Thú chơi và nghề bẫy gà rừng

Trong nhịp điệu cuộc sống phát triển, khi những biệt thự vườn ngày càng nhiều, nhu cầu thú nuôi cũng cao hơn. Bên cạnh chó kiểng và những con chim ríu rít, nhiều gia chủ sành điệu có thêm sở thích chơi gà rừng. Có cung ắt có cầu, thị trường gà rừng nhanh chóng được hình thành và bắt đầu có tính chuyên nghiệp.

Trong nhịp điệu cuộc sống phát triển, khi những biệt thự vườn ngày càng nhiều, nhu cầu thú nuôi cũng cao hơn. Bên cạnh chó kiểng và những con chim ríu rít, nhiều gia chủ sành điệu có thêm sở thích chơi gà rừng. Có cung ắt có cầu, thị trường gà rừng nhanh chóng được hình thành và bắt đầu có tính chuyên nghiệp.

1. Nếu có dịp ghé chân đến những khu phố các đại gia cư ngụ như Phú Mỹ Hưng, Thảo Điền hay Biệt thự vườn Thủ Đức, dễ dàng nghe tiếng gà gáy khá lạ tai, những con gà có hình dáng khác hẳn giống nhà thường nuôi. Đó là những con gà rừng, rất đặc trưng, đuôi dài và cong, màu sắc sặc sỡ. Gà rừng không hề rẻ, loại thường cũng tiền triệu. Nếu thịt gà ở siêu thị chỉ có giá hơn 100.000 đồng mỗi ký, gà rừng cân ký sẽ giá gấp 5-7, thầm chí gấp 10.

Chủ yếu đại gia mua gà rừng để chơi. Thuở nhỏ tôi cũng từng nuôi gà, theo thói quen của người nông thôn, nên cũng có chút ít kiến thức từ chuyện ấp trứng thành gà con đến chuyện mang gà đi đá. Từ ngày định cư ở TPHCM, chẳng có thời gian quan tâm đến nữa. Đột nhiên, một hôm đẹp trời, anh bạn doanh nhân thành đạt rủ rê: “Cuối tuần xuống tệ xá của mình nghe gà gáy chơi”. Có thể thoáng qua một ý nghĩ hơi buồn cười, nhưng giữa lô nhô cao ốc nghe một tiếng gà gáy cũng thú vị. Tôi nhận lời vì nửa thấy hứng thú nửa thấy tò mò.

Tay săn Điền bên chiến lợi phẩm.

Tay săn Điền bên chiến lợi phẩm. 

Anh bạn doanh nhân dùng hai chữ “tệ xá” là khách khí thôi, chứ biệt thự nằm ngay quận Gò Vấp, TPHCM rộng hơn 500 mét vuông. Sáng thứ bảy đẹp trời, chủ khách uống xong mấy chén trà, anh bạn doanh nhân dẫn tôi ra vườn. Nắm thóc mới ném giữa sân, đã nghe tiếng vỗ cánh sàn sạt. Từ trên ngọn cây, hai cặp cánh bay sà xuống. Chim ư? Chim gì mà to thế? Không phải, hai con gà rừng, một trống một mái.

“Quá đẹp!” - tôi buột miệng thốt lên khi nhìn thấy hai con vật nuôi ngỡ chừng rất quen thuộc kia. Anh bạn doanh nhân tỏ vẻ đắc ý: “Hai triệu rưỡi con trống, một triệu con mái. Mình thuần dưỡng cả năm rồi, bây giờ chúng chỉ sống quanh quẩn mấy cành cây quanh nhà thôi”. May mà kiềm chế kịp, bằng không tôi đã phải cảm thán “quá đắt”. Nếu có đắt là so với gà thịt, chứ còn gà kiểng cái giá ấy cũng tạm chấp nhận.

Tiếng gà rừng ở nhà anh bạn doanh nhân cứ ám ảnh tôi nhiều ngày. Quen phận làm công ăn lương, thứ gì cũng quy ra thực phẩm bỏ vào miệng, nên tôi làm sao chia sẻ được thú chơi hiện đại trong xã hội thượng lưu. Tuy nhiên, bỏ mấy ngày tìm hiểu, tôi phát hiện có không ít gà rừng đang được nuôi làm kiểng ở các biệt thự vườn.

Trường hợp thuần dưỡng để có thể thả rong gà rừng như anh bạn doanh nhân của tôi không nhiều, hầu hết người chơi đều làm lồng bằng lưới ở một góc sân để nuôi gà rừng. Ở khu vực Phú Mỹ Hưng, phía sau vị trí Hồ Bán Nguyệt biểu tượng giàu sang, tôi cũng gặp không ít đại gia có nuôi gà rừng trong khuôn viên biệt thự. Nơi đây yên tĩnh, nhiều cây xanh, bất chợt nghe một tiếng gà mà thấy xốn xang và thư thái.

