Sống nhanh ở Mường Chậm

Đến Mường Chậm, nay có tên là Lũng Vân, không còn khó khăn như trước, nhưng cũng phải vượt bao dốc, bao đèo và nhiều khúc cua quanh co. Trên đường đến đây bạn được chìm trong biển mây mờ và bước ra khỏi đó một cách ngoạn mục, như từ thế giới khác. Bạn sẽ sống trong sự phấp phỏng để khám phá một vùng văn hóa trầm tích, được kết tinh từ nhiều năm. Bởi Mường Chậm chính là vùng đất của Mường Bi (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình), một trong tứ mường - “nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động”.

Đến Mường Chậm, nay có tên là Lũng Vân, không còn khó khăn như trước, nhưng cũng phải vượt bao dốc, bao đèo và nhiều khúc cua quanh co. Trên đường đến đây bạn được chìm trong biển mây mờ và bước ra khỏi đó một cách ngoạn mục, như từ thế giới khác. Bạn sẽ sống trong sự phấp phỏng để khám phá một vùng văn hóa trầm tích, được kết tinh từ nhiều năm. Bởi Mường Chậm chính là vùng đất của Mường Bi (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình), một trong tứ mường - “nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động”.

Hoa ở xứ mây

2 mẹ con cụ Nhàng, 108 tuổi và bà Đe, 80 tuổi. 

2 mẹ con cụ Nhàng, 108 tuổi và bà Đe, 80 tuổi. 

Có lẽ, từ Địch Giáo đến Dốc Mùn là cung đường quanh co nhất. Lên đến thung lũng Mường Chậm - Lũng Vân, tôi thở hổn hển bởi mệt mỏi của người đi đường dài, nhưng cũng bởi quả tim đập rộn lên, như lỗi nhịp vì hồi hộp.

Đó là một thung lũng khá lớn, với những cánh đồng lúa rộng, nương ngô xanh ngắt và những mái nhà đứng từ trên quả đồi nhìn xuống, cứ lúp xúp như bông hoa rừng mọc lên từ đất. Có biết bao đoàn “phượt” trốn cái nóng dưới xuôi để chinh phục núi đồi và thưởng thức cái mát mẻ, tươi mới thiên nhiên ban tặng nơi đây.

Chỉ được một vài ngày lưu tại đây, tôi ao ước được sống nhanh và gấp, bởi không thể một lúc biến thành cả chục người, để được gặp và hỏi han thêm nhiều hơn những câu chuyện ở nơi được cho là “nóc nhà” của Mường Bi. Điều gì cũng muốn nghe, tìm hiểu và ghi lại, như thể chỉ nay mai thôi sẽ chẳng còn câu chuyện kỳ thú đó trên đời.

Người Lũng Vân hiếu khách, cảnh thiên nhiên hút hồn. Hẳn rồi, nhưng nếp sống văn hóa cũng thật đặc sắc. Và một thú vị khác là những cô gái trẻ ở đây sống rất chan hòa, tươi vui, lãng mạn. Họ còn giữ sự mộc mạc, chỉ dùng đồ trang sức mà không cần đến nước hoa hay son phấn. Thế nhưng gương mặt cô nào cũng hồng hào, môi mọng mơn mởn.

Em Hà Thị Lường (17 tuổi) tôi gặp trên đường đi làm nương có đôi lúm đồng tiền sáng như hai ông sao, kèm nụ cười tươi rói, giống một bông hoa rừng rực rỡ.

Lường bảo con gái Lũng Vân bây giờ không nhiều, nhiều người đã xuống Hòa Bình đi học. Một số người không có ý định thoát ra khỏi xứ mường chỉ học biết cái chữ rồi ở nhà lấy chồng. “Chúng em học dốt nên ở nhà. Nhưng dốt thế mà khéo chăm con lắm đấy nhà báo ạ” - Lường đùa, giọng cười giòn tan.

Theo Lường kể, do chợ xa, người Lũng Vân xưa nay vẫn sống theo lối “tự sản tự tiêu”. Họ luôn ăn, uống, tiêu dùng những sản phẩm mình làm ra. Con gái xinh cũng là “đặc sản” nhưng vẫn chỉ là hoa nở trên rừng và chủ yếu được gả cho con trai trong vùng.

Truyền thuyết thung lũng trường thọ

Hiện tại, người Lũng Vân có hơn 40 người trường thọ, có tuổi từ 78 trở lên. Nhiều cụ già cho biết, những đời trước, nhiều cụ sống thọ lắm, có cụ sống đến 110 tuổi. Nhưng bí quyết làm sao để trường thọ vẫn là một bí ẩn. Có người nói do không khí mát mẻ, người dân sống “sạch”, không bị bất cứ hóa chất độc hại, chất gây ô nhiễm nào làm ảnh hưởng.

