Thú thi chim câu

Ở các làng quê, nhiều người có thú chơi chim bồ câu và huấn luyện tham gia các cuộc thi. Song, thôn Trác Bút (thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) là làng quê nổi tiếng hơn cả, với cách nuôi dạy chim, cũng đã gặt hái được rất nhiều giải thưởng trong tỉnh và cả khu vực.

Ở các làng quê, nhiều người có thú chơi chim bồ câu và huấn luyện tham gia các cuộc thi. Song, thôn Trác Bút (thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) là làng quê nổi tiếng hơn cả, với cách nuôi dạy chim, cũng đã gặt hái được rất nhiều giải thưởng trong tỉnh và cả khu vực.

Mùa thi chim rực rỡ

Nuôi chim bồ câu để bán thịt chỉ là bình thường, có thể thấy ở bất cứ làng quê nào. Nhưng với người Trác Bút, việc huấn luyện chim, thi chim trở thành thú chơi văn hóa, độc đáo từ nhiều chục năm nay. Hiện làng quê này có hơn 40 hộ chơi chim, thành lập phường chim, hàng năm vẫn tổ chức thi với những phường chim khác ở Sóc Sơn, Đông Anh (Hà Nội) và Việt Yên, Tân Yên (Bắc Giang) và nhiều phường chim thuộc tỉnh Bắc Ninh.

Bà con Trác Bút khẳng định, ông Mẫn Bá Duy, 74 tuổi, hiện là người nuôi chim, huấn luyện chim giỏi nhất, cũng đã 20 năm làm Chủ nhiệm CLB Phóng điểu Trác Bút. Ông giành được cả trăm giải thưởng trong những kỳ thi, mà niềm vinh quang ấy do những chú chim mang lại. “Giải thưởng là một phần, tôi ở tuổi này, còn cần gì tiền bạc. Tiền giải thưởng trong các cuộc thi chim đâu có nhiều gì. Quan trọng hơn với chúng tôi là được hưởng niềm vui, được chia sẻ niềm đam mê của mình, được chơi một cách văn hóa. Rồi sau mỗi cuộc chơi ai nấy lại về cần cù lao động, sản xuất” - ông Duy tâm sự.

Vóc dáng nhỏ bé nhưng là người nhiệt tình. Trong thâm tâm ông Duy luôn có ngọn lửa cho đam mê. Chính vì không câu nệ chuyện tiền bạc và niềm đam mê cũng như thú chơi vô tư của ông Duy khiến các thành viên trong CLB nể phục. Việc chọn chim huấn luyện và đi thi, theo ông Duy đó là cả một sự công phu mà đôi khi người chủ phải dấn thân, đam mê, chịu khổ.

Ông Duy nói: “Bí quyết nhà nghề thì không nói được. Nhưng về cơ bản nhìn bề ngoài chú chim nào cũng giống nhau. Chỉ người sành như chúng tôi mới phân biệt được độ khác. Thí dụ như con nào là đực, con nào cái, con nào có sức khỏe tốt, con nào có khả năng là con dẫn đầu, chỉ cần nhìn là biết ngay”.

Hội thi chim ở Bắc Ninh.

Hội thi chim ở Bắc Ninh. 

Người dân ở đây quy ước mỗi năm tổ chức thi 2 đợt, đó là tháng 4 và tháng 8 (âm lịch). Tháng 4 thi đàn 10 con, tháng 8 thi đàn 8 con. Việc không tổ chức thi vào mùa xuân, khi các lễ hội đang rộn ràng, ông Duy cho biết, đây là mùa chim cắt "phục kích" ở các làng quê nhiều lắm. Chúng to như chim câu mà hung dữ hơn nhiều.

Chim cắt sẽ xông vào đánh tan tác đàn chim câu ngay khi vừa tung chim lên trời. Vậy nên đợi đến tháng 4, khi chim cắt vào rừng thay lông, bầu trời được bình yên, đó là lúc có thể tổ chức cuộc thi cho các đàn chim một cách an tâm nhất. Ngoài ra thời tiết cũng ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ bay và khả năng bay của đàn chim. Nếu gặp mưa hoặc gió, trời nắng quá cũng không xong, vì chim nhanh mệt, khát nước và phải ngừng bay. Cho nên việc ấn định ngày thi cực kỳ quan trọng.

