Những người giữ hương cho phố

(ĐTTCO) - Hà Nội phố xá nhộn nhịp, nhưng ẩn sau đó vẫn còn có những con người thầm lặng với đam mê và ước vọng riêng của mình. Đó là chút thi vị của người Tràng An hay hương phố của thủ đô ngàn năm văn hiến.
Nghề thợ rèn
Hà Nội nổi tiếng với 36 phố phường, mỗi con phố chuyên làm hoặc bán một mặt hàng nào đó. Nhưng đó đã là câu chuyện của người xưa, khi đô thị hóa, hội nhập làm phố nào cũng giống phố nào. Khi nghe tiếng chan chát vang lên từ cuối phố Lò Rèn, tôi tò mò ghé lại và thật bất ngờ một lò rèn đen thui, treo đầy cuốc, dao, kéo hiện lên trước mắt tôi. Ông chủ mời tôi chén trà nóng trong cái lạnh buốt của Hà Nội, bàn tay đang lạnh buốt nâng tách trà thật ấm áp biết nhường nào.
Ông tên là Nguyễn Phương Hùng, người ta hay gọi ông là Hùng rèn vì đơn giản ông làm nghề thợ rèn, và đặc biệt trên phố Lò Rèn này chỉ còn duy nhất ông còn giữ được nghề do cha ông để lại. Ông bảo, ngày trước cả con phố này hơn mấy trăm hộ, nhà nào cũng làm nghề rèn vậy mới có cái tên Lò Rèn. Bản thân ông cũng không nhớ nghề có từ bao nhiêu năm trước, chỉ biết rằng từ thời ông cố của ông nghề đã phát triển rực rỡ, xung quanh vùng đồng bằng Bắc bộ thường đổ về đây đặt sản xuất nông cụ như cày, cuốc, bừa, dao kéo, hoặc một số đồ thiết kế theo yêu cầu riêng.
Chốc chốc, có mấy người bạn của ông lại chơi, họ đều là những người bạn nối khố với ông từ ngày nhỏ trên con phố này. Lúc trước, gia đình họ cũng làm nghề rèn, nhưng những năm đầu thế kỷ 20 bỏ dần và “nhường” lại đất diễn tay nghề cho một mình ông Hùng. Trên phố, nườm nượp xe cộ qua lại tấp nập, quanh quanh là những quán ăn, quán hát, đồ hiệu cao cấp, ấy vậy trên miếng đất vàng giữa lòng Thủ đô ông Hùng vẫn chọn cái nghiệp “trên đe dưới búa”. Ông bộc bạch: “Đây là nghề tổ tiên để lại không duy trì không được, mình cảm thấy có lỗi nếu như bỏ nghề chỉ vì cơm áo gạo tiền. Mà thật ra sống với nghề mình đâu có chết đói, chỉ khó giàu thôi anh bạn ạ”. Nhà ông có 2 cậu con trai đang theo học đại học. Tuy không ai có ý định theo nghề, nhưng ông Hùng cũng không chạnh lòng. Ông bảo, sống phải có đam mê, mình muốn con giữ nghề cho mình, nhưng nếu chúng không thích, không đam mê tiếng “chan chát”, không đam mê ngọn lửa lò rèn bập bùng thì thôi, cho con học ngành khác mà nó đam mê, mình phấn đấu đến hết đời mình là cảm thấy không có lỗi với tổ tiên rồi.
Công việc lò rèn của ông Hùng chỉ có thu nhập khoảng 200.000 đồng mỗi ngày, nhưng bù lại ông có thêm vô số người bạn, đặc biệt là các bạn nông dân đến từ các miền quê. Chốc chốc lại có người gọi điện thoại đặt hàng, rồi hỏi thăm, ông lấy chiếc điện thoại nhọ đen ra nghe trong điệu cười sảng khoái, tự nhiên mà không phải ai cũng có được hàng ngày nơi phố thị chật chội. Đôi khi giá trị cuộc sống chỉ đơn giản như thế, nghe tiếng búa đe hàng ngày như món ăn tinh thần vô giá đối với ông, mặc kệ những xa hoa lướt qua trước mặt, kệ nhà lầu xe hơi. Với ông sống với nghề cả đời, giữ tên cho phố Lò Rèn là niềm vinh dự lớn lao nhất cuộc đời.
Những người giữ hương cho phố ảnh 1 Khách du lịch tham quan Hà Nội bằng xích lô. 
Đạp xích lô
Những thi vị của Hà Nội xưa tuy ít nhưng vẫn còn để chúng ta khám phá, mà đặc biệt là những người có cùng niềm đam mê, nét hoài cổ trong tiềm thức. Đó đơn giản là chiếc xích lô Sans-souci vừa lướt qua góc phố cổ. Theo sự chỉ dẫn, tôi tìm đến chủ nhân của người khai sinh ra những chiếc xích lô độc đáo này - ông Đỗ Anh Thư, tại một ngôi nhà nhỏ gần hồ Gươm.
Cái tên “Sans-souci” xuất hiện không phải một cách ngẫu nhiên mà là có nguyên do. Giải thích về thương hiệu Sans-souci, ông Đỗ Anh Thư cho biết: “Mới đầu tôi nghĩ ra rất nhiều cái tên như Thăng Long, Thiên Hà, Thiên Đường… và rất nhiều cái tên khác nhưng không được. Cuối cùng, tôi nghĩ ra một cái tên bằng tiếng Pháp rất lạ đó là Sans-souci có nghĩa là “Đừng lo âu”. Tôi đặt cái tên như vậy một phần vì trong đó nó là cái đẹp một phần là để khách nước ngoài dễ gọi”. 
Ông Đỗ Anh Thư từng đi bộ đội, sau khi hết nghĩa vụ trở về và thi vào đại học. Năm 1981, ông tốt nghiệp Khoa Sử Trường đại học Sư phạm Hà Nội, với ước mơ làm nhà sử học hoặc thầy giáo dạy sử theo truyền thống gia đình. Nhưng “cơm áo không đùa với khách thơ”, khi cuộc sống đầy những khó khăn, sự nghiệp không thành, ông mua chiếc xích lô để làm thêm. Nhưng công việc đó bị gia đình phản đối vì bố mẹ, chú, bác đều làm bác sĩ, nhà giáo trong khi ông lại đi đạp xích lô.
Nhưng ông vẫn quyết tâm bám nghề đạp xích lô. Cái duyên đạp xích lô và thành lập thương hiệu Sans-souci đến với ông Thư như sợi dây vô hình buộc số phận ông gắn bó với nghề. “Một lần tôi gặp người phụ nữ Pháp, thuê tôi đạp xích lô 8 tháng liền với tiền công 8USD (tương đương khoảng 160.000 đồng/ngày), so thời đó số tiền này quá lớn đối với tôi, và sau đó tôi nảy sinh ý định thành lập công ty xích lô để phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước mỗi lần tới Hà Nội” - ông Thư nói.
Năm 1990, ông đã thành lập đội xích lô Sans Souci chỉ có 5-7 người. Với quan điểm thống nhất phải tân trang cho xe đẹp lên, mỗi ngày sau các chuyến chở khách, ông và các anh em trong đội lại cùng góp vào 5.000 đồng để cuối tháng mua thêm những tấm inox hay vải giả da, nệm mút để trang trí cho xe thêm đẹp. Đến nay tiếng leng keng của xích lô tạo ra không gian riêng của phố cổ, khách du lịch nước ngoài đến với xích lô ngày càng nhiều. Có thể nói, xích lô du lịch Hà Nội gắn liền với khu phố cổ. Khi hỏi về ước mơ và dự định sau này cho công ty, ông niềm nở cho biết: “Tôi mơ ước một ngày nào đó, xích lô sẽ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa Việt Nam”.

