Thảm họa báo mạng lá cải

Trên mục thời luận liên tiếp trong 2 số báo (635 - 636) ĐTTC đã lên án gay gắt về tình trạng ăn cắp bản quyền của một số báo điện tử và trang tin điện tử tổng hợp. Mới đây Cục Quản lý Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin-Truyền thông) đã chính thức có văn bản đề nghị thanh tra ngành xem xét và xử lý 5 trang tin điện tử. Đây là động thái tích cực của ngành quản lý chức năng. Tuy nhiên, bên cạnh vấn đề sở hữu trí tuệ, việc nhiều báo mạng hiện nay đang lá cải hóa cũng cần nghiêm túc chấn chỉnh mới mong giữ gìn đời sống truyền thông nước nhà lành mạnh.

Trên mục thời luận liên tiếp trong 2 số báo (635 - 636) ĐTTC đã lên án gay gắt về tình trạng ăn cắp bản quyền của một số báo điện tử và trang tin điện tử tổng hợp. Mới đây Cục Quản lý Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin-Truyền thông) đã chính thức có văn bản đề nghị thanh tra ngành xem xét và xử lý 5 trang tin điện tử. Đây là động thái tích cực của ngành quản lý chức năng. Tuy nhiên, bên cạnh vấn đề sở hữu trí tuệ, việc nhiều báo mạng hiện nay đang lá cải hóa cũng cần nghiêm túc chấn chỉnh mới mong giữ gìn đời sống truyền thông nước nhà lành mạnh.

Tài chính suy thoái, không ít tờ báo lừng lẫy trên thế giới phải đóng cửa. Báo chí Việt Nam cũng bị ảnh hưởng không ít, nhất là báo in. Để duy trì hoạt động tuyên truyền tích cực cho xã hội phát triển, nhiều tờ báo giấy chính thống đã đầu tư báo điện tử, trang tin điện tử một cách cân nhắc và khoa học.

Kinh phí bỏ ra làm báo mạng không nhỏ, từ trang thiết bị cho đến đội ngũ kỹ thuật viên, tốn kém hàng chục tỷ đồng. Thế nhưng, nhức nhối thay, khi những báo điện tử, trang tin điện tử của các báo chính thống vừa kiện toàn phương thức tác nghiệp, lại gặp phải sự cạnh tranh kém văn minh từ phía một số trang tin của các doanh nghiệp thương mại điện tử.

Trong khi các báo mạng của các tờ báo chính thống phải tổ chức đội ngũ phóng viên, cộng tác viên tác nghiệp nhanh nhạy nhất để đáp ứng tốc độ internet, những trang tin trá hình chỉ làm thao tác “copy” và “paste”. Mồ hôi và công sức của các báo mạng bị “cuỗm” công khai và trắng trợn.

Nghịch lý hơn, kinh phí sản xuất tin bài của các báo mạng lại trở thành nguồn thu quảng cáo của các trang tin vô thưởng vô phạt. Thí dụ, có trang tin mỗi năm thu trên 100 tỷ đồng tiền quảng cáo nhờ cách làm ngược ngạo trên. Quá uất ức, một vài nhà báo đã gọi hành vi trên là “bắc nồi nấu cháo trên lưng người làm báo”. Không chỉ tước đoạt thành quả của những nhà báo chân chính, các trang tin điện tử còn ngang nhiên lôi kéo lượt khách truy cập bằng cách bóp méo tác phẩm báo chí mà họ lẹ mắt “rinh” được.

Bài báo nguyên gốc vốn đàng hoàng tử tế, nhưng khi “tái bản” trên trang tin nào đó lập tức “hô biến” đến mức chính tác giả đôi khi cũng ngỡ ngàng. Cụ thể hơn, các trang tin nhân danh báo mạng sẵn sàng sửa tít, sửa tựa, thậm chí thay đổi cả hình ảnh bài báo nguyên gốc hòng có được một sản phẩm hấp dẫn kiểu rẻ tiền.

