Ông lái đò

Sau gần 30 năm dạy học, ông giáo Nguyễn Thành Hòa nghỉ hưu về sinh sống tại An Phú Đông (quận 12, TPHCM), làm “người lái đò” đưa nhiều thế hệ học trò vào đời. Suốt 16 năm qua, ông lại tiếp tục làm công việc đưa đò vận chuyển hành khách qua sông Vàm Thuật.

Sau gần 30 năm dạy học, ông giáo Nguyễn Thành Hòa nghỉ hưu về sinh sống tại An Phú Đông (quận 12, TPHCM), làm “người lái đò” đưa nhiều thế hệ học trò vào đời. Suốt 16 năm qua, ông lại tiếp tục làm công việc đưa đò vận chuyển hành khách qua sông Vàm Thuật.

1. Phường An Phú Đông quận 12 và quận Gò Vấp cách trở bởi sông Vàm Thuật (một nhánh của sông Sài Gòn) chảy qua. Đi đường vòng khá xa nên nhiều người, đa số là học sinh ở An Phú Đông có nhu cầu qua đò ngang để sang Gò Vấp học. Ông Hòa tâm sự: “Về hưu rồi nhưng tôi vẫn còn nặng lòng với học trò, không đành lòng khi thấy con em trong xóm mỗi ngày vất vả đến trường. Khi được chính quyền cho phép khai thác bến đò, tôi vui mừng khôn xiết, nhưng khổ nỗi không có tiền, làm sao mua đò. Thế là tôi phải chạy khắp nơi để vay mượn”.

Hành khách qua phà An Phú Đông. Ảnh: THANH VY
   Hành khách qua phà An Phú Đông. Ảnh: THANH VY

Những ngày đầu, không có vốn đầu tư đò, ông phải thuê 2 chiếc đò nhỏ (ngang 1m, dài 4m) với giá 500.000 đồng/tháng. Do đò nhỏ, lại phải chèo tay nên chỉ chở được 5-7 người, mất nhiều công sức và thời gian. Phải một thời gian sau ông mới xoay xở đủ tiền để chuyển thành đò máy. Tuy vậy, ông Hòa vẫn mong ước sắm được chiếc phà để chở hành khách qua sông an toàn hơn.

Trong một lần đưa khách sang sông, có một vị khách là cán bộ ngân hàng địa phương đã ân cần thăm hỏi và góp ý với ông: “Bác Hòa ơi, đưa khách sang sông bằng đò nhỏ thế này không đảm bảo an toàn. Bác nên làm phà để vận chuyển hành khách. Nếu gặp khó khăn về tài chính, đến ngân hàng liên hệ vay vốn, tôi sẽ giúp cho”.

Thế là ông Hòa thuyết phục vợ lấy mảnh đất đang canh tác để thế chấp ngân hàng vay vốn sắm phà. Năm 2000, ông Hòa đưa chiếc phà đầu tiên vào hoạt động trong sự vui mừng của người dân địa phương. Rồi trong các năm 2002, 2004 và 2010 ông lần lượt sắm thêm 3 chiếc phà mới, chắc chắn, an toàn và có sức chở lớn hơn nhiều. Số tiền đầu tư đến vài tỷ đồng.

 2. Thế là bến đò An Phú Đông được nâng cấp thành bến phà. Qua phà an toàn, tiện lợi nên hành khách ngày càng đông, ước tính khoảng 7.000 khách/ngày. Dù đã đầu tư phà thay thế đò, nhưng ông Hòa vẫn thu tiền vé như giá đò ngày trước. Ngoài 1.000 học sinh, sinh viên được chở hoàn toàn miễn phí, 6.000 khách còn lại vẫn được qua phà với giá vé thấp.

Anh Nguyễn Thanh Cường, nhân viên thu tiền vé, cho biết: “Vé người đi bộ 500 đồng/người/lượt. 1 người + xe đạp 800 đồng/lượt. 1 người + xe máy 1.000 đồng/lượt. Phà hoạt động từ 3 giờ 30 phút đến 23 giờ 30 phút, song nhiều lúc nửa đêm có người cấp cứu vì đau ốm hay sinh nở cần đi thì phà vẫn đưa, bữa đó xem như mọi người phải thức trắng”.

