Tôi kể chuyện này

Cuộc sống vẫn tiếp diễn nhưng ký ức về “Hà Nội những ngày đêm năm 1972” sẽ còn mãi trong trí nhớ của nhiều thế hệ người Hà Nội, nhân chứng sống về những trận ném bom bắn phá miền Bắc cuối năm 1972. Vì thế, lần đầu tiên triển lãm về những vật dụng làm từ những mảnh vỡ của máy bay Mỹ, từ những chiếc vỏ đạn pháo, xác bom bi… vừa được tổ chức tại Hà Nội trong những ngày này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân thủ đô.

Cuộc sống vẫn tiếp diễn nhưng ký ức về “Hà Nội những ngày đêm năm 1972” sẽ còn mãi trong trí nhớ của nhiều thế hệ người Hà Nội, nhân chứng sống về những trận ném bom bắn phá miền Bắc cuối năm 1972. Vì thế, lần đầu tiên triển lãm về những vật dụng làm từ những mảnh vỡ của máy bay Mỹ, từ những chiếc vỏ đạn pháo, xác bom bi… vừa được tổ chức tại Hà Nội trong những ngày này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân thủ đô.

Những ký ức bi tráng

Có quá nhiều cảm xúc trong lễ khai mạc triển lãm “Tôi kể chuyện này”. Trong một không gian có phần hơi hẹp của phòng trưng bày, người ta có thể tìm thấy một mảnh dù pháo sáng, những chiếc hòm chứa đạn, vỏ một quả bom lép đã được rút ngòi dùng làm kẻng báo tan ca… để cùng gợi nhớ về những năm tháng chưa xa ấy.

Bà Ngô Thanh Mai, một giáo viên đã nghỉ hưu, người đã từng sống ở Hà Nội vào những thời khắc lịch sử ấy, nhớ lại: Trong 12 ngày đêm ấy, vào dịp lễ Giáng sinh năm 1972 hàng trăm chiếc B52 thay phiên nhau ném bom các mục tiêu ban ngày, chỉ có máy bay chiến thuật tấn công vào trận địa phòng không và chống lại các máy bay Mig của Việt Nam do Liên Xô cung cấp.

Cả Hà Nội là một đống đổ nát ngổn ngang, một khung cảnh hoang tàn xảy ra chỉ trong thời gian ngắn. Cầu Long Biên, tuyến đường huyết mạch nối Hà Nội với bờ Bắc sông Hồng bị bom phá hủy nhiều nhịp. Nhà ga, sân bay, cầu đường cũng là những mục tiêu phải hứng chịu mưa bom từ máy bay Mỹ. Ngày 21-12-1972, ga Hàng Cỏ bị đánh bom. Những quả bom điều khiển bằng laser đã trút xuống nhà ga và các phố lân cận như Lý Thường Kiệt, Trần Quý Cáp, Nguyễn Khuyến… Các khu lao động quanh Hà Nội như Đông Anh, Uy Nỗ… cũng ngập chìm trong mưa bom.

Giờ đây, 40 năm sau những ngày tháng lịch sử ấy, Anh hùng Phạm Tuân vẫn không quên được những hình ảnh về một Hà Nội đổ nát trong sáng 19-12-1972. Ông tâm sự: Sau trận đánh đêm 18-12 (đêm đó với chiếc MiG 21, Phạm Tuân đã hạ pháo đài bay B-52 ngay trên bầu trời Hà Nội) chúng tôi được lệnh trở về Gia Lâm bằng ô tô, lúc đó tôi được tận mắt thấy cả Hà Nội tan hoang.

Đi đến Đông Anh thì đổ nát, không còn đường đi nữa, đành phải quay trở về Đa Phúc để di chuyển bằng trực thăng. Lúc trực thăng mở rộng vòng bay để thấy được Hà Nội, tất cả chúng tôi đều có chung cảm giác quặn đau khi Hà Nội thương yêu giờ đã trở thành một đống đổ nát, hoang tàn.