Phương châm của các trang tin lố bịch này thực ra chẳng có gì cao siêu, rất đơn giản, gói gọn trong 15 chữ: “Sốc, và sốc hơn nữa. Sến, và sến hơn nữa. Sex, và sex hơn nữa”. 15 chữ ấy, đối với những kẻ mượn danh trang tin để kiếm lợi phi pháp là 15 chữ đáng tự hào, nhưng với những người làm báo thực sự lại là 15 chữ đáng hổ thẹn.

 

Vì các cơ quan quản lý chưa kiên quyết ngăn chặn, và vì các nhà báo còn tỏ ra nhân nhượng trong đấu tranh phòng ngừa, nên các trang tin bát nháo cứ sinh sôi nảy nở. Mặt khác, nhiều trang tin tuy chưa nhăng nhít đến mức lão luyện nhưng cũng ngạo nghễ tự cho mình cái quyền như tòa soạn có giấy phép hoạt động, cũng có phóng viên và biên tập viên “cứ như người lớn”.

Bạn đọc bình thường, làm sao phân biệt đâu là báo mạng chính thống, đâu là trang tin mạo nhận. Do vậy, tất cả các trang tin “đầu Ngô mình Sở” đều gây tiếng xấu cho các nhà báo tuân thủ quy tắc nghề nghiệp. Không ít nhà báo bị bạn đọc mắng xối xả vì tội “dạo này báo chí mấy ông toàn tin tức lộ hàng, ngoại tình, cướp, giết, hiếp...”. Ôi, nỗi oan ấy còn đau gấp bội nỗi oan Thị Kính.

Xu hướng giật gân, câu khách bất chấp thủ đoạn của các trang tin đã đến mức báo động. Độc giả bị bội thực bởi những điều nhảm nhí, đôi khi có cảm giác bị xúc phạm vì cách làm báo coi thường trình độ công chúng. Thử hỏi, độc giả nào còn tin vào báo chí, nếu nhan nhản trên các trang tin là những cái tít sau đây: “Siêu mẫu Hà Anh lại thả rông ngực nóng rẫy”, “Ngắm sao thả ngực trần nóng bỏng trên bờ biển” hoặc “Nóng mắt với cảnh nữ sinh khoe ngực trần”, “Nóng mắt với màn tốc váy của mỹ nhân”.

Chưa dừng lại ở đó, báo mạng lá cải còn sử dụng cả những tựa dài loằng ngoằng nghe ớn lạnh, như “Võ Hoàng Yến khoe hàng nóng rực đốt cháy mọi ánh nhìn với trang phục ren xuyên thấu, hở tối đa da thịt”. Nếu cách làm báo này tiếp tục được cổ vũ, có lẽ chúng ta sẽ phải đóng cửa các trường dạy báo chí và đốt hết giáo trình đào tạo cử nhân báo chí.

Không chỉ các nhà báo ngán ngẫm các loại báo mạng lá cải, mà chính các nghệ sĩ cũng sợ hãi báo mạng lá cải. Đã có rất nhiều đạo diễn, ca sĩ, người mẫu tẩy chay những trang tin suốt ngày soi mói đời tư ngôi sao và tung hô những thứ lẽ ra cần e ngại.

Ngoài chuyện hở hang và giường chiếu, những trang tin điện tử cung cấp gì bổ ích cho người Việt Nam đang khao khát hội nhập? Có chăng, chỉ là thói láu cá ăn cắp vặt. Chỉ cần thành lập doanh nghiệp thương mại điện tử rồi làm trang tin chụp giựt và ung dung sở hữu một “tòa soạn ảo thu tiền thật”. Điều ấy trái luật pháp và càng trái đạo lý.

Trong thời đại truyền thông đa phương tiện, báo mạng là một sự chọn lựa hợp lý và thiết thực. Tuy nhiên, báo mạng không thể đồng hành với tiến bộ của cộng đồng, nếu song song tồn tại những trang tin hỗn hợp và hỗn loạn. Không có cơ thể nào cường tráng nếu gánh chịu quá nhiều căn bệnh trầm kha.

Đã đến lúc không còn ngần ngại tuyên bố, báo mạng lá cải chính là những mầm mống ung thư của báo chí nước nhà. Các cơ quan có trách nhiệm hãy làm những bác sĩ giải phẫu khéo léo và can trường, trước khi báo mạng lá cải trở thành ung thư di căn.

Các tin khác