Nở rộ lớp “pre-school” trẻ mầm non

(ĐTTCO) - Hàng năm, sau Tết Nguyên đán là thời điểm phụ huynh có con đang học lớp lá (lớp mầm non cho trẻ 5 tuổi) nháo nhào tìm những địa chỉ dạy chữ, rèn kỹ năng cho bé trước khi vào lớp 1. Với nhu cầu ngày càng cao của phụ huynh, năm nay các lớp học “tiền lớp 1” - còn được gọi là lớp “pre-school” không chỉ chiêu sinh ngắn hạn mà trải dài suốt cả năm học, với chương trình và học phí rất đa dạng.

(ĐTTCO) - Hàng năm, sau Tết Nguyên đán là thời điểm phụ huynh có con đang học lớp lá (lớp mầm non cho trẻ 5 tuổi) nháo nhào tìm những địa chỉ dạy chữ, rèn kỹ năng cho bé trước khi vào lớp 1. Với nhu cầu ngày càng cao của phụ huynh, năm nay các lớp học “tiền lớp 1” - còn được gọi là lớp “pre-school” không chỉ chiêu sinh ngắn hạn mà trải dài suốt cả năm học, với chương trình và học phí rất đa dạng.

 “Pre-school” như… học sinh tiểu học

Trong vai trò phụ huynh, chúng tôi đã đến Trường Việt Mỹ (VASS) chi nhánh Phan Xích Long (quận Bình Thạnh, TPHCM) tìm hiểu thông tin về lớp pre-school. Lớp học này được mở vào tháng 6 hàng năm, trước thời điểm khai giảng năm học mới 3 tháng, dành cho tất cả trẻ 5 tuổi đang học hoặc không theo học các trường mầm non trên địa bàn TPHCM. Nhân viên tại đây cho biết, chương trình học gồm một buổi học theo chương trình giáo dục mầm non của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT).

Buổi còn lại dành cho các tiết học tiếng Anh, thời lượng 20 tiết/tuần, một số kỹ năng toán, tiếng Việt cơ bản nhằm tạo nền tảng kiến thức cho trẻ trước khi vào lớp 1. Tuy nhiên, khi tìm hiểu về học phí, bộ phận tư vấn tuyển sinh tại đây cho biết, học phí lớp pre-school là 9.630.000 đồng/học sinh/tháng, cao hơn học phí lớp mầm non 5 tuổi 2,3 triệu đồng và bằng học phí của các lớp tiểu học. Lý giải điều này, đại diện cơ sở cho biết do ở lớp mầm non, trẻ chỉ được học 10 tiết tiếng Anh/tuần với 50% thời lượng học với giáo viên người bản ngữ, 50% giáo viên Việt Nam. Nhưng nếu lựa chọn lớp pre-school, tổng thời lượng học tiếng Anh của bé sẽ tăng gấp đôi, trong đó 80% thời lượng (tương đương 16 tiết/tuần) học với giáo viên bản ngữ, 20% còn lại học với giáo viên Việt Nam.

Một giờ “học mà chơi, chơi mà học” của học sinh lớp lá, Trường Mầm non Tuổi Thơ (quận Tân Phú TPHCM).
Một giờ “học mà chơi, chơi mà học” của học sinh lớp lá,
Trường Mầm non Tuổi Thơ (quận Tân Phú TPHCM).

Tương tự, tại Trường Mầm non Tinh Tú (StarKids) ở quận Tân Phú, chương trình học tiếng Anh của lớp lá dù chỉ được phân bổ 3 buổi/tuần nhưng mỗi buổi kéo dài 45 phút với 100% giáo viên người nước ngoài. Đại diện nhà trường cho biết, ở độ tuổi mầm non, khả năng tập trung của bé chưa cao. Đối với các khối mầm (3 tuổi) và chồi (4 tuổi), tiết học chỉ kéo dài từ 15 - 20 phút. Nhưng khi lên lớp lá, với mục tiêu chú trọng các kỹ năng pre-school, tiết học sẽ tăng lên 45 phút nhằm giúp trẻ quen dần với thời lượng một tiết học ở bậc tiểu học.

