Thú chơi âm thanh

Nói đến đầu tư một dàn âm thanh, nhiều người thường nghĩ đó sẽ là một dàn máy với amplifier đèn, máy quay đĩa than, rồi những dàn loa hi-end hầm hố. Tuy nhiên, cũng có những dàn âm thanh nhỏ gọn hơn nhiều nhưng chất lượng vẫn không kém, đó là sử dụng tai nghe (headphone, earphone) và những thiết bị kèm theo.

Nói đến đầu tư một dàn âm thanh, nhiều người thường nghĩ đó sẽ là một dàn máy với amplifier đèn, máy quay đĩa than, rồi những dàn loa hi-end hầm hố. Tuy nhiên, cũng có những dàn âm thanh nhỏ gọn hơn nhiều nhưng chất lượng vẫn không kém, đó là sử dụng tai nghe (headphone, earphone) và những thiết bị kèm theo.

Nhỏ nhưng đắt đỏ

Khi tôi vừa mở cửa bước vào cửa hàng có tên 3K Shop, nằm trên đường Nguyễn Văn Giai, phường Đa Kao, quận 1 (TPHCM), chuyên bán tai nghe và các thiết bị nghe nhạc cầm tay, một người nước ngoài đang trao đổi với chủ cửa hàng. Người đàn ông, dáng vẻ là người châu Á, rút trong túi ra một chiếc máy nghe nhạc MP3 thương hiệu Walkman của Sony, nhưng lại được cột chung với một thiết bị màu đen kích cỡ nửa hộp thuốc lá bằng 2 sợi dây cao su. Một sợi dây nhỏ được nối từ máy nghe nhạc vào thiết bị này, và từ đó mới ra âm thanh cho tai nghe.

Thấy tôi chăm chú quan sát và lộ vẻ thắc mắc, một trong những người chủ 3K Shop tên Lý Quốc Khánh giải thích, thiết bị đi kèm với máy nghe nhạc chính là amplifier dành cho tai nghe (headamp) thương hiệu FiiO. “Tai nghe mà cũng có amplifier sao?” - tôi hỏi. Khánh chỉ cho tôi một chiếc amplifier hiệu Music Hall đặt trên kệ của cửa hàng, kích cỡ nhỏ hơn 20-30% so với amplifier thông thường, và cho biết đây cũng là headamp, có giá gần 1.000USD.

Khách hàng lựa chọn tai nghe và máy nghe nhạc audiophone tại 3K Shop. Ảnh: DIỄM HƯƠNG

Khách hàng lựa chọn tai nghe và máy nghe nhạc audiophone tại 3K Shop.
Ảnh: DIỄM HƯƠNG 

Nhiều người có thể không chơi âm thanh, nhưng vẫn biết rõ về các dàn âm thanh thông thường cỡ lớn, vì được bày bán khá phổ biến, còn với những thiết bị nhỏ gọn, thuộc loại cầm tay như 3K Shop đang bày bán, quả thật sẽ phải rất bất ngờ. Tôi rất ấn tượng với chiếc headphone (tai nghe trùm đầu) thương hiệu AKG bởi mẫu mã tinh tế được đặt trong một chiếc hộp cũng rất “chất” và theo như giới thiệu trên hộp chuyên dành cho việc nghe nhạc audiophile, tức loại nhạc có âm thanh chân thực nhất, đòi hỏi thiết bị phát (tức tai nghe, loa) phải đạt chất lượng cao.

Được biết, headphone này tên đầy đủ là AKG K701, có giá hơn 7 triệu đồng và thực ra cũng mới chỉ là dòng sản phẩm trung bình để nghe nhạc audiophile, có nghĩa là còn có nhiều loại giá cao hơn nữa, tính bằng vài chục triệu. Nhìn sang quầy trưng bày earphone (gắn ngoài tai) và in-ear (gắn trong tai) khung giá cũng rất ấn tượng, khi từ vài trăm ngàn lên đến 6-7 triệu đồng. Một in-ear hiệu Sony mới được cửa hàng nhập về bán với giá gần 5 triệu đồng, sở dĩ có mức giá “cắt cổ” này là do tai nghe được cấu thành bởi 3 driver (hiểu nôm na là 3 thiết bị truyền âm) khác với những thiết bị thông thường.

Đam mê và thể hiện

Thùy Mai, một DJ (người chỉnh nhạc) sống tại Đà Nẵng, chia sẻ sử dụng tai nghe giúp chị tập trung, nhận diện, cảm nhận rõ các loại âm thanh trong một bài hát, đoạn nhạc. Thực tế, đối với những ai có nhu cầu thưởng thức âm thanh chất lượng cao, việc trang bị một dàn máy thông thường để nghe ngoài tai chi phí cũng từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.

