Những dòng kênh giữa lòng Sài thành (K2): Nguy cơ dòng kênh chết

Mặc dù các dòng kênh đang hồi sinh, thay đổi vượt bậc so với 20 năm trước, nhưng vẫn còn đó nhiều bất cập. Trong khi TP đang đầu tư cải tạo dòng kênh thì tình trạng xả rác bừa bãi, ý thức bảo vệ môi trường của nhiều người dân sống dọc 2 bờ kênh vẫn còn kém. Do vậy, nguy cơ dòng kênh chết có thể thêm lần nữa tái diễn.

Mặc dù các dòng kênh đang hồi sinh, thay đổi vượt bậc so với 20 năm trước, nhưng vẫn còn đó nhiều bất cập. Trong khi TP đang đầu tư cải tạo dòng kênh thì tình trạng xả rác bừa bãi, ý thức bảo vệ môi trường của nhiều người dân sống dọc 2 bờ kênh vẫn còn kém. Do vậy, nguy cơ dòng kênh chết có thể thêm lần nữa tái diễn.

Những dòng kênh giữa lòng Sài thành (K1): Công viên bờ kênh

Tái ô nhiễm

Mặc dù TP đã đầu tư rất lớn để cải tạo, nạo vét và vớt rác thường xuyên giúp các dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hũ, Bến Nghé dần trở thành “máy điều hòa” giúp giảm sự ngột ngạt, ô nhiễm trên địa bàn. Song từ năm 2014 đến nay tình trạng tái ô nhiễm, nhất là ô nhiễm hữu cơ đang có xu hướng gia tăng trở lại.

Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng nước kênh rạch trên địa bàn TPHCM là nước thải công nghiệp không được kiểm soát, xử lý, xả trực tiếp ra môi trường. Song song đó, nước thải từ các hệ thống nhà máy ở Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh chảy ra sông Sài Gòn, sông Đồng Nai cũng góp phần làm cho nguồn nước ở TPHCM càng thêm ô nhiễm.

Bên cạnh đó, các hộ dân và các phòng trọ sống dọc 2 bên kênh rạch cũng xả nước thải sinh hoạt trực tiếp khiến dòng kênh đang dần “quá tải”. Nhiều người vẫn vô tư xả rác một cách bừa bãi trực tiếp xuống dòng kênh. Buổi sáng dọc quanh 2 bên bờ kênh Tàu Hũ, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Lò Gốm, hình ảnh nhiều người ung dung đứng câu cá ngay sát biển cấm xả rác, cấm câu cá đang dần trở thành… quen thuộc.

Được hỏi lý do câu cá, nhiều người thản nhiên cho biết câu để giải trí, thú vui tao nhã, câu được nhiều thì đem bán. Cô Nguyễn Thu Trang đang dắt con đi dạo quanh bờ kênh chia sẻ: “Hơn năm trước, mỗi sáng sáng khi đi tập thể dục tôi vui nhất được ra đây nhìn đàn cá bơi lội tung tăng, ngoi lên kín cả mặt nước. Nhưng giờ phải chứng kiến cảnh cá chết, câu cá triền miên như vậy thực sự xót vô cùng”.

Dọc 2 bên vỉa hè các bờ kênh từng đống rác sinh hoạt nằm ngổn ngang, chất thành đống mặc thùng rác ngay sát cạnh trống trơn. Đa số rác thải ở đây là bao ni lông, áo mưa giấy, hộp xốp, vỏ lon được người dân bỏ lại sau buổi tối ngồi hóng mát. Đặc biệt, đoạn kênh từ cầu Công Lý đến cầu Lê Văn Sỹ lúc nào cũng lều bều rác nổi, có khi tập trung thành đống ngay góc kênh khu vực thượng lưu, xen lẫn váng dầu và bọt trắng đục ngầu.

Cá chết hàng loạt trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Cá chết hàng loạt trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Rác cũng là nguyên nhân gây hư hỏng hệ thống lược rác tại các trạm bơm như làm tuột xích, đứt chốt an toàn bảo vệ thiết bị lược rác... Hàng ngày rác cứ chất ứ nhiều hơn, và nhiều người dân đang dần coi việc xả rác là điều “hiển nhiên”, bởi người trước đã làm.

