Thắp sáng cao nguyên đá

Đến Đồng Văn (Hà Giang), ấn tượng mạnh nhất của tôi không chỉ có đá và đá mà còn có những đường đây điện vắt vẻo trên trùng trùng đá. Và cả những câu chuyện “cười ra nước mắt” liên quan đến người đi thắp sáng cao nguyên đá.

Đến Đồng Văn (Hà Giang), ấn tượng mạnh nhất của tôi không chỉ có đá và đá mà còn có những đường đây điện vắt vẻo trên trùng trùng đá. Và cả những câu chuyện “cười ra nước mắt” liên quan đến người đi thắp sáng cao nguyên đá.

Cheo leo trên đá

Giữa tháng 3, trời nắng nhưng nhiều nơi sương mù vẫn dày đặc. Dù vậy, vẫn có thể dễ dàng nhận thấy những đường dây điện chạy dọc ngang trên cao nguyên đá Đồng Văn, dẫn về các thôn bản hoặc đôi khi chỉ một vài nóc nhà lẻ loi, khi nằm dưới thung lũng sâu, lúc cheo leo trên vách núi. Đêm xuống, đứng ở bất kỳ điểm nào cũng có thể nhìn thấy đốm sáng phát ra từ những ngọn đèn điện trong các thôn bản xa xăm của người Mông hay người Pu Péo.

Chỉ tay về phía đường dây điện xa xa bên kia dãy núi, ông Nguyễn Ngọc Phan, Phó Giám đốc Điện lực Đồng Văn, cho biết từ những năm 2001-2003 Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng lưới điện cho huyện Đồng Văn. Nhờ vậy, đến nay có trên 90% dân số trong huyện có điện, tỷ lệ cao nhất ở các huyện vùng cao Hà Giang. Nhiều thôn bản ở rất xa, đường đi hiểm trở cũng đã có điện.

Ông Phan cho biết hiện Điện lực Đồng Văn đang quản lý 6.384 khách hàng, trong đó 2/3 ở vùng sâu và đa số ở những vách núi cheo leo, ô tô, xe máy không thể tới nơi. Từ Điện lực Đồng Văn đến trung tâm xã xa nhất là 40km, sau đó từ trung tâm xã đi bộ đến điểm thu tiền điện cũng 5km.

Trong điều kiện như vậy, việc xây dựng đường dây đưa điện về từng thôn bản, hộ gia đình cực kỳ khó khăn. Tất cả vật tư thiết bị phục vụ cho xây lắp đường dây và trạm, từ máy biến áp, trụ, xi măng đến cuộn cáp, thanh giằng…. đều phải nhờ sức người mang vác. Vì vậy, chi phí xây dựng lưới điện tại đây đắt gấp nhiều lần so với miền xuôi.

Nhân viên Điện lực Đồng Văn về các bản làng của đồng bào Mông ở xã Sà Phìn (Đồng Văn, Hà Giang). 

Nhân viên Điện lực Đồng Văn về các bản làng của đồng bào Mông
ở xã Sà Phìn (Đồng Văn, Hà Giang). 

Theo ông Phan, đưa điện về cho đồng bào đã khó, việc quản lý, vận hành và khai thác còn cơ cực bội phần. Để cảm nhận rõ hơn những khó khăn vất vả, ông Phan đưa tôi đi một vòng các xã Ma Lé, Lũng Táo và Lũng Cú - nơi có cột cờ trên đỉnh đầu Tổ quốc - trên con đường quanh co, chơi vơi lưng chừng núi. Vừa đi, ông Phan vừa cho biết, Điện lực Đồng Văn hiện quản lý đường dây trung áp 35KV, 160km đường dây 0,4KV, 67 trạm biến áp.

Trong khi đó, chỉ có 18 người chuyên quản lý kỹ thuật như kiểm tra đường dây, trạm biến áp, chốt chỉ số công tơ và thu tiền điện. Tính ra, bình quân mỗi người quản lý ít hơn 1 xã. Tuy số lượng khách hàng không nhiều như dưới xuôi, nhưng đa số ở rải rác, đường sá cách trở, thời tiết khắc nghiệt nên khối lượng công việc luôn quá sức. Ngoài ra, Điện lực Đồng Văn còn quản lý 1 trạm thủy điện nhỏ nằm ở thung lũng sâu phải đi bộ 7km mới tới nơi. Mức đầu tư xây dựng điện rất lớn, nhưng tiền bán điện thu lại chẳng được bao nhiêu.

Có trạm 50KVA với 80 hộ dân nhưng mỗi tháng chỉ thu được 70.000 đồng tiền điện. “Lỗ nặng nhưng vẫn phải kéo điện về cho đồng bào sử dụng, đó vừa là chính sách ưu tiên của Nhà nước với các dân tộc vùng cao, vừa là để đảm bảo an ninh xã hội nơi đỉnh đầu Tổ quốc” - Phan nói chắc như đinh đóng cột.

