Tận dụng sáng tạo

Vỏ sò, chai nhựa rỗng, hộp lon không, hộp sữa giấy đã uống hết, trái mù u, trái bàng nhớt, ngó bần, cùi bắp, giấy dầu, mạt cưa… và rất nhiều thứ khác nữa đang được các giáo viên mầm non tỉnh Vĩnh Long làm thành các loại đồ dùng dạy học (ĐDDH) đa dạng. Đó là sự tận dụng, tiết kiệm hiệu quả và rất sáng tạo.

Vỏ sò, chai nhựa rỗng, hộp lon không, hộp sữa giấy đã uống hết, trái mù u, trái bàng nhớt, ngó bần, cùi bắp, giấy dầu, mạt cưa… và rất nhiều thứ khác nữa đang được các giáo viên mầm non tỉnh Vĩnh Long làm thành các loại đồ dùng dạy học (ĐDDH) đa dạng. Đó là sự tận dụng, tiết kiệm hiệu quả và rất sáng tạo. 

Tận dụng và tiết kiệm

Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Tân Mỹ (huyện Trà Ôn) Võ Thúy Hằng giới thiệu cô Vinh Thị Cẩm Vân là một giáo viên rất sáng tạo trong việc làm ĐDDH. Với hũ đựng rau câu, khi các cháu ăn xong, cô gom lại, rửa sạch, quét lên một ít màu sơn đã thành một ĐDDH bắt mắt.

Với hạt cây bàng nhớt rơi xuống sân trường, cô nhặt lấy, rửa sạch, luồn dây chì để đính vào mấy hột đậu xanh làm thành các con bọ rùa, con thỏ. Cô Cẩm Vân kể: “Không phải dễ dàng tận dụng phế liệu để làm thành ĐDDH. Trước khi làm một ĐDDH nào đó, tôi thường suy nghĩ nên chọn loại vật liệu nào phù hợp, rồi làm thử trước, đến khi thấy ổn mới làm đại trà”.

Tùy chủ đề hàng tháng, số lượng ĐDDH có màu sắc đa dạng và phong phú khác nhau. Cô Hiệu trưởng Võ Thúy Hằng nói: “Năm học này trường đã có 200 bộ ĐDDH, mỗi bộ 10 cái, do 13 giáo viên làm ra. Các năm học trước không làm nhiều ĐDDH như vậy đâu, năm nay do trường khuyến khích đi sâu, trải rộng trên 9 chủ đề năm học nên giáo viên sáng tạo được nhiều ĐDDH. Điều này cho thấy sự kiên trì, lòng yêu nghề và tình cảm chăm chút của các giáo viên”.

Cô Hiền cùng các trò bên “tạo tác” núi non - một trong những đồ dùng dạy học do giáo viên tự tạo.

Cô Hiền cùng các trò bên “tạo tác” núi non - một
trong những đồ dùng dạy học do giáo viên tự tạo.

Nhiều trường mầm non khác cũng đang phát huy sáng tạo trong việc làm ĐDDH. Hiệu trưởng Trường Mầm non Rạng Đông (Ngãi Tứ, Tam Bình) cô Đường Kim Hằng cho biết: Hầu hết các giáo viên của trường đều tranh thủ tận dụng thời gian rỗi để làm ĐDDH. Trong 9 chủ đề của 9 tháng học đều có hoạt động làm ĐDDH. Khi làm ĐDDH, các cô tính toán sao cho tiết kiệm tối đa chi phí, chủ yếu tận dụng nguyên vật liệu gom góp được, tạo thành ĐDDH mang tính hữu ích. Ở trường này các cháu chỉ học một buổi, hầu hết thời gian còn lại của buổi chiều dùng cho các hoạt động chuyên môn của trường, giáo viên họp và làm ĐDDH.

Các cô Võ Thị Hiền, Nguyễn Thị Thúy Lan, Phan Thị Thanh Thảo… là những giáo viên nổi bật về sự năng nổ trong hoạt động làm ĐDDH tại trường.

Đỉnh điểm của sự sáng tạo

Trong lớp không có đầu máy nghe nhạc, giờ lên lớp, cô giáo Nguyễn Thị Phi Lil ở Trường Mẫu giáo Trung Ngãi (Vũng Liêm) tận dụng chiếc điện thoại di động của mình để phát những bài hát dành cho lứa tuổi mần non, mẫu giáo làm công cụ cho tiết dạy nhạc.

Sau khi đã ổn định chỗ ngồi cho các cháu, cô Phi Lil lấy điện thoại ra bật nhạc, bắt đầu bài dạy. Khi cô vừa dứt câu “Nào cô mời các con cùng xoay thành vòng nhé!”, các cháu cùng đứng dậy rồi xoay thành vòng tròn thật nhanh. Tiếng nhạc từ chiếc điện thoại phát ra không lớn nhưng cũng vừa đủ cho những bước chân của gần 20 cháu lớp lá hòa nhịp.

Theo tiếng nhạc, những tiếng vỗ tay, tiếng bước chân sôi động, hân hoan. Trong hoàn cảnh khá thiếu thốn ĐDDH như thế cô Phi Lil vẫn có cách để “hóa giải” được, hoàn thành tốt bài dạy của mình. Sự sáng tạo ấy rất đáng được tôn vinh.

Chứng kiến tiết học ấy, cô Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Trung Ngãi Dương Thị Ngọc Điệp xúc động nói: “Cơ sở vật chất của trường rất thiếu thốn, nên các giáo viên đều phải rất cố gắng khắc phục khó khăn. Phòng học này cũng không phải là một phòng học mà là một nhà ăn được tận dụng để dạy học”.

Thật vậy, để ý quan sát mới nhận ra các vật dụng, hồ sơ, tập sách… đã tận dụng các thiết kế trên vách của nhà ăn để bày trí cho ra một phòng học khang trang. Đó quả là sự hoán chuyển công năng rất sáng tạo của các giáo viên nơi đây.

Trong khi chờ xây dựng thêm phòng học, nhà trường phải tận dụng như vậy để đủ phòng học, đảm bảo cho tất cả các trẻ trong độ tuổi đều ra lớp.

Các tin khác