Những người âm thầm góp phần chiến thắng

(ĐTTCO) - Chúng tôi lên đường thực hiện một bộ phim tài liệu dài nói về những chiến sĩ chuyên làm công việc bảo vệ, phục vụ lãnh đạo trong kháng chiến chống Mỹ từ năm 1959 đến 1975.
Những thành viên của Đội Bảo vệ về thăm căn cứ ở U Minh, Cà Mau.
Những thành viên của Đội Bảo vệ về thăm căn cứ ở U Minh, Cà Mau.

“Các chiến sĩ cận vệ” này đã tổ chức những cơ sở, đường dây bí mật bảo vệ an toàn lãnh đạo cấp cao của Đảng trong cuộc kháng chiến cứu quốc. Đường dây đó nối dài từ Trung ương Cục miền Nam ra vào nội thành Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn và vượt Trường Sơn ra Bắc.

1. Công việc của lãnh đạo càng nặng, địa bàn hoạt động càng rộng, nhiệm vụ và tổ chức của tổ bảo vệ, phục vụ càng nặng nề, phức tạp như thêm bộ phận thông tin vô tuyến điện, giao liên đặc biệt (giao liên công khai), xây dựng căn cứ và giữ căn cứ (hàng chục căn cứ), cơ sở trong nội thành, bảo vệ thủ trưởng khi đi công tác trong nội thành, vùng ven Sài Gòn, chống địch càn quét…

Họ không chỉ là tổ, đội bảo vệ phục vụ mà còn là đội quân chiến đấu. Có nhiều người được khen thưởng bằng Dũng sĩ, Chiến sĩ Thi đua và Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Nay chúng tôi tìm đến các nhân vật này và ghi nhận những câu chuyện kể của họ… Tại căn nhà nhỏ ở quận 10, người phụ nữ đã lớn tuổi, mặc bộ bà ba ra đón chúng tôi. Cô bảo chúng tôi phải nói lớn vì “tai cô điếc lắm”. Và cô cười, nụ cười thật đôn hậu.

Đó là cô Sáu Trung, tức Nguyễn Thị Hữu, một trong những chiến sĩ giao liên ngoại tuyến hoạt động len lỏi trong lòng địch, năng động sáng tạo đưa tài liệu tuyệt mật, đưa đón cán bộ lãnh đạo đi công khai và về Trung ương Cục an toàn.

Cô được chọn làm cơ sở hoạt động bí mật trong lòng địch, làm giao liên cho Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Bị xét hỏi cô đều qua mặt trót lọt, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lãnh đạo. Cô lái xuồng máy đuôi tôm chạy khắp kênh rạch miền Tây rành như những phụ nữ sông nước thực thụ.

Để tìm hiểu thực tế tình hình chính trị và xây dựng cơ sở nội thành Sài Gòn, nhiều lần cô Sáu Trung cùng ông Sáu Hoa đã tổ chức đưa đón lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam, được hóa trang thành thầy giáo đi đường công khai ra vào nội thành Sài Gòn an toàn. Có lần cô phải đưa mật thư từ Châu Đốc về Sài Gòn trước nửa đêm trong ngày và cô đã đến nơi trao mật thư trước giờ quy định.

Mùng 2 Tết Mậu Thân năm 1968, cô Sáu Trung đã băng qua lửa đạn từ Bà Chiểu đến cầu Bà Tàng, quận 8 gặp Bộ chỉ huy tiền phương báo cáo tình hình và nhận mệnh lệnh mới mà các mối giao liên khác, không ai đến được.

Chị Mười Thu, vợ của ông Sáu Thông, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, là đồng đội của cô Sáu Trung. Năm 1971, cô Sáu Trung đón chị Mười cùng đi từ căn cứ Trung ương Cục đóng trên đất K về Sài Gòn bằng đường sông. Khi đến Tân Châu bị giang cảnh xét tàu. Như có chỉ điểm, chúng lục soát hành lý của 2 chị. Trong túi xách chị Mười có tấm đắp nỉ và mùng tuyn xanh - những vật dụng của người kháng chiến, cô Sáu Trung nhanh miệng nhận là của mình và bị bắt ngay. Còn chị Mười được thả.

