Thương những ước mơ

Cuộc sống thiệt thòi, thiếu thốn đủ thứ đã bao vây người dân vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa. Hơn thế, sự thiệt thòi còn tăng lên nhiều đối với những đứa trẻ, bởi hiện tại chúng chẳng khá hơn thế hệ cha ông, chẳng khác gì chất lượng sống của họ đang đi… thụt lùi.

Cuộc sống thiệt thòi, thiếu thốn đủ thứ đã bao vây người dân vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa. Hơn thế, sự thiệt thòi còn tăng lên nhiều đối với những đứa trẻ, bởi hiện tại chúng chẳng khá hơn thế hệ cha ông, chẳng khác gì chất lượng sống của họ đang đi… thụt lùi.

Tiếng khóc nơi rừng thẳm

Tôi đến huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu) trong tâm trạng hào hứng, muốn khám phá. Đường nhựa đã “bò” vào đến trung tâm một số xã vùng thấp của huyện, nhưng rất ngoằn ngoèo. Trên đường đi, tôi bị cuốn hút bởi những con suối trữ tình, đẹp như suối tóc ở các xã Nậm Tăm, Nậm Cha, hay các cô gái dân tộc trẻ trung xinh đẹp đi tắm suối sau giờ làm nương.

Thế nhưng, đó chỉ là cái vẻ bề ngoài của cuộc sống nơi đây, đến một con suối khác tôi thấy những đứa trẻ đầu trần đội nắng chang chang vớt tép, mò ốc. Mặt mũi đứa nào cũng nhem nhuốc. Tôi tưởng đây chỉ là trò chơi do các em trốn cha mẹ ngủ trưa, đi bêu nắng, nghĩ ra để… vầy nước. Nhưng không phải, hỏi ra mới biết nhà em nào cũng nghèo xơ xác, sống trong cái bản nghèo xác xơ cạnh đó. Anh Chẻo A Mai, bản Nà Han, cho biết: “Chúng nó kiếm về ăn đó, không có gì thì phải ăn thôi”.

Nhóm trẻ lấm lem, nhếch nhác không có gì chơi ngoài nghịch đất. 

Nhóm trẻ lấm lem, nhếch nhác không có gì chơi ngoài nghịch đất. 

Vào đến xã Noong Hẻo, nơi đang bị cơn bão ma túy, HIV/AIDS hoành hành. Hàng trăm người đang độ tuổi lao động tại đây đã mắc nghiện và phần lớn trong số đó nhiễm HIV. Của nả trong các túp lều, ngôi nhà nhỏ rủ nhau đội nón ra đi để cúng cho “ả phù dung”, đa số người dân rơi vào cảnh túng bấn, thiếu đói. Hàng chục em nhỏ sống nheo nhóc, chẳng được chăm sóc, học hành tử tế.

Nhiều đứa thiệt thòi vì bố chết, mẹ chết, hoặc cả hai cùng chết chỉ trông chờ những người thân chẳng biết bao giờ cuộc sống sẽ khấm khá hơn. Ngồi nhìn những em nhỏ gặm mấy củ sắn luộc còn sống, mặt mũi đứa nào cũng xanh xao, vàng vọt, mồm miệng nhem nhuốc với những ánh mắt tội nghiệp, tôi không khỏi nhói lòng. Và tôi đã thấy, đứa nào cũng đầy khao khát được ăn một bữa ngon, bố đừng đánh đập, được chăm sóc…

Có em đã khóc đến mờ mắt vì bố cứ nghiện lên nghiện xuống, cả ngày vật vã quằn quại. Thậm chí, hỏi em Chẩu Siêu Ngà, 8 tuổi, còn không nói được mình thích ăn gì bởi em chưa bao giờ được ăn một bữa ngon, hàng ngày chỉ biết cơm và rau. Hỏi về đồ chơi, đó là một thứ vô cùng xa lạ, có lẽ, nếu một món đồ chơi ở thành phố “rơi” về đây, các em sẽ nhìn chúng như nhìn người ngoài hành tinh.

Trên em Ngà còn 2 người anh nữa, đã bỏ học lên rừng hái măng, xuống suối kiếm cá. Bản thân Ngà đã 3 năm lẽo đẽo theo các anh cõng củi về nhà. Hôm bố em bị bắt vì “tợp” ma túy, em đã khóc ré lên vì sợ hãi. Nhìn rộng ra, cả xã Noong Hẻo, hầu như nhà nào cũng “dính” ma túy.

