Tháng tư về thành An Thổ

Lịch sử dân tộc ta là sự tiếp nối truyền thống anh hùng bất khuất lưu truyền qua bao thế hệ, đã hun đúc tâm hồn, ý chí của cả dân tộc vượt bao nghịch cảnh để khẳng định sức mạnh trường tồn. Những ngày tháng 4, khi cả nước rộn ràng hướng về các ngày lễ lớn, kỷ niệm các vị anh hùng dân tộc vì nước quên thân, chúng tôi tìm về thành An Thổ - một vùng đất phát tích 2 nhân vật huyền thoại với các câu nói lưu danh lịch sử.

Lịch sử dân tộc ta là sự tiếp nối truyền thống anh hùng bất khuất lưu truyền qua bao thế hệ, đã hun đúc tâm hồn, ý chí của cả dân tộc vượt bao nghịch cảnh để khẳng định sức mạnh trường tồn. Những ngày tháng 4, khi cả nước rộn ràng hướng về các ngày lễ lớn, kỷ niệm các vị anh hùng dân tộc vì nước quên thân, chúng tôi tìm về thành An Thổ - một vùng đất phát tích 2 nhân vật huyền thoại với các câu nói lưu danh lịch sử.

Địa linh nhân kiệt

Bây giờ trên bản đồ địa chính không còn địa danh thành An Thổ. Thành này được xây dựng vào thời vua Minh Mạng, là trung tâm hành chính của chính quyền phong kiến tại Phú Yên từ đầu đến cuối thế kỷ 19, nay thuộc xã An Dân, huyện Tuy An.

Hiện nay dấu tích của thành An Thổ xưa vẫn còn nhận thấy khá rõ, như hệ thống hào nước bao quanh thành, móng trụ cờ, giếng nước, miếu cổ và vết tích 4 cửa thành... Thành An Thổ không bị phôi pha theo thời gian bởi nó gắn liền với các sự kiện lịch sử quan trọng. Đây là nơi khởi phát cuộc khởi nghĩa Cần Vương do Lê Thành Phương lãnh đạo, cũng là nơi sinh ra Trần Phú, vị Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Khu di tích quốc gia thành An Thổ và nhà lưu niệm nơi sinh Tổng Bí thư Trần Phú.

Khu di tích quốc gia thành An Thổ và nhà lưu niệm nơi sinh Tổng Bí thư Trần Phú. 

Lê Thành Phương sinh năm 1825 tại nơi này. Năm 1885, trước ách đô hộ, bóc lột thậm tệ nông dân, ông cắt máu ăn thề cùng cả ngàn nông dân, tổ chức đạo quân khởi nghĩa chống thực dân Pháp. Sau khi dấy binh, đánh bại và bắt được viên Tổng binh tại Tuy Hòa,

Thống soái Lê Thành Phương chia tỉnh Phú Yên thành 2 phân khu dấy cờ khởi nghĩa với khẩu hiệu “Bình Tây sát Tả”. Phong trào nghĩa quân nhanh chóng trưởng thành, liên tiếp triệt hạ các đồn bót của Pháp và bộ máy chính quyền tay sai.

Vào năm 1885, theo lệnh Lê Thành Phương, Phó soái Bùi Giảng mang 3.000 quân tiến đánh Khánh Hòa, Bình Thuận, mở đường liên kết với phong trào Cần Vương ở Đàng Trong. Sau đó, Bùi Giảng đã hạ thành Ninh Thuận, chiếm thành Phan Rí, Bình Thuận.

Nhận thấy sự bành trướng ngày càng nguy hiểm của nghĩa quân Lê Thành Phương, Pháp gấp rút tổ chức đạo quân tinh nhuệ, gồm lính chính quy Pháp và lính bản xứ từ Nam Kỳ điều ra để đàn áp. Với vũ khí vượt trội và lực lượng hùng hậu, quân Pháp đã từng bước đẩy lùi nghĩa quân Lê Thành Phương.