Vào tù, bị tra tấn thế nào cô Sáu Trung một mực nói mình nghèo, đi làm mướn, họ trả tiền công bằng tiền, cho tấm đắp và mùng. Cuối cùng cô bị tù với bản khai dân nghèo tiếp tay cho Việt cộng, bị giam cầm qua nhiều nhà tù, đến ngày 29-4-1975 mới cùng các bạn tù phá khám Tam Hiệp thoát ra. Năm 1978, cô Sáu Trung - Nguyễn Thị Hữu được tuyên dương Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Người đã sát cánh cùng cô Sáu Trung hoạt động ở nội thành là ông Sáu Hoa. Cách đây 6 năm, chúng tôi đã đến căn nhà có địa chỉ 99/9 Nơ Trang Long, là nhà ông Phạm Văn Hoa (Sáu Hoa) làm thầu khoán ở Sài Gòn trước đây. Khi đó, chúng tôi được biết, từ năm 1954 ngôi nhà của ông đã là nơi ở, là nơi chỉ đạo phong trào ngoại thành Sài Gòn của nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của cách mạng ở miền Nam.

Ông Phạm Văn Hoa sinh năm 1925, quê ở Đà Nẵng. Năm 1940, 15 tuổi Phạm Văn Hoa rời quê hương vô Sài Gòn tìm kế sinh sống. Những năm đầu anh làm công nhân xây dựng, sau trở thành nhà thầu.

Từ năm 1956, Đảng quyết định tách ông Sáu Hoa ra hoạt động đơn tuyến, là cơ sở để bảo vệ, phục vụ cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và các đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt. Cho tới ngày giải phóng, 30-4-1975, ông Sáu Hoa đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc, đóng góp công lao to lớn vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc bảo vệ 3 cán bộ cao cấp của Đảng an toàn.

Ông Sáu Hoa đã dẫn đoàn làm phim lên chỉ chiếc tủ bí mật ông dùng để giấu cán bộ, lối thoát trên mái nhà nếu có biến; chiếc xe Peugeot 404 ông hay dùng để đưa rước cán bộ hoạt động bí mật ra vào nội ngoại thành Sài Gòn và cả vùng ĐBSCL.

Chúng tôi như sống lại thời điểm thành phố Sài Gòn những năm 60, 70, tưởng tượng cảnh ông Sáu Hoa lái xe, chở vợ con theo để ngụy trang, cán bộ ngồi phía trước, được giới thiệu là thư ký của thầu khoán Phạm Văn Hoa; vợ con ông Sáu Hoa và cô Sáu Trung ngồi phía sau luôn mưu trí khi bị cảnh sát chặn, xét hỏi…

Ông Sáu Hoa đã được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Khi chúng tôi trở lại thăm ông lần này chỉ gặp bà Đoàn Thị Bon, vợ ông Sáu Hoa. Bà ký tặng chúng tôi quyển sách viết về ông. Tôi chợt nghĩ, may mà 6 năm trước chúng tôi đã kịp quay phim về ông.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh làm việc tại Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, ngày mùng 5 Tết Ất Mão (1975).
 

2. Chúng tôi về Cà Mau cùng với một số thành viên của Đội bảo vệ; tìm về xã Tân Tiến của huyện Đầm Dơi với những địa danh: Ngã ba sông Cây Tàng, Bửng Lệ, Láng Cháo, Vàm Nước Trong; về xã Khánh Hải huyện Trần Văn Thời, tìm tới nhà của ông Ba nông dân, nhà bác Ba Phi; về xã Khánh Hòa huyện U Minh với địa danh Mũi Chùi nổi tiếng…

