Tìm lại dấu xưa

Ở thành phố lớn nhất phương Nam này, ngày nào, mùa nào cũng rộn ràng, vội vã với nhịp sống sôi động hầm hập. Phố xá tràn ngập xe cộ ngược xuôi rượt đuổi như sợ bị bỏ rơi, người người đua chen như sợ không theo kịp dòng thác mưu sinh cuốn hút.

Ở thành phố lớn nhất phương Nam này, ngày nào, mùa nào cũng rộn ràng, vội vã với nhịp sống sôi động hầm hập. Phố xá tràn ngập xe cộ ngược xuôi rượt đuổi như sợ bị bỏ rơi, người người đua chen như sợ không theo kịp dòng thác mưu sinh cuốn hút.

 

Người ta sống quay cuồng quên ngày tháng. Chỉ vào dịp cuối năm, khi phố phường lộng lẫy hoa đèn, tiết trở trở nên dịu đi, ai nấy mới cảm nhận một năm mới nữa sắp đến.

Còn hơn nửa tháng nữa mới đến tết, đang tất tả chuẩn bị đón một cái tết bình thường của dân kẻ chợ, tôi bỗng nhận được mail anh Nghĩa gửi về mà lòng cứ nghi hoặc: “Ngày mai chú ra sân bay đón bà, chú Hân về ăn tết. Anh cũng theo bà về chuyến này luôn. Chú chuẩn bị đón rước chu đáo!”.

Tết nhứt thì có ai đùa những chuyện như vậy, nhưng mối nghi ngại trong lòng vẫn không dứt: Má anh Nghĩa là mẹ nuôi các anh tôi. Thời còn chiến tranh, ba mẹ tôi gửi lại các con lớn cho bà để đi tập kết và đi bẵng một lèo đến hơn 20 năm.

Các anh tôi đều do một tay bà lo hết, nuôi nấng nên người, học hành tử tế. Vì vậy anh em tôi đều coi bà như mẹ ruột. Tôi là em út trong nhà, sinh sau ở miền Bắc, sau ngày thống nhất mới đoàn tụ.

Tôi không trẻ nhưng cũng chưa già nên luôn đóng vai phục dịch cụ và các anh khi về nước. Điều cắc cớ là cụ nay đã xấp xỉ 80, mới về nước vào dịp hè, ở cả tháng mới đi. Vậy cớ gì lại còn về nữa?

Không phải chuyện đùa. Chuyến bay đêm mười mấy tiếng không làm cụ tỏ vẻ mệt mỏi, vẫn đi “hiên ngang” ở lối ra khách quốc tế, hai anh nuôi đẩy xe hành lý theo sau. Chuyến bay đến sớm, khi đưa hành lý lên xe chuẩn bị về nhà, dân thành phố mới rục rịch đi làm, phố xá còn thưa vắng.

Sau khi yên vị trên xe, cụ liền đề nghị: “Xuống Pasteur ăn phở sáng đi rồi về nhà nghỉ ngơi luôn thể”. Lúc này hai "cận vệ" mới ngớ người, mới hiểu vì sao cụ dứt khoát không chịu ăn suất phục vụ trên máy bay.

Biết tính cụ, chúng tôi miễn bàn, quay xe ra hướng Pasteur. Cụ ăn uống không khó tính nhưng để hài lòng cụ, chúng tôi cũng chạy theo... bở hơi tai. Các lần về trước, cụ tỏ vẻ không thích các quán xá sang trọng kiểu Tàu, Tây nhan nhản hiện nay, mà yêu cầu đưa đến các chỗ ăn uống bình dân có từ mấy chục năm về trước: bì cuốn hồ Con rùa, bánh xèo Đinh Công Tráng, hủ tiếu bánh bao Cả Cần, bít tết Tín Hưng, cà phê Nam Dưỡng...

Có quán nay vẫn còn, có quán đã dẹp từ lâu, nhưng chúng tôi phải đưa cụ đến tận nơi mục kích cụ mới mãn nhãn, không giận hờn con cháu. Vì vậy, chúng tôi cứ lo ngay ngáy trong “hồ sơ lưu trữ” của cụ còn địa chỉ nào mà cụ bất chợt nhớ ra, bắt con cháu phải đưa đến!

Chuyến về lần trước, cụ yêu cầu chúng tôi phải đưa về tận Cần Thơ để xem ngôi nhà cổ nhất Nam bộ có từ 130 năm trước. Đó là một dinh thự có 5 gian, hòa nhập kiến trúc văn hóa Đông-Tây thời thuộc địa và mang vẻ đẹp đặc trưng của vùng châu thổ Nam bộ. Đến nay ngôi nhà cổ này vẫn còn giữ vẻ đẹp nguyên vẹn với cổng tam quan, sân lót gạch tàu, cột kèo gỗ lim đen bóng.