Ông Lê Thành Trí, ngụ phường 3, quận 1, thường xuyên tập thể dục dọc bờ kênh Tàu Hũ, cho biết: “Thời gian đầu tôi rất vui mừng vì dòng kênh trong sạch trở lại. Nhưng chưa được bao lâu, giờ đi ngang thỉnh thoảng lại nghe mùi khai khó chịu, rác nổi lềnh bềnh, trôi dọc khắp kênh. Hình như càng ngày càng nhiều người coi đây là nhà vệ sinh công cộng, khi xả rác xuống dòng kênh nước sẽ cuốn rác đi làm sạch sẽ thì phải”.

Đáng chê trách hơn, cảnh đẹp này còn được nhiều đôi tình nhân tận dụng hẹn hò, trêu ghẹo nhau và thậm chí có những hành động quá trớn giữa chốn đông người không ngại ngùng. Vỉa hè rộng đẹp còn được người dân tận dụng làm sân phơi cơm nguội, nhốt gà, phơi quần áo. Với thực trạng này, không biết có nên gọi dọc 2 bên kênh là địa điểm “sinh hoạt cộng đồng” hay không.

Chốn nhậu về đêm

Không riêng những người bán rong, cả những quán nhậu, quán cà phê cũng đua nhau mọc lên dày đặc, thu hút rất đông khách từ nhiều nơi đổ về. Để đông khách, quán nào cũng có nhân viên chạy ra tận đường, chặn đầu xe người đi đường mời chào, cãi cọ um sùm. Cảnh nhốn nháo này nhiều nhất ở 2 đường Hoàng Sa và Trường Sa dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Chưa hết, vì diện tích buôn bán nhỏ hẹp và muốn tiết kiệm tiền thuê mặt bằng, các quán tận dụng hết vỉa hè, có khi để khách ngồi tràn xuống lòng đường nhậu thâu đêm suốt sáng. Tình trạng mất trật tự an ninh, gây cản trở giao thông qua lại diễn ra thường xuyên, ảnh hưởng đến những gia đình sống gần bên. Mặc dù tổ dân phố hay các khu phố đều có đội dân phòng hàng đêm đi kiểm tra an ninh trật tự nhưng không có động thái xử lý quyết liệt.

Người dân 2 bên bờ kênh Nhiêu lộc - Thị Nghè thường xuyên phải chứng kiến rác thải dày đặc.

Người dân 2 bên bờ kênh Nhiêu lộc - Thị Nghè thường xuyên phải chứng kiến
rác thải dày đặc.

Thấy dân phòng, các quán nhanh chóng dọn dẹp gọn lại, đợi lực lượng chức năng đi rồi trở lại đâu ra đó. Thậm chí nhiều quán còn buôn bán, lấn chiếm công khai dù có lực lượng chức năng đi kiểm tra. Cứ thế, quán xá la liệt, bờ kênh yên tĩnh, không khí trong lành ngày nào giờ đã thành nơi nhộn nhịp với bia bọt, thức uống, đồ ăn của dân nhậu.

Và hậu quả người dân sống 2 bên đường dọc bờ kênh, người qua lại trong khu vực chịu ảnh hưởng bởi tiếng ồn ào, môi trường ô nhiễm rác thải. Và dòng kênh cũng phải chịu rất nhiều ô nhiễm rác sinh hoạt từ quán nhậu đổ xuống. Sống ở dọc khu vực này, người dân thường chứng kiến cảnh cá chết hàng loạt, nổi lềnh bềnh và bốc mùi hôi thối. Mỗi năm, TPHCM thả, phóng sinh hàng tấn cá để cải tạo, khơi dậy sức sống của dòng kênh. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, thỉnh thoảng lại xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt.

Thời gian qua, không chỉ Nhà nước, chính quyền địa phương mà hàng ngàn người dân, công nhân đã đổ tiền của, công sức để cải tạo tuyến kênh này trở nên sạch đẹp. Chặng đường cải tạo, mang lại sức sống cho các dòng kênh không thể chỉ ngày một ngày hai, mà cần sự chung tay ủng hộ, góp sức nhỏ bé của tất cả mọi người mỗi giờ, mỗi ngày.

Quan trọng hơn, mỗi cá nhân cần có ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn không gian xanh, sạch đẹp, yên bình cho cả dòng kênh. Các cơ quan chức năng cần tổ chức những đợt tuyên truyền, tổ chức kiểm tra, có những biện pháp chế tài xử lý mạnh giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân.

Qua đó, xây dựng nếp sống văn minh, tạo đà để khi nhắc đến TPHCM du khách thập phương sẽ nhớ đến những dải lụa đào vắt ngang qua TP phồn hoa, tấp nập của dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hũ hay Lò Gốm.

Các tin khác