Pleiku hương sắc - nghĩa tình

(ĐTTCO) - Pleiku là cái tên có sức hút khó lý giải. Xứ sở dã quỳ vàng không chỉ có thắng cảnh, di tích và không gian mộng mơ đi vào thi ca nhạc họa, phố núi còn có những vòng tay ấm áp tình người cao nguyên ở bản địa hay hội tụ từ mọi miền đất nước về đây. Chúng tôi đến Pleiku vào mùa xuân để cảm nhận thêm nhiều điều thú vị.

(ĐTTCO) - Pleiku là cái tên có sức hút khó lý giải. Xứ sở dã quỳ vàng không chỉ có thắng cảnh, di tích và không gian mộng mơ đi vào thi ca nhạc họa, phố núi còn có những vòng tay ấm áp tình người cao nguyên ở bản địa hay hội tụ từ mọi miền đất nước về đây. Chúng tôi đến Pleiku vào mùa xuân để cảm nhận thêm nhiều điều thú vị.

Còn chút gì để nhớ

Nói đến Pleiku mọi người thường nhớ đến bài thơ Còn chút gì để nhớ của nhà thơ Vũ Hữu Định được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc: “Phố núi cao phố núi đầy sương/ Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn/ Anh khách lạ đi lên đi xuống/ May mà có em đời còn dễ thương…”. Và nói về Pleiku những người tếu táo cũng hay nhắc tới 2 câu thơ dân gian chơi chữ độc đáo, nghịch ngợm kiểu Bút Tre: “Anh đi công tác Plei/ Ku dài dằng dặc biết ngày nào ra”. Trong không khí Tết Đinh Dậu 2017, tôi cùng đoàn nhà văn, nhà báo từ TPHCM đã lên Pleiku công tác “dằng dặc” 1 tuần. Pleiku bây giờ đã thay đổi rất nhiều so với thời nhà thơ Vũ Hữu Định ngồi phố núi làm thơ năm 1970 giữa lúc chiến tranh còn diễn ra ác liệt mà nơi đây là 1 trong những chiến trường nóng bỏng. Pleiku bây giờ cũng khác so với gần 5 năm trước tôi công tác đến đây, với nhiều công trình hoành tráng, tòa nhà cao, con phố mới xuất hiện bên cạnh những thắng cảnh, di tích như Biển Hồ, nhà ngục Pleiku, chùa Minh Thành, quảng trường Đại Đoàn Kết, khu du lịch Đồng Xanh, đường thông cổ thụ… được tiếp tục giữ gìn, tôn tạo hoặc phát triển.

Nhà thơ Xuân Trường, từng là Chánh văn phòng UBND thị xã Pleiku trước khi lên thành phố, tâm đắc: “Mỗi lần trở về Pleiku tôi đều xúc động và ngỡ ngàng. Pleiku được quy hoạch xây dựng khoa học, các thắng cảnh thiên nhiên được lưu giữ, cuộc sống nhiều đổi mới, người dân hiền lành, thân thiện, chơn chất. Vì vậy tôi luôn muốn giới thiệu Pleiku đến bạn bè khắp nơi và ai khi đã đến phố núi này rồi đều mong có dịp trở lại”. Xuân Trường, người gốc Quảng Nam, học Đại học Văn khoa Sài Gòn và tham gia phong trào sinh viên xuống đường đấu tranh trước năm 1975, từng dạy học ở Bình Định, rồi gắn bó vùng cao nguyên Pleiku và Gia Lai tới 43 năm trước khi xuôi về TPHCM trong quãng đời còn lại. Nghe anh tâm sự, tôi chợt nhớ đến bài thơ Pleiku ngày tôi xa đầy da diết của anh, với đoạn mở đầu: “Ngày tôi đi/ Mặt hồ quanh co khói sương như muốn khóc/ Thông chụm đầu thủ thỉ nói lời xa/ Pleiku đã hóa linh hồn quanh quẩn trong tôi/ Chuyến xe đêm cũng nấn ná khởi hành/ Gió đủ ướt sương vào tóc/ Phút chờ xe chầm chậm giọt cà phê”.

Biển Hồ ở Pleiku.
Biển Hồ ở Pleiku.

Chỉ sống và yêu thương hết mình với Pleiku mới có thể viết được những vần thơ đau đáu rút ruột như vậy. Và cũng chính vì tình yêu lớn với Pleiku, nhà thơ luôn trở về phố núi, sống lại cùng bao kỷ niệm, tiếp thêm năng lượng cho hồn thơ thêm thăng hoa. Cùng đi với chúng tôi có những người từng gắn bó với Pleiku như nhà văn Nguyễn Minh Ngọc, nhà thơ Nguyễn Vũ Quỳnh, nhà giáo Đào Quốc Toàn, nhà văn Chu Quang Mạnh Thắng, nhà biên kịch Trương Huỳnh Như Trân cũng chia sẻ với tâm trạng của nhà thơ Xuân Trường. Cả nhà thơ trẻ Du Nguyên lần đầu lên Pleiku cũng “nghịch” rằng, nếu nhà thơ Xuân Trường còn trẻ chắc hẳn nhiều cô gái phố núi sẽ “chết” vì tình yêu và thơ của anh.

