Trai tân

Chiếc Mercedes êm ru, trườn khỏi con dốc, lao về xóm Đò dừng lại giữa sân kho cũ. Đám trẻ làng ùa ra, reo lên:

Chiếc Mercedes êm ru, trườn khỏi con dốc, lao về xóm Đò dừng lại giữa sân kho cũ. Đám trẻ làng ùa ra, reo lên:

- Xe bà Đen, bà Đen về. Ra ăn kẹo đi chúng mày ơi.

Lần nào cũng vậy, bà Mi về quê là chia kẹo cho lũ trẻ rồi dặn đi dặn lại:

- Tên bà là Mi, phải gọi bà Mi nghe chưa?

Vậy mà lũ trẻ vẫn không nhớ nổi. Với chúng, cái tên bà Đen thân thiện và gần gũi hơn nhiều.

 

Làng Đò nằm heo hút bên bờ sông Luộc bỗng trở nên ồn ào, rộn rã kể từ ngày bà Mi bị các con ép đi bước nữa với một “đại gia” ở mãi Hà Nội. Nghe đâu đó là bạn một thời của ông Đen, chồng cũ của bà.

Không biết có đúng không nhưng thế là vợ một người nông dân nghèo bỗng nhiên trở thành phu nhân 1 “đại gia” nhà cao cửa rộng, làm cả họ bà Mi mở mày mở mặt với thiên hạ.

Bà Mi là bà cô họ nhà tôi, nên tôi cũng biết chút ít về gia đình bà. Riêng chuyện ông Đen để lại cái di chúc ảo ảo, hư hư cứ như chuyện cổ tích thì tôi chưa rõ lắm... Nói đến ông Đen làng tôi có ai không biết. Ông là người chịu thương, chịu khó và rất khỏe mạnh.

Chuyện kể lại: "Đã có lần ông đi cày từ nửa đêm với con trâu đực mộng to béo đến tận trưa nắng. Trâu lồng lên, quăng quật đánh tháo mà ông vẫn như không. Cuối cùng con trâu không chịu được, lăn ra chết, ông vẫn ung dung uống hết hàng lít rượu mà không hề hấn gì.

Cuộc đời ông giống như một cơn bão. Lúc thì ào ào gió cấp 12, đi đến đâu cũng gây ra những gãy đổ. Lúc lại như gió cấp 5, cấp 6 mát rượi cho những ngày nắng nóng. Việc làng việc xóm ai nhờ gì ông đều nhiệt tình giúp đến nơi đến chốn. Người ta vẫn nói đùa ông là trai tân của làng. Ông cao to như cột đình, vai rộng, tay chân rắn chắc như tay đòn tre đực già. Ông làm việc còn hơn cả con trai chưa vợ, nhiệt tình và chăm chỉ”.

Lần nào về quê bà Mi cũng tìm tôi tâm sự. Một phần vì muốn nghe ngóng xem người quê có xì xào bàn tán gì về bà không. Một phần vì những bức xúc trên phố không nói được với ai. Với lại tôi cũng là người kín miệng.

Bước xuống xe, bà Mi ấn vội cái áo khoác vào tay tôi rồi bước vào nhà, miệng toang toác: "Sống với ông Đen nhà mày thật sung sướng. Không cần gì nhiều lắm đến xưng hô anh em làm gì cho sáo rỗng. Cứ tao và mày từ ngày lấy nhau cho đến khi ông qua đời, đơn giản và dễ gọi. Nói thật cái triết lý tình yêu đơn giản của ông Đen giờ tao mới hiểu. Trong lòng tao vẫn yêu ông Đen. Nếu không vì con cháu tao không đi bước nữa".

Thắp thêm tuần nhang, bà Mi như thấy lại tất cả cái giây phút sắp ra đi của ông Đen. Làm bạn đời với ông, bà sinh được 3 thằng con trai. Chúng cũng chịu thương chịu khó, nhưng sự chịu thương chịu khó của nhà nông không thể làm giàu. Cái nghèo luôn bám đuổi gia đình bà.

