Sạp chợ hết thời

(ĐTTCO) - Vào thời hoàng kim, những sạp bán hàng tại các chợ bán sỉ như An Đông, Tân Bình… với diện tích 3-4m2 nhưng có giá tương đương một căn nhà phố 100m2 tại các quận nội thành. 

Nhưng những năm qua, trước sức ép của hàng ngoại nhập, sự ra đời của các hình thức bán hàng trực tuyến… giá sạp rớt giá một cách thê thảm.

Một thời hoàng kim

Chợ An Đông (khu chợ cũ) và chợ Tân Bình được xem là 2 chợ đầu mối hàng đầu tại TPHCM về quần áo. Nếu như chợ An Đông chuyên cung cấp quần áo chất lượng cao đi các tỉnh từ miền Trung cho đến Tây nguyên cũng như về các tỉnh ĐBSCL, thì chợ Tân Bình lại phân phối hàng bình dân hơn cũng bao phủ các địa phương tương tự. Tại khu vực quần áo chợ An Đông, thời điểm trước và sau năm 2000, mỗi sạp diện tích từ 2-3m2 có giá chuyển nhượng đến 3-4 tỷ đồng, vào thời điểm này có thể cao gấp đôi một căn nhà phố khang trang tại quận Gò Vấp hay Bình Thạnh.
Với những sạp chợ này nếu cho thuê mỗi tháng cũng thu về không dưới 40 triệu đồng. Đó là những sạp chợ có vị trí thường thường, còn những sạp có vị trí “đắc địa” như lô góc, mặt tiền giá thường cao gấp đôi. 

