Ngược dòng tỷ giá

(ĐTTCO) -Trái với mọi dự đoán, trong những ngày cuối tháng 1-2016 (cuối năm âm lịch) tỷ giá USD/VNĐ được giao dịch thấp nhất trong 3 tháng qua. Nhiều ý kiến cho rằng đây là thành quả của NHNN sau 1 tháng áp dụng cơ chế “tỷ giá trung tâm”. Tuy vậy, cũng có quan điểm cho rằng đây là một diễn biến tự nhiên của các điều kiện kinh tế vĩ mô hơn là tác động từ chính sách.

(ĐTTCO) -Trái với mọi dự đoán, trong những ngày cuối tháng 1-2016 (cuối năm âm lịch) tỷ giá USD/VNĐ được giao dịch thấp nhất trong 3 tháng qua. Nhiều ý kiến cho rằng đây là thành quả của NHNN sau 1 tháng áp dụng cơ chế “tỷ giá trung tâm”. Tuy vậy, cũng có quan điểm cho rằng đây là một diễn biến tự nhiên của các điều kiện kinh tế vĩ mô hơn là tác động từ chính sách.

Lỗ vì giữ USD

Trao đổi với ĐTTC, anh Cường, Giám đốc tài chính một doanh nghiệp chế biến xuất khẩu lớn, than thở “thế là mất toi một số tiền lớn”. Số là vào thời điểm gần về cuối năm 2015, công ty của anh đang có trong tài khoản 3 triệu USD. Lúc đó tỷ giá đang giao dịch quanh mức 22.500 VNĐ/USD. Là người có khá nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính kinh tế và anh tin tỷ giá sẽ còn tăng nữa trong những tháng đầu năm 2016. Do vậy, anh đã tư vấn cho ban giám đốc công ty không trả trước khoản 60 tỷ đồng nợ vay của NH mà đợi đến khi tất toán hợp đồng vào đầu tháng 2-2016 để chờ tỷ giá tăng. Tuy vậy, mọi tính toán của anh đã không như ý khi vào cuối tháng 1 anh phải bán lượng USD trong tài khoản để trả nợ NH và bị mất gần 500 triệu đồng do tỷ giá VNĐ/USD đã giảm hơn 150 VNĐ/USD trong gần 1 tháng qua. Ngoài ra, anh cũng mất thêm khoảng 450 triệu đồng do phải chịu lãi suất tiền đồng trong gần 1 tháng. Như vậy, tổng số tiền công ty bị thiệt hại do quyết định “thiếu khôn ngoan” đó lên đến gần 1 tỷ đồng.

Trường hợp dự báo sai dẫn đến bị thiệt hại như công ty của anh Cường không phải là hiếm. Những diễn biến của tỷ giá trong thời gian qua dường như đã “lội ngược dòng” so với nhiều dự báo trước đó. Hiện trên website của Vietcombank đang niêm yết tỷ giá mua vào 22.165 VNĐ/USD và bán ra 22.235 VNĐ/USD. Như vậy, so với thời đỉnh điểm cách đây gần 1 tháng tỷ giá đã giảm 200-300 VNĐ/USD. Nếu chỉ xét riêng trong 3 ngày qua tỷ giá USD/VNĐ đã giảm 100-120 đồng. Trong khi đó theo NHNN  tỷ giá trung tâm áp dụng cho ngày 29-01-2016 là 21.881 đồng, giảm tiếp 5 đồng so với hôm trước. Đây là phiên thứ tư liên tiếp NHNN điều chỉnh giảm tỷ giá trung tâm. So với ngày đầu tuần, tỷ giá trung tâm đã giảm 29 VNĐ/USD.

 Tỷ giá hạ nhiệt do cung lớn

Không chỉ trường hợp của doanh nghiệp anh Cường, nhiều người dân và doanh nghiệp ở thời điểm cuối năm 2015 cũng có chung cách nghĩ là tỷ giá sẽ tiếp tục lên. Do đó họ đã không bán lượng ngoại tệ trong túi của mình khi chưa thực sự cần thiết mà giữ ngoại tệ để chờ đợi. Và khi đến thời điểm cuối năm âm lịch buộc phải tất toán các khoản vay phải trả cho khách hàng nên phải bán USD ra thị trường. Điều này đã làm cho cung ngoại tệ trong thời gian qua tăng mạnh dẫn tới tỷ giá trên thị trường lao dốc. Cũng có ý kiến cho rằng tỷ giá hạ nhiệt do nguồn cung đô la kiều hối tại các NH thời điểm cuối năm đang khá tốt. Lãnh đạo một công ty kiều hối trực thuộc NH cho biết lượng kiều hối chuyển về qua đơn vị của ông lên đến 50 triệu USD chỉ trong tháng 1-2016, tăng mạnh so với mức bình quân hơn 40 triệu USD/tháng của năm trước.

Một nguyên nhân khác là những diễn biến trên thị trường cho thấy thời gian qua xuất hiện một lực bán ngoại tệ từ các NH lớn như BIDV, VietinBank, MB, Sacombank, Eximbank. Điều này làm cho nguồn cung ngoại tệ trên thị trường tăng lên dồi dào và dẫn đến tỷ giá hạ nhiệt so với trước. Lý giải về việc hạ nhiệt của tỷ giá, Phó Thống đốc NHNN bà Nguyễn Thị Hồng cho biết tỷ giá giảm bởi thanh khoản thị trường đang dư thừa, trong khi đó nhu cầu ngoại tệ giảm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Giới phân tích cũng nhận định thời gian qua nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài rót vốn mạnh vào Việt Nam và một số công ty nước ngoài chuyển vốn để thực hiện các thương vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp với trị giá lớn. Điển hình mới đây là thông tin về 2 lần chuyển vốn từ thương vụ giữa Tập đoàn Singha và Tập đoàn Masan với số tiền thật vừa được công bố lên đến 650 triệu USD, bao gồm 50 triệu USD để sở hữu 33,3% cổ phần Masan Brewery và 600 triệu USD để sở hữu 14,3% cổ phần Masan Consumer Holdings. Sau đợt này, Singha sẽ góp thêm 450 triệu USD trong đợt tiếp theo.

Không ít người cho rằng tỷ giá giảm trong tháng qua do áp dụng chính sách tỷ giá trung tâm của NHNN. Chính sách tỷ giá mới này đã làm cho việc nắm giữ ngoại tệ trở nên rủi ro hơn do vậy ngăn chặn phần nào tâm lý đầu cơ trên thị trường. Thực tế cũng cho thấy, việc để tỷ giá trung tâm biến động một cách linh hoạt chứ không một chiều đi lên như trước đây đã làm cho người mua bán ngoại tệ nếu “không đúng thời điểm” bị thiệt hại không nhỏ. Tuy vậy, xét về mặt tỷ giá thì rõ ràng thời gian qua tỷ giá trung tâm đã tăng 0,53% so với đầu năm. Như vậy, diễn biến của tỷ giá trung tâm không phải là yếu tố ảnh hưởng đến việc hạ nhiệt tỷ giá.

Các tin khác