Sáng tạo nghệ thuật từ cánh bướm

(ĐTTCO) - Trong căn phòng 410 thuộc khu K9, đường Bạch Đằng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, ông Đặng Ngọc Anh vẫn ngày ngày làm bạn với những cánh bướm gần 20 năm nay. 

Ông Anh đã nghiên cứu và thực hiện nhiều ý tưởng, đề án táo bạo nhằm sinh lời từ các loài bướm, thậm chí cánh bướm đã được ông ghép thành các bức tranh dân gian độc đáo.

Bướm đẻ ra tiền
Ông Đặng Ngọc Anh năm nay đã bước vào tuổi 75, từng làm kỹ sư nhưng cũng có gần 40 năm công tác nghiên cứu và bảo vệ những cánh rừng Việt Nam. Tình yêu thiên nhiên, yêu hệ động thực vật ở trong con người cựu kỹ sư là vô hạn. Chính vì thế, ông nhớ rất rõ các loại bướm trong những cánh rừng nguyên sinh ở Việt Nam và đưa ra con số tổng kết: Các khu rừng nước ta hiện có đến hơn 1.000 loài bướm. Ông thường xuyên nghiên cứu vào tìm hiểu ở Vườn quốc gia Tam Đảo, nên tình cờ biết được một sự kiện. Năm 2001, một đoàn khách Hà Lan đến Tam Đảo du lịch kết hợp với nghiên cứu các loài công trùng. Họ đã ở lại Tam Đảo gần 1 tháng và thuê người dân bản địa đi bắt bướm về để mua lại. Có những con bướm được đoàn du khách Hà Lan trả lên đến 5-7 triệu đồng (tương đương cây vàng khi đó), trong sự sửng sốt của chính người bán. Bởi từ xưa đến nay người dân vẫn quan niệm bướm là loài côn trùng có hại cho mùa màng. Sau đó nhiều người ở các xã Đạo Trù, Đại Đình và Thị trấn Tam Đảo thi nhau đi bắt bướm bán lấy tiền.
Sáng tạo nghệ thuật từ cánh bướm ảnh 1 Các tiêu bản của một số loài bướm đẹp được để trong hộp gỗ, mặt kính. 
Chứng kiến câu chuyện ấy, ông kết luận: “Các loài bướm tuy là côn trùng nhưng có nhiều cái lợi, có thể biến chúng thành nghề kinh tế, đẻ ra tiền được”. Nhưng kỹ sư Đặng Ngọc Anh cũng trăn trở trước thực trạng người dân vào rừng săn lùng, tàn phá hệ sinh thái tự nhiên để bắt bướm bán cho du khách nước ngoài. Chính vì thế, năm 2002 ông Đặng Ngọc Anh đã bắt tay phối hợp với Trung tâm Ứng dụng côn trùng học, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội để nghiên cứu lập dự án bảo tồn, nhân nuôi các loài bướm. Nhưng phải đến năm 2007, dự án nhân nuôi các loài bướm trong một khu nhà lưới rộng 600m2 ở dưới chân núi Tam Đảo mới thành hiện thực. Trị giá dự án lúc khởi công lên tới 500 triệu đồng. Suốt 10 năm qua, dự án đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Hiện nay dự án đang tiếp tục được mở rộng quy mô và nhân ra các khu vườn rừng khác như Ba Vì, Sa Pa, Cúc Phương… “Việc nhân nuôi đã giúp bảo tồn được nhiều loài bướm quý hiếm. Từ đó chúng ta có thể tạo ra các bộ sưu tập mẫu vật phục vụ giảng dạy trong trường học và du lịch giải trí, sinh thái, như mô hình “du lịch vườn bướm”. Mô hình này vừa giúp tạo ra thu nhập đồng thời bảo vệ được tài nguyên thiên nhiên” - ông Đặng Ngọc Anh chia sẻ. Minh chứng về góc độ kinh tế, ông Anh cho biết các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… đã xây dựng những khu du lịch sinh thái về loài bướm, mỗi khách du lịch đến tham quan phải mất vé 2-3USD/người. Ở Việt Nam vài năm gần đây cũng có một số vườn bướm khá đa dạng ở khu rừng Cúc Phương, Ninh Bình hay Nha Trang, Khánh Hòa. Nhưng để xây dựng thành khu du lịch, giải trí sinh thái ở vườn bướm chưa có.  Tuy tuổi đã cao, nhưng hiện nay ông Ngọc Anh vẫn ngày ngày làm việc và nghiên cứu bên hơn 1.000 mẫu vật là các loài bướm. Ông đang sáng tạo những cánh bướm thành một mặt hàng lưu niệm, trang trí. Ông đã ép những con bướm trong những chiếc hộp gỗ có bìa nhựa trong suốt, hộp nhỏ đựng 1 con và hộp lớn đựng 4 con. Khi đem đến một số buổi triển lãm, hội chợ, hộp đựng bướm của ông đã trở thành món quà lưu niệm được nhiều người hỏi mua. “Có những loại bướm quý hiếm khi ép vào hộp giá có thể lên đến 500-1.000USD. Nếu như nó được bày bán ở những điểm du lịch, giải trí, tôi tin chắc rằng sẽ có nhiều du khách trong và ngoài nước thích thú mua về làm kỷ niệm” - ông Ngọc Anh hào hứng chia sẻ.
