Thuyền nan xứ Bồng Lưu

Xứ Bồng Lưu 600 năm trước (nay là đảo Hà Nam, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) chỉ là một cù lao lau sậy hoang vu, bốn bề là nước. Đây là vùng đất giàu tiềm năng du lịch, có nhiều làng nghề truyền thống mang dấu ấn sản xuất, canh tác của người Việt ở đồng bằng Bắc bộ. Đan thuyền nan, ngư cụ là một trong số những nghề truyền thống được lưu giữ nguyên vẹn, mang đậm nét xa xưa chưa bị pha tạp. Tuy nhiên, nghề truyền thống này đang cần được công nhận là làng nghề để có điều kiện phát triển.

Xứ Bồng Lưu 600 năm trước (nay là đảo Hà Nam, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) chỉ là một cù lao lau sậy hoang vu, bốn bề là nước. Đây là vùng đất giàu tiềm năng du lịch, có nhiều làng nghề truyền thống mang dấu ấn sản xuất, canh tác của người Việt ở đồng bằng Bắc bộ. Đan thuyền nan, ngư cụ là một trong số những nghề truyền thống được lưu giữ nguyên vẹn, mang đậm nét xa xưa chưa bị pha tạp. Tuy nhiên, nghề truyền thống này đang cần được công nhận là làng nghề để có điều kiện phát triển.

Bám biển bám thuyền

Ngày nay Bồng Lưu không còn là một đảo nhỏ chìm ngập giữa sông nước, nhờ cầu Sông Chanh nối liền đảo với đất liền. Khách thập phương không nhận ra mình đang rời đất liền đến với một hòn đảo cho đến khi nhìn thấy cây cầu Sông Chanh. Vượt qua khoảng 1,5km chiều dài cây cầu, đừng ngạc nhiên, bạn đã chính thức bước chân lên một hòn đảo.

Nhắc đến đảo Hà Nam là nhắc đến hệ thống kênh rạch chằng chịt, người dân ở đây có câu: “Một trăm cái tội không bằng chỗ lội Hà Nam”. Phương tiện di chuyển thuận tiện nhất là thuyền nan loại nhỏ, có thể len lỏi mọi ngóc ngách. Nói đến thuyền nan phải kể đến thôn Hưng Học, phường Nam Hòa vì đây được coi là cái nôi của nghề làm thuyền nan trên đảo.

“Ông tổ nghề là các cụ họ Đặng, những người đầu tiên có mặt ở phường Nam Hòa, di cư từ đồng bằng sông Hồng mang nghề xuống ăn nơi bãi triều cửa sông Bạch Đằng từ thế kỷ 17” - ông Vũ Hoài Nam, trưởng khu 4, phường Nam Hòa, cho biết. Từ thời lập đất, thuyền nan cùng ngư cụ là vật dụng thiết yếu của ngư dân biển đảo Quảng Ninh. Đó không chỉ là phương tiện di chuyển, đánh bắt thủy hải sản mà còn là ngôi nhà di động của ngư dân.

Anh Vũ Văn Thẻ và thợ đang đóng một thuyền nan cỡ nhỏ. 

Anh Vũ Văn Thẻ và thợ đang đóng một thuyền nan cỡ nhỏ. 

Theo lời kể của người dân trong làng, thuyền nan Hưng Học còn được dùng để đánh du kích. Phía Tây thôn Hưng Học là dòng sông Bạch Đằng lịch sử gắn liền với chiến thắng của Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán, chính ngư dân trong làng đã làm ra những chiếc thuyền nan để dụ địch vào bãi cọc ngầm.

Anh Vũ Văn Thẻ, một thợ làm thuyền nan lâu năm tự hào kể về những ích dụng của thuyền nan: “Thuyền nan thiết thực từ xa xưa đến giờ. Đánh giặc cũng nhờ thuyền này mà phát triển kinh tế của chúng tôi cũng nhờ thuyền này”. Hàng trăm năm nay thuyền nan đã gắn bó với đời sống ngư dân. Khắp 2 bên đường làng, bãi đất trống, hàng trăm chiếc thuyền nan được lật úp phơi nắng khoe cái bụng tròn căng đen bóng. Những lờ tôm, lờ cá được xếp ngay ngắn, khoe màu vàng óng trước ánh vàng chói chang của chiều hè.

Những năm gần đây, sức tiêu thụ của thuyền nan có giảm, tuy nhiên đây vẫn là nguồn thu nhập chính của 54% hộ dân thôn Hưng Học.

“Tôi tin tưởng nghề của làng không thể mất được. Dân các vùng khác vẫn thường xuyên đến đặt thuyền của chúng tôi. Khi nào sông cạn nước khi ấy tôi mới thôi đan thuyền” - anh Vũ Văn Hùng, một thợ thuyền ở phường Nam Hòa, tâm sự.