Bà con ở hai bên bờ sông Vàm Thuật đều ghi nhận sự tận tình phục vụ hành khách của bác Hòa, ngay cả khi giá dầu đã tăng hàng chục lần nhưng suốt từ năm 1996 đến nay bác vẫn chưa một lần tăng giá vé. Khách đông nhưng chẳng có lời vì giá vé quá thấp không đủ bù chi phí bảo trì máy móc, lương cho 12 nhân viên làm việc mỗi ca và tiền dầu 210 lít mỗi ngày.

Nhiều hành khách ngạc nhiên vì giá vé qua phà quá rẻ, đã khuyên tăng giá vé, nhưng ông vẫn quyết định không tăng: “Thấy bà con lối xóm vẫn còn nghèo khó, mình gắng lo được chừng nào hay chừng ấy. Mọi người vẫn bảo tôi là người đưa đò không công, song có một điều không ai biết là vì muốn thực hiện tâm nguyện đầu tư phà để đem lại sự an toàn cho hành khách, vẫn kiên quyết không tăng giá vé đã khiến tôi lâm vào cảnh nợ nần, phải bán hết đất đai và kể cả căn nhà đang sống. Tôi đã cố cầm cự tới bây giờ, nhưng gần đây giá xăng dầu tăng vọt kiểu này chắc tôi cũng phải điều chỉnh giá cước mới có thể tồn tại”.

 3. Mỗi sớm, tại bến phà 2 bên bờ sông Vàm Thuật luôn có cảnh hàng trăm học sinh, sinh viên, người đi làm, đi chợ tấp nập ra chờ phà. 4 chiếc phà lớn luân phiên cập bến, 5 phút/chuyến, hối hả đưa rước khách. Vừa bước lên phà ai cũng được một người phụ nữ phát áo phao an toàn.

Anh Nguyễn Phát Phú, làm ở đường Nguyễn Thái Sơn (phường 5, quận Gò Vấp), cho biết: “Tôi về nhà ở đường Hà Huy Giáp (quận 12), nếu đi lộ trình đường Lê Đức Thọ - Nguyễn Oanh - Hà Huy Giáp chiều dài 10km. Trong khi đó, chỉ cần 1.000 đồng qua phà, rẽ vào đường Vườn Lài - Quốc lộ 1A - Hà Huy Giáp sẽ rút ngắn quãng đường hơn 4km, như vậy tôi vừa tiết kiệm được tiền xăng, thời gian và an toàn hơn nhiều”.

Phà giá rẻ, thuận tiện và an toàn nên cũng tạo điều kiện cho An Phú Đông phát triển trong thời gian chờ có cầu qua sông Vàm Thuật. Trước đây hầu như hành khách chủ yếu là người ở An Phú Đông sang Gò Vấp kinh doanh, đi học, đi làm, bây giờ lại có nhiều khách sang An Phú Đông câu cá giải trí và đang có một làn sóng sang đây đầu tư.

Ông Trần Minh Tùng ở An Phú Đông cho biết do có phà nên An Phú Đông không bị cách trở. Thời gian gần đây, có nhiều nhà đầu tư bất động sản sang đây đầu tư. Nhiều hộ dân ở Gò Vấp bị giải tỏa thuộc dự án vành đai Bình Lợi - Tân Sơn Nhất cũng sang đây săn đất giá rẻ. Sinh viên ở tỉnh lên học ở Gò Vấp cũng sang đây thuê nhà ở trọ do giá thuê rẻ hơn và không tốn tiền qua phà.

Hoạt động từ năm 1996 đến nay, bến phàø An Phú Đông chưa để xảy ra một tai nạn đáng tiếc nào, đã nhiều năm liền được bình chọn đơn vị xuất sắc trong việc đảm bảo an toàn giao thông đường thủy.

Các tin khác