KỶ NIỆM 60 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7-5-1954 - 7-5-2014)

Trận thắng mở lối tương lai

LTS: Ngày 6-12-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp nghe Tổng Quân ủy báo cáo quyết tâm, kế hoạch tấn công Điện Biên Phủ. Tại cuộc họp, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị đã chỉ thị: "Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực để chi viện cho chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch...". Với khí thế đó, trong mùa khô 1953 -1954, cả nước cùng ra mặt trận.

LTS: Ngày 6-12-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp nghe Tổng Quân ủy báo cáo quyết tâm, kế hoạch tấn công Điện Biên Phủ. Tại cuộc họp, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị đã chỉ thị: "Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực để chi viện cho chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch...". Với khí thế đó, trong mùa khô 1953 -1954, cả nước cùng ra mặt trận.

Tất cả cho tiền tuyến

Để bảo đảm một khối lượng lớn vũ khí, lương thực, thực phẩm và thuốc quân y cho mặt trận trong điều kiện hệ thống đường giao thông và phương tiện chuyên chở bằng cơ giới chưa đáp ứng được yêu cầu của mặt trận, Hồ Chủ tịch và Bộ Chính trị đã đưa ra những giải pháp quyết đoán, khẩn trương: Một mặt động viên nhân dân vùng cao Tây Bắc ra sức tiết kiệm để đóng góp tại chỗ; mặt khác phát động rộng rãi phong trào toàn dân tham gia mở những tuyến đường mới, sửa sang những tuyến đường đã có, vận động nhân dân đi tiếp lương tải đạn.

Chính phủ đã huy động tối đa các phương tiện vận chuyển thô sơ, như ngựa thồ, xe đạp thồ, thuyền mảng vào việc vận tải, giảm đến mức thấp nhất lượng thực phẩm tiêu thụ dọc đường do dân công gánh bộ. Theo kinh nghiệm phục vụ chiến dịch Tây Bắc (năm 1952), để mang được 1kg gạo tới mặt trận phải có 24kg gạo cho người vận chuyển ăn dọc đường. Theo đó, để có đủ gạo và thực phẩm tối thiểu cho các đại đoàn tham chiến trong cả chiến dịch, phải cần 4.200 tấn gạo (chưa kể lượng gạo phục vụ lực lượng thanh niên xung phong và dân công), 130 tấn rau, 100 tấn thịt, 12 tấn đường và 80 tấn muối.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, hàng triệu thanh niên xung phong, dân công từ các vùng tự do các tỉnh đồng bằng Bắc bộ và Liên khu 4 đã nô nức ra mặt trận cùng hơn 20.000 xe đạp thồ, 10.000 bè mảng đã được huy động.

Tượng đài Quyết chiến Quyết thắng tại Điện Biên. Ảnh: LTT

Tượng đài Quyết chiến Quyết thắng tại Điện Biên. Ảnh: LTT

Để khắc phục những khó khăn đường sá trong vận chuyển, Hồ Chủ tịch đã chỉ đạo Chính phủ giao các tỉnh tổ chức sửa chữa, nâng cấp tuyến đường 13 từ Yên Bái lên Tạ Khoa, tới ngã ba Cò Nòi và tuyến đường 41 từ Mộc Châu lên Sơn La; giao Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo các đơn vị công binh tổ chức sửa chữa và nâng cấp tuyến đường 41 còn lại, từ Sơn La đi Tuần Giáo và từ Tuần Giáo lên Điện Biên Phủ.

Chỉ sau hơn 1 tháng, bộ đội và dân công đã mở rộng tuyến đường Tuần Giáo - Điện Biên Phủ dài 82km, để xe kéo pháo có thể vào gần mặt trận, chỉ cách cánh đồng Mường Thanh 15-18km.

