Sức sống bản Sin Súi Hồ

(ĐTTCO) - Đường lên bản Sin Súi Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) quanh năm ngập tràn sắc màu vàng của nắng, của hoa dã quỳ, hoa trạng nguyên đỏ rực bên đường. 
Nơi đây được người dân tổ chức làm du lịch cộng đồng được một vài năm, Trưởng bản Vàng A Chỉnh hồ hởi khoe: “Có khách đến, bản vui lắm”.
Không khí vui nhộn
Nằm ở độ cao 1.500m, bản Sin Súi Hồ được ví như “Sa Pa của Lai Châu” bởi khí hậu quanh năm mát mẻ. Sin Súi Hồ còn có tên khác là Sin Súi Hồ, theo tiếng địa phương có nghĩa là “Suối có vàng” để chỉ sự giàu có thiên nhiên ban tặng cho người dân nơi này. Quả đúng như vậy, ở đây cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ, phía trước bản là thung lũng, có những ruộng bậc thang xanh rì màu lúa, ngô, sau bản là cánh rừng nguyên sinh, có cả những nương thảo quả, con suối róc rách đêm ngày. Con đường bê tông đi trong bản, nối liền với con đường nhựa chạy ra trung tâm xã rồi tới Quốc lộ 4D, không chỉ thuận lợi cho bà con đi lại, mà khiến cho con đường cách 30km từ Sin Súi Hồ tới thành phố Lai Châu trở lên gần hơn. Bà con cho biết từ ngày có đường mới, bản đón nhiều du khách từ Sa Pa (Lào Cai) cách đó 60km, hay từ Hà Nội cách 450km tới tham quan thường xuyên.
Bản Sin Súi Hồ có 103 hộ dân sinh sống tập trung, đều là đồng bào dân tộc Mông. Bà con vẫn giữ được nếp nhà truyền thống của người Mông vùng cao, phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa đặc trưng, từ lời nói, chữ viết, trang phục... Điều dễ nhận thấy là sự thân thiện, mến khách, mộc mạc và chân thành của những người dân trong bản. Người bản Sin Súi Hồ luôn đón khách bằng cái bắt tay thật chặt và chén nước thảo quả thơm vị núi rừng. Ai cũng hào phóng trao tặng du khách những nụ cười nồng hậu, từ những người phụ nữ địu con đứng nơi đầu dốc, những cô gái đang thêu váy bên thềm nhà hay những em bé xúng xính trong chiếc váy xòe nhiều màu sắc đang chơi trong sân. 
Sức sống bản Sin Súi Hồ ảnh 1 Ruộng bậc thang ở bản Sin Súi Hồ. 
Nhà của người Mông ở Sin Súi Hồ làm bằng gỗ, tường trát đất, hầu hết chẳng nhà nào xây tường rào. Bà con xây những trụ xi măng, đặt những chậu cây địa lan lên đó, xây thành hàng lối đều tăm tắp dọc theo những con đường quanh bản và theo lối vào nhà mình. Không chỉ cảnh đẹp, bản còn rất sạch sẽ, từ lối đi chung tới trong nhà từng gia đình. 
Sin Súi Hồ có chợ phiên ngay trong bản, họp vào thứ 7 hàng tuần. Chợ mới chỉ được lập cách đây hơn 2 năm, do Trưởng bản Vàng A Chỉnh đã cắt một phần đất của gia đình để bà con có nơi họp chợ. Trước đó, người dân bản Sin Súi Hồ muốn đi chợ phải cách đó cả chục cây số. Đến nay, bên sườn đồi thoải, những sạp hàng dựng bằng gỗ, lợp mái ngói đều đã có người đến bán hàng. Phía giữa là khoảng sân rộng cho người đến chợ có thể biểu diễn văn nghệ, hát giao duyên, có cả gian hàng ẩm thực và tắm thuốc Nam… để mọi người giao lưu vui vẻ, quây quần đúng kiểu chợ vùng cao. Du khách cuối tuần lên bản cũng có thể hòa cùng không khí của chợ và mua những đồ thủ công, mỹ nghệ độc đáo mang về làm quà.
Anh Vàng A Chỉnh chia sẻ: “Nhà mình không nhiều đất đâu, nhưng không hiến đất ở bản không có chợ. Giờ có chợ rồi bà con bán hàng ngay tại đây, du khách cũng đến để mua hàng của mình, khi đó dân mới giàu”. 
Sức sống bản Sin Súi Hồ ảnh 2 Bản Sin Súi Hồ được công nhận là điểm bản du lịch cộng đồng. 
Đồng lòng thoát nghèo
Ai lên Sin Súi Hồ cách đây vài năm không thể nhận ra sự đổi thay của bản nhỏ nơi lưng chừng núi. Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền, cán bộ Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Lai Châu, người đưa chúng tôi lên thăm bản kể: "Trước đây bản nghèo lắm, sau này khi có đường mới mở vào tận bản, có nhiều du khách tới tham quan, nhận thức thay đổi bà con đều đoàn kết, đồng lòng cùng nhau thoát nghèo tại chính mảnh đất “Suối có vàng” này. Thảo quả và địa lan là 2 nguồn thu lớn của người dân địa phương tại đây. Các khu rừng già xung quanh bản được người dân trông thảo quả. Khi được mùa, gia đình trong bản đã mùa nào thức nấy trồng thêm các loại cây như táo mèo, đào, lê… để thêm nguồn thu cho gia đình".