Ngày 5-2-1887, quân Pháp đổ bộ lên vịnh Xuân Đài, đánh chiếm nhiều vùng chiến lược của nghĩa quân, sau đó hạ thành An Thổ. Quân Lê Thành Phương vừa rút lui, vừa tổ chức chiến đấu anh dũng trong các trận phục kích tại đèo Quán Cau, núi Một, đánh giáp lá cà một sống một chết tại Tuy Hòa... song vẫn không cản nổi bước tiến của địch.

Ngày 8-2-1887, Lê Thành Phương bị quân Pháp bắt và ngày 20-2-1887 ông bị xử chém, bêu đầu tại bến đò Cây Dừa. Trước khi mất, ông vẫn khẳng khái với câu nói bất hủ: “Ninh thọ tử, bất ninh thọ nhục” (Thà chịu chết chứ không chịu nhục).

Cuộc khởi nghĩa do Lê Thành Phương lãnh đạo kéo dài trong 3 năm, được lịch sử nhìn nhận đánh dấu thời kỳ mở đầu, cũng là đỉnh cao phong trào Cần Vương lúc bấy giờ. Tưởng nhớ công ơn của ông, hàng năm cứ đến ngày 28 tháng Giêng, nhân dân tỉnh Phú Yên đều tổ chức dâng hương tưởng niệm vị anh hùng dân tộc.

Tuổi thơ khốc liệt

17 năm sau ngày hy sinh của Lê Thành Phương, thành An Thổ chứng kiến tiếng khóc chào đời của một chí sĩ tương lai tiếp nối truyền thống đấu tranh vì độc lập, tự do dân tộc: Trần Phú. Có phải do trùng hợp lịch sử gắn với tinh thần ngày Quốc tế Lao động, Trần Phú sinh đúng ngày 1-5-1904, để sau này cả đời đấu tranh cho giai cấp công nhân, người lao động và lý tưởng Cộng sản.

Để hiểu thêm nhân cách, khí tiết của Trần Phú cũng cần tìm hiểu gia cảnh, bối cảnh đất nước thực dân-phong kiến lúc đó, để thấy một chương bi tráng trong lịch sử dân tộc. Song thân Trần Phú là ông Trần Văn Phổ và bà Hoàng Thị Cát, quê xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, là một gia đình Nho học.

Do đỗ Giải Nguyên nên năm 1901 ông Phổ được điều về giữ chức Giáo thụ ở phủ Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ông đã đưa cả gia đình vào sống tại thành An Thổ. Năm 1908, ông Trần Văn Phổ được triều đình Huế điều làm tri huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi, ông lại đưa cả gia đình ra Quảng Ngãi.

Lúc ấy, phong trào chống sưu cao thuế nặng của nông dân diễn ra quyết liệt, các quan Pháp ra lệnh ông phải thẳng tay đàn áp. Do không chịu được sự đè nén, áp bức, nhục mạ của Công sứ Pháp và bất lực trước tình cảnh nhân dân đói khổ, lầm than, ông Trần Văn Phổ đã thắt cổ tuẫn tiết ngay tại công đường vào ngày 19-4-1908.

Di ảnh Lê Thành Phương tại Tuy An, nơi ông dựng cờ khởi nghĩa. 

Di ảnh Lê Thành Phương tại Tuy An, nơi ông dựng
cờ khởi nghĩa. 

Sau khi chồng mất, gia đình bà Hoàng Thị Cát bị đuổi ra khỏi huyện đường, bà đã dìu dắt 8 người con ra thị xã Quảng Ngãi bán nước ven đường kiếm sống qua ngày. Quá đau buồn vì nỗi đau mất chồng và gánh nặng nuôi 8 người con, 2 năm sau bà lâm bệnh nặng, qua đời.

Trần Phú là người con thứ 7 trong gia đình, năm lên 4 mồ côi cha, năm lên 6 mồ côi mẹ. Sau đó 8 anh em phải dắt díu nhau về Quảng Trị sống với người thân.