Đánh chắc, thắng chắc

Ngày 14-1-1954, tại Sở Chỉ huy chiến dịch đặt ở hang Thẩm Púa nằm dưới chân dãy núi đá vôi Pú Hồng Cáy, thuộc bản Pó, xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã phổ biến kế hoạch tác chiến trên sa bàn cho các đại đoàn chủ lực theo phương châm "đánh nhanh, thắng nhanh", đã được Đảng ủy, Bộ Chỉ huy chiến dịch và Ban Cố vấn Trung Quốc do đồng chí Vi Quốc Thanh phụ trách thông qua.

Dự kiến chiến dịch sẽ khai hỏa vào ngày 25-1-1954. Tuy nhiên, thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn nhớ lời căn dặn của Bác "Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh” làm kim chỉ nam cho mọi hành động.

Sau 10 ngày đêm suy nghĩ, cân nhắc kỹ lưỡng trước tình hình thực tế của địch và của ta, Đại tướng đã đưa ra quyết định... lui quân. Với trọng trách là Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng chiến dịch, Đại tướng đã quyết định chuyển từ phương châm “đánh nhanh, tiến nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, để bảo toàn lực lượng và để chắc thắng.

Xét thấy không còn thời gian xin ý kiến Bộ Chính trị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã triệu tập hội nghị Đảng ủy mặt trận để triển khai kế hoạch tác chiến mới. Sau đó, toàn mặt trận được lệnh rút về vị trí xuất phát, tiếp tục củng cố các trận địa pháo, xây dựng hệ thống hầm hào chiến đấu kiên cố, tạo thành vòng vây khép kín các cứ điểm của địch.

Khi thấy mọi yếu tố để bảo đảm cho chiến dịch chắc thắng đã được chuẩn bị kỹ, Đại tướng Tổng tư lệnh quyết định nổ súng tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vào ngày 13-3-1954. Trong lúc các chiến sĩ ngoài mặt trận tấn công tiêu diệt 3 cứ điểm vòng ngoài của địch, tại chiến khu Việt Bắc đã diễn ra cuộc gặp gỡ đặc biệt giữa Bác Hồ với đạo diễn điện ảnh Roman Carmen.

Và ngay sau đó Roman Carmen lên Điện Biên Phủ để kịp làm bộ phim hoành tráng “Việt Nam trên đường thắng lợi”. Trong những ngày bộ đội, dân công và thanh niên xung phong chiến đấu và phục vụ chiến đấu rất dũng cảm, giành giật với địch từng góc chiến hào, từng tấc đất, Bác Hồ đã viết thư, gửi điện thăm hỏi, căn dặn, động viên cổ vũ bộ đội, dân công ngoài mặt trận và thường xuyên theo dõi diễn biến chiến dịch, nắm bắt tin tức từ mặt trận.

Để đi đến toàn thắng, trận quyết chiến chiến lược Điện Biện Phủ đã diễn ra 3 đợt. Đợt 1: từ ngày 13 đến 17-3-1954, quân đội ta đã tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam và Độc Lập, phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; tiêu diệt và bắt sống trên 2.000 tên địch, phá hủy 25 máy bay, xóa sổ 1 trung đoàn, uy hiếp sân bay Mường Thanh. Pirốt, Tư lệnh Pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ bất lực trước pháo binh của ta, đã dùng lựu đạn tự sát.

Hầm chỉ huy quân Pháp tại Điện Biên Phủ. Ảnh: LTT

Hầm chỉ huy quân Pháp tại Điện Biên Phủ. Ảnh: LTT

Đợt 2: Từ ngày 30-3 đến 30-4-1954, quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm phía Đông phân khu trung tâm, thắt chặt vòng vây, chia cắt và liên tục tiến công, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện bằng máy bay của địch cho tập đoàn cứ điểm.

Đây là đợt tấn công dai dẳng, dài ngày nhất, quyết liệt nhất, gay go nhất. Ta và địch giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào. Đặc biệt tại đồi C1 ta và địch quyết chiến tới 20 ngày, đồi A1 tới 30 ngày. Sau đợt tấn công thứ 2, khu trung tâm Điện Biên Phủ đã nằm trong tầm bắn các loại súng của ta, quân địch rơi vào tình trạng bị động, tinh thần hoảng loạn.

