Những phụ nữ giữa biển khơi

Không phải những bãi cát dài hay những con sóng êm đềm, cũng chẳng là những người đàn ông lực lưỡng đen sạm vì nắng gió, hình ảnh để lại cảm xúc trong tôi nhiều nhất khi tới những làng biển chính là người phụ nữ, những “bóng hồng” nơi biển xanh. Họ, những người phụ nữ áo quần xuềnh xoàng, tất tả lo toan đủ thứ để mong con cái có một cuộc sống tốt hơn và người chồng, sau mỗi chuyến biển lại cười rạng rỡ hơn. Những người phụ nữ không nhận về mình bất cứ thứ trang sức, son phấn phù hoa nào ngoài những mặn chát của biển khơi.

Không phải những bãi cát dài hay những con sóng êm đềm, cũng chẳng là những người đàn ông lực lưỡng đen sạm vì nắng gió, hình ảnh để lại cảm xúc trong tôi nhiều nhất khi tới những làng biển chính là người phụ nữ, những “bóng hồng” nơi biển xanh. Họ, những người phụ nữ áo quần xuềnh xoàng, tất tả lo toan đủ thứ để mong con cái có một cuộc sống tốt hơn và người chồng, sau mỗi chuyến biển lại cười rạng rỡ hơn. Những người phụ nữ không nhận về mình bất cứ thứ trang sức, son phấn phù hoa nào ngoài những mặn chát của biển khơi.

Nhỏ nhoi trước biển

Tôi luôn có cảm giác tất cả những người phụ nữ miền biển mình từng gặp, từng nhìn thấy dù ở đâu cũng đều giống nhau. Ở họ, ngoài sự hy sinh tất cả vì gia đình, tôi còn thấy sự yêu đời hiếm có, dù có thể, sau tiếng cười kia là cả một cảnh đời gian truân, vất vả.

Trên một cảng cá nhỏ ở ấp Đèn Đỏ (Tân Thành, Gò Công Đông, Tiền Giang), chị Nguyễn Thị Bài, 41 tuổi, tâm sự: “Từ khi sinh ra, cuộc đời mình đã gắn với biển. Lấy chồng ngoài việc nuôi con và chăm sóc cha mẹ già, hàng đêm mình đều ngóng chồng trên những chuyến biển được bình an vô sự. Cuộc sống tuy khó khăn nhưng mỗi khi nhìn thấy 3 đứa con, mình lại gắng vượt qua”.

Chị Bài làm công nhân nhà máy chế biến thức ăn gia súc. Công việc hàng ngày sơ chế cá bột, ruốc, tôm he nhỏ rồi đem phơi. Cuộc sống êm ả trôi đi đến một ngày chồng chị bị tai nạn khi đang thu lưới ngoài vịnh Đôi Ma (thị trấn Vàm Láng, Gò Công Đông) phải cưa mất một chân. Bao nhiêu vốn liếng gia đình dành dụm đều dồn hết cho hơn 1 tháng anh nằm viện. Bây giờ, sau hơn 2 năm, gia đình chị Bài vẫn chưa trả hết nợ bà con xóm giềng.

Con trai lớn bỏ học, để lại chiếc áo trắng có dòng chữ lớp 9C trên vai áo, lên thuyền thay cha, đi biển. Thở dài, ánh mắt nhìn ra dăm chiếc ghe nhỏ neo nơi cảng cá, chị tiếp lời: “Ảnh giờ chống nạng đi loanh quanh trong xóm chứ có làm được chi ngoài mấy bữa cơm và trông đứa út”.

Chị Nguyễn Thị Bài hàng ngày vất vả bám biển.

Chị Nguyễn Thị Bài hàng ngày vất vả bám biển.  

Hoàn cảnh của chị Bài không phải duy nhất, chị Nguyễn Thị Hòa, 34 tuổi, ở xã Lộc An (Đất Đỏ, Bà Rịa-Vũng Tàu) bao năm qua không được may mắn gặp lại chồng và người em trai sau cơn bão số 6 năm 2007. Ngồi trên bãi cát dài mênh mông của cảng cá Lộc An, một trong những cảng cá nhộn nhịp nhất Đông Nam bộ, người phụ nữ có nước da rám nắng và bàn tay mặn mùi cá biển chia sẻ: “Chồng mất khi mình chưa đầy 30 tuổi nhưng nhìn 2 đứa con thơ chẳng thiết nghĩ đến chuyện gì nữa. Cứ ngày ngày mình đến cảng phân loại cá cho các chủ thuyền để kiếm tiền nuôi con ăn học. Công việc không nặng nhọc nhưng do tiếp xúc với cá, tôm suốt ngày nên người lúc nào cũng váng vất mùi cá biển. Có lẽ vì thế nên mình chẳng bao giờ nghĩ tới người đàn ông khác. Chắc nơi biển khơi mênh mông, anh ấy cũng hiểu và phù hộ nên tôi luôn mạnh khỏe để được làm việc, 2 đứa con rất chăm học và gia đình không bao giờ ngớt tiếng cười”.