Thân cô, thế cô nhưng từ nhỏ Trần Phú không buông xuôi theo số phận, tỏ rõ quyết tâm vượt qua nghịch cảnh. Năm 10 tuổi, Trần Phú được người dì ruột đưa về nuôi và cho ra Huế học tại Trường tiểu học Pháp-Việt (Đông Ba), năm 14 tuổi vào Trường Quốc học Huế.

Năm 18 tuổi ông đỗ đầu kỳ thi Thành Chung (học vị cao nhất theo hệ Pháp đào tạo tại Việt Nam lúc bấy giờ), được bổ nhiệm làm giáo học Trường tiểu học Pháp-Việt Cao Xuân Dục ở Vinh (Nghệ An). Nơi đây là một trong những lò lửa cách mạng với phong trào đấu tranh mạnh mẽ của tầng lớp công nông, đã ảnh hưởng sâu đậm đến tinh thần và ý chí cách mạng của ông sau này.

Vốn mang dòng máu nghĩa khí và tinh thần dân tộc của thân phụ, tại Vinh ông bắt đầu tiếp xúc với tư tưởng chủ nghĩa Cộng sản.

Năm 1925, mới 20 tuổi, Trần Phú cùng một số bạn bè trẻ tuổi thành lập Hội Phục Việt, gia nhập Việt Nam Cách mạng Đảng (sau đổi là Tân Việt), được cử sang Lào để vận động thành lập các chi bộ của Đảng.

Niềm tin tất thắng

Từ ấy, người thanh niên tuổi đôi mươi này bắt đầu dấn thân trên con đường cách mạng. Năm 1926 (lúc 22 tuổi), với bí danh Lý Quý, Trần Phú đại diện Việt Nam Cách mạng Đảng sang Quảng Châu (Trung Quốc) tham gia các lớp huấn luyện về lý luận chính trị, được kết nạp vào Cộng sản Đoàn, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử về nước hoạt động với tư cách là người cộng sản.

Về Vinh hoạt động một thời gian, Trần Phú bị bại lộ, được tổ chức đưa sang Quảng Châu với bí danh Lý Viết Hoa. Năm 1927 (23 tuổi), ông được Nguyễn Ái Quốc cử sang học tại Trường Đại học Đông Phương (Liên Xô) với bí danh Likvey.

1 năm sau đó, Trần Phú được bầu làm đại biểu tham dự Đại hội VI Quốc tế Cộng sản. Lúc đó tại quê nhà, Trần Phú bị tòa án Nam triều ở Nghệ An xử án vắng mặt vào ngày 11-10-1929. Từ đây, Trần Phú đi vào hoạt động bí mật suốt cuộc đời mình.

Năm 1930 (26 tuổi), Trần Phú về nước và được cử vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng, được giao soạn thảo Luận cương Chính trị về vấn đề cách mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương, trú ngụ trong một căn hầm bí mật, chật chội ở số nhà 90 Thợ Nhuộm, Hà Nội.

Tháng 10-1930 Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp ở Hương Cảng (Trung Quốc) đã thông qua bản Luận cương Chính trị và bầu Ban Chấp hành Trung ương chính thức. Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Đánh giá bản Luận cương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Bản cương lĩnh cách mạng tư sản dân quyền năm 1930, Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ chống đế quốc và phong kiến; thực hiện độc lập dân tộc, người cày có ruộng, rất phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số nhân dân ta là nông dân. Vì vậy, Đảng đã đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp mình. Còn các đảng phái của các giai cấp khác thì hoặc bị phá sản, hoặc bị cô lập”.

Luận cương Chính trị của Đảng đã mạnh mẽ đi vào quần chúng, xây dựng được tổ chức và cơ sở Đảng rộng khắp ở 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia.

Bức vẽ minh họa Trần Phú thời gian học tập tại Liên Xô tại nhà tưởng niệm. 

Bức vẽ minh họa Trần Phú thời gian học tập tại Liên Xô tại nhà tưởng niệm. 

Tháng 3-1931, Tổng Bí thư Trần Phú chủ trì Hội nghị Trung ương lần 2 tại Sài Gòn, bàn việc chấn chỉnh Đảng sau các đợt khủng bổ của địch và vạch ra các nghị quyết về nhiệm vụ, tổ chức cơ sở Đảng.

