Ứng phó thiên tai

Đang ngồi sàn nhà bỗng rung chuyển dữ dội, chúng tôi cố gắng bám chặt vào ghế, ráng sức chịu đựng. Nền đất dưới chân nảy chồm như ngựa bất kham đang ráng sức hất ngã chúng tôi, đồ vật, cửa kiếng rơi vỡ loảng xoảng... Nhìn sang đồng nghiệp, người nhắm mắt, người mím chặt môi, vẻ mặt căng thẳng như trong giây phút sinh tử. Sau 15 giây, cơn chấn động giảm dần, chúng tôi hoàn hồn nhìn bảng điện tử báo động mới biết cơn địa chấn vừa trải qua lên đến cấp 7. Chỉ 15 giây nhưng thời khắc đó với chúng tôi rất dài và không thể nào quên.

Đang ngồi sàn nhà bỗng rung chuyển dữ dội, chúng tôi cố gắng bám chặt vào ghế, ráng sức chịu đựng. Nền đất dưới chân nảy chồm như ngựa bất kham đang ráng sức hất ngã chúng tôi, đồ vật, cửa kiếng rơi vỡ loảng xoảng... Nhìn sang đồng nghiệp, người nhắm mắt, người mím chặt môi, vẻ mặt căng thẳng như trong giây phút sinh tử. Sau 15 giây, cơn chấn động giảm dần, chúng tôi hoàn hồn nhìn bảng điện tử báo động mới biết cơn địa chấn vừa trải qua lên đến cấp 7. Chỉ 15 giây nhưng thời khắc đó với chúng tôi rất dài và không thể nào quên.

Trải nghiệm kinh hoàng

May mắn, đây chỉ là buổi thực nghiệm giả định động đất tại Trung tâm Công dân Phòng chống thảm họa ở Fukuoka, do UN-HABITAT châu Á - Thái Bình Dương, Báo Nishinippon phối hợp tổ chức để đại biểu tham dự Hội nghị Nhà báo các thành phố châu Á lần thứ 6 được trải nghiệm.

Khi ngồi vào phòng thử nghiệm, chúng tôi đã chuẩn bị tâm lý vì được thông báo trước sự rung chuyển, tiếng rơi vỡ hay mảnh vụn lao thẳng vào mặt được tạo ra từ hiệu ứng kỹ thuật. Mọi chuyện trong tầm kiểm soát, được lập trình chu đáo, an toàn mà còn thất thần đến thế, huống chi ngoài đời thật. Người hướng dẫn cho biết cơn địa chấn thực sự có thể kéo dài cả 1-2 phút.

Khi bình tĩnh lại, tôi chợt rùng mình nghĩ đến những nạn nhân trong cơn địa chấn thật ở Đông Bắc Nhật Bản ngày 11-3 đã phải trải qua tình cảnh kinh hoàng khi động đất lên đến 9 độ richter, sóng thần ập tới, rồi rò rỉ phóng xạ. Có lẽ cảm giác của họ khi đối mặt với thảm họa kép không có lời nào diễn tả được.

Trưởng Sở Cứu hỏa TP Fukuoka Miura Yutaka kể cho chúng tôi nghe công tác cứu hộ sau thảm họa ngày 11-3. Các tỉnh, trong đó có Fukuoka đã nhanh chóng cử lực lượng chi viện lên miền Tohoku (Đông Bắc Nhật Bản). Là người trực tiếp có mặt ở hiện trường, ông Miura vẫn chưa hết xúc động khi nhớ lại cảnh tượng thê lương.

Ông cho chúng tôi xem những bức ảnh hoang tàn, đổ nát trong vùng vừa trải qua thảm họa và cho biết việc cứu hộ phải triển khai gấp rút trong vòng 7 ngày. Đây là “thời gian vàng”,  nếu không cứu kịp, sau 7 ngày khó nạn nhân nào có thể sống sót. Đến ngày thứ 6, đội của ông đã phát hiện nhiều thi thể và đưa những người xấu số về với gia đình.

Gần một tuần nhọc nhằn, đến ngày thứ 7, lúc cả đội gần như kiệt sức thì có tin phát hiện dấu vết nạn nhân còn sống. Niềm hy vọng bùng lên, mọi người lại lao vào tìm kiếm cứu hộ. Trong hoàn cảnh tận cùng bi thương ấy đã nổi lên những nghĩa cử hy sinh cao đẹp.

Khi đội cứu hộ đề nghị giúp đỡ những người sống sót sau thảm họa, một vị thị trưởng đã nói: “Chúng tôi ổn, tự lo được, xin các anh hãy đến cứu giúp vùng bị thiệt hại nặng hơn”.

