Văn hóa nhường nhịn

Hàng ngày trên khắp nẻo đường ở các đô thị lớn, chúng ta không ít lần chứng kiến những người vừa điều khiển xe vừa nghe điện thoại hoặc nhắn tin. Tắc đường, nhiều người vẫn cố chen lấn giành đi trước. Đèn tín hiệu chưa bật xanh, đã inh ỏi tiếng còi hối thúc, hay những giao lộ đèn chưa kịp chuyển sang vàng hai hướng xe cắt nhau ai cũng giành đi trước. Điều gì đang xảy ra? Phải chăng ai cũng vội?

Hàng ngày trên khắp nẻo đường ở các đô thị lớn, chúng ta không ít lần chứng kiến những người vừa điều khiển xe vừa nghe điện thoại hoặc nhắn tin. Tắc đường, nhiều người vẫn cố chen lấn giành đi trước. Đèn tín hiệu chưa bật xanh, đã inh ỏi tiếng còi hối thúc, hay những giao lộ đèn chưa kịp chuyển sang vàng hai hướng xe cắt nhau ai cũng giành đi trước. Điều gì đang xảy ra? Phải chăng ai cũng vội?

1. Có người cho rằng nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ nhịp sống công nghiệp, sôi động và tất bật. Hội nhập và phát triển đang tác động mạnh mẽ, khiến nhịp sống gấp gáp hơn theo hướng văn minh công nghiệp. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa là nước công nghiệp. Sài Gòn - TPHCM năng động và có hoạt động kinh tế sôi động bậc nhất cả nước cũng thế.

Phải thừa nhận rằng bóng dáng văn minh nông nghiệp không chỉ tồn tại phổ biến ở khu vực ngoại thành, mà vẫn lẩn khuất đâu đó giữa dòng người tấp nập. Không thể có nhịp sống công nghiệp đích thực, nếu buổi sáng trên đường có những người giàu chạy xe đắt tiền nhưng miệng còn ngậm tăm xỉa răng, khạc nhổ bừa bãi hay vứt rác lung tung.

 Cảnh chen lấn do không ai nhường ai là hình ảnh quen thuộc tại các đô thị. Ảnh: LÃ ANH

Cảnh chen lấn do không ai nhường ai là hình ảnh quen thuộc tại các đô thị. Ảnh: LÃ ANH 

Bất chợt nhận ra đôi khi tôi cũng ứng xử như vậy, nhưng mỗi lần chịu khó bình tâm ngồi suy ngẫm, lại thấy xấu hổ với chính những hành vi - dù vô tình như một thói quen - khi tham gia vào sự vội vàng kia mà chẳng để làm gì. Có những lần cắm cúi chạy xe luồn lách, cố vượt lên đi trước giữa dòng xe cộ hỗn loạn; hay những buổi trưa đi trên đường nắng chang chang tôi cố vượt lên mọi người chỉ để chờ đèn tín hiệu dưới bóng mát cây cổ thụ ven đường.

Và những khi đến ngã tư có đèn tín hiệu, tôi lại dẫn đầu hàng xe chắn mất lối dành cho xe rẽ phải lưu thông. Tất cả sự vội vã đó không hẳn vì công việc làm ăn, mà phần lớn chỉ để đến quán cà phê hay... quán nhậu. Vì vậy, không thể tiếp cận và lý giải “vội” đến mức vi phạm luật lệ, hay chí ít là "khó coi" ấy dưới góc độ nhịp sống công nghiệp.

2. Cũng có người kiến giải do nhiều người nhập cư từ nông thôn, trình độ học vấn không đồng đều nên cư dân TP bây giờ không “thuần” về văn hóa ứng xử. Đúng. Hàng ngày trên phố không thiếu những người từ nông thôn nhập cư về TP kiếm sống điều khiển xe kéo, xe đẩy cồng kềnh, tỉnh bơ di chuyển ngược chiều trong dòng xe nghẽn cứng mà họ góp một phần nguyên nhân.

Tuy nhiên, nếu quan sát rộng hơn, “thuần” về văn hóa chỉ đúng một phần. Có lẽ ai trong chúng ta cũng không ít lần phiền lòng trước việc có những người - trong có có cả dân nhập cư và dân TP - trong trang phục chỉ để mặc ở nhà, cố tình đi thẳng lên đầu hàng người đang xếp chờ thanh toán tiền trong siêu thị, hay chen lấn cố vượt lên trước hàng xe lúc đường chật như nêm.