Đợt 3: Từ ngày 1 đến 7-5-1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đêm 6-5-1954, tại đồi A1 trận chiến đấu giữa ta và địch diễn ra quyết liệt, quân ta ào ạt xông lên tiêu diệt các lô cốt và dùng thuốc nổ phá các hầm ngầm kiên cố của địch. Tên quan Tư lệnh chỉ huy đồi A1 và khoảng 400 tên địch còn sống sót đã phải đầu hàng.

17 giờ 30 phút ngày 7-5-1954, ta chiếm Sở chỉ huy của địch, Tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra hàng. Lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Ngay trong đêm đó quân ta tiếp tục tiến công phân khu Nam, đánh địch trên đường tháo chạy về Thượng Lào, đến 24 giờ toàn bộ quân địch đã bị bắt làm tù binh.

Kỳ tích thời đại Hồ Chí Minh

Sau 55 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ô tô và toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang quân dụng của địch. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã giáng đòn quyết định, đập tan nỗ lực cuối cùng của thực dân Pháp, trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Genève chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Một nửa đất nước được giải phóng, mở ra thời kỳ cách mạng mới đưa miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Di tích hố bộc phá: Vào lúc 20 giờ 30 ngày 6-5-1954, bộ đội ta đã cho nổ khối bộc phá nặng 960kg trong đường hầm đào xuyên lòng đồi A1. Sức nổ của khối bộc phá đã tiêu diệt 1 đại đội lính Pháp chiếm giữ cứ điểm cuối cùng này. Sóng xung kích được tạo ra đã làm số quân Pháp còn lại bị choáng váng. Thừa cơ, Trung đoàn 174 đã tấn công đánh chiếm toàn bộ cứ điểm A1 vào lúc 4 giờ 30 phút ngày 7-5-1954. Tiếng nổ của khối bộc phá này còn là hiệu lệnh tổng công kích đợt cuối cùng của chiến dịch Điện Biện Phủ. Ảnh: LTT

Di tích hố bộc phá: Vào lúc 20 giờ 30 ngày 6-5-1954, bộ đội ta đã cho nổ khối bộc phá
nặng 960kg trong đường hầm đào xuyên lòng đồi A1. Sức nổ của khối bộc phá
đã tiêu diệt 1 đại đội lính Pháp chiếm giữ cứ điểm cuối cùng này. Sóng xung kích
được tạo ra đã làm số quân Pháp còn lại bị choáng váng. Thừa cơ, Trung đoàn 174
đã tấn công đánh chiếm toàn bộ cứ điểm A1 vào lúc 4 giờ 30 phút ngày 7-5-1954.
Tiếng nổ của khối bộc phá này còn là hiệu lệnh tổng công kích đợt cuối cùng
của chiến dịch Điện Biện Phủ. Ảnh: LTT

Tiếp nối chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, dân tộc ta đã viết tiếp bản anh hùng ca chói lọi trong thời đại Hồ Chí Minh: Lập chiến công hiển hách trận Điện Biên Phủ trên không năm l972; Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Non sông thu về một mối, đưa đất nước ta tiến lên một tầm cao mới, tích cực hội nhập, xây dựng cuộc sống ấm no giàu đẹp.

Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhân dân ta vô cùng tự hào những thành tựu đất nước đạt được. Các thế hệ đi trước không cam chịu làm nô lệ, đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí dũng cảm, sáng tạo đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, hoàn thành vẻ vang sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Các thế hệ ngày nay quyết tâm phát huy tinh thần Điện Biên Phủ, dám nghĩ, dám làm, năng động sáng tạo trong sự nghiệp đổi mới, lập nên kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng đất nước ấm no, giàu mạnh và bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng mà các thế hệ đi trước đã không tiếc xương máu bồi đắp.

Các tin khác