Săn cá tiến vua

(ĐTTCO) - Cá thệ hay còn gọi là cá bống thệ rất nhỏ, chỉ bằng ngón tay cái, sống trong các hang hốc ở tầng đáy đầm Phá Tam Giang, rất nhạy cảm với âm thanh nên chúng nhanh chóng ẩn nấp trong các đám rong rêu, khó phát hiện.

 Muốn bắt được cá bống thệ phải là những ngư dân có kinh nghiệm dày dặn, hiểu đặc tính của loài thủy sản này theo chu kỳ lên xuống con nước. Và hình thức đánh bắt vô cùng độc đáo này đã được truyền qua nhiều thế hệ của ngư dân làng An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Lên tòng…
Cách trung tâm TP Huế chừng khoảng 10km, làng Chuồn, một tên gọi khác của làng An Truyền, đã có bề dày lịch sử hơn 500 năm. Tại đây còn có Đình làng Chuồn xây dựng từ thế kỷ 14, được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia từ năm 1994.
Đây cũng là ngôi làng nổi tiếng ở vùng đất Cố đô Huế với nhiều đặc sản nổi tiếng. Gạo dẻo, nếp thơm nơi ruộng đồng, cá tôm ngon béo nơi đầm phá, và bàn tay khéo léo trong việc chế biến của những người phụ nữ nơi đây đã khiến làng Chuồn ngày càng tạo nên nhiều đặc sản nổi tiếng khắp nước như: bánh tét, rượu trắng, bánh khoái cá kình…
Đặc biệt, do nằm bên đầm Chuồn (một phần trong hệ thống đầm Phá Tam Giang rộng lớn nhất Đông Nam Á, với hơn 160 loài cá, bao gồm cả cá nước lợ lẫn cá có nguồn gốc biển và cá di cư theo mùa) nên cuộc sống một bộ phận bà con làng Chuồn chủ yếu dựa vào đánh bắt các loài thủy sản. Có lẽ độc đáo nhất vẫn là nghề đi tủ săn cá thệ, một loại cá ngon từng được đưa vào Đại nội Huế để tiến vua.
Săn cá tiến vua ảnh 1 Ngư dân dầm mình dưới Phá Tam Giang đặt tủ săn cá tiến vua. 
Khi đất trời còn ngái ngủ, chúng tôi đã may mắn gặp một số ngư dân làng An Truyền vác ngư cụ đi đánh bắt cá tôm ở đầm Chuồn. Trò chuyện cởi mở, các ngư dân đồng ý cho chúng tôi đi theo với điều kiện không được đòi về nửa chừng, vì sẽ ảnh hưởng đến công việc đánh bắt của họ.
Anh Côi, một trong 2 ngư dân, nhắc nhở chúng tôi phải cẩn thận khi lên tòng (phương tiện giống xuồng đuôi tôm, nhưng tòng được ghép từ những tấm gỗ lớn) tránh bị trượt chân bởi lớp rêu xanh dày đặc phủ kín. Mọi người ổn định vị trí, chiếc tòng bắt đầu nổ máy, rẽ từng con sóng, tiến ra phía giữa mặt đầm.
Săn cá tiến vua ảnh 2 Mẻ cá bống thệ tươi ngon là thành quả sau một lần giăng tủ trên Phá Tam Giang. 
Tắt máy để tòng trôi tự do, anh Côi vừa chuẩn bị thả lưới, vừa mô tả về công việc săn tìm cá tôm: “Nghề đánh bắt thủy sản trên Phá Tam Giang rất đa dạng. Tùy thủy vực và địa hình, tùy từng thời điểm người dân chài khi đóng đăng đặt sáo, đặt lừ, giăng lưới, đóng đáy, bỏ chuôm hay cào hến...Nhưng riêng nghề đi tủ phải am tường thủy triều, con nước, tập tính loài cá, rồi phải biết nhìn gió, ngó trời khi nớ làm nghề mới có ăn”.
Giữa đầm phá mênh mông, sóng nước êm đềm và hoang sơ, một bức tranh đỏ gạch trong trẻo đến lạ thường khi bình minh cựa mình tờ mờ sáng. Những cơn gió phả nhè nhẹ trên mặt phá, hòa quện những đợt sóng gợn lăn tăn như chạy đua về phía mặt trời đón ánh sáng thổi bừng không gian. Mọi cung bậc màu sắc thiên nhiên đã vẽ lên bức tranh Phá Tam Giang muôn vẻ, muôn màu, khiến chúng tôi ngẩn ngơ. Còn những người dân chài vẫn miệt mài vươn mình về phía mặt phá để quăng chài, thả lưới tìm kế mưu sinh.