Có lần tôi chứng kiến một nam diễn viên điện ảnh có tiếng - từng tham gia nhiều phim truyền hình và nhận giải thưởng lớn trong ngành - đưa con đến trường. Trước cổng trường có bảng cấm xe gắn máy của phụ huynh học sinh vào sân, nhưng anh này vẫn ngang nhiên xộc thẳng vào sân - nơi rất đông học sinh chơi đùa - trước sự khó chịu của nhiều người. Mặc người bảo vệ, anh ta đùng đùng nhấn ga lao tới, miệng không ngớt lời cự nự với lý do “đang bận”. Có lẽ anh diễn viên này tự cho mình cái quyền của... người nổi tiếng!?

Cũng không ít lần nhiều người thấy “gai mắt” vì có những người ăn diện sang trọng, dừng xe hơi giữa đường đón trẻ tan trường, bất chấp cảnh kẹt xe do chính họ gây nên. Qua vài hiện tượng nêu trên, có thể thấy rất khó lý giải thế nào khi bây giờ phần đông người thuộc thế hệ sinh trưởng tại TP - dân TP chính gốc, có trình độ học vấn cao - không biết nhường nhịn nơi công cộng. Vì vậy, nếu tiếp cận vấn đề dưới góc độ “thuần” về văn hóa e không thỏa đáng.

Trước đây chưa lâu, còn có ý kiến đổ lỗi sự chen lấn, hỗn loạn trong giao thông dẫn tới hành xử thiếu văn minh trên đường phố có phần nguyên nhân từ... những cái “lô cốt” của dự án thoát nước công cộng. Dĩ nhiên cách thi công thiếu tính công nghiệp đối với công trình lớn ấy là một phần nguyên nhân gây ách tắc giao thông. Nhưng lấy lý do này để biện hộ, giải thích ra sao khi gần 1 năm qua “lô cốt” khu vực trung tâm không còn, đường vẫn tắc và mọi người vẫn chạy xe loạn xạ?

3. Từ vài hiện tượng phổ biến nêu trên, ta có thể lờ mờ nhận ra nguyên ngân của các nguyên nhân, phải chăng bắt nguồn từ văn hóa nhường nhịn đã khác xưa. Cho nên những điều vốn xa lạ trước đây, nay đã trở nên bình thường và được mặc nhiên thừa nhận.

Đã có sự thay đổi cơ bản về giá trị trong văn hóa ứng xử của số đông, mà cái gốc của vấn đề là giáo dục đạo đức, thẩm mỹ tồn tại quá lâu những khiếm khuyết? Qua cuộc vận động xây dựng TP văn minh (đã đi được gần 4 năm, bắt đầu từ năm 2008 với chủ đề “Năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị”), có thể thấy phần nào ý thức của người dân đã được khơi dậy, nhưng mục tiêu xây dựng TP đẹp cả về cảnh quan lẫn giao tiếp, ứng xử chỉ đạt được kết quả hạn chế. Điều này cho thấy những nỗ lực của TP chưa đủ làm thay đổi cơ bản hành vi, lối sống kém văn minh, lịch sự nơi công cộng, mà đòi hỏi ngành giáo dục phải có phương pháp giáo dục đạo đức, thẩm mỹ công dân phù hợp hơn.

Cư dân TP có tuổi xuất thân từ nông thôn chưa ai quên mình từng được giáo dục về văn hóa ứng xử trong cộng đồng như thế nào cho phải phép. Dù là nông dân, nhưng ai cũng biết nhường nhịn, kính trọng, lịch sự với ai và khi nào. Thế hệ chúng tôi, khi đi trên đường gặp đám đưa tang đều giở nón cúi chào tiễn biệt, hoặc lúc đi đò, xe đều nhường chỗ cho người già, trẻ em, phụ nữ có mang. Còn hiện nay, nếu ai đó làm như vậy sẽ trở nên lạc lõng vì... chẳng giống ai.

Không những thế, văn hóa nhường nhịn bị xem nhẹ. Có lẽ chưa ai quên những vụ việc va chạm xe trên đường phố dẫn đến xô xát chết người, hay hành hung cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ... Tôi vẫn nhớ trước kia, khi hay tin khách đến thăm nhà, dù nhà ở thôn quê nền đất, vách lá tồi tàn, nhưng người lớn vẫn luôn dọn dẹp tươm tất, căn dặn trẻ nhỏ phải chào hỏi, cư xử lễ phép, để sau này khách còn quay trở lại.

TPHCM cũng cần như thế. Ngành du lịch đặt kế hoạch đón 3,5 triệu khách quốc tế trong năm 2011, đạt tổng doanh thu 49.000 tỷ đồng. Như vậy TP cần phải “dọn nhà” gọn gàng, sạch đẹp để khách mãi muốn đến thăm. Điều này không chỉ có lợi cho ngành du lịch, mà nhìn toàn cục còn cho cả nền kinh tế của TP, bởi không nơi nào có thể phát triển nếu mọi người vẫn “vội vã” giả tạo, xã hội vì thế kém văn minh.

Các tin khác