Nơi tiếp lửa lý tưởng sống

“Từ thành phố này Người đã ra đi. Bao năm ước mong đón Bác trở về…”. Câu hát quen thuộc ấy vang lên, ấm áp ngân nga trong khuôn viên Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM một chiều cuối tháng 5 làm ai cũng thấy lòng xao xuyến. Cả nước đang kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 – 5-6-2011). Cuộc hành trình của Người cách nay vừa tròn một thế kỷ đã đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc, trở thành sự kiện có ý nghĩa trong trái tim mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

“Từ thành phố này Người đã ra đi. Bao năm ước mong đón Bác trở về…”. Câu hát quen thuộc ấy vang lên, ấm áp ngân nga trong khuôn viên Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM một chiều cuối tháng 5 làm ai cũng thấy lòng xao xuyến. Cả nước đang kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 – 5-6-2011). Cuộc hành trình của Người cách nay vừa tròn một thế kỷ đã đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc, trở thành sự kiện có ý nghĩa trong trái tim mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Sống động và thuyết phục

Bác Hồ đã xuống tàu Amiral Latouche Tréville từ bến cảng Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước ngày 5-6-1911 (Ảnh tư liệu).

Bác Hồ đã xuống tàu Amiral Latouche Tréville từ bến cảng Sài Gòn
ra đi tìm đường cứu nước ngày 5-6-1911 (Ảnh tư liệu).

Đôi vợ chồng người Algieria đã cao tuổi đứng trầm ngâm, chăm chú xem rất kỹ càng từng bức ảnh, hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM. Họ dành suốt hơn 2 giờ đồng hồ để tham quan bảo tàng. Ông cụ có bộ râu thật dài, bạc trắng, qua phong thái và cách nói chuyện, có lẽ đó là một học giả.

Ông ôn tồn cho biết cảm nghĩ của mình: “Tôi đã nghe danh tiếng Hồ Chí Minh, hôm nay có dịp đến đây, hiểu hơn về vị lãnh tụ này, thật xúc động và ngưỡng mộ. Tuy nhiên các bức ảnh và văn bản chụp lại không có chú thích chi tiết bằng tiếng Anh, nên tôi cứ tiếc hoài vì chưa thể tiếp nhận được đầy đủ những thông tin quý giá này”.

Sau khi tham quan bảo tàng, một sĩ quan hải quân Ấn Độ cảm kích: “Bảo tàng giúp khách tham quan có được sự hiểu biết sâu sắc và đầy ấn tượng về Chủ tịch Hồ Chí Minh và lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Đến thăm nơi đây, tôi cảm nhận sự dũng cảm của dân tộc Việt Nam và cầu mong chiếc cầu hữu nghị giữa hai dân tộc Ấn Độ - Việt Nam luôn bền vững”.

Đi trong đoàn du khách từ Tiền Giang đến thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM, khi nghe cô hướng dẫn viên thuyết minh, mắt chị Nguyễn Thị Thu Thảo đỏ hoe, mấy lần chị lấy khăn chấm lên khóe mắt. Chị tâm sự: “Lần đầu tiên tôi đến đây, đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Tôi quá đỗi cảm động và đã rơi nước mắt khi nghe đọc lại nội dung lá thư Bác Hồ gửi cho người thân để xin thứ lỗi vì việc nước không thể về chịu tang người anh, cảm nhận được sự hy sinh cao cả của Bác. Nhìn những hình ảnh bi tráng ngày Bác mất, tôi nghẹn ngào khi nghĩ giá mà nhân dân miền Nam kịp đón Bác về thăm trong niềm vui của ngày đất nước hòa bình, thống nhất”. 

Khi đưa các sĩ quan đào tạo cao đẳng chính trị đến Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM tham quan và dâng hương tưởng nhớ Bác, Thượng tá Nguyễn Đình Liêm nhận xét: “Mặc dù đã học, đã biết nhiều câu chuyện kể về Bác Hồ, vậy mà tôi cũng xúc động ứa nước mắt khi nghe kể và xem những hình ảnh, hiện vật cho thấy sức bền bỉ kiên trì theo đuổi lý tưởng, chịu đựng gian khó và phong cách sống thanh cao của Bác”.