Chủ động ứng phó

Người Nhật sống trên vành đai núi lửa, đã quen với chuyện động đất. Hôm 5-10, trận động đất khoảng 5 độ richter xảy ra ở Kumamoto (sát TP Fukuoka và nơi đây cũng xảy ra dư chấn chừng 2-3 độ richter nhưng mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường). Vì phải sống chung với động đất nên ngay từ nhỏ trẻ em Nhật Bản đã được huấn luyện kỹ năng ứng phó qua những cuộc thực tập sống động chứ không chỉ có lý thuyết suông.

Nhà cửa được xây dựng theo quy chuẩn chống động đất nghiêm ngặt. Và không thể không nhắc đến khả năng hồi phục sau thiên tai bằng một tinh thần Nhật Bản vẫn được thế giới khâm phục. Các trận động đất Great Hanshin 7,2 độ richter năm 1995 tàn phá thành phố Kobe, động đất 6,6 độ richter năm 2005 tàn phá Fukuoka, nhưng ngày nay sức sống ở 2 thành phố này đã che lấp mọi dấu tích của thảm họa.

Khi tham quan bảo tàng Great Hanshin ở Kobe, tôi được biết lưng ghế học sinh Nhật Bản có gắn túi cứu hộ và trong nhà người dân đất nước này luôn đặt các túi đồ dùng chứa những vật dụng cần thiết nhất dự phòng trường hợp bị kẹt và chờ cứu viện. Trong túi, ngoài nước, thực phẩm đủ dùng ít nhất 3 ngày, còn có đèn pin, còi báo, radio, mặt nạ phòng độc…

Khi tôi hỏi về hậu quả thảm họa động đất - sóng thần ngày 11-3, một số người Nhật cho biết họ không hoảng loạn vì thiên tai, mà hoảng sợ vì sự cố cháy nổ nhà máy điện hạt nhân Fukushima làm rò rỉ phóng xạ, một chuyện chưa ai từng trải ra và chưa có kinh nghiệm đối phó.

 Fukuoka gần như không còn dấu tích của trận động đất 6,6 độ richter năm 2005.

Fukuoka gần như không còn dấu tích của trận động đất 6,6 độ richter năm 2005. 

Nhìn người lại nghĩ đến ta. Trải qua cuộc thực nghiệm động đất chóng vánh và chứng kiến những gì người dân Nhật Bản chuẩn bị để sống chung với thảm họa thiên nhiên, tôi thấy chột dạ khi nghĩ về Việt Nam. Các nhà địa chất đã cảnh báo nước ta có nguy cơ xảy ra động đất lớn và gần đây đã xảy ra vài vụ địa chấn ở vùng núi phía Bắc.

Ngay cả những quốc gia ít có nguy cơ động đất cũng từng hứng chịu hậu quả năng nề của động đất - sóng thần. Không ai có thể quên trận động đất ở Indonesia năm 2004, kích hoạt chuỗi sóng thần lan tỏa khắp Ấn Độ Dương, cướp đi sinh mạng 225.000 người sinh sống ven biển thuộc 11 quốc gia và mang chết chóc đến tận cảng Elizabeth, Nam Phi bên bờ biển phía đông châu Phi, cách xa tâm chấn 8.000km. Là quốc gia biển, Việt Nam cần có sự chuẩn bị ứng phó kịp thời và hiệu quả trước những thảm họa tương tự.

Được biết, chương trình quốc gia phòng chống thiên tai của Việt Nam đã vận động được ngân sách trên 1 tỷ USD, nhưng những gì làm được để chuẩn bị ứng phó trong trường hợp động đất - sóng thần là quá ít. Ngày 18-10 mới đây, cuộc diễn tập báo động sóng thần với hơn 3.000 người tham gia được tổ chức tại Đà Nẵng.

Đó là tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên chưa đủ. Bởi rất nhiều cộng đồng dân cư sinh sống suốt bờ biển hình chữ S chưa được huấn luyện kỹ năng sống sót trong thảm họa và hệ thống dự báo, cảnh báo sớm vẫn chưa được đầu tư đúng mức.

Tại hội nghị nói trên, các đồng nghiệp của tôi từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Sri Lanka, Philippines… cũng có chung mối lo ngại này. Chia sẻ với chúng tôi, ông Noda Toshi, Giám đốc Văn phòng UN-HABITAT châu Á-Thái Bình Dương tại Fukuoka, nhấn mạnh những thảm họa thiên nhiên những năm gần đây cho thấy thiệt hại sẽ không riêng quốc gia nào gánh chịu, cho nên sự hợp tác quốc tế xây dựng hệ thống dự báo sớm thiên tai, đặc biệt là động đất - sóng thần và ứng cứu mang tầm quan trọng sống còn.

Đồng thời, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, mỗi quốc gia cần tăng cường nhận thức và khả năng phòng chống thiên tai cho cộng đồng.

Các tin khác