Thương lái nước ngoài tung hoành

Các thương lái Trung Quốc đang một mình một chợ, có thể thao túng bất cứ mặt hàng nông sản nào của Việt Nam. Đó là điều đáng lo ngại mà chúng tôi ghi nhận từ chuyến khảo sát tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn.

Các thương lái Trung Quốc đang một mình một chợ, có thể thao túng bất cứ mặt hàng nông sản nào của Việt Nam. Đó là điều đáng lo ngại mà chúng tôi ghi nhận từ chuyến khảo sát tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn.

Thao túng thị trường

Theo số liệu về kim ngạch xuất nhập khẩu của Cục Hải quan Lạng Sơn, trong 6 tháng đầu năm 2011, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 96%, trong đó xuất khẩu gần 538 triệu USD, chủ yếu là hàng nông sản. Thời điểm này, trung bình mỗi ngày có hàng nghìn tấn tinh bột sắn, sắn lát cùng hàng trăm tấn vải thiều, thanh long, khoai lang, dưa hấu, chuối… xuất sang Trung Quốc qua các cửa khẩu.

Cửa khẩu Tân Thanh hiện đứng đầu về lượng hàng nông sản xuất sang Trung Quốc, trung bình mỗi ngày thông quan khoảng 100 xe. Ngoài các mặt hàng tăng mạnh theo mùa như dưa hấu, vải thiều, thương lái Trung Quốc thường xuyên thu mua với số lượng lớn sắn lát, tinh bột sắn. Ngày cao điểm, riêng cửa khẩu Bảo Lâm xuất đến 2.000-3.000 tấn tinh bột sắn.

Hàng nông sản tập kết tại chợ đường biên, chuẩn bị sang Trung Quốc.

Hàng nông sản tập kết tại chợ đường biên, chuẩn bị sang Trung Quốc.

Tuy buôn bán sôi động, nhưng có thể thấy rõ người ra luật chơi là thương lái đến từ bên kia biên giới. Các thương lái Việt Nam gần như không chủ động được thị trường, kể cả việc phải xuất hàng qua đường nào cũng do thương lái Trung Quốc điều tiết. Thí dụ mặt hàng tinh bột sắn, những năm trước đây chủ yếu được xuất qua cửa khẩu Chi Ma (huyện Lộc Bình).

Nhưng từ đầu năm đến nay, tuyệt nhiên không có xe tinh bột sắn nào xuất qua cửa khẩu này, thay vào đó mặt hàng này phải đi sang cửa khẩu Bảo Lâm. Nguyên nhân việc thay đổi này không thương lái Việt Nam nào được biết, nhưng do công việc làm ăn nên phải mặc nhiên chấp nhận theo yêu cầu của đối tác.

Hoặc như mặt hàng vải thiều sấy khô, thời điểm này đang được tập kết khối lượng rất lớn tại thị trấn Đồng Đăng. Nhưng không 1kg vải thiều khô nào xuất qua cửa khẩu Tân Thanh như trước đây, thay vào đó phải qua biên giới bằng các con đường khác, xa và bất tiện hơn.

Điều lạ khác là cho dù hàng xuất hay nhập, thương nhân Việt Nam đều phải sang Trung Quốc bốc hàng. Vì vậy mới có chuyện đoàn xe dưa hấu dài dằng dặc ngắc ngoải chờ đối tác lựa từng quả và những xe dưa không đạt yêu cầu phải quay về bán tháo.

Việc thông quan cũng thể hiện rõ sự phân biệt giữa các lô hàng do thương lái Trung Quốc thu mua tận gốc và hàng do thương lái Việt Nam mang lên biên giới chào bán. Nếu là hàng của thương lái Trung Quốc, việc xuất hàng luôn diễn ra rất nhanh chóng. Ngược lại, hàng của thương lái Việt Nam, muốn thông quan không dễ và luôn trong cảnh giá cả rất bấp bênh.

Theo các chủ hàng Việt Nam đang nằm chờ thông quan, đầu vụ lái buôn Trung Quốc trả trung bình 8-9 nhân dân tệ cho mỗi kg vải sấy khô. Đến khi hàng về ồ ạt như hiện nay, mức giá bị dìm xuống chỉ còn khoảng phân nửa.

Buông lỏng quản lý?

Thời gian qua, dư luận không khỏi lo lắng trước thực trạng hàng nông sản trong nước tăng giá có nguyên nhân từ việc thương lái Trung Quốc sang tận nơi gom hàng. Phải chăng đó là hệ quả tất yếu của việc buông lỏng quản lý thị trường nông sản từ quá lâu của các cơ quan quản lý nhà nước? Hiện nay, đầu mối thu gom nông sản do thương lái Trung Quốc tổ chức đã vươn sâu tới từng làng quê. Từ Bắc chí Nam, người nông dân đã hình thành thói quen sản xuất theo tín hiệu thị trường Trung Quốc.

Thí dụ mặt hàng tinh bột sắn và sắn lát, hàng chục năm nay số lượng nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc không hạn chế, nên diện tích đất đồi thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc chủ yếu được trồng sắn cao sản. Nhiều vùng chè của Thái Nguyên bị phá đi để trồng sắn bán cho thương lái Trung Quốc. Theo giá thu mua hiện nay, 1ha sắn cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Giá thấp nhưng ở mức chấp nhận được và bảo đảm có bao nhiêu bán được bấy nhiêu là những điều nông dân cần, nên nhà nhà đua nhau trồng sắn bán cho thương lái Trung Quốc.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam không làm được điều này. Vài năm trước đây, Công ty Sơn Lâm xây dựng vùng nguyên liệu sắn tại huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Mặc dù đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nông dân, nhưng ngay vụ sắn đầu tiên, doanh nghiệp này đơn phương phá vỡ hợp đồng, không thu mua cho nông dân. Thế mới hiểu tại sao bóng dáng của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường nông sản quá mờ nhạt, để thương lái Trung Quốc một mình một chợ, mặc sức thao túng.

Nhìn vào diễn biến thị trường nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc, có thể thấy các cơ quan quản lý nhà nước đang rất lúng túng trong việc quản lý. Khi có thông tin về việc thịt lợn từ Việt Nam xuất hàng nghìn tấn qua Trung Quốc, ông Vy Công Tường, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn, cho biết: “Không có lợn thịt, lợn giống xuất qua các cửa khẩu chính ngạch như Tân Thanh, Hữu Nghị. Bởi phía Trung Quốc kiểm tra rất chặt việc kiểm dịch và an toàn thực phẩm tại các cửa khẩu lớn. Vì vậy, thịt lợn chỉ có thể đi qua các đường mòn hoặc các chợ đường biên để sang Trung Quốc. Trên thực tế, thương nhân Trung Quốc đã lợi dụng hoạt động trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới để “tuồn” nông sản, thực phẩm qua các “cửa ngách” và xu hướng này đang ngày càng gia tăng”.

Theo quan sát của chúng tôi, tại các cặp chợ như ở Na Hình, Ba Sơn, Nà Nưa, hàng nông sản sau khi được vận chuyển bằng xe tải trọng vài chục tấn đến khu vực biên giới sẽ được xé lẻ, rồi thuê cửu vạn vận chuyển sang Trung Quốc.

Ngoại trừ lối mở Bảo Lộc đã hình thành điểm thông quan cách đây khoảng 6 năm do lượng hàng qua đây nhiều, các lối mở dẫn đến chợ đường biên đều chưa có lực lượng hải quan kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu. Câu hỏi đặt ra là: với cách làm này, đến bao giờ nông sản của Việt Nam mới hết chịu cảnh phập phù, ép giá?

Các tin khác