2. Gà rừng ở đâu các đại gia nuôi? Dĩ nhiên, chả có ông giám đốc hay bà doanh nhân nào tự vào rừng mai phục ngày đêm bắt cho bằng được con gà đem về nuôi. Muốn mua nhanh thì lên mạng, các trang web đầy đủ các giao dịch. Gà rừng không nặng cân như gà nhà, con to nhất cũng chỉ khoảng 1kg. Chỉ cần gọi điện, vài hôm sẽ có người giao gà tận nhà. Nguồn gà rừng rất đa dạng. Gà rừng Tân Hồng - Đồng Tháp cũng có, gà rừng Bác Ái - Ninh Thuận, gà rừng Bù Gia Mập - Bình Phước, gà rừng Bảo Lộc - Lâm Đồng cũng có.

Giống gà rừng được ưa chuộng nhất là loại gà trống có tai trắng. Bởi lẽ, nhiều người vẫn tin rằng tai trắng là biểu tượng độc đáo nhất của giống gà rừng. Một tay chuyên cung cấp gà rừng tại bến xe Tân Bình sau khi bị tôi chê cặp gà rừng giá 5 triệu, đã không ngần ngại thổ lộ: “Bây giờ ngoài Bắc người ta cũng thích gà rừng tai trắng của miền Nam lắm. Mỗi cặp gà rừng chuyển ra Hà Nội bán đều trên dưới 10 triệu đồng cả”. Đấy là nói gà rừng đã trưởng thành, gà trống đã biết gáy hoặc gà mái đã kêu ổ sắp đẻ trứng. Còn những ai ít tiền muốn chơi gà rừng có thể nuôi gà con lớn chừng hơn nắm tay, giá khoảng 300.000 đồng/cặp về nhà mà nuôi.

Hiện nay, vùng ngoại ô quận 12 và Củ Chi đã có nhiều người nuôi gà rừng lấy giống. Thế hệ F1, F2 vẫn còn nguyên dáng vẻ của gà rừng, từ màu lông rất bắt mắt cho đến chân đen chì. Tuy nhiên, cái máu nghề nghiệp khiến tôi thèm khát được dòm ngó những con gà rừng nguyên sơ. Qua vài lần hẹn, Điền, một tay chuyên bẫy gà rừng ở Bảo Lộc, đồng ý cho tôi mục sở thị nghề nghiệp của anh ta. Gà rừng ở Bảo Lộc chủ yếu được bẫy ở các rẫy cà phê và các đồi trà. Gà rừng ở Bảo Lộc về nhiều vào đầu mùa xuân đến đầu mùa hè.

Mùa gà rừng vừa rồi, Điền bẫy được gần 100 con, cũng cải thiện thu nhập kha khá cho gia đình. 3 giờ sáng, trời tờ mờ sương lạnh, Điền dắt tôi đến một rẫy cà phê để săn gà rừng. Muốn bẫy gà rừng phải có dụng cụ. Cái bẫy được làm bằng dây cước và những cây sắt vuốt nhọn như đinh. Bẫy giăng trên khoảnh đất chu vi 10 mét vuông, phủ lá khô lên trên. Thế nhưng, cái bẫy chưa quan trọng bằng con trống làm gà mồi. Điền cho biết: “Gà rừng hiếm khi đến gần gà ta. Chắc vì tướng mạo tụi nó khác nhau. Gà mồi phải là gà rừng được thuần dưỡng lâu ngày đã trở nên dạn dĩ, và tiêu chí quan trọng là phải gáy thật nhiều và thật to”.

Bẫy đã giăng. Điền kéo tôi nằm sấp xuống một gốc cà phê thật xa chỗ giăng bẫy để mai phục. Gà mồi gáy liên tục. Bình minh ló dạng, bỗng nghe tiếng đập cánh ràn rạt, Điền bấm tay tôi yêu cầu yên lặng. Từ xa, trên những ngọn cây cà phê, một bầy gà rừng bay đến như những con chim dũng mãnh. Một bầy gà rừng, một con trống và ba con mái.

Thế nhưng, khi con gà mồi gáy dữ dội chỉ có con gà trống tiến đến gần. Sau một hồi dòm ngó với cặp mắt long lanh, gà rừng xông vào đá gà mồi. Quần nhau chưa được một phút, gà rừng dính bẫy, dẫy đành đạch. Thấy gà trống gặp nạn, ba con gà mái bay vút lên cây rồi chuyền đi mất hút vào rẫy cà phê bạt ngàn. Điền cười sảng khoái, bật khỏi chỗ nằm, tiến về cái bẫy.

Lần đầu tiên trong đời tôi được thấy một con gà rừng đang tự do trong môi trường cố hữu bị rơi vào tay con người. Gà rừng phản ứng bằng cách quẫy đạp rất mạnh, nhưng làm sao thoát khỏi cái bẫy. Tiếng kêu của gà rừng rất hoang dại. Còn đôi mắt gà rừng, không giống chút nào so với gà nhà, có chút gì đó vừa ngơ ngác vừa sợ hãi.

Điền bảo: “Con này lớn đây. Em đem về nuôi khoảng vài tháng cho dạn dĩ, chắc bán cũng được 2 triệu đồng”. Tôi nói đùa: “Con mồi bán bao nhiêu?”. Điền nhìn tôi dò xét, nhưng vẫn hồn nhiên kiểu người quê: “Anh muốn bẫy thì em cho mượn. Chứ con gà mồi này có người đã trả 15 triệu đồng mà em không bán đó”.

Các tin khác