Trần Thị Thúy Tâm, sinh viên Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình II, tâm sự: “Lâu nay em chỉ biết về Bác Hồ qua những lời giảng của thầy cô và sách báo, truyền hình. Nhưng khi đến bảo tàng này, qua những hình ảnh, hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ, em cảm nhận được chân thực và sống động về Bác Hồ, một con người thật cao cả, vĩ đại, đã hiến dâng cả cuộc đời cho dân tộc, mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ cháu con. Em xúc động và biết ơn vô hạn, thầm dặn lòng phải sống xứng đáng”.

Có bạn kể, lúc theo thầy đến đây tham quan, cứ ngỡ sẽ như những giờ học lịch sử khô khan, chẳng ngờ qua lời thuyết minh truyền cảm của hướng dẫn viên và những hình ảnh, hiện vật xúc động, thuyết phục về Bác Hồ, đã có dịp được học lịch sử một cách thật sinh động, đầy ấn tượng, và điều quan trọng nhất là càng thêm kính trọng, biết ơn Bác Hồ.

 Lưu dấu cuộc hành trình lịch sử

Để ghi nhớ sự kiện Bác Hồ (lúc bấy giờ tên là Nguyễn Tất Thành, lấy tên Văn Ba) đã xuống tàu Amiral Latouche Tréville từ bến cảng Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước ngày 5-6-1911, từ ngày 2-9-1979 Nhà Rồng đã mở cửa đón khách tham quan Trưng bày “Sự nghiệp tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh”; đến ngày 20-9-1982 nơi đây được chuyển thành Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, và đến ngày 30-10-1995 thành Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM.

 Qua lời thuyết minh của hướng dẫn viên và những hình ảnh, hiện vật về Bác Hồ, khách tham quan có dịp được học lịch sử một cách thật sinh động,đầy ấn tượng. Ảnh: VÂN KHANH

Qua lời thuyết minh của hướng dẫn viên và những hình ảnh,
hiện vật về Bác Hồ, khách tham quan có dịp được học lịch sử
một cách thật sinh động,đầy ấn tượng. Ảnh: VÂN KHANH

Bảo tàng có nhiệm vụ nghiên cứu sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt nhấn mạnh sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và tình cảm của Bác đối với miền Nam và tình cảm của nhân dân miền Nam với Bác Hồ.

Qua 32 năm, Bảo tàng đã không ngừng phát triển về mọi mặt: trở thành một bảo tàng lưu niệm danh nhân với hệ thống trưng bày 10 phòng, 8 gian và một phần ngoài trời; 5 kho bảo quản, lưu trữ hơn 17.000 hiện vật; có thư viện chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh với 4.000 cuốn sách do Bác Hồ viết và của các tác giả viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh; tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học và xuất bản các ấn phẩm…

Bảo tàng đã đón tiếp gần 30 triệu lượt khách trong nước và quốc tế tham quan. Nơi đây trở thành một trong những trung tâm giáo dục về lịch sử cách mạng, về tư tưởng đạo đức và cuộc đời hoạt động vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, trong những ngày này các CBCNV Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM đang rất tất bật với công việc. Khuôn viên bảo tàng đang được cải tạo, trồng thêm hoa, dựng sân khấu. Bảo tàng tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa: trưng bày chuyên đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh với các kỳ bầu cử Quốc hội và HĐND”; giới thiệu sưu tập tranh chủ đề “Bác Hồ - một tình yêu bao la”; giới thiệu sưu tập những tặng phẩm của các đoàn khách trong nước và quốc tế tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM; trưng bày chuyên đề “Hồ Chí Minh - Cuộc hành trình của thời đại”.

Ngày 5-6, lễ mít tinh kỷ niệm 100 năm ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước sẽ được tổ chức trọng thể tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM; dịp này, TPHCM sẽ tổ chức động thổ xây dựng giai đoạn 2 dự án Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM.

Các tin khác