Phu hồ du mục

Không phải giữa thảo nguyên mênh mông bạt ngàn ở đất nước Mông Cổ xa xôi, ngay giữa lòng TPHCM hiện cũng có nhiều mảnh đời du mục. Họ sống tạm bợ nay đây mai đó. Mỗi nơi dừng lại họ dựng lều tạm ở một thời gian rồi lại rong ruổi ra đi, qua tháng qua năm, qua cả một phần cuộc đời mình. Họ là những người thợ xây sinh sống cùng công trình, lang thang từ những tòa cao ốc, cây cầu hay đơn thuần chỉ một ngôi nhà nhỏ.

Không phải giữa thảo nguyên mênh mông bạt ngàn ở đất nước Mông Cổ xa xôi, ngay giữa lòng TPHCM hiện cũng có nhiều mảnh đời du mục. Họ sống tạm bợ nay đây mai đó. Mỗi nơi dừng lại họ dựng lều tạm ở một thời gian rồi lại rong ruổi ra đi, qua tháng qua năm, qua cả một phần cuộc đời mình. Họ là những người thợ xây sinh sống cùng công trình, lang thang từ những tòa cao ốc, cây cầu hay đơn thuần chỉ một ngôi nhà nhỏ.

Cả đời đi xây vẫn chưa có nhà

Nằm nép mình bên cạnh cao ốc chọc trời đang xây dựng dở dang trên đường Âu Cơ (quận Tân Bình, TPHCM) là dăm cái lều bạt rách nát, dựng tạm bợ rộng chừng gần chục mét vuông, nhìn xa như chiếc lều canh vịt. Thế nhưng, đó là “cơ ngơi” của 4 người gia đình anh Trần Văn Luân, quê gốc Mỏ Cày Bắc (Bến Tre).

Ngồi tâm sự với chúng tôi khi ánh hoàng hôn đã khuất sau những dãy nhà, chỉ còn cái nóng ngột ngạt oi bức vẫn chưa tan, anh Luân cho biết: “Mình làm nghề thợ xây đã gần 20 năm, bôn ba khắp nơi. Lúc ở Tân Bình, Phú Nhuận, Gò Vấp nhưng có khi xuống Bình Chánh, Nhà Bè (TPHCM) hoặc sang Nhơn Trạch (Đồng Nai), xuôi về Cái Bè, Châu Thành (Tiền Giang). Nói chung, ở nơi nào có công trình chủ kêu là đi chứ chẳng quan trọng xa hay gần. Quanh năm sống ở công trình, làm gì còn quê hương mà tính điểm về. Giờ, cả vợ con cũng đi theo công trình luôn. Vợ làm việc lặt, thợ phụ kiếm thêm chút tiền và nấu ăn. Các con ở lán chơi quanh quẩn. Cuộc đời du mục, phố cũng như quê, cứ làm xong ca, ăn chén cơm rồi lăn ra ngủ vì lao động suốt ngày, người cứ bã bời ra”.

Căn lều của anh Luân, chị Hiền được dựng tạm bên công trình đang xây. Ảnh: Đ.TRÍ

Căn lều của anh Luân, chị Hiền được dựng tạm bên công trình đang xây. Ảnh: Đ.TRÍ 

Nhìn trong “căn hộ” gia đình anh Luân thấy có nồi cơm điện méo mó, cái quạt cũ mèm kêu phành phạch và manh chiếu, cái mùng, mấy chiếc chén ăn cơm vứt lăn lóc cùng bộ quần áo dính đầy vôi cát, bạc thếch màu thời gian. Thấy chúng tôi ái ngại cho hoàn cảnh gia đình, anh Luân cười lật tấm mền lên, lấy chiếc radio dò đài bật ca nhạc cho không khí bớt cô quạnh.

Anh cười cho biết chiếc đài theo bước chân từ ngày chưa anh lấy vợ, tính ra hơn chục năm. Vậy mà vẫn bền, nghe êm ru. Lúc nay tôi liên tưởng đến sự so sánh tuy khập khiễng giữa cái lán ọp ẹp của gia đình anh với những căn hộ sang trọng, những khu biệt thự nguy nga đang dần mọc lên từ chính đôi bàn tay gầy guộc của anh. Anh Luân thở dài: “Mấy chục năm làm thợ, xây biết bao căn nhà, cao ốc, biệt thự mà mình chưa có một căn phòng để ở. Rồi còn tương lai các con nữa, nhưng chẳng biết làm sao”.