Ngoài việc tăng cường tiếng Anh, đơn vị còn lồng ghép các giờ học về nhận diện chữ cái, ghép từ và làm toán, những kiến thức sẽ được học ở lớp 1. Trường hợp khác, tại Trường Ngoại khóa Tomato, hiện có 3 cơ sở tại Phú Nhuận, quận 2 và quận 7, dù thời lượng lớp pre-school chỉ 2 buổi/tuần, mỗi buổi kéo dài 60 phút, nhưng sau khóa học, đơn vị tổ chức cam kết bé sẽ được hình thành tất cả kỹ năng học tập cần thiết ở bậc tiểu học như biết lắng nghe, biết tập trung và làm theo hướng dẫn của giáo viên, có kỹ năng giải quyết vấn đề trong những tình huống thường gặp ở trường tiểu học...

“Chuẩn bị” không  có nghĩa là “nhồi nhét”       

Theo một giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, Trường Đại học Sư phạm TPHCM, tâm lý lo lắng, muốn con “trưởng thành sớm” trước khi vào lớp 1 của đa số phụ huynh là chính đáng. Bởi khi chuyển đổi từ việc học ở trường mầm non, với đa số các hoạt động thiên về vui chơi, thời gian, không gian lớp học không bị gò bó sang môi trường “học là chủ đạo” ở lớp 1, trẻ sẽ khó tránh khỏi tâm lý bị hụt hẫng.

Chẳng hạn, chỉ riêng việc phải ngồi thẳng lưng, trật tự mấy tiếng đồng hồ trên ghế cũng là một thử thách cho bé vì khi ở mẫu giáo, các em có thể “lăn lê bò lết” trên nền nhà, có thể không tham gia một hoạt động nào đó của lớp vì lý do sức khỏe hoặc chỉ đơn giản vì bé không thích. Nhưng khi lên lớp 1, nếu không được trang bị các kỹ năng cần thiết ở bậc tiểu học, trẻ sẽ khó thích nghi với đòi hỏi và yêu cầu của giáo viên, cảm thấy nặng nề, áp lực trước những nội quy của trường học.

Mặt khác, theo quy định hiện nay của Bộ GD-ĐT, trường mầm non không được dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1. Ở phía tiểu học, Bộ GD-ĐT cũng áp dụng quy định mới về kiểm tra, đánh giá học sinh. Theo đó, áp lực điểm số đã được gỡ bỏ, giáo viên chỉ tiến hành ghi nhận xét trên tinh thần động viên, khuyến khích học sinh nỗ lực trong học tập. Ngoài ra, nhiều trường tiểu học hiện nay đã quan tâm công tác tổ chức ngày hội tuyển sinh vào lớp 1, tạo điều kiện cho phụ huynh và học sinh tham quan, tìm hiểu môi trường học tập ở bậc tiểu học.

Do đó, lời khuyên của những người quản lý là cha mẹ không nên nôn nóng, ép trẻ mầm non sớm làm quen với chương trình giảng dạy ở bậc tiểu học ngay khi còn ngồi trong trường mầm non. Riêng đối với môn ngoại ngữ, phụ huynh nên dựa vào khả năng, sở thích của trẻ để lựa chọn hình thức học tập phù hợp, không nên nhồi nhét kiến thức khiến trẻ cảm thấy việc học thật nặng nề, về lâu dài sẽ lợi bất cập hại.

Trong một bài viết chia sẻ trên facebook cá nhân cách đây ít lâu về kinh nghiệm chuẩn bị cho con vào lớp 1 của chị Phan Hồ Điệp, mẹ “cậu bé thần đồng” Đỗ Nhật Nam, người mẹ trẻ cho biết không ủng hộ việc “tiểu học hóa” cho con.

Thay vào đó, phụ huynh chỉ nên chuẩn bị một số kỹ năng tiền học đường cho bé như kỹ năng quan sát, khả năng tập trung, dạy con cách ngồi học đúng tư thế, các kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm để trẻ dễ thích nghi với việc học tập ở bậc tiểu học.

Các tin khác