Đặc sản phố núi

Ngày đầu tiên Pleiku đón chúng tôi bằng những cơn mưa dai dẳng. Trong cái lành lạnh, ướt át, phố núi càng trở trên mơ màng, thơ mộng. Chúng tôi quyết tâm đội mưa đi thăm thú các di tích, thắng cảnh, chùa chiền. Và đêm đầu tiên ấy trở nên ấm áp khi đoàn chúng tôi được tiếp đón nồng hậu trong lời ca điệu nhạc cùng các món ẩm thực đặc sản đậm chất Tây nguyên, với sự có mặt của anh Trần Xuân Quang, Chủ tịch UBND TP Pleiku, và chị Trần Thị Tâm, Phó Chủ tịch UBND cùng nhiều cán bộ trẻ năng động. Điều thú vị anh Trần Xuân Quang và chị Trần Thị Tâm đều từng là những cộng sự thân thiết với anh Xuân Trường thời ở Văn phòng UBND Pleiku lúc còn là thị xã.

Với phong cách gần gũi và giọng nói mộc mạc gốc người Bình Định, Chủ tịch Trần Xuân Quang cho biết Pleiku là TP lớn thứ ba của Tây nguyên, sau Đà Lạt và Buôn Ma Thuột, giữ một vị trí chiến lược rất quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng. Pleiku đang tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị và hoàn thiện các chỉ tiêu còn thiếu để phấn đấu trở thành đô thị loại I thuộc tỉnh Gia Lai trước năm 2019. Đồng thời, Pleiku cũng tích cực triển khai các chương trình kinh tế sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thương mại, dịch vụ, tài nguyên và môi trường phù hợp với điều kiện xây dựng và phát triển TP.

Một góc phố núi Pleiku.
Một góc phố núi Pleiku.

Về lĩnh vực văn hóa - xã hội, Phó Chủ tịch Trần Thị Tâm cho biết Pleiku tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, giáo dục nếp sống văn minh đô thị, khuyến học, phòng chống tội phạm; triển khai các hoạt động văn hóa văn nghệ, giải trí, thể dục thể thao, bảo vệ sức khỏe người dân đến từng cơ sở phường xã, thôn bản. Pleiku có nhiều đồng bào thiểu số các dân tộc sinh sống nên chính quyền luôn quan tâm thực hiện tốt các chế độ đối với những người có uy tín trong các bản làng nhân dịp lễ tết. Gia Lai là tỉnh được Chính phủ giao tổ chức Festival Cồng chiêng nên TP Pleiku cũng rất chú ý đến loại hình văn hóa quan trọng này, mở lớp dạy đánh cồng chiêng tại làng Ốp, thuộc phường Hoa Lư thu hút nhiều con em người dân tộc thiểu số tham gia.

Tất nhiên, chính quyền và Nhân dân Pleiku còn làm rất nhiều việc hữu ích khác để có được bộ mặt thay đổi lớn của TP cao nguyên như hôm nay và hướng tới tương lai. Trong đó, có việc đón tiếp, giao lưu các đoàn khách như đoàn nhà văn, nhà báo chúng tôi đến Pleiku nhằm tìm hiểu, sáng tác góp phần quảng bá hình ảnh TP  Pleiku cũng như tỉnh Gia Lai.

Cảm ơn Pleiku, cảm ơn Gia Lai qua cầu nối của nhà thơ Xuân Trường, tôi ghi vội mấy vần thơ trước lúc rời phố núi tặng anh, con người hồn hậu nhưng đầy nhiệt huyết trong cuộc sống và tình yêu, yêu người và yêu đời: “Cao nguyên mơ màng đón ta phiêu lãng rừng mưa/ Bạn bè ngỡ ngàng đón ta ấm nồng vòng tay/ Và men rượu vít cần nghiêng nghiêng phố núi/ Thấp tha thấp thỏm ta trốn tìm em/ Tìm em tìm em ta trốn tìm em/ Hỡi đóa dã quỳ vàng thắm đắm đuối rừng xưa/ Em lạc đâu trong tiếng mưa rơi suối reo thác đổ/ Em lạc đâu trong ngân vang T’rưng/ Tiếng đàn từng vô tình biến ta mạnh hơn mãnh thú/ Nhanh hơn gió hú/ Nóng hơn lửa dại/ Đuổi tuổi ngực hực trăng/ Vồ vập bập bùng em nương rẫy thanh xuân…”.

Các tin khác