Những năm ăn nên làm ra, hiếm khi nào có người chuyển nhượng lại sạp, nếu vì lý do gì không buôn bán nữa chủ sạp vẫn giữ lại cho thuê. Chính vì vậy khi có người bán là ngay lập tức có người mua với giá cao, nhiều người thế chấp cả căn nhà đang ở để mua cho bằng được cái sạp, vì vào thời điểm đó sạp chợ là “máy in tiền”. Chị Bình, chủ nhân một sạp quần áo chợ An Đông, cho biết năm 2000 chị sang cái sạp diện tích 3m2 với giá gần 4 tỷ đồng.
Ngoài những vị trí mặt tiền, các sạp trong chợ này dù chỉ rộng khoảng 3-4m2 cũng có giá vài tỷ đồng. Nhiều tiểu thương ở đây cho biết để mua được những sạp tiền tỷ này, họ phải thế chấp giấy tờ, nhà cửa mới mua nổi chỗ buôn bán tốt. Anh Thanh, một doanh nhân chợ Tân Bình, nhớ lại thời hoàng kim: “Những năm buôn bán tốt, người ta săn sạp như săn của quý, cứ ai rao bán hay cho thuê là ngay lập tức có người mang tiền tới đặt cọc, giống như thị trường bất động sản lúc sốt vậy, cứ mua được là có lời”. 
Sạp chợ hết thời ảnh 1 Sạp chợ Bến Thành đã không còn thời hoàng kim với vài trăm lượng vàng. Ảnh: LONG THANH 
Chợ Bến Thành nằm giữa trung tâm Sài Gòn được xem là ngôi chợ “đắt giá” nhất hiện nay. Mỗi ngày chợ có hàng chục ngàn lượt khách ghé, đặc biệt là khách du lịch quốc tế. Hầu hết các sạp ở đây được lưu truyền qua 2-3 đời. Hiện giá chuyển nhượng các sạp rẻ nhất tại chợ này cũng trên 2 tỷ đồng, chủ yếu nằm sâu bên trong và kinh doanh các mặt hàng như trái cây, rau quả. Tại đây, có những sạp có diện tích 4m2, vị trí đắc địa được chủ nhân ra giá 8 tỷ đồng.
Theo người chủ, giá chuyển nhượng này vẫn ở mức rẻ nếu so với việc thanh toán bằng vàng trước đây, thông thường từ vài chục lượng trở lên. Thậm chí, một sạp hàng ở khu hàng mỹ phẩm có vị trí tại góc ngã tư với 2 mặt tiền lộ giới khoảng 2m, diện tích 1,5x1m được mua cách đây 10 năm giá 250 lượng vàng. Một sạp đôi kinh doanh mặt hàng giỏ xách có diện tích 1,5x3,6m nằm trong hẻm nhỏ được mua tới 450 lượng vàng... Tuy nhiên theo nhiều người, giá sạp hiện nay đã hạ nhiều so với thời hoàng kim vì làm ăn ngày càng khó khăn.
Sạp chợ hết thời ảnh 2 Nhiều sạp tại chợ An Đông treo bảng sang nhượng cả năm mà chẳng ai sang. Ảnh: TRÀ GIANG 
Đìu hiu thị trường sạp
Dạo quanh chợ An Đông, Tân Bình, Bà Chiểu… chúng tôi thấy nhiều sạp đóng cửa nghỉ bán hoặc treo bảng “sang sạp hoặc cho thuê”. Tại chợ Bà Chiểu, nhiều sạp chợ bên trong đóng cửa, chỉ có những sạp sát lề đường hoặc mặt tiền chợ là mở cửa. Một tiểu thương buôn bán tại đây cho biết do siêu thị bùng nổ, người dân ít còn đi chợ truyền thống như trước, cần gì họ tấp xe vô những sạp ven đường mua, còn mua những thứ “căn cơ” thì giành thời gian đi siêu thị.  2 chợ sỉ quần áo, vải vóc là An Đông và Tân Bình cũng lâm tình cảnh… chợ chiều. Nhiều năm về trước, hàng hóa bày bán tại 2 chợ này chủ yếu được các tổ hợp gia đình gia công, hàng hóa khắp nơi trong TP đổ dồn về 2 chợ này, từ đó “chẻ” đi các tỉnh. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, không chỉ hàng hóa Trung Quốc mà hàng Thái Lan tràn ngập các chợ và siêu thị, giá lại quá rẻ nên khách mua sỉ tại 2 chợ này giảm hẳn.
Anh Thanh, một người chuyên cung cấp hàng cho chợ An Đông, cho biết nếu như hơn 10 năm trở về trước, mỗi tuần anh giao ra chợ An Đông vài ba xe tải quần áo may sẵn, nay vài tuần mới được một xe và ngày càng giảm xuống chưa có dấu hiệu dừng lại. Bên cạnh yếu tố hàng ngoại nhập, phương thức bán hàng mới cũng góp phần giết chết chợ truyền thống.
Nếu như trước kia mọi việc phải ra chợ giao dịch thì nay việc bán hàng cũng hết sức đa dạng, nhất là bán trực tuyến qua facebook, Zalo… Những “tiểu thương” này không cần phải thuê hay mua sạp ngoài những chợ lớn mà có thể giao dịch tạm bợ tại nhà, giao hàng tận nơi…

Chính vì vậy giá sạp tại những chợ một thời được ví là “máy in tiền” nay rớt thê thảm. Nhiều sạp tại chợ An Đông treo bảng sang nhượng cả năm mà chẳng ai sang. Cách đây chưa lâu, một trung tâm mua sắm có tên “Tân An Đông” được đầu tư xây dựng bài bản ngay cạnh chợ cũ An Đông hướng đến nơi mua bán văn minh hiện đại, thu hút khách du lịch nhưng cũng không trụ nổi nay phải chuyển qua kinh doanh nhà hàng và các dịch vụ khác.
Giá cho thuê, chuyển nhượng cũng rớt thê thảm, những sạp trước kia có giá 3-4 tỷ đồng nay chỉ còn trên dưới 1 tỷ đồng, nhưng tính “thanh khoản” rất kém. Thị trường sạp như thị trường bất động sản thời ngủ đông.

Các tin khác