Sáng tạo nghệ thuật từ cánh bướm ảnh 2 Kỹ sư Đăng Ngọc Anh giới thiệu chiếc hộp đựng cánh bướm dùng để ghép tranh 
Nghệ thuật tranh cánh bướm
Ông Ngọc Anh cho biết những cánh bướm đã bị rách, kém chất lượng không thể làm mẫu vật được nữa cũng phát huy tác dụng ở một loại hình nghệ thuật rất đặc biệt, mới mẻ. Ông kể, năm 2002, trong chuyến đi thực nghiệm, nghiên cứu ở Nhật Bản, ông thấy người dân bán những bức tranh hình các môn nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản. Điều đặc biệt tất cả các tranh ấy đều được ghép từ những cánh bướm. Những bức tranh lạ mắt du khách đó được đặt cẩn thận trong hộp và bán với giá 5.000 yên/bức (tương đương 1 triệu đồng). Nhìn kỹ những bức tranh đó, ông nhận thấy họa tiết và kỹ thuật ghép không quá cầu kỳ. Thấy cách làm tranh nghệ thuật đó rất hay, nên sau khi về nước kỹ sư Ngọc Anh cũng thử nghiệm việc ghép tranh bằng cánh bướm. Ông đã thử nghiệm nhiều bức tranh, nhưng thất bại. Đến năm 2006, kỹ sư Đặng Ngọc Anh quyết định chọn 2 dòng tranh dân gian Đông Hồ và Hàng Trống để làm mẫu ghép. Ông cho biết “Tôi thấy 2 dòng tranh dân gian này có mầu sắc đơn giản, lại không có bản quyền. Bên cạnh đó nó rất gần gũi với người Việt Nam, sử dụng mầu sắc tương thích với các loại mầu của cánh bướm, do đó dễ làm và đạt được tính thẩm mỹ nghệ thuật cao”. Đến nay, sau hơn 10 năm kỹ sư Đặng Ngọc Anh đã ghép được gần 100 bức tranh từ cánh bướm. Những lúc có thời gian, ông lại hì hục bên bàn tỉ mỉ ghép từng cánh bướm thành một tác phẩm tranh nghệ thuật. Ông tâm sự: “Có những bức tranh như Mục đồng, Đám cưới chuột, Ngũ hổ, Vinh quy bái tổ… có nhiều chi tiết tôi phải dùng đến hàng trăm cánh bướm để ghép. Có khi việc ghép thành một bức tranh như vậy phải mất đến 2 tuần”. Để làm một bức tranh dân gian từ việc ghép cánh bướm không quá cầu kỳ phức tạp, nhưng nó đòi hỏi người thợ phải có tính kiên trì, tỉ mỉ, khéo léo và một chút tư duy nghệ thuật. Các cánh bướm được xử lý bằng nhiều loại hóa chất bảo quản như cồn, Ethylic với nồng độ thích hợp, sau đó cho vào hộp có lót bông và chống ẩm. Để làm tranh, trước tiên ông sao lại khung hình của tranh vào một tờ giấy trắng mỏng, sau đó đính lên giấy bìa cứng. Tiếp theo ông tận dụng những cánh bướm tiêu bản đã qua xử lý không nguyên vẹn để ghép thành tranh.Những cánh bướm vốn rất mỏng nhưng khi qua xử lý hóa chất sẽ cứng hơn, tuy vậy nếu cắt không khéo có thể bị rách nát. Bởi thế, ông chế tạo ra một loại keo dính đặc biệt làm từ một loại cây lá kim. Loại keo này có thể dính những cánh bướm một cách chắc chắn không bị nát, vừa không bị ướt. Khi ghép phải thật khéo léo để làm sao phấn trên cánh bướm không bị bay mất, như thế bức tranh mới giữ được màu sắc tự nhiên. Sau khi hoàn thiện các khâu, tác phẩm sẽ được ép plastic để giữ bức tranh giữ được bền màu và nhẹ nhàng, dễ cầm. Đã có nhiều người thích thú khi xem những bức tranh dân gian do kỹ sư già Đặng Ngọc Anh ghép từ cánh bướm. Tranh ghép bằng cánh bướm có một vẻ đẹp riêng được tạo thành bởi những màu sắc tự nhiên, đa dạng của các loài bướm. 

Các tin khác