Thấy gì “Chuyện nhà Dr. Thanh”?

(ĐTTCO) - Xu hướng đồng tiền lên ngôi theo kinh tế thị trường, giới doanh nhân cũng được chú ý không thua giới show biz.
 Sau trào lưu nghệ sĩ phát hành sách, bây giờ lại đến doanh nhân phát hành sách, và ấn phẩm dự kiến sẽ gây xôn xao là cuốn “Chuyện nhà Dr Thanh” của Trần Uyên Phương - con gái đầu của ông Trần Quý Thanh nổi danh giàu có cùng Tập đoàn Tân Hiệp Phát.
Cuốn sách ngốn tiền tỷ…
Trần Uyên Phương đang giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Đây là doanh nghiệp gia đình, cấp trên của Trần Uyên Phương chỉ có cha và mẹ của cô, nên Trần Uyên Phương được xếp vào hàng nhân vật quyền lực trong mắt hơn 4.000 công nhân ngày đêm miệt mài sản xuất ra các loại nước uống đóng chai Dr. Thanh. Trần Uyên Phương từng học quản trị kinh doanh ở Singapore, sau đó về làm Giám đốc Marketing cho Tân Hiệp Phát nhiều năm, đến hôm nay cô đã trở thành linh hồn của Tân Hiệp Phát. Trần Uyên Phương kể về “Chuyện nhà Dr. Thanh” dĩ nhiên đáng nghe, đáng xem. Thế nhưng, những gì tiết lộ trong cuốn sách bao nhiêu phần trăm là sự thật, và bao nhiêu phần trăm thêu hoa dệt gấm chỉ có người trong cuộc mới biết được. Mục đích của Trần Uyên Phương khi ra mắt sách “Chuyện nhà Dr. Thanh” thời điểm này để làm gì? Sớm hơn hoặc muộn hơn có ảnh hưởng đến nội dung tác phẩm không? Có ảnh hưởng đến thái độ độc giả không? Trần Uyên Phương cho biết ấp ủ “Chuyện nhà Dr. Thanh” đã 10 năm nay, nghĩa là ý tưởng cuốn sách manh nha trước khi xảy ra vụ án con ruồi chấn động ở Tiền Giang. Do đó, muốn tìm hiểu vì sao con ruồi nằm trong chai nước tăng lực và hành trình đưa đẩy khách hàng Nguyễn Văn Minh vào tù vì không thể thương lượng 500 triệu đồng, không thể nào có giải đáp rành mạch trong “Chuyện nhà Dr. Thanh”.  Với tài sản kếch xù, Trần Uyên Phương cho phát hành “Chuyện nhà Dr. Thanh” số lượng lên đến chục vạn bản, khiến những tác giả lừng lẫy và những nghệ sĩ ngôi sao cũng phải ganh tị. Đầu tư in ấn công phu, thuê cả công ty chuyên nghiệp tổ chức sự kiện, chắc chắn “Chuyện nhà Dr. Thanh” ngốn kinh phí vài tỷ đồng, nên không đơn thuần là một món quà kỷ niệm của Trần Uyên Phương dành cho khách hàng hoặc dành cho cuộc đời, như cái cớ ra mắt nhân 2 ngày quan trọng trong tháng 6-2017 Ngày của Cha và Ngày Gia Đình Việt Nam. “Chuyện nhà Dr. Thanh” là một dự án, nhằm khai thác hiệu quả chút thiện cảm còn sót lại của người tiêu dùng với Tập đoàn Tân Hiệp Phát.  Nói về góc độ tốn kém, hồi ký của Kim Cương hoặc tự truyện của Ái Vân không thể so được với “Chuyện nhà Dr. Thanh” của Trần Uyên Phương. Thế nhưng, mức độ lan tỏa có được như mong muốn của Trần Uyên Phương không? Cách đây không lâu, Trần Uyên Phương từng xuất hiện trên chương trình “Người kế nhiệm” của kênh truyền hình Chanel News Asia để phác thảo kế hoạch phát triển lớn lao của Tân Hiệp Phát và ca ngợi doanh nhân Trần Quý Thanh: “Ba tôi luôn cố gắng thúc đẩy chúng tôi, cố gắng truyền tải đến chúng tôi quan điểm thử thách lớn, thành công lớn. Nhưng dĩ nhiên, đó phải là những thử thách đo lường, tính toán được”. Hình ảnh ông chủ Tập đoàn Tân Hiệp Phát trong cuốn “Chuyện nhà Dr. Thanh” cũng không thể nằm ngoài cảm hứng chủ đạo ấy. 
