Ông Tây 200 người con Việt

Nev Tickner được biết đến là “ông Tây” mê làm từ thiện. 6 năm nay, người đàn ông đến từ Australia đã rong ruổi hầu hết các tỉnh miền Bắc Việt Nam. Đặc biệt, người đàn ông ngoại quốc này có một tình yêu đặc biệt với vùng đất Điện Biên xa xôi - nơi có những người dân chất phác, những mảnh đời trẻ thơ côi cút. Theo Nev, ông đã lỡ “say đất, say người Điện Biên” mất rồi và ở nơi đó ông tìm thấy một vị trí quan trọng cho chính bản thân: “làm người cha của những đứa trẻ không gia đình”.

Nev Tickner được biết đến là “ông Tây” mê làm từ thiện. 6 năm nay, người đàn ông đến từ Australia đã rong ruổi hầu hết các tỉnh miền Bắc Việt Nam. Đặc biệt, người đàn ông ngoại quốc này có một tình yêu đặc biệt với vùng đất Điện Biên xa xôi - nơi có những người dân chất phác, những mảnh đời trẻ thơ côi cút. Theo Nev, ông đã lỡ “say đất, say người Điện Biên” mất rồi và ở nơi đó ông tìm thấy một vị trí quan trọng cho chính bản thân: “làm người cha của những đứa trẻ không gia đình”.

Những đứa trẻ không gia đình

Tôi gặp Nev Tickner vào cuối tháng 5 khi ông đến Hà Nội du lịch và xin gia hạn visa. Hành trang của ông già ngoại quốc cao lớn, nhanh nhẹn và tốt bụng này là một vali chật cứng quần áo. Xong việc, ông mới có thời gian chuyện trò, tâm sự với chúng tôi. Ông nói: “Đừng hỏi về tôi, tôi không có gì đặc biệt. Tôi chỉ là một ông già thích làm từ thiện. Hãy hỏi về Điện Biên, tôi sẽ có nhiều chuyện kể cho các bạn”.

Nev biết đến Việt Nam qua chiến thắng Điện Biên Phủ. Khát vọng được tìm hiểu trận chiến lừng lẫy này đã thôi thúc ông đến tận nơi, xem tận mắt trận địa hào hùng năm xưa. Tháng 9-2009, mong ước này của ông mới được thực hiện. Chứng kiến Điện Biên ngày hôm nay đang vươn mình theo dòng chảy cuộc sống, ông không khỏi xúc động: “Tôi khâm phục sâu sắc cách người Việt Nam và chính quyền đã đặt quá khứ về phía sau. Theo thời gian, nhờ tinh thần hữu nghị, thiện chí họ mang lại sự thịnh vượng và hòa bình cho đất nước. Mỗi người đều nhìn thấy lợi ích của hòa bình, chính quyền đang cố gắng rất nhiều để đem đến thịnh vượng tốt hơn”.

Hàng trăm đứa trẻ không gia đình ở Điện Biên coi ông Tây như người cha.

Hàng trăm đứa trẻ không gia đình ở Điện Biên coi ông Tây như người cha. 

Tình yêu nảy nở dần qua mỗi chuyến đi, mỗi con người ông gặp mặt. Đặc biệt, in đậm trong tâm trí Nev là hình ảnh những đứa trẻ chưa được hưởng đầy đủ cuộc sống gia đình. Chúng ốm và nheo nhóc vì không được hưởng dịch vụ khám chữa bệnh tốt. Thế giới của những đứa trẻ ở đây đơn giản chỉ là những cuộc rượt bắt, những trò chơi dân dã với rừng, núi…

Có lẽ vì vậy ông quyết định cống hiến, làm tình nguyện ở mảnh đất này. Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là câu trả lời dứt khoát: “Không” khi được hỏi: “Ông có nhớ nhà không?”. Rồi ông giải thích, như một điều hiển nhiên: “Ở Australia tôi có 7 đứa cháu, còn ở Việt Nam tôi có 200. Các cháu bên Australia của tôi đã có bố mẹ lo lắng, cuộc sống sung túc đầy đủ, còn những đứa trẻ ở Điện Biên đều không có gia đình. Tôi có nhiều việc để làm, để quan tâm và chẳng còn thời gian nhớ về gia đình. Trẻ con ở đây không quan tâm đến chính trị, kinh tế, chúng cũng chẳng cần biết điều đó. Cái chúng cần là một mái ấm gia đình, một nơi để chúng phát triển khỏe mạnh, vui vẻ”. Có lẽ, chỉ có mảnh đất Điện Biên, những đứa trẻ nơi đây mới đủ sức níu chân người đàn ông này ở lại.

