Trách nhiệm viết về nông thôn

Sự nghiệp phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn cùng với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đang đặt ra trách nhiệm đối với toàn xã hội. Giới cầm bút cũng không thể đứng ngoài cuộc. Sức sống và vẻ đẹp làng quê Việt Nam vừa là đối tượng phản ánh vừa là đối tượng thụ hưởng của những trang viết có trách nhiệm với cộng đồng. Nhìn lại những tác phẩm đã viết về tam nông để thấy rằng, đơn đặt hàng từ sau lũy tre làng hôm nay đầy hào hứng và cũng đầy thử thách.

Sự nghiệp phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn cùng với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đang đặt ra trách nhiệm đối với toàn xã hội. Giới cầm bút cũng không thể đứng ngoài cuộc. Sức sống và vẻ đẹp làng quê Việt Nam vừa là đối tượng phản ánh vừa là đối tượng thụ hưởng của những trang viết có trách nhiệm với cộng đồng. Nhìn lại những tác phẩm đã viết về tam nông để thấy rằng, đơn đặt hàng từ sau lũy tre làng hôm nay đầy hào hứng và cũng đầy thử thách.

Không kể thơ và truyện ngắn, chỉ tính riêng thể loại tiểu thuyết, đã có hàng loạt tác phẩm viết về nông thôn Việt Nam giữa bối cảnh lao động và chiến đấu trong suốt thế kỷ 20, với nhiều chấm phá sinh động như: Bếp lửa đỏ của Nguyễn Văn Bổng, Đất chuyển của Nguyễn Khắc Thứ, Cái sân gạch và Vụ lúa chiêm của Đào Vũ, Những người cùng làng của Vũ Cao, Bám đất của Vân An, Mở đất của Khái Hùng, Quê mới của Dân Hồng, Cửa sông của Nguyễn Minh Châu, Thôn ven đường của Xuân Thiều, Vùng cao của Đỗ Quang Tiến, Không chịu sống quỳ của Nguyễn Hải Trừng, Vùng quê yên tĩnh của Nguyễn Kiên, Đất trong làng của Đinh Quang Nhã, Đất mặn của Chu Văn… Thậm chí có những tiểu thuyết không chỉ phản ánh không gian nông thôn một cách chung chung mà đã có những cái nhìn cận cảnh từng lĩnh vực, ngành nghề. Thí dụ, Ao làng của Ngô Ngọc Bội viết về mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình hợp tác hóa nông nghiệp, còn Bạch đàn của Lê Phương viết về những người tiên phong trong công cuộc phủ xanh đồi trọc ở một lâm trường.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa. 

Sự dị biệt giữa miền đất đỏ Đông Nam bộ và miền sông nước Tây Nam bộ đã xuất hiện những nét đặc sắc riêng trong văn học. Cảnh vật và con người Tây Nam bộ trong Đất rừng phương Nam và Cá bống mú của Đoàn Giỏi, hoặc Chim quyên xuống đất và Xóm Bầu Láng của Sơn Nam hoàn toàn có cái duyên khác hẳn cảnh vật và con người Đông Nam bộ trong Cỏ mọn hoa hèn và Nắng bên kia làng của Lý Văn Sâm hoặc Rừng mắm và Đò dọc của Bình Nguyên Lộc. Đây là một ưu điểm của sáng tạo văn học, giúp phân định và gìn giữ sự đa dạng của nền văn hóa Việt Nam.

Hầu như không có cây bút nổi tiếng nào không viết về nông thôn. Nhiều tác giả đã bám chặt thực tế nông thôn để sáng tác. Như tiểu thuyết Bốn năm sau viết năm 1959 của Nguyễn Huy Tưởng đề cập đến chuyện bộ đội về lại chiến trường Điện Biên Phủ để làm nông nghiệp với chia sẻ sâu sắc về khó khăn của người cầm cày cũng không thua gì gian nan của người cầm súng. Trong khi tiểu thuyết Chủ tịch huyện viết năm 1972 của Nguyễn Khải lại băn khoăn làm sao xây dựng con người văn minh sau lũy tre thân thiện khi bom đạn chấm dứt.