Địa lan Sin Súi Hồ nổi tiếng trong vùng. Trước đây, bà con chỉ trồng làm cảnh cho đẹp, nhưng khi sau đó khách tới bản thấy đẹp đã mua về, nên dần trở thành mặt hàng thương mại. Hiện nay, cả bản có khoảng 20.000 chậu hoa địa lan. Giá địa lan được định tùy theo số cành hoa trong chậu, mỗi cành hoa giá vài trăm ngàn đồng, mỗi cây có bao nhiêu cành tính tiền bấy nhiêu. Có những chậu địa lan bán đi cả tiền triệu đồng, nhưng nếu thấy quý mến, ưng cái bụng chủ nhà nơi đây sẵn sàng tặng không chứ không bán. Mấy năm trở lại đây, nhiều người biết tới địa lan Sin Súi Hồ, cứ giáp Tết bản lại tấp nập người đến người mua, hết Tết lại chở lên nhờ chủ nhà chăm sóc. Khách du lịch cũng lên đông vào dịp cuối năm, nhiều người về cũng đặt hoa để chơi Tết.
Bên cạnh sản xuất nông, lâm nghiệp, vài năm trở lại đây người dân Sin Súi Hồ còn cùng nhau làm du lịch cộng đồng. Năm 2014, bản Sin Súi Hồ được công nhận là bản Văn hóa. Tháng 6-2015, tỉnh Lai Châu công nhận bản Sin Súi Hồ là điểm bản du lịch cộng đồng. Ở trong bản, hiện có 5 nhà đang làm du lịch cộng đồng gồm nhà anh Vàng A Chỉnh, Hảng A Sà, Chàng A Chinh, Vàng A Lai, Vàng A Dế và anh Sùng A Sỉnh. Sửa sang nhà cửa, sắm sửa thêm chăn đệm, nhà nào làm dịch vụ du lịch cũng đóng những bảng gỗ treo trước cổng, trên đó gắn đá dòng chữ “Homestay  - du lịch cộng đồng”, kèm với tên chủ nhà và số điện thoại cho du khách tiện liên lạc. Các gia đình tham gia dịch vụ du lịch được đi tham dự lớp bồi dưỡng tiếng Anh, các kỹ năng phục vụ du khách, và được cán bộ ngành du lịch tỉnh về bản Sin Súi Hồ tập huấn với bà con. 
Anh Hảng A Sà, thành viên trong Ban quản lý điểm du lịch, cho biết trung bình mỗi tuần, bản đón khoảng 200-300 khách du lịch. Làm du lịch cộng đồng giúp mọi người có thêm tiền cho con cháu đi học. Bên cạnh dịch vụ lưu trú, mọi người trong bản có thể tham gia vào chuỗi dịch vụ du lịch, như vận chuyển, trở thành hướng dẫn viên đi thăm bản, ngắm ruộng bậc thang, cùng làm nương rẫy, thu hoạch và sấy thảo quả, đi xem thác Trái tim… Ngoài ra, bà con còn làm các sản phẩm dịch vụ địa phương như dệt thổ cẩm, làm đồ mộc, đồ lưu niệm cho du khách.
Nhiều khách du lịch bụi cũng chọn những hành trình leo Bạch Mộc Lương Tử, khám phá thác Trái tim từ Sin Súi Hồ, với sự giúp đỡ của những thanh niên trai tráng trong bản. Nhiều công ty du lịch như Du lịch Đức Minh (Lào Cai), Du lịch Bạn Đồng Hành (Lào Cai), ASIAN Việt (Hà Nội)... cũng đưa những đoàn khách lên đây thăm quan. Dù là một điểm du lịch cộng đồng còn khá mới, nhưng theo Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch tỉnh Lai Châu, đây là điểm đến hấp dẫn du khách, nhất là những khách du lịch từ các thành phố lớn và phía Nam. Lần đầu đến với Sin Súi Hồ, chị Nguyễn Thị Thu Huyền (Khu đô thị Xa La, Hà Đông, Hà Nội), chia sẻ không khí trong lành, cảnh quan nên thơ và đặc biệt là sự thân thiện của người Sin Súi Hồ đã làm chị mê mẩn. Đến bữa, chủ nhà mời những món đặc sản của người dân ở nơi đây, như lợn quay, thịt lợn ướp thảo quả, thịt gà đen, cá hấp, cá nướng… 
Chia tay bản Sin Súi Hồ khi nắng đã lên cao, xóa đi cái u ám mấy ngày bản chìm trong sương lạnh, Trưởng bản Vàng A Chỉnh vẫn bịn rịn nắm tay từng người và dặn dò: “Lên với Sin Súi Hồ nhé. Ngày xuân có nhiều hoa lắm, hoa lan, hoa đào đều nở rồi. Cứ có khách đến chơi là dân bản vui lắm”.

Các tin khác