Có những dàn máy, chỉ riêng những sợi jack cắm, lõi bằng bạc hoặc vàng cũng đã lên đến chục triệu đồng. Trong khi đó, bỏ ra chừng chục triệu đồng để trang bị tai nghe, amplifier để có âm thanh chất lượng cao so ra vẫn còn... rẻ chán, chưa kể tính chất di động cao. Tất nhiên, sử dụng tai nghe có nhiều bất tiện, thậm chí ảnh hưởng không tốt cho tai. 

Hiện nay, những người thường sử dụng tai nghe tại Việt Nam gồm một số nhóm như DJ, những người làm việc trong phòng thu, sản xuất âm nhạc, những người chơi game và những người đam mê thông thường. Với những “game thủ”, thường các nhà sản xuất sẽ tạo ra một bộ đồ nghề bao gồm tai nghe, chuột, và bàn phím chuyên dụng.

Chẳng hạn, những game thủ bắn súng, cần những tai nghe rõ từng dải âm, âm trầm để nghe tiếng bước đi của đối phương. Lý Quốc Khánh cho biết, dù kinh tế những năm gần đây chững lại, các nhà sản xuất điện máy cũng ảnh hưởng, nhưng riêng trong lĩnh vực tai nghe vẫn có một sự phát triển nhất định. Chẳng hạn, một số nhà sản xuất thiết bị âm thanh trước đây không sản xuất tai nghe, nhưng giờ đây cũng tham gia trong lĩnh vực này, như Harman Kardon là chủ sở hữu thương hiệu tai nghe AKG.

Đi kèm với tai nghe “xịn”, cũng đòi hỏi thiết bị phát nhạc xịn, và một loạt  thương hiệu máy nghe nhạc chất lượng cao ra đời. Nếu như file MP3 chỉ ở mức độ 16-bit, file nhạc chất lượng cao lên đến 24-bit và cần một máy nghe nhạc có thể đọc được file này. Đáng ngạc nhiên là trong dòng máy nghe nhạc chất lượng cao, những nhà sản xuất tại châu Á lại đi bước trước.

Một trong những thương hiệu máy nghe nhạc chất lượng cao nổi tiếng là Astell&Kern có xuất xứ từ Hàn Quốc, tuy nhiên lại được thiết kế rất tinh xảo, bao da được làm thủ công từ Italia, được bỏ trong hộp đồng bộ cả tai nghe. Một trong những nguyên nhân ngành sản xuất tai nghe phát triển chính là việc giới trẻ hiện nay không chỉ xem tai nghe đơn thuần để nghe nhạc mà đã biến thành một món đồ trang sức, sử dụng tai nghe để phối đồ, hình thành một phong cách thời trang.

Tiêu biểu nhất là dòng tai nghe Beats by Dr.Dre đã sử dụng các ngôi sao trong các lĩnh vực như thể thao, giải trí để quảng cáo cho sản phẩm của mình. Việc các fan hâm mộ thấy những ngôi sao bóng đá, hay ngôi sao ca nhạc như Justin Bieber đeo tai nghe Beats ắt hẳn sẽ dẫn đến việc mong muốn hoặc tìm mua để sở hữu một earphone hoặc headphone Beats. Tai nghe Beats hiện cũng là tai nghe có giá vào loại đắt nhất thị trường, một cặp in-ear giá thấp nhất cũng phải từ 100-200USD, trong khi headphone phải từ 6-10 triệu đồng mới “chất”.

Lý Quốc Khánh cho biết, khởi điểm cho 3K Shop hiện nay là việc anh cùng với 4 người bạn đam mê âm thanh nói chung và headphone nói riêng nên mới quyết định bán sản phẩm này. Thế nên, tại cửa hàng của mình, anh dành một góc khá rộng bày bàn ghế, đồng thời là một loạt sản phẩm dùng thử để có thể tư vấn sâu hơn cho khách hàng. Anh cho biết thêm, thậm chí khách đến, có thể không mua, nhưng vẫn có thể trao đổi cùng với cửa hàng.

Thú vị nhất, chính là những chia sẻ về việc phối thiết bị, tai nghe nào, hợp với máy nghe nhạc, hoặc amplifier nào. Có nhiều tai nghe đắt tiền, gắn với amplifier đắt tiền chưa chắc đã hay bằng những thiết bị vừa phải nhưng thích hợp gắn với nhau. Nhờ những chia sẻ này, anh lại có thể tư vấn cho khách hàng tốt hơn, vừa đảm bảo được công việc kinh doanh, lại vừa thỏa đam mê của mình.

Các tin khác