Bên trong những vật dụng chế tác từ thế kỷ 19 như sập gụ, tủ chè, trường kỷ, bàn ghế mặt ngọc thạch... vẫn được lưu giữ nguyên vẹn. Vì vậy hàng chục đoàn làm phim trong nước, ngoài nước đã mượn địa điểm này làm nền quay những bộ phim tình tứ, lãng mạn cận đại hoặc các phim lịch sử huyền thoại...

Tôi theo bà để phục dịch, nhờ đó cũng được khai sáng thêm, biết người xưa ăn ở, ứng xử “văn minh” ra sao, bổ khuyết cho vốn sống và cách sống cứu lao về phía trước, xem nhẹ giá trị quá vãng. Tôi theo bà mà cứ tự hỏi: Phải chăng bà tìm lại hình bóng mình, muốn “dựng lại” quãng đời thanh xuân đã qua và không bao giờ quay lại.

Và không biết trong không gian xưa cũ này, bà nhớ đến những ai, những mối tình nào trong đời của một nữ sinh lá ngọc cành vàng thuở học trường Pháp...

Lần khác, nhân dịp ra Huế du lịch dịp Festival, cụ đòi cho bằng được phải đưa về tham quan làng cổ Phước Tích, ở huyện Long Điền, cách Huế 45km. Ngôi làng này được lập vào thế kỷ thứ 15 với khoảng 100 ngôi nhà rường 3 gian 2 chái, liên kết với nhau, chỉ cách nhau một mảnh vườn bao quanh đầy cây trái.

Những ngôi nhà gỗ này có kiến trúc rất tinh tế, ẩn hiện dưới các cây cổ thụ. Giữa làng có một hồ sen rộng và lác đác ẩn khuất những ngôi đình chùa, miếu cổ, mộ xưa... trăm năm trơ gan tuế nguyệt vẫn không mất đi vẻ đẹp kín đáo sâu lắng như một nàng thôn nữ.

Có thể nói đây là một bảo tàng sống về làng cổ Việt Nam. Và nhiều du khách đến đây đều muốn ở lại một đêm để sống trong không gian cổ tích với những hoài niệm, chiêm nghiệm sự biến thiên thời cuộc, nhân sinh. Má anh Nghĩa cũng không loại trừ, nhất quyết ở lại một đêm ăn cơm quê, uống nước lu...

- Cụ “hoài niệm” như vậy sao không ở Continental, ăn kem Givral nhìn ra Nhà hát lớn mà nhớ một thời chinh biến đổi thay, cất công đi xa làm gì cho mệt? – tôi buộc miệng hỏi riêng anh Nghĩa.

Anh Nghĩa có vẻ phật ý vì tôi dám góp ý “người lớn”, nhưng sau một lúc trầm tư, tâm sự: “Gia đình ta có khá hơn người, đủ ăn đủ mặc, con cái thành đạt cũng do một tay cụ. Là gia đình trí thức, công chức Pháp đấy, nhưng làm sao có đủ sở phí cáng đáng 5 con ruột, 3 con nuôi.

Ở trong nước lo ăn, lo học cho đàn con đã khổ, bà chưa được an nhàn một ngày. Theo chồng sang Pháp, bà càng cực khổ hơn. Không có bà con, không có ai phụ giúp, một mình cụ phải lo trăm công ngàn việc, cả đời khổ vì chồng con. Sau ngày ba mất, các con trưởng thành, bà mới được thảnh thơi, mới được làm những gì mình thích, được đi những nơi mình muốn. Em tưởng người Việt ở Pháp ăn bữa nay không lo bữa mai à!

Ở xứ người không lo chạy ăn từng bữa như người dân quê nhưng nếu thiếu thốn biết nhờ vả ai. Bọn anh lớn mới hiểu ra, chiều chuộng bà để "vớt vát" lại những ngày bà vất vả, gian truân trên đất khách".

Sau khi anh Nghĩa giải thích, không gian như chùng xuống, anh em cứ ngồi lặng thinh. Bây giờ tôi mới hiểu, mới cảm nhận sâu hơn về số phận, về thân phận con người.

Thì ra sau vẻ mặt kia, sau bộ dạng quần là áo lượt bên ngoài kia, ai cũng có một nỗi niềm, lẩn khuất những điều chôn dấu. Ai cũng sống một cuộc đời, những gì họ chưa "sống" được trong quá khứ thì nay họ tìm lại, dù chỉ là hoài niệm xa xăm...

Các tin khác