Chị Hiền, vợ anh kể thêm do cuộc sống bám theo công trình nên không thuê trọ một chỗ được, 2 đứa con còn nhỏ không dám cho ở một mình. Vậy nên làm lán luôn ở công trình để còn đảo qua đảo lại canh quản chúng được. Hơn nữa, sống tại công trình đôi khi được chủ cho thêm nhiệm vụ trông giữ nguyên vật liệu xây dựng có chút thu nhập cải thiện.

TPHCM đang mùa mưa, nhìn cả gia đình 4 người chen chúc trong vài mét vuông lán tạm bợ, mưa hướng nào cũng ướt, gió hướng nào cũng lạnh khiến tôi chạnh lòng nhìn 2 cháu nhỏ chưa tới mười tuổi kia.

Bất trắc mưu sinh

Đời du mục, dù ở thảo nguyên hoang vắng mênh mông hay giữa đông người tất bật phố phường TPHCM chật chội, đều bất trắc như nhau. Tâm sự về chuyện này, chị Hiền cho biết đời thợ xây trông mong tất cả vào ông “cai”, người chủ thầu công trình. Tuy nhiên, ngày nay có rất nhiều cai, nào là cai xây dựng, cai nhân công, cai nguyên vật liệu…

Nhiều công trình, cai dễ tính anh em lao động được nhờ, nếu khắt khe thợ rất khó sống. Đôi khi cai thầu vì lý do nào đó bỏ công trình, ôm tiền đi mất, sức lao động của anh em coi như đổ xuống sông xuống bể. Bởi chủ công trình chỉ thanh toán với người quản lý, phu hồ đâu có lý lẽ nào đòi được tiền công. Những lúc đó, chúng tôi chỉ biết chắp tay khấn trời đất mong còn mạnh khỏe để lấy sức đi tìm công trình tiếp mà thôi.

Nhưng đó chưa phải là bất trắc duy nhất những người du mục làm nghề xây, phu hồ phải đối mặt. Cái họ sợ nhất chính là không có việc làm. Có vô vàn nguyên nhân để những con người nhỏ bé, nghèo khổ như họ rơi vào hoàn cảnh ấy. Từ việc công trình bị tạm dừng vì lý do giấy phép, kinh phí, vốn…

Lúc ấy, cánh đàn ông tranh thủ đi làm phụ hồ (ở công trình khác), bốc vác, xe thồ. Còn phụ nữ, thậm chí trẻ con dắt díu nhau đi bán vé số. Nếu bỏ công trình thì không có chỗ ở, mà lại tiếc công sức đã làm. Còn chờ đợi vô vọng chưa biết ngày nào khởi công lại.

Kể về hoàn cảnh éo le ấy, bác Trần Văn Thuẫn, đang làm thợ xây một công trình nhà chung cư ở huyện Hóc Môn, cho biết: “Nhiều năm nay tôi theo mấy anh em trong ấp đi công trình. Mỗi tháng tiết kiệm để dành được chút ít gửi về quê cho vợ nuôi 2 đứa con và mẹ già. Với thâm niên hơn 10 năm sống đời du mục, tôi không nhớ mình đã chuyển chỗ ở bao nhiêu lần. Mỗi công trình lại làm một cái lán, có nơi làm cả năm, có nơi chỉ hơn tháng là xong. Cái công trình này, làm từ năm ngoái nhưng cách đây nửa tháng, thấy cai bảo dừng vì giấy phép xây dựng còn thiếu. Thế là mấy anh em suốt ngày nằm dài, chơi bài giết thời gian bởi giờ đang là mùa mưa, tìm công trình khác cũng khó”.

TPHCM đang vươn mình thay đổi từng ngày, mỗi năm có hàng ngàn công trình lớn nhỏ được xây dựng lên, kéo theo hàng chục ngàn những mảnh đời du mục nhỏ bé, bám vào đó mưu sinh. Cuộc sống của họ, dù giữa phố phồn hoa đô thị nhưng rất cơ cực và bất trắc, không ai có thể tự quyết định được.

Chia tay họ, những con người du mục lang thang giữa phố phường nhộn nhịp, chúng tôi ra về khi ánh đèn cao áp bên đường đã lấp lóa. Dưới kia, trong ánh đèn cầy leo lét, mấy hộp cơm bình dân được chia cho những người thợ hồ ăn rồi đi ngủ, dành sức cho một ngày mới, trên những công trình dang dở trên kia.

Các tin khác