Ngày ông Đen sắp ra đi, bà con chòm xóm đến thăm hỏi, ông phều phào buồn bã tâm sự: “Tôi có lỗi với vợ tôi. Cái sẹo trên mặt bà ấy là do tôi gây ra. Chỉ mong sao có tiền để đưa bà ấy đi phẫu thuật chuộc lại lỗi lầm này”. Rồi ông khóc như một đứa trẻ, ôm lấy vợ trong cơn đau quằn quại. Ông trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 59 tuổi, không kịp thực hiện ý nguyện chuộc lỗi với vợ.

Đám ma ông Đen không ngờ lại đông nhất làng. Gần 200 mâm cơm giò chả với trên 80 vòng hoa của các hội đồng ngũ, đồng niên, đồng hương, đồng nghiệp, đồng môn... Rồi hội hiếu tổ tình nghĩa, tổ liên gia của vợ chồng và con cháu ông.

Đám tang của ông cũng có rất nhiều sự lạ. 2 bát hương, cái ở nhà, cái ở mộ đều bốc cháy đùng đùng. Chưa trả xong xe tang thì thằng cháu ngoại đi xe máy lúc về đâm vào cột điện ngã lăn ra, đầu bê bết máu phải đưa đi bệnh viện cấp cứu. Thế rồi, mới qua tuần đầu, thằng con cả đi xây nhà ngã dàn giáo gẫy tay.

Người ta đồn ầm lên là ông Đen viết di chúc dặn lại các con những gì mà chúng nó không làm mới ra như thế. Cái di chúc được chắp vá thêm bao chuyện. Có cả chuyện dùng tiền phúng viếng đưa bà Mi đi thẩm mỹ viện để căng lại da mặt cho hết cái sẹo...

Lần giỗ này bà Mi ước tính mở 200 mâm để linh hồn ông Đen dưới suối vàng hả hê vì sự giàu có của con cháu ông. Mãi gần chiều cắt đặt công việc xong, bà Mi lại kéo tôi ra góc vườn tâm sự. Tôi đánh bạo hỏi về cái đoạn di chúc làm sắc đẹp của bà.

Bà Mi cười toáng lên, cái miệng chu ra, tóp tép kể: “Chắc mày cũng biết là làm gì có cái bản di chúc nào nên mới hỏi thế phải không. Nói thật: Làm chó gì có. Tất cả là ở thằng Soa ra hết. Nó đi xây nhà cho ông chồng tao bây giờ. Thấy hoàn cảnh người ta vợ và con cái chết hết, nó ép tao đi chỉnh trang lại sắc đẹp.

Cái thằng thế mà biết lo xa, thương mẹ. Mà việc nó dàn xếp cho tao gặp ông ấy cũng thật khéo. Lớp trẻ bây giờ “a còng” lắm. Mà có thế nó mới có con mẹc mà đi”.

Nghĩ một chút, bà thì thào: “Mày biết không căng da mặt đơn giản lắm. Họ mổ theo đường chân tóc và phía dưới cằm chỉ khoảng 3 tiếng là xong”. Tôi dụi mắt cố nhìn vết sẹo trên mặt bà mà chịu, không thấy.

Bà tiếp: “Ông Đen nhà mày thế mà khỏe, thoải mái trong nói năng, tâm sự lúc nào cũng sung sức như trai tân ấy. Yêu ra yêu không mơn trớn vớ vẩn. Đến bây giờ tao mới hiểu vì sao mấy cô công chức lại cứ đi ngoại tình với mấy thằng chăn vịt”. Tôi ngồi nghe bà nói mà tròn mắt. Đúng là không thể gọi bà là bà Đen được nữa.

Ngày giỗ ông Đen rồi cũng qua đi. Bà Mi lại về phố làm phu nhân. Bà gửi lại số tiền ủng hộ cho làng làm con đường ra nghĩa địa và xây dựng chùa làng.

Ngôi mộ ông Đen cũng được xây dựng to đẹp nhưng bên cạnh không có ngôi mộ chờ của vợ như mọi nhà khác. Có thể xuống đó ông Đen lại trở thành trai tân thật rồi chăng?

Các tin khác