“Cha” của 200 đứa trẻ

Nev muốn gắn bó nốt phần đời còn lại ở Việt Nam. Ông dành phần nhiều tình yêu cho đất nước Việt Nam, hơn cả Australia nơi ông sinh thành. Ông tâm sự mình có thời thơ ấu rất vui vẻ, hạnh phúc vì được nhiều người quan tâm. Giờ đây, ông muốn chia sẻ niềm hạnh phúc đó cho những đứa trẻ bất hạnh ở Điện Biên: “Tôi thường đi thăm làng trẻ SOS, trung tâm bảo trợ xã hội, nhà tình thương bất cứ khi nào có thể, khi bọn trẻ rảnh rỗi, vào buổi chiều hoặc những ngày cuối tuần. Bởi vậy tôi có thể nắm tay, cùng chơi bóng hoặc ngồi xung quanh như một người cha. Đôi khi tôi nấu một số món ăn đặc biệt của Ấn Độ, Malaysia. Các trại trẻ mồ côi không có nhiều tiền để mua thức ăn, vì thế tôi mang rau quả đến làm những món ăn cơ bản. Tôi luôn thích thú khi mang đến cho mỗi đứa trẻ những thứ như: dây nhẩy, dây buộc tóc cho bé gái, các thiết bị thể thao, băng đĩa, sách và nhiều thứ khác”.

Nev thương những đứa trẻ mồ côi ở Điện Biên như máu mủ của mình. Với ông, chia sẻ tình yêu thương chưa đủ, mà phải dạy những đứa trẻ cách sống độc lập, tự lao động. Nev mua mấy con vịt cho trẻ em ở SOS nuôi. “Tôi mua những con vịt to béo và chỉ muốn tìm cách để mang đến cho đứa trẻ những bữa ăn nhiều thịt hơn. Bọn trẻ sẽ học được các kỹ năng nông trại và tính kỷ luật từ việc chăn nuôi gia súc” - Nev chia sẻ. Tuy nhiên, sự trợ giúp của Nev ban đầu gặp nhiều khó khăn. Những con vật Nev mua về chết dần do những đứa trẻ chưa hiểu được cách chăm sóc những con vật nuôi đó.

Người đàn ông già đã khóc trước sự bất lực, khóc khi kể về những con gà, con vịt cất công mua và giao cho những đứa trẻ ở làng SOS. Giọng ông run run, chứa đựng cả nỗi chua xót, buồn bã: “Tôi mua gà về cho bọn trẻ, chỉ đi vắng 2 tuần, trở về tất cả 200 con gà chết hết. Do trời nóng quá, nhưng tụi trẻ không hiểu ý tôi và chẳng đưa gà vào trong. Tháng trước, có 40-50 con gà to, đến tháng sau chết hết. Tôi không thể giải thích được cho lũ trẻ hiểu”. Nev buồn, ông thấm thía, cảm nhận nỗi bất lực do bất đồng ngôn ngữ. Sống ở Việt Nam lâu nhưng Nev chẳng thể nói được một từ tiếng Việt nào, ngoài “hảo hán nơ” (ngôn ngữ của người dân Điện Biên Đông) và “ông Tèo” (ông Tây). Ông tiếp tục nung nấu những kế hoạch cải thiện cuộc sống cho chúng. Ông tìm một vài nhà tài trợ doanh nghiệp lập ra quán ăn đào tạo cho thanh niên Điện Biên; mua máy khâu cho các lớp học may ở Điện Biên Đông, dạy tiếng Anh miễn phí ở các vườn trẻ, ở các công ty du lịch...

Mặc dù năm nay đã 69 tuổi nhưng “lửa” trong ông không thua kém bất kỳ tình nguyện viên nào. Nev chiêm nghiệm, ông chỉ khác ở thời gian và sức lực dành cho những hoạt động từ thiện không còn nhiều. Có lẽ chính tình yêu Điện Biên, cảm giác được làm một người ông, người cha giữa hàng trăm đứa trẻ đã thôi thúc ông Tây gắn bó cuộc đời mình với mảnh đất một thời bom đạn này. Chính Nev đã tìm thấy trong mình một quê hương thứ hai, một tình yêu lớn lao ôm trọn những đứa trẻ không gia đình.

“Tôi chỉ là một ông già không thể làm gì để thay đổi cuộc sống hiện thực mà chỉ tác động vào cuộc sống của một vài người. Khi sức khỏe và tiền bạc còn cho phép, tôi hy vọng có thể tạo ra những điều khác biệt nho nhỏ với nụ cười, cái ôm và cái bắt tay. Tôi hạnh phúc sống ở đây cho đến khi sức khỏe của tôi suy yếu hoặc tuổi già không cho tôi thực hiện ước nguyện” - Nev tâm sự.

Các tin khác