Ước vọng no đủ

Theo tìm hiểu, ngoài ông Mẫn Bá Duy, ở thôn Trác Bút có rất nhiều “đại gia” bồ câu. Tiêu biểu như các ông Lê Văn Tiến, Nguyễn Văn Doanh, Nguyễn Văn Sáu… Các ông đều có chung niềm đam mê, nhiệt huyết và đặc biệt là yêu nét văn hóa đặc sắc vùng Kinh Bắc. Các lão nông Trác Bút cho biết, nghề nuôi chim của thôn có từ thời nhà Lý, trong kháng chiến chống Tống (1075-1077).

Khi đó, triều đình giao cho thôn trách nhiệm huấn luyện bồ câu để dùng chuyển thư. Từ khát vọng hòa bình, vì yêu sự thủy chung son sắt của loài chim, từ đó người dân đã giữ niềm đam mê này. Hỏi chuyện về kỹ thuật chọn chim, ông Lê Văn Tiến cho biết: “Chim được chọn để huấn luyện, đi thi phải bảo đảm các yếu tố như cánh dài, không béo, ngực không nhô ra trước, mũi khép, cầm trên tay đuôi phải cụp xuống. Thức ăn của chúng là gạo, những ngày chuẩn bị đi thi được chén gạo nếp để tăng độ dẻo dai”.

Ông Tiến còn tiết lộ thêm, ban đầu phải chọn được con đầu đàn để nó dẫn cả đội. Những người huấn luyện dùng sào, xua chúng lên cao và lúc nào đàn cũng phải bay quây thành một khối, không tách rời. “Đàn chim bay đẹp được ví như người con gái đẹp, cự ly phải đều, cánh vỗ nhịp nhàng. Tuy có thể chúng cùng bố mẹ đẻ ra, nhưng không phải con nào cũng bay hay. Có con rất nghịch ngợm, lại có con rất hiền từ, cần cù và chịu khó” - ông giảng giải.

Trong các cuộc thi, ban chấm thi sẽ chấm điểm các đội chim từ cách nhập vòng (tầng hạ) đến tầng trung, tầng thượng để xem đội nào thắng cuộc. Khi đàn chim qua được tầng trung (chỉ nhìn thấy cánh vỗ) mà không bị lỗi sẽ tiếp tục được theo dõi ở tầng thượng để cho điểm. Đàn chim ăn giải cao khi bay ở tầng thượng, vòng tròn của đàn chim khép lại, chỉ to bằng cái ấm tích ở trên trời cao, rồi cứ nhỏ dần, cho đến khi bằng một chấm đen… Khi hỏi ông Tiến: “Khi đàn chim thắng cuộc chủ nhân sẽ vui sướng lắm?”, ông cười thoải mái: “Tất nhiên, chúng tôi lao tâm khổ tứ để luyện mà. Có khi còn mất ăn mất ngủ, người gầy rộc vì chim ấy chứ. Song quan trọng nhất là mừng, vì thắng cuộc sẽ thấy tinh thần thoải mái. Vinh quang, tinh thần đó cũng giúp cho việc sản xuất được thuận lợi”.

Hỏi về việc chấm thi, ông Mẫn Bá Duy cười khà khà: "Quan trọng là chọn được những người nhanh mắt, nhìn được cao. Con chim bay lên, trông chúng chỉ như những cái chén nhỏ. Trong các cuộc chơi thi chim là khó nhất. Anh nào nóng tính không điều khiển nổi lũ chim khi ra hội đâu. Lại nữa, người trong ban giám khảo cũng phải là người công bằng, không thiên vị".

Sẽ thật tuyệt vời biết bao, nếu vùng quê nào cũng có những phường thi chim, để nhân lên thú chơi văn hóa này, tạo tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái. Và những ngày hội thi chim khoe sắc rực rỡ, người dân nơi đây ước vọng cuộc sống no ấm, hòa bình đến với nơi nơi.

Các tin khác