Hội nghị này đã đưa ra một quyết định quan trọng: “Tổ chức ra Cộng sản Thanh niên Đoàn với nhiệm vụ thâu phục một bộ phận quan trọng của vô sản giai cấp, là một vấn đề cần kíp Đảng phải giải quyết”. Đây được xem là cơ sở đầu tiên để hình thành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh về sau.

Biết ông là cán bộ cao cấp của Đảng Cộng sản và trước sự bành trướng, lớn mạnh của phong trào cộng sản, thực dân Pháp tìm mọi cách phải bắt được Trần Phú. Chỉ 1 tháng sau Hội nghị Trung ương lần 2, do sự phản bội từ nội bộ của tên Ngô Đức Trì, ngày 19-4-1931, Trần Phú bị mật thám Pháp bắt tại số nhà 66 đường Champane, Sài Gòn.

Địch đã tra tấn Trần Phú bằng những thủ đoạn tàn bạo để moi thông tin và dùng nhục hình để Trần Phú tỏ dấu hiệu yếu đuối nhằm tuyên truyền dập tắt phong trào đấu tranh. Nhưng Trần Phú vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản, nêu cao tấm gương kiên cường bất khuất, đã làm cho kẻ thù phải kiêng sợ và khâm phục.

Trước đòn thù và các thủ đoạn tra tấn dã man, sức khỏe giảm sút nhanh, trước khi trút hơi thở cuối cùng vào ngày 6-9-1931 tại Nhà thương Chợ Quán, Trần Phú đã căn dặn: “Trước sau tôi chỉ mong anh chị em hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.

Hướng dẫn khách tham quan khu lưu niệm Tổng Bí thư Trần Phú tại Phú Yên. 

Hướng dẫn khách tham quan khu lưu niệm Tổng Bí thư Trần Phú tại Phú Yên. 

Bị bắt tra tấn không cung khai, tù đày không nản chí, vào sống ra chết không sờn lòng... Trần Phú luôn có niềm tin tất thắng vào lý tưởng, con đường mà mình đã chọn, đã nêu tấm gương sáng cho cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài nhưng nhất định thắng lợi của dân tộc ta.

Hy sinh khi mới 27 tuổi, cuộc đời cách mạng của Trần Phú tuy ngắn ngủi nhưng ông đã đảm đương được trọng trách mà lịch sử, dân tộc giao phó. Mãi đến năm 1999, hài cốt Trần Phú mới truy tìm được. Sáng ngày 12-1-1999 tại Dinh Thống Nhất TPHCM, Đảng và Nhà nước đã tổ chức trọng thể lễ truy điệu và di dời hài cốt Tổng Bí thư Trần Phú về an táng tại núi Quần Hội, thôn Châu Linh, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh; phía sau phần mộ có gắn chữ đồng câu nói lưu danh Trần Phú trên nền đá hoa cương đỏ: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.

“Tuy An nước lặng mây dừng

Nơi sinh Trần Phú, anh hùng Tú Phương”

Câu ca dao của người Phú Yên vừa thể hiện sự tự hào khi quê hương mình đã sản sinh những anh hùng dân tộc, một lòng cứu nước trong những năm tháng đen tối nhất, vừa nhắc nhớ công lao tiền nhân và thái độ tôn kính của người hậu thế.

Thành An Thổ bây giờ không còn, chỉ còn lại một số dấu tích như cổng thành, tòa công đường, kỳ đài, trại ngựa, trường bắn, dinh tổng đốc, trại lính... Những nơi này đã được khai quật và bảo tồn như một chứng tích lịch sử.

Ngày 22-8-2005, Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch đã công nhận thành An Thổ là di tích khảo cổ cấp quốc gia. Tại đây còn có di mộ, đền thờ Lê Thành Phương, Nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Trần Phú, quanh năm được nhân dân ngưỡng vọng khói hương nghi ngút.

Các tin khác