Kỷ niệm 400 năm Phú Yên hình thành, phát triển

Tâm thế mới Phú Yên

Cách nay đúng 400 năm, những người “mang gươm đi mở cõi” đã đặt cho vùng đất heo hút bị chia cắt giữa 2 đèo cao một địa danh rất đẹp: Phú Yên, có lẽ với kỳ vọng nơi đây sẽ luôn bình yên và giàu có. Trải qua bao thăng trầm, các thế hệ cư dân sinh ra và lớn lên ở đây đã đổ bao mồ hôi và xương máu, nỗ lực biến ước nguyện của các bậc tiền nhân thành hiện thực.

Cách nay đúng 400 năm, những người “mang gươm đi mở cõi” đã đặt cho vùng đất heo hút bị chia cắt giữa 2 đèo cao một địa danh rất đẹp: Phú Yên, có lẽ với kỳ vọng nơi đây sẽ luôn bình yên và giàu có. Trải qua bao thăng trầm, các thế hệ cư dân sinh ra và lớn lên ở đây đã đổ bao mồ hôi và xương máu, nỗ lực biến ước nguyện của các bậc tiền nhân thành hiện thực.

Sức sống mới trên vùng đất gió

Trước ngày giải phóng, tỉnh Phú Yên không được chính quyền Sài Gòn đầu tư gì đáng kể cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, chỉ có đập Đồng Cam được xây dựng từ thời Pháp thuộc, sân bay quân sự Đông Tác được xây sau này và một nhà máy nhiệt điện nhỏ. Toàn tỉnh chỉ có vài chục trường tiểu học và chưa tới 10 trường trung học cả công lập lẫn tư thục. Ngày 1-4-1975, Phú Yên được giải phóng. So với lịch sử 400 năm hình thành và phát triển, 36 năm kể từ ngày đất nước thống nhất là khoảng thời gian không nhiều nhưng cũng đủ dài để dựng xây một xã hội mới. Trong khoảng thời gian đó, biết bao khó khăn, gian khổ đã diễn ra trên vùng đất này như để thử thách ý chí và tinh thần vượt khó của người dân Phú Yên.

Phú Yên là một tỉnh có diện tích không lớn, chỉ hơn 5.000km², dân số chưa tới 1 triệu người. Với xuất phát điểm là tỉnh nghèo, lại không được thiên nhiên ưu đãi, nên để đưa Phú Yên phát triển như các tỉnh bạn trong khu vực là điều không đơn giản. Thế nhưng, từ một nền kinh tế chủ yếu thuần nông, sau ngày giải phóng, đến nay Phú Yên đã có bước phát triển khá toàn diện và vững chắc theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Năm 2009 GDP bình quân đầu người của Phú Yên đạt 13 triệu đồng/năm, tăng 17 lần so với năm 1976 và cũng là năm đầu thu ngân sách vượt 1.000 tỷ đồng, giúp Phú Yên chính thức gia nhập “CLB 1.000 tỷ”.

Phú yên khang trang, sạch đẹp đón kỷ niệm 400 năm. Ảnh: QUYỀN KHANH

Phú yên khang trang, sạch đẹp đón kỷ niệm 400 năm.  Ảnh: QUYỀN KHANH

Nếu ai đã một lần đến thăm Tuy Hòa vào những ngày mới giải phóng, hẳn không thể quên ấn tượng về cái gió Tuy Hòa “chuyên cần và phóng túng” đã đi vào văn học trong bài thơ “Nhớ máu” của Trần Mai Ninh, với những trảng cát trắng lóa mắt chạy tít tắp từ Sông Cầu đến Tuy Hòa. Nay tại những bãi cát mọc đầy hoa muống biển với những con còng gió, con dông chạy loăng quăng, đã mọc lên các khu công nghiệp tập trung, các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp với những con đường trải nhựa uốn lượn quanh các gành đá ven biển, bồng bềnh theo các trảng cát nên thơ và độc đáo.