Tuổi thơ bị đánh cắp

Nhiều em nhỏ ở xã Pha Long (Mường Khương, Lào Cai) phải vượt 3-4 cây số xuống suối xách từng can nước về. Các em ước mơ được đi học, có đồ chơi, được sờ vào miếng bánh mà ở phố, người ta bỏ mốc meo rồi vứt đi. Hay một số em nhỏ ở huyện Bát Xát (Lào Cai) bố mất phải giúp mẹ đi cày chỉ mong được ăn một bữa thật no, có ít thịt.

Nhưng cái sự thiệt thòi đó đâu chỉ là chuyện không có chỗ giải trí, vui chơi, mà vì không biết chơi ở đâu, các em rủ nhau ra sông, suối tắm. Nhiều trong số đó bị chết đuối, bị ngã cây cao, bị điện giật và hàng năm cơ quan chức năng thống kê, công bố lại đưa ra những con số giật mình.

Trong chuyến đi thực tế tại xã Thái Hòa (Lạc Sơn, Hòa Bình), tôi không khỏi nhói lòng khi thấy một nhóm trẻ con lấm lem, nhếch nhác nghịch đùa với đống phân trâu rồi khúc khích cười. Người lớn cho biết do bố mẹ bận đi làm, những dịp nghỉ hè trường lớp vắng vẻ, những đứa trẻ phải tự chơi với nhau.

Đứa lớn trông đứa bé. Lớn hơn một chút phải đi làm nương, rẫy giúp bố mẹ. Hay tại một bản của xã Bảo Nhai cách đó không xa, lại có một nhóm trẻ em gái lớn hơn (học lớp 4, 5) trên đường đi chợ về “phát hiện” ra một trò chơi trượt ở rãnh nước lầy bùn sau trận mưa vừa tạnh ngay bên đường.

Hỏi sao chơi với bùn, một em đưa tay che mặt trả lời: “Vì không có gì chơi”. Kể về ước mơ, có em nói thích cặp đựng sách vở mới, đứa chỉ thích bộ quần áo mới vì mặc áo vá, cũ đến lớp bị các bạn trêu. Đó là những thứ đơn giản nhất nhưng với những đứa trẻ này lại là món đồ xa xỉ.

Tuổi thơ của các em đang bị đánh cắp từng ngày và hơn nữa chúng còn bị cuốn theo vòng mưu sinh của gia đình. Cứ đến thiên đường du lịch như Sa Pa, du khách sẽ được thấy sự mưu sinh của các em nhỏ (tất nhiên có cả sự lọc lõi mà thực tế dạy và buộc chúng phải như vậy). Đó là sự thiệt thòi, một mất mát nhức nhối, lâu dài. Trẻ em Sa Pa thích kiếm tiền hơn đi học, đầu óc chúng chỉ nghĩ được đi bán hàng lưu niệm cho khách, làm mẫu chụp ảnh sẽ có tiền, có áo đẹp mặc, có quà ăn, còn đi học chẳng được gì. N

hững chính sách, sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng đã về đến các bản làng, nhưng vẫn chưa đủ. Còn rất nhiều trẻ em chưa bao giờ được chạm vào lòng tốt, được hưởng sự giúp đỡ từ thiện của các nhà hảo tâm, được hưởng chính sách của Nhà nước. Ở đâu đó vẫn còn bất cập, mất công bằng trong chính sự triển khai các chính sách đó.

Trẻ em không chỉ là tương lai, là ngày mai, mà là của chính hôm nay. Mong rằng, với những ghi chép rời rạc về những mảnh đời các em nhỏ, những vùng đất cùng với sự thiếu thốn các em đang phải đối mặt, sẽ có thêm những cái nhìn và những việc làm từ thiện, sự công tâm của các cấp chính quyền, giúp các em thực hiện những ước mơ nhỏ nhoi của mình. Hơn ai hết chúng và những đứa trẻ vùng cao luôn khát khao được trả lại tuổi thơ, vui trong tuổi thơ. Và tôi nghe như các em đang gọi mình từ phía lưng đèo hun hút của cao nguyên.

Các tin khác