Nhìn bóng chị lặng lẽ trên bãi cát dài mênh mông chậm rãi kéo từng giỏ cá nặng mà chúng tôi không khỏi ngậm ngùi. Người phụ nữ ấy hình như càng trở nên nhỏ bé khi ánh hoàng hôn kéo bóng chị dài ra, lê thê trên cát biển và đơn độc giữa những con sóng dập dồn, xa xa.

Hạnh phúc nhỏ nhoi

Bình minh, mặt trời ló rạng ở những dãy núi phía xa xa, triều xuống tới tận bãi biển Cần Thạnh (Cần Giờ, TPHCM), chị Phan Thị Tâm, 37 tuổi lại lặng lẽ trên những vệt cát dài sũng nước. Dừng lại một chút, chị cười, mỗi tháng chỉ được mươi ngày, nhưng ngày nào cũng kiếm được cả mấy trăm ngàn đồng nên tranh thủ ra đây nhặt ốc bán. Nhìn chiếc giỏ nhựa màu hồng nhạt đã lưng lưng, chị cười, khi nước rút, trên cát có rất nhiều ốc, từ ốc đá, ốc lát cho tới ốc mặt trăng, ốc móng tay…

Chỉ có điều, chúng đều ẩn mình sâu trong lớp cát nhão, phải tinh mắt và có kinh nghiệm mới thấy được. Từ tờ mờ sáng, chị đã xách giỏ ra đây kiếm ốc, bán cho những quán nhậu, quán ăn trên bãi biển. Mỗi ký ốc có giá 25.000-30.000 đồng. Nếu may mắn, một ngày chị Tâm có thể nhặt được gần chục ký.

Ngồi trên nền cát nghỉ đôi chút, chị cho biết: “Bình thường mình ở nhà phơi cá bán cho các mối trên thành phố. Phơi cá mùa này rất vất vả vì mưa nắng thất thường. Sáng nào cũng phải dậy sớm, ra cảng lấy cá về sơ chế, tẩm ướp. Ngày nắng còn đỡ chứ ngày mưa, phải chạy nhanh chứ cá mà ướt coi như lỗ vốn. Chồng mình làm nghề giã, đi nửa tháng mới về, nghỉ dăm hôm rồi lại tiếp tục lênh đênh trên biển miết”.

Không như nhiều ngư dân quan niệm, ở một vùng biển xa xôi của xã Thới Thuận (Bình Đại, Bến Tre), nhiều người phụ nữ đã trực tiếp lên thuyền, lênh đênh giữa biển khơi mênh mông. Vì cuộc sống, vì sinh kế, họ chấp nhận làm những công việc không dành cho phụ nữ chân yếu tay mềm. Từ mấy năm nay, chị Nguyễn Thị Trâm đã quen với công việc trên biển.

Chồng bị liệt 2 chân sau tai nạn giao thông khiến gánh nặng nuôi 3 đứa nhỏ và gia đình dồn hết lên vai chị. Không còn cách nào khác, ngày ngày, chị chạy thuyền ra phía bờ xa, có khi cả mấy cây số để mua cá của những ngư dân nghề đóng đáy quanh cửa Hàm Luông. Dừng chèo, ghé vào bờ và thoăn thoắt buộc dây neo, chị cười, nếu mình không mạnh mẽ thì chết bởi các con còn nhỏ, chỉ biết học chứ chưa giúp được gì. Bây giờ vất vả, hy vọng mai mốt các con có cuộc sống tốt hơn.

Cũng như chị Trâm, hầu như tất cả người phụ nữ ven biển đều có một tâm niệm hy vọng về cuộc sống tương lai tươi sáng. Hạnh phúc, với họ quá nhỏ bé và giản đơn dù nhiều khi đánh đổi lấy nó là cả cuộc đời hy sinh trong thầm lặng cùng những giọt nước mắt đã tan vào biển khơi, mênh mông.

Các tin khác