Cách nay chưa lâu, vùng dải cát ven biển Sông Cầu vẫn bị xem là “vùng sâu vùng xa”, vì muốn đến được các xóm nghèo ở đây người ta phải lội bộ mỏi chân trên các trảng cát nóng rẫy, rồi đi tiếp bằng ghe thuyền. Ngày nay, du khách có thể ngồi xe hơi hoặc xe gắn máy bon bon trên đường nhựa đến tận các thôn xóm hoặc vào các cửa hàng ven đường để thưởng thức hải sản. Đến nay, tại Phú Yên, ngoài 3 khu công nghiệp tập trung Hòa Hiệp, An Phú và Đông Bắc Sông Cầu còn có một số cụm công nghiệp ở các địa phương. Đặc biệt các nhà máy thủy điện Sông Hinh, Sông Ba Hạ, Krông H’Năng với tổng công suất hơn 450MW cung cấp đáng kể nguồn điện hòa vào lưới quốc gia.

Giờ đây, đi trên cánh đồng Tuy Hòa, ta vẫn thấy những ruộng lúa, ruộng màu trải dài tít tắp, nhưng nhờ sản lượng được nâng cao, nên tỷ trọng ngành trồng trọt đã giảm hẳn trong cơ cấu sản xuất, trong khi đó tỷ trọng ngành chăn nuôi, lâm nghiệp đang tăng theo xu hướng phát triển của thời hội nhập. Một trong những niềm tự hào của ngư dân Phú Yên là chính họ đã khai sinh nghề câu cá ngừ đại dương ở Việt Nam, mở ra một hướng đi mới không chỉ về kinh tế mà còn góp phần giữ vững an ninh biển đảo Tổ quốc.

Nét văn hóa độc đáo

Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa - xã hội và đào tạo nguồn nhân lực cũng được chăm lo phát triển. Trong quá trình phát triển, các dân tộc và các tôn giáo đã góp phần tô điểm, làm cho bức tranh văn hóa Phú Yên có thêm nhiều sắc màu độc đáo. Nét văn hóa của Phú Yên trước hết được thể hiện qua các làn điệu dân ca và các trò chơi, lễ hội dân gian. Từ hát tuồng, bài chòi, hát bá trạo, các điệu hò của cư dân vùng ven biển, các bản trường ca và bộ nhạc cụ dân tộc trống đôi - cồng ba - chinh năm của người dân miền núi, đến các lễ hội đầm Ô Loan, đập Đồng Cam, lễ hội dâng hương đền thờ Lê Thành Phương, lễ hội đua thuyền, cầu ngư, đâm trâu, bỏ mả, lễ hội mùa... Và lễ hội “trẻ” nhất nhưng cũng được rất nhiều người trong và ngoài tỉnh hâm mộ là Hội thơ Nguyên tiêu trên núi Nhạn (TP Tuy Hòa) vào ngày rằm tháng giêng Âm lịch. Những năm qua, trong xu thế hội nhập, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức trên địa bàn tỉnh không còn giới hạn trong nội bộ tỉnh mà đã mở rộng ở tầm khu vực và quốc gia.

Với 17 di tích cấp quốc gia gắn liền với các làng nghề, du khách đến Phú Yên có thể thưởng thức đặc sản và thả hồn du ngoạn bên các điểm du lịch độc đáo có một không hai của Phú Yên như thắng cảnh Gành Đá Dĩa với những cột đá xếp chồng lên nhau; thắng cảnh Bãi Môn - Mũi Điện nơi du khách có thể đón ánh bình minh sớm nhất trên đất liền của Tổ quốc, thắng cảnh vịnh Xuân Đài đang được đề nghị công nhận là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới; di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Nhạn - một dấu ấn vật thể về nền văn hóa phong phú của dân tộc Chăm; di tích lịch sử Vũng Rô, Đồng khởi Hòa Thịnh, di tích lịch sử - nghệ thuật chùa Từ Quang, thắng cảnh đầm Ô Loan… và còn nhiều điểm tham quan, du lịch hấp dẫn khác nữa.

400 năm cho sự hình thành và phát triển tỉnh mới Phú yên, khoảng thời gian không quá dài nhưng cũng không quá ngắn, mảnh đất này đang đi lên, vươn lên cùng tiến trình phát triển của dân tộc và đất nước. Tuy Hòa bây giờ vẫn còn gió - "cái gió chuyên cần và phóng túng" - nhưng không chỉ có gió. Mời bạn hãy về Phú Yên!

Các tin khác