Phó Giám đốc Nguyễn Ngọc Phan cho biết, từ tháng 4 trở đi là mùa mưa bão, rồi tiếp đến mùa đông, vùng này gió dữ dội, nhiệt độ có khi xuống dưới 0 độ, tuyết phủ trắng xóa, việc đi lại của anh em vô cùng vất vả. Đây lại là lúc hay xảy ra các sự cố lưới điện nên anh em thường phải túc trực trên các nẻo đường để kịp thời khắc phục, đảm bảo cho nguồn điện được duy trì liên tục.

Cũng vì đường xa, hiểm trở nên chính những anh em đi kiểm tra, xử lý sự cố đường dây lại hay gặp tình huống bất ngờ như xe hỏng, hết xăng, tai nạn. Hoàng Mạnh Thưởng, nhân viên điện lực phụ trách địa bàn xã Lũng Táo, kể hồi tháng 10 năm ngoái, trên đường đi kiểm tra đường dây tại Lũng Táo, đến xóm Lù Xa xe bị hỏng lốp. Nếu dắt xe đi phải mấy giờ mới đến được chỗ sửa xe cách đó 5km. Vì vậy anh phải gọi điện cầu cứu đồng nghiệp mang săm, đồ nghề đến tự thay.

Mua điện trả... trứng

"Nhớ bám chắc vào" - Trương Đức Hoàng, nhân viên Điện lực Đồng Văn, nói như ra lệnh khi anh bắt đầu gài số, rồ ga chiếc xe máy cũ đưa tôi về một số bản thuộc xã Sà Phìn. Sà Phìn cách huyện lỵ Đồng Văn 15km, 2 bên đường chỉ có đá và đá: một bên vách núi, bên còn lại vực sâu. Nhiều đoạn vẫn còn là đường đất hoặc cấp phối nên Hoàng khá vất vả điều khiển. Nhiều lúc thấy Hoàng loạng choạng như say rượu vì đường lởm chởm đá.

"Đi đường này phải tập trung, chỉ cần sơ sẩy lao ngay xuống vực không có cơ hội sống sót, hoặc chỉ cần va quệt nhẹ nhưng đá ở đây sắc nhọn tứa máu liền" - anh Hoàng giải thích. Hoàng năm nay 26 tuổi, vào ngành điện được 3 năm, công việc hàng ngày của anh là quản lý trạm, đường đây, sửa chữa và thu tiền điện cả xã Sà Phìn. Sà Phìn có khoảng 300 hộ dân sử dụng điện nhưng ở rải rác. Nhiều thôn bản, những nóc nhà đơn độc nằm cách trung tâm xã hàng chục km, nhiều đoạn không thành đường nên thường xuyên phải đi bộ cả giờ.

Sau một chặng dài vòng vèo theo đường uốn lượn cheo leo trên vách đá, Hoàng đưa tôi đến bản Thành Má Tủng (xã Sà Phìn) nằm kẹp gữa 2 dãy núi. Vào nhà cụ Sùng Mí Lử ở đầu bản. Cụ Lử cho biết bản này có điện từ năm 2001. Từ khi có điện, cả bản sáng sủa và vui hơn rất nhiều. Con trai cụ Lử là Sùng Mí Chớ, 32 tuổi, đã có vợ và 2 con.

Anh Chớ là một đại lý thu tiền điện ở bản này. Hoàng cho biết, hàng tháng sau khi chốt chỉ số công tơ, Hoàng thường cùng Sùng Mí Chớ đi thu tiền. “Phải có người dân địa phương thu hộ, vì mình không biết tiếng nên rất khó đi thu” - Hoàng giải thích. Sùng Mí Chớ cho biết người dân sử dụng điện thắp sáng là chính. Hộ nào sử dụng điện nhiều nhất chỉ 60.000 đồng/tháng, nhưng số đó rất ít. Mức tiêu thụ phổ biến nhất là 10.000-15.000 đồng/tháng, có hộ chỉ 5.000 đồng/tháng.

“Nhiều lúc đến thu tiền bà con không có nhà, hôm sau lại đến, không gặp hôm sau lại đến tiếp. Đi 2, 3 lần không thu được đành phải bỏ tiền túi trả trước, vài tháng sau mới thu lại. Có nhiều người bảo không có tiền rồi đem mấy quả trứng gà để trả tiền điện. Nhiều khi phải lấy trứng giúp cho bà con, sau đó bù tiền xem như đi chợ vậy” - anh Hoàng tâm sự.

Các tin khác