Người khác nói do nguồn nước đặc biệt hay do một loại cây có tên “đái bay” bà con vẫn dùng đun làm nước uống hàng ngày mang lại. Được trực tiếp hít thở quả thật không khí và cuộc sống nơi đây đáng thèm muốn biết bao so với thành thị đông nghẹt người, khói bụi, ồn ã quanh năm.

Tôi tới hỏi chuyện ông Hà Văn Tiêu, một người trong dòng họ có nhiều người trường thọ nhất làng, người ta vẫn gọi là “tu tiên”, sống trong xứ sở thần tiên, cho hay: “Các cụ thật ra chẳng có bí quyết gì đâu. Chẳng qua trước đây khổ quá, chẳng có cái ăn, các cụ vào rừng tìm cây, kiếm củ, rồi săn thú, tìm nấm, tìm ốc đá. Cuộc sống với thiên nhiên trong lành khiến con người khỏe mạnh thôi”.

Lũng Vân là vùng đất người dân đã khám phá và sinh sống từ cách đây vài trăm năm. Xung quanh tồn tại rất nhiều truyền thuyết, trong đó có một câu chuyện đầy thần bí: Có vùng núi non, nơi những bản làng đang sinh sống yên bình. Một cơn đại hồng thủy ập đến bất thần trong đêm cuốn trôi hết nhà cửa, bản làng, người dân, trâu bò và nhấn chìm cả rừng núi.

Có đôi vợ chồng nhà nọ bám được một chiếc bè chìm nổi giữa sóng dữ hết ngày này sang ngày khác, thế nhưng họ vẫn bám chặt nhau không rời. Rồi chiếc bè vướng vào cây Bi - một cây cổ thụ khổng lồ, rễ ăn xuyên qua chín sông mười núi nên vẫn vững vàng trong cơn hồng thủy.

Cơn hồng thủy rút cũng là lúc tất cả trở nên hoang xơ. Không còn đường về, họ dựng lều ngay dưới gốc cây Bi để ở và sinh con đẻ cái, phát rừng làm nương, cày cuốc thung lũng thành ruộng bậc thang, làm cọn (guồng) để lấy nước, thuần phục thú rừng thành vật nuôi, lập nên bản. Nhớ ơn cây cứu mạng, họ lấy tên cây đặt cho tên mường, hình thành vùng Mường Bi ngày nay, một vùng núi rừng rộng lớn bao gồm nhiều xã thuộc huyện Tân Lạc.

Tuy sống trong vùng đất truyền thuyết, nhưng không phải người dân nào cũng biết được điều đó. Họ cứ sống hồn nhiên như hoa lá trên rừng. Bởi với họ, cuộc sống tuy còn nghèo, nhưng sự trong lành đem lại sức khỏe hơn bất kỳ điều gì khác. Những năm qua, Chương trình 135 của Nhà nước đã tới đây, người dân có kinh tế khó khăn đã được thụ hưởng, giúp đỡ. Đời sống tinh thần được nâng lên. Đặc biệt, khách đến với Lũng Vân ngày một đông. Nhiều ngôi nhà cổ đã trở thành nơi ghi dấu những kỷ niệm của khách thập phương, trong đó có nhà ông Hà Văn Tiêu.

Đến nhà em Hà Thị Lường, cuộc sống gia đình khá đơn giản, nhưng ông bố nhiệt tình tiếp đón “tới bến”. Trong căn bếp nhỏ của gia đình lúc nào cũng để lửa cháy, tôi nhận thấy sự ấm cúng. Những lúc không đun nấu, lửa cháy rất nhỏ nhưng không bao giờ tắt. Tôi hiểu rằng, ngọn lửa quan trọng đến thế nào đối với người dân nơi đây. Nó chứng tỏ cuộc sống của họ luôn tiềm tàng sức sống, tươi mới và có một niềm tin mãnh liệt vào thần lửa, thần rừng. Tôi ước gì có thể sống nhanh hơn nữa, được sống trong nhiều ngôi nhà như gia đình Lường, được nói chuyện với nhiều cô gái như Lường.

Tôi ngà ngà trong men rượu cần. Bếp lửa bập bùng cháy. Ngoài kia tiếng suối róc rách chảy. Tôi ngỡ như các cô gái đang chuẩn bị cho một đêm hẹn hò. Nhìn bên ngoài, chỉ thấy sương đen và xa xa lập lòe ánh lửa. Xứ sở Mường Chậm đã giữ tôi ở lại một tuần, nhưng thế vẫn là chưa đủ. Tôi ao ước mình sẽ sớm được trở lại mảnh đất này thêm lần nữa.

Các tin khác