất đỏ dọc biên giới này.

Tiếp chuyện chúng tôi, chị Hằng, một chủ vựa thu mua cao su tiểu điền ở Suối Ngô (Tân Châu, Tây Ninh) cho biết hiện nay, giá cao su đang dao động ở 13.000-15.000 đồng/kg mủ độ 10. Tại vựa cao su này, mỗi ngày có hàng tấn cao su của những vườn cao su tiểu điền đến đây bán. Đó là những gia đình trồng cao su theo quy mô nhỏ, chỉ chừng dăm ha từ những khoảnh rừng, núi khai hoang hoặc được sang nhượng lại nhưng nhờ đó lại có nguồn thu khá ổn định. Ở vùng này, nhà nào có trồng cao su chắc chắn sẽ có thu nhập khá.

Sau khi thu mua cao su, chị Hằng chở tới bán lại cho những xí nghiệp dưới thị trấn Tân Châu. Kể về thu mua mủ, người phụ nữ đã bắt đầu có những nếp nhăn trên trán sau những thăng trầm của cuộc đời cho biết: “Mình quê dưới Đất Đỏ (Bà Rịa-Vũng Tàu) nhưng lấy chồng về bên Xuân Lộc (Đồng Nai). Hồi mới giải phóng chưa lâu, cuộc sống gia đình khổ lắm. Hai vợ chồng xuôi ngược buôn bán cũng chỉ đủ ăn. Cách đây khoảng gần chục năm có bà chị gái giới thiệu lên trên này thu mua cao su. Từ đó cuộc sống mới khá lên. Dường như, cao su mang lại tất cả hạnh phúc cho những người gắn bó với nó hay sao ấy. Từ công nhân cho tới thương lái hay các chủ vườn đều có được cuộc sống khá giả, đỡ vất vả hơn”.

Các tin khác