Khẳng định thương hiệu

Những năm gần đây trên thị trường xuất hiện thuyền nhựa của Trung Quốc, có giá thành rẻ hơn làm sức cạnh tranh của thuyền nan giảm. Tuy nhiên, thuyền nhựa chỉ thích hợp di chuyển trong vùng không có sóng vì “không ổn định, chành thuyền, dòn, độ bền không cao”.

Trong thôn chỉ vài hộ làm thuyền nhựa, phần lớn vẫn đan thuyền nan. Thực tế cho thấy, thuyền nan vẫn vượt xa thuyền nhựa về chất lượng, hơn nữa nó còn mang giá trị tinh thần, giá trị văn hóa của cả một làng nghề truyền thống.

Trước tình trạng sản xuất thuyền nan và ngư cụ ở làng mang tính manh mún nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, sản xuất thời vụ, theo mùa, nhu cầu khôi phục và đầu tư phát triển nghề truyền thống là điều cần thiết đối với người dân nơi đây. Do người dân làm thuyền nan thiếu khu quy hoạch tập trung nên đầu ra sản phẩm chưa ổn định, chưa quảng bá được hình ảnh dẫn đến dù chất lượng ngày càng tinh xảo và được cải tiến nhưng chỉ phục vụ một số vùng xung quanh như Nghệ An, Thanh Hóa.

Theo lộ trình phát triển để Quảng Ninh trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015, các cấp lãnh đạo đã lựa chọn phát triển làng nghề ở nông thôn là điều kiện cần thiết. Phường Nam Hòa đã có kế hoạch phát triển nghề đan thuyền nan một cách tập trung theo dây chuyền sản xuất, kết hợp điểm du lịch với việc xây dựng mô hình làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, để thực hiện ước mơ đem thuyền nan thành thương hiệu, nghề truyền thống cần phải được công nhận là làng nghề mới được hỗ trợ, có điều kiện tốt nhất để phát triển.

Ông Vũ Hoài Nam, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Hòa, cho biết: “Năm 2007, chúng tôi đã tiến hành xin dự án quy hoạch làng nghề với số tiền 2,7 tỷ đồng, Bộ Công Thương và Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt, nhưng do địa phương chưa có kinh phí thu hồi đất nên thành dự án treo.

Gần đây, theo sự hướng dẫn của thị xã Quảng Yên, chúng tôi đang làm hồ sơ để được công nhận làng nghề truyền thống mong muốn được Nhà nước hỗ trợ mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng”.

Với niềm tin mạnh mẽ về một ngày đưa thuyền nan vượt biển, những người thợ vẫn cần mẫn, hăng say với công việc đan lát, đắp cốt, phết vỏ, cạp thuyền. Phải làm sao để mỗi chiếc thuyền đều có sức chịu nước, chịu mặn, chịu sóng tốt, thon dáng, cân đối.

Tùy kích cỡ, thuyền nan Hà Nam có tải trọng từ 2 tạ đến 12 tấn và độ bền hàng chục năm. Thuyền nan được các nghệ nhân lành nghề ở Hà Nam làm ra nổi tiếng vì đủ khả năng vượt biển, “sánh tài” với thuyền gỗ cùng tải trọng.

Anh Vũ Văn Thẻ, một trong những nghệ nhân thạo nghề nhất của thôn Hưng Học cũng như của đảo Hà Nam, tâm sự: “Đời xưa vượt biển cũng nhờ thuyền nan, mà cách làm còn thô sơ hơn bây giờ. Hiện tại tôi chỉ mong muốn được vay vốn để phát triển mạnh thêm vì thuyền nan có đủ khả năng vượt biển đánh bắt xa bờ. Hơn nữa nếu ngư dân không may bị lật thuyền, thuyền cũng không chìm mà chỉ lập lờ mặt nước”.

Khát khao về một ngày nhìn thấy thuyền nan Hà Nam trên khắp mọi vùng biển của Tổ quốc sẽ không xa vời vì nhiều nơi, nhiều mảnh đời lam lũ vẫn cần đến bàn tay lành nghề của người thợ đan thuyền Nam Hòa. Kể cả việc vượt biển xa, sóng cả, những con thuyền nan đầy bụng tôm cá trở về sẽ không còn là ảo tưởng nếu có sự quy hoạch và chính sách hỗ trợ hợp lý để phát triển. Và, xứ Bồng Lưu hôm nay vẫn còn nhiều chiếc thuyền đang phơi bụng sẵn sàng chờ ngày ra khơi.

Các tin khác