Người dân Hà Nội tham quan kỷ vật chiếc xe đạp có đôi vành được chế tác từ vỏ bom bi. Ảnh: M.AN

Người dân Hà Nội tham quan kỷ vật chiếc xe đạp có đôi vành được chế tác từ vỏ bom bi.
Ảnh: M.AN 

Đau thương, đổ nát, song sau đợt ném bom, người Hà Nội vẫn chuẩn bị đón Tết Nguyên đán như bình thường, người xem như lặng đi trước nụ cười, ánh mắt tươi rói của trẻ thơ đang chờ đón Tết.

Trên những con phố dù chiến tranh vẫn còn hiện hữu, cái chết rình rập đâu đó nhưng người chụp ảnh không khó để bắt gặp những hình ảnh đẹp với ánh mắt đầy ngưỡng mộ - một dân tộc kiên cường, vẫn nở nụ cười dù cuộc chiến vừa qua, mùi thuốc súng vẫn còn phảng phất trên đường phố.

Pháo đài bay thành vật dụng hàng ngày

  Dù cuộc chiến tranh phá hoại vô cùng ác liệt nhưng người dân Hà Nội vẫn lạc quan và cuộc sống vẫn tiếp diễn. Điều này cũng để lý giải nguyên nhân vì sao Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, người đã sống sót tại Hà Nội năm 1972, đã từng đứng giữa lằn ranh của sự sống và cái chết với hố bom cách nóc nhà chưa đầy 10m lại có niềm đam mê sưu tầm những kỷ vật chiến tranh bình dị như thế.

Triển lãm như một gợi ý cho lớp người đã tham gia hoặc đã sống trong những năm tháng đó, những người được chứng kiến có thể bàn luận thêm về chuyện của họ, của đồng đội, của người dân trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, khi người dân Thủ đô sống trong bom đạn Mỹ; bệnh viện Bạch Mai, phố Giáp Bát, Phương Liệt, Khâm Thiên, khu lao động An Dương và nhiều nơi khác bị bom san phẳng.

Triển lãm cũng là dịp để lớp trẻ nhận được câu trả lời cho câu hỏi: Tại sao chúng ta đánh thắng giặc Mỹ? Tại sao chúng ta đập tan siêu pháo đài B52?

Để đi tìm câu trả lời, Nhà báo Tô Quang Phán, Tổng biên tập báo Hà Nội mới, tâm sự: “Triển lãm "Tôi kể chuyện này" là chương trình đầu tiên về các đồ dùng hàng ngày được bộ đội, người dân Việt Nam chế tác từ vũ khí của kẻ thù phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày.

Với số hiện vật không nhiều so với hàng vạn đồ dùng vẫn còn nằm rải rác trong các gia đình Việt Nam và rất nhiều  đồ dùng đó cho đến hôm nay vẫn được các gia đình sử dụng. Ở đó, ta có thể tìm thấy một chiếc kẻng báo tan ca được làm từ vỏ quả bom đã gỡ ngòi, đôi vành xe đạp được chế tác từ vỏ bom bi, một chiếc đèn dầu được làm từ quả lựu đạn lép; bộ bàn ghế bằng thép được gò đẽo khéo léo từ những mảnh vỡ của máy bay B52 tại hồ Hữu Tiệp-Ngọc Hà-Hà Nội.

 Rất nhiều đồ dùng hàng ngày làm từ xác các loại máy bay Mỹ bị bắn cháy trong những năm tháng Đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc bằng không quân. Mỗi món đồ tuy nhỏ bé, đơn sơ nhưng mỗi vết sứt, mỗi mảnh vỡ đều chứa trong đó bao câu chuyện lãng mạn nơi chiến hào. 52 hiện vật, chưa phải là con số ấn tượng cho một triển lãm về thời chiến, song cũng đủ để chúng ta nhớ về chiến thắng, nhớ về những mất mát lớn lao, những gian khổ, thiếu thốn trong các cuộc kháng chiến của quân và dân ta chống quân xâm lược trong thế kỷ 20”.

“Tôi kể chuyện này” đã không dừng lại trong khuôn khổ một cuộc triển lãm mà chính nó đã gợi nhớ, lật giở lại những hồi ức lịch sử để thấy được vì sao Việt Nam đánh thắng giặc Mỹ.

Các tin khác