Những câu chuyện của bác sĩ Huỳnh Hoài Nam, của các anh Phạm Thanh Dân, Hứa Minh Thuân, Lê Văn Liêu, Huỳnh Thanh, Nguyễn Tấn Thành…, những chiến sĩ anh dũng kể lại thời gian khó vô vàn trong cuộc kháng chiến cứ ám ảnh trong tâm trí:

Cuối năm 1970, toàn đơn vị được lệnh hành quân về chiến trường T3 (miền Tây Nam bộ). Từ Ba Động các chiến sĩ được anh em giao liên đưa đi đường bán hợp pháp. Cả trung đội ngồi trên ghe, súng ống đầy đủ, AK, B40 đều lên nòng sẵn.

Chiếc xuồng có hai tấm lá dừa nước, bện hai bên như hai cái mui ghe. Xuồng vượt sông Hậu để đến cù lao Dung. Trên đường đi qua nhiều đồn bót đóng bên sông. Chủ xe là cánh giao liên. Khi qua đồn anh em được giao liên phổ biến nếu có đồn bót nào gọi ghe vào, địch phát hiện thì ta nổ súng tấn công đồn đó luôn.

Ở Vàm Nước Trong, ngã ba sông Cây Tàng, các chiến sĩ xây dựng căn cứ, làm đường đi, sàn nhà nhô khỏi mặt đất bảy tám tấc trở lên, vì nếu không, khi nước lớn lên sẽ ngập hết. U Minh Thượng vào khoảng tháng 3-1971 toàn là rừng tràm bát ngát bao bọc căn cứ. Đơn vị đóng quân ở kinh 9 xã Trí Phải. Đến nơi đơn vị phổ biến đào công sự cá nhân, mỗi công sự có 2 anh em căng nylon để ở.

Đất U Minh, nói là đất thật ra là lớp lá tràm khoảng năm ba tấc, lá tràm rụng nhiều năm chồng lên nhau mục nát, lúc nào đất cũng ươn ướt, sền sệt. Đào xuống khoảng năm tấc là có nước, thứ nước giống như nước trà đậm, nâu nâu, là nước của lá tràm khô, uống được nhưng phải nấu chín mới không đau bụng. Nấu cơm thì cơm cũng có màu đỏ đỏ. Mùa mưa nước rút cá trong rừng U Minh bắt đầu xuống kinh và xuống những “hố bom” còn nước. Đủ thứ cá. Các chiến sĩ bắt cá, cải thiện bữa ăn ở mảnh đất gian nan, tách biệt này.

Anh Đỗ Minh Thuần, người dân ở Khánh Hòa, kể lại: Khi đoàn văn công Quân khu về diễn phục vụ bà con và chiến sĩ vùng căn cứ, anh được đơn vị bảo vệ cho đi theo coi. Anh Huỳnh Hoài Nam trong đội bảo vệ có cái máy thu băng, thu lại hết chương trình biểu diễn. Trên đường bơi xuồng về đơn vị, anh mở lại cho cả nhóm nghe. Những chiếc xuồng của bà con bơi gần đó chạy theo nghe được, họ tưởng là chương trình của Đài phát thanh Giải phóng!

Nghệ sĩ ưu tú Minh Đương, nghe tin có những nhân vật của Đội bảo vệ về Cà Mau, chạy tới thăm và hát vài câu vọng cổ. Giọng anh vẫn ngọt ngào như cách đây 45 năm. Đại diện chính quyền địa phương tiếp đón rất nồng hậu, nấu vội vàng những món ăn dân dã để mời cả đoàn. Chủ tịch xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, Cà Mau, anh Mai Việt Triều xúc động nói tụi cháu rất vui vì các cô chú còn nhớ Tân Tiến và về thăm...

Chúng tôi cứ lần theo những câu chuyện kể của những người cận vệ anh hùng mà ghi hình, làm phim để lưu giữ truyền thống một thời kháng chiến gian nan và những chiến sĩ thầm lặng đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc...

Tháng 4- 2017

Các tin khác