Thấy gì “Chuyện nhà Dr. Thanh”? ảnh 1 Mô tả ảnh
Chỉ để ca tụng gia đình
Con xưng tụng cha là điều hết sức bình thường. Những dịp kỷ niệm thành lập Tập đoàn Tân Hiệp Phát, Trần Uyên Phương cùng với 2 em mình bước lên sân khấu đồng ca bài hát vinh danh doanh nhân Trần Quý Thanh. Cho nên, hình ảnh Trần Quý Thanh được Trần Uyên Phương miêu tả như một vĩ nhân trong “Chuyện nhà Dr. Thanh” cũng không khiến ai ngạc nhiên. Tuy nhiên, sau khi Tập đoàn Tân Hiệp Phát dính vào vụ án con ruồi và vụ án cho vay khuất tất của Ngân hàng Quốc Dân, mọi thứ phải được đắn đo và cân nhắc. Trần Uyên Phương là một cô gái khôn ngoan được mài giũa trong thương trường, nên phải biết cách né tránh khi đề cập đến những việc bất lợi cho cha mình.  Trần Uyên Phương dành cả chương 5 của cuốn sách “Chuyện nhà Dr. Thanh” để viết về quãng đời trai trẻ của người cha đào hoa. Với tên gọi “Ba tôi và những cuộc tình”, Trần Uyên Phương nhấn mạnh 2 cuộc tình của Trần Quý Thanh với 2 người phụ nữ, một tên Lan và một tên Phương Mai. 2 cuộc tình lâm ly ấy, dĩ nhiên Trần Uyên Phương không thể nào là nhân chứng sinh động để phản ánh lại đầy đủ cung bậc éo le. Trần Quý Thanh đã kể lại cho Trần Uyên Phương một cách chân thật nhất, hay đã có sự gạn đục khơi trong chừng mực? Về cuộc tình của Trần Quý Thanh với người phụ nữ tên Lan, Trần Uyên Phương viết: “Cậu học trò Trần Quý Thanh run run mỗi khi kiếm cớ đến rủ nàng đi học và thường quăng luôn chiếc xe cạnh nhà nàng, trên đường Thích Quảng Đức, rồi 2 đứa cùng nhau đi bộ, chuyện trò ríu rít như chim. Có bữa không kìm được cảm xúc, cậu liều lĩnh ôm ghì nàng ngay trên đường tới lớp. Lan lả đi như không bước nổi, buông ngay cặp sách xuống đường, run lẩy bẩy trong vòng tay cậu con trai đang tuổi lớn. Nàng thì thào: “Trời ơi, sao Thanh gan quá…”. Nàng dùng hết sức đẩy nhẹ cậu bạn ra, nhưng cậu học trò vốn ngỗ ngược đời nào lại chịu thua, cậu đuổi theo kéo bằng được cô bạn gái vào vòng tay ghì siết và hôn nhau quên trời quên đất…”. Còn cuộc tình với người phụ nữ tên Phương Mai, Trần Uyên Phương lại viết: “Về đường tình duyên, người tình gắn bó sâu đậm nhất với chàng trai trẻ, cả về tâm hồn và thể xác là Phương Mai, một người đàn bà gốc Bắc, đã có một đời chồng”. Phương Mai là hình ảnh người tình ám ảnh nhất, cho mãi tới sau này: “Nàng như có bản năng quyến rũ đàn ông, đến mức gần như ma mị. Không chỉ đẹp lộng lẫy, sắc sảo, nàng còn thông minh, có duyên, ăn nói rất dịu dàng. Nhưng ẩn sâu bên trong cái vẻ ngoài dễ thương ấy là bản lĩnh xỏ mũi đàn ông… Trong nhiều phi vụ làm ăn, Phương Mai giống như bà cố vấn cao cấp của Thanh. Nàng quá khôn ngoan, sành sỏi trên đường đời, kể cả những lúc yêu nhau…”. Dù ông Trần Quý Thanh có nắc nỏm nhắc lại câu nói không thể quên với người tình trong quá khứ: “Sau này, anh có ngủ với vợ cũng không thể nào quên em. Mùi da thịt em sẽ ở mãi bên anh cho đến hết cuộc đời…” thì Trần Uyên Phương nhắc đến những người phụ nữ ấy cũng chỉ để khẳng định mẹ của cô - bà Phạm Thị Nụ - đương kim Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát mới là mỹ nhân số một chi phối toàn bộ thành bại của doanh nhân Trần Quý Thanh.  Trong một clip ngắn quảng bá cuốn sách “Chuyện nhà Dr. Thanh”, Trần Uyên Phương tự bạch: “Đi qua sóng gió, có những lúc khó khăn nhất, tưởng chừng như không thể gượng dậy, con học được ở ba nghị lực sống mạnh mẽ, sự chấp nhận nhìn ra sai lầm, thái độ sống không oán trách, không đổ lỗi”. Tuy nhiên, cuốn sách “Chuyện nhà Dr. Thanh” có hướng đến giá trị “nhìn ra sai lầm” không, lại là vấn đề khác. Thương hiệu Dr. Thanh rất chịu chi cho những chương trình giải trí trên màn ảnh nhỏ, nhưng thương hiệu Dr. Thanh chưa hẳn đã chứng minh được phẩm chất văn hóa của một tập đoàn kinh tế thời hội nhập. Bằng chứng là nghệ sĩ Thành Lộc đã từ chối tham dự một lễ trao giải nghệ thuật vì có sự tài trợ của thương hiệu Dr. Thanh.

Các tin khác