Anh Côi nói thêm, gọi là nghề đi tủ bởi dụng cụ ngư dân sử dụng đánh bắt cá là một tấm lưới có hình chữ nhật, khi giăng ra trông như cái tủ đựng đồ đạc. Đặc biệt người đi tủ bắt chủ yếu là cá thệ, hay còn gọi là cá bống thệ, có nhiều giá trị dinh dưỡng, trước đây là sản vật tiến vua, nay trở thành món ăn ưa thích của người dân xứ Huế bằng việc kho tộ, rim hoặc nấu canh chua.
Kỹ nghệ săn cá tiến vua
Cùng với phương tiện di chuyển và ngư cụ khác hẳn với các nghề đánh bắt truyền thống, nghề đi tủ còn phải tiến hành ở những bãi nước trống và có độ sâu khoảng 2m. Theo thời gian, những bãi nước trống trên Phá Tam Giang ngày càng thu hẹp dần, thay vào đó là những hệ thống nò sáo dày đặc. 
 “Với đặc tính cá bống thệ sống và di chuyển ở tầng đáy, lại rất nhạy cảm với các loại âm thanh, tiếng động, khi có tiếng động, chúng bơi thụt lùi, rồi ẩn nấp trong các đám rong rêu nên cái nghề đi tủ sinh ra chỉ để đánh bắt riêng mỗi loài cá này.
Nhưng ngày nay, để có thể tiếp tục nghề này chúng tôi phải đi xa hơn, nhiều khi còn phải chạy về đến Vinh Hiền, Sịa - cách làng hàng chục km để đánh bắt. Lúc được mùa cá kiếm được 500.000- 700.000 đồng/người/ngày, còn những ngày thường chỉ khoảng vài trăm ngàn, có lúc “tủ hèn” (đánh bắt được ít cá) có khi được mấy chục ngàn, chẳng đủ tiền xăng dầu” - anh Côi chia sẻ thêm.
Và không để chúng tôi phải đợi lâu, anh Côi và người bạn chài đi cùng là anh Khuê nhanh chóng bắt tay vào công việc. Để giăng tủ, 2 ngư dân thân hình rám đen vạm vỡ lao từ trên tòng, lặn sâu xuống dưới nước để tung tủ lưới. Khi tủ đã đặt xong, họ khéo léo điều khiển chiếc tòng chạy theo hình vòng cung, vừa chạy vừa thả dây.
Sợi dây thừng thả sát xuống tầng đáy cứ thế dần thu hẹp lại. Việc kéo dây rất cẩn thận, chậm rãi để đảm bảo sợi dây luôn sát mặt đất. Cá thệ khi nghe thấy tiếng động từ sợi dây, theo phản xạ bơi thụt lùi lẩn trốn rồi vướng vào những tủ lưới đã được đặt sẵn.
Đến đây, 2 ngư dân tiến hành gom lưới, thu hoạch thành quả của mình. Cứ một mẻ giăng tủ kéo dài khoảng 20 phút, ngư dân có thể giăng tủ từ 15-18 mẻ, tùy sức của mỗi người. Ngoài ra, săn cá bống thệ bằng nghề đi tủ phải ngâm mình trong nước lâu nên đòi hỏi ngư dân không chỉ khéo léo, cần cù mà còn phải có nền tảng sức khỏe dẻo dai.
Mặt trời dần ngả bóng, bà con ngư dân cũng dần thấm mệt sau một ngày vất vả ngâm mình săn bắt, tiến hành thu gom tủ cùng các vật dụng để kịp quay trở về với những mẻ cá thệ tươi rói. Đây sẽ là loại hải sản đặc biệt được nhiều người đón đợi trong buổi chợ sớm hôm sau. Ông Đoàn Rô, Trưởng thôn An Truyền cho biết, nghề đi tủ đã có từ lâu lắm rồi, từ đời ông cha truyền lại, nghề này rất vất vả bấp bênh, chỉ đánh bắt vào mùa nắng trong năm, còn mùa mưa nghỉ ở nhà, đa số thời gian ngư dân phải ở dưới nước và ngoài trời nắng.
“Phải thức dậy đi từ sáng sớm, để có thể kéo được nhiều tủ may ra mới được nhiều cá, bán được chút tiền kha khá mang về nuôi gia đình. Song trải qua bao thế hệ, dù cuộc sống vất vả nghề vẫn được người dân làng Chuồn gìn giữ và trở thành một nét đẹp văn hóa. Đó cũng là một cách mà người dân nơi đây vừa mưu sinh vừa tham gia góp phần bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên trên đầm Phá Tam Giang” - ông Rô chia sẻ.

Các tin khác