Giới cầm bút có quyền tự hào đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển nông thôn. Bởi lẽ, có không ít tác giả mà trang viết của họ chiếu rọi khá đầy đủ một giai đoạn lịch sử của làng quê Việt Nam. Nhà văn Nguyễn Công Hoan có thể xem như một trường hợp tiêu biểu. Cuộc đời 74 năm của Nguyễn Công Hoan từ tác phẩm đầu tay Kiếp hồng nhan cho đến khi qua đời năm 1977, đã mang đến cho công chúng hàng loạt truyện ngắn và tiểu thuyết sinh động về nông thôn. Bên cạnh tác phẩm Bước đường cùng xuất sắc với bút pháp hiện thực phê phán, Nguyễn Công Hoan chủ tâm lột trần sự hà hiếp của địa chủ với nông dân qua tác phẩm Ông chủ viết năm 1935 và tác phẩm Nông dân và địa chủ viết năm 1955. Ngoài ra, thân phận người nông dân còn được Nguyễn Công Hoan dày công thể hiện qua tác phẩm Tranh tối tranh sáng viết năm 1956 và tác phẩm Hỗn canh hỗn cư viết năm 1961.

Dẫu muốn dẫu không, chúng ta vẫn phải thừa nhận nông thôn đang bị thử thách bởi công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Nông thôn hôm nay đã khác với nông thôn thời Lê Lựu viết Thời xa vắng, thời Dương Hướng viết Bến không chồng, thời Nguyễn Khắc Trường viết Mảnh đất lắm người nhiều ma, hoặc thời Đào Thắng viết Dòng sông mía. Viết về nông thôn hôm nay phải mổ xẻ được những hoài nghi và những mất mát trong cuộc vật lộn không ngơi nghỉ giữa cái thiện và cái ác, giữa cái đôn hậu muôn đời và cái ranh ma bột phát. Nếu cứ tô hồng không thể thấy hết diện mạo nông thôn chứa đựng từng niềm vui, nỗi buồn của nông dân cần cù và lam lũ. Vì sao Mạc Ngôn được trao giải Nobel văn học? Không hề có cải tiến bút pháp, cũng không hề phô diễn xã hội xa hoa phù phiếm, Mạc Ngôn tập trung viết về nông thôn Trung Quốc để cảnh báo với nhân loại rằng, nơi nào càng tăm tối nhân phẩm càng dễ bị vùi dập. Cho nên, người Việt Nam cần dùng ánh mắt thiện chí để nhìn nhận cụ thể tiến trình thay đổi đau đớn nhằm vươn lên của nông thôn trong từng trang viết. Theo thời gian, tiến trình ấy được thể hiện qua Mười năm của Tô Hoài viết về vùng ngoại ô Hà Nội, đến Cái đêm hôm ấy đêm gì của Phùng Gia Lộc viết về vùng quê nghèo Thanh Hóa, rồi Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư viết về vùng tràm đước Cà Mau.

Trách nhiệm với nông thôn, không chỉ đòi hỏi tài năng mà còn đòi hỏi bản lĩnh của nhà văn. Nhà văn Sao Mai và nhà văn Vũ Bão đều rất gắn bó với nông thôn. Khi sự kiện cải cách ruộng đất diễn ra gây nhiều hệ lụy cho nông dân, không hẹn mà hai ông đều lên tiếng cảnh tỉnh: Sao Mai viết Thôn Bầu thắc mắc và Vũ Bão viết Sắp cưới. Dũng khí này của hai ông càng đáng trân trọng khi sau đó công chúng vẫn được đọc thêm những tác phẩm ấm áp hơn viết về nông thôn như Làng cao của Sao Mai và Mãi cùng bến đò của Vũ Bão.

Quá trình đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh. Đời sống nông thôn thời hội nhập chính là mảnh đất màu mỡ cho các cây bút trưởng thành.

Các tin khác