Dạy nghề trẻ cơ nhỡ
Đối với thầy Trần Duyên Hải (ngõ Văn Chương, phố Khâm Thiên), cách làm cho ông say cuộc đời là làm từ thiện và thu gom những mảnh đời cơ nhỡ. Hơn 40 năm qua, ông đã cưu mang hàng ngàn người có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ, chất độc màu da cam, dậy họ nghề để có thể lao động trên chính đôi tay của mình. Mối duyên nợ làm từ thiện đối với thầy Hải xuất phát từ một câu chuyện năm 1975, khi đi qua hồ Hoàn Kiếm, ông chứng kiến cuộc sống khốn khó của những trẻ em lang thang đường phố.
Lúc ấy, muốn giúp đỡ các em một cách căn cơ, ông quyết định mở một trung tâm dạy nghề may áo cưới, đón các em về dạy nghề. Dù trong hơn 40 năm qua, có những lúc gặp không ít khó khăn do thiếu thốn về vật chất, kinh phí, nhưng trung tâm vẫn tồn tại. Khi mới thành lập, trung tâm chỉ có 3 thành viên, nhưng mỗi ngày một đông, tất cả những ai khó khăn đều được thầy cưu mang, dạy nghề, rồi kiếm được việc làm.
Cái tên để lại ấn tượng lớn nhất với thầy Hải là em Ngọc Sương Gió (tỉnh Vĩnh Phúc). Thầy Hải nói: “Hoàn cảnh em Gió rất khó khăn, 2 chân bị bỏng, mẹ mất, bố lấy vợ khác, em buộc phải xuống Hà Nội ăn xin. Mới đầu nhận em về dạy nghề, cứ ban ngày học, làm đến tối em lại bỏ đi uống rượu.
Phải mất đến 8 lần bỏ đi quay về Gió mới chịu học thành nghề và tu tâm làm ăn”. Thầy Hải luôn nghe ngóng ở đâu có trẻ em cơ nhỡ lại đi vận động các em về với trung tâm. Dù tuổi đã cao, nhưng với thầy đây là công việc làm thầy khỏe hơn, đặc biệt giúp trái tim trở nên ấm áp hơn khi được giúp đỡ người khác. “Từ khi thành lập đến nay, trung tâm đã giúp hàng ngàn em có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ trưởng thành và có công ăn việc làm ổn định” - thầy Hải nói.

Các tin khác