Những địa danh lịch sử

Chúng tôi lại lên đường, thực hiện chuyến đi dài theo đất nước để có vốn sống, hiểu biết thực tế để sáng tác, chuẩn bị cho kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Văn nghệ Giải phóng (nay là Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật TPHCM). Và xa hơn, để chuẩn bị tác phẩm kỷ niệm 40 năm giải phóng Sài Gòn và miền Nam.

Chúng tôi lại lên đường, thực hiện chuyến đi dài theo đất nước để có vốn sống, hiểu biết thực tế để sáng tác, chuẩn bị cho kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Văn nghệ Giải phóng (nay là Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật TPHCM). Và xa hơn, để chuẩn bị tác phẩm kỷ niệm 40 năm giải phóng Sài Gòn và miền Nam.

1. Máy bay đáp xuống sân bay Mường Thanh-Điện Biên. Vậy là tôi có dịp trở lại thăm vùng núi Tây Bắc của Tổ quốc. Thấm thoắt đã 20 năm rồi. Cứ tưởng ở đây vẫn còn lạnh, vì là thời tiết tháng 4, nhưng Điện Biên buổi tối chỉ se se, khách lữ hành chỉ cần khoác một cái áo gió mỏng là đủ. Tây Bắc, Đông Bắc nước ta luôn luôn thu hút tôi bởi những nét đẹp hoang dã của núi rừng, những màu sắc làm say lòng người.

Màu sắc của các loại hoa rừng như màu trắng của hoa ban và hoa chẩu - một loại hoa có cái tên rất bình dân, màu vàng của hoa dã quỳ, màu xanh của những thửa ruộng bậc thang và màu sắc sặc sỡ của những chiếc khăn piêu của các cô gái Thái, những chiếc váy của những cô gái Mông…

Cũng giống như 20 năm trước, khi lần đầu tiên có dịp đến thăm Điện Biên, tôi thấy lại những nét quen thuộc. Đồi A1 trong buổi chiều rực nắng, con sông Nậm Rốn vẫn bình yên chảy qua cầu Mường Thanh, những chú bé thả trâu uống nước sông. Mặt trời chiếu trên đỉnh núi như một chiếc đĩa lớn màu hồng thật đẹp.

Thành phố Điện Biên giờ được xây dựng to đẹp, hiện đại, nhà cửa, đường sá khang trang, rộng rãi. Con đường hơn 20km từ Điện Biên đi Mường Phăng 20 năm trước từng là “con đường gian khổ”, chúng tôi hết ngả nghiêng trên chiếc xe U-oát lại lội bộ… thì lần này đã là đường nhựa rộng rãi, xe chạy bon bon.

20 năm trước, lên Điện Biên, chúng tôi đi đường bộ, qua Hòa Bình, đến Sơn La, Tuần Giáo rồi mới tới Điện Biên. Đúng mùa xuân, nên ngắm được hoa đào trên đỉnh đèo Pha Đin. Giờ đi bằng đường hàng không nên chỉ được ngắm Điện Biên từ trên cao. Người Điện Biên hiếu khách đón tiếp thật nhiệt tình.

Cũng bởi vì chúng tôi là những khách từ phương xa tới, đến từ thành phố mang tên Bác và lại là những văn nghệ sĩ. Các anh chị đều hỏi “Sao ở lại Điện Biên ít vậy?”. Trong buổi họp mặt hối hả trước khi chia tay Điện Biên, cô gái Thái tên Hiến hát bài “Chiếc khăn piêu”: “Nghe con chim cúc cu kìa nó hát lên một câu rằng. Có một nàng ở trong rừng, tìm trong rừng, kiếm trong rừng, chiếc khăn piêu. Chiếc khăn piêu...”.

Đoàn văn nghệ sĩ TPHCM trên đồi A1, TP Điện Biên. 

Đoàn văn nghệ sĩ TPHCM trên đồi A1, TP Điện Biên. 

2. Ngã ba Đồng Lộc nằm trên đường Trường Sơn, thuộc địa phận xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Ngã ba Đồng Lộc có diện tích 50ha nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác. Hai bên đồi núi trọc, giữa là con đường độc đạo, mặt đường giống như một lòng máng.

Tất cả mọi con đường từ Bắc vào Nam đều phải vượt qua ngã ba Đồng Lộc. Trong chiến tranh chống Mỹ, ngã ba Đồng Lộc là trọng điểm có tầm quan trọng chiến lược, là huyết mạch giao thông nối liền chiến trường miền Nam và hậu phương lớn miền Bắc.

Trong chiến tranh phá hoại, kẻ địch ném bom hủy diệt nhằm cắt đứt sự chi viện sức người, sức của, vũ khí, lương thực... từ miền Bắc vào Nam. Mỗi ngày, Đồng Lộc đều hứng chịu bom đạn. Tính ra, mỗi mét vuông đất ở đây phải chịu 3 quả bom lớn cày nát nhằm xóa đi cả sự sống của cỏ cây và con người.

Giọng nói nhẹ nhàng của cô hướng dẫn viên người Hà Tĩnh làm những người nghe ngập tràn xúc động: “Nơi đây có một tiểu đội thanh niên xung phong có nhiệm vụ canh giữ giao điểm, phá bom và sửa đường thông xe khi bị bom phá. Đó là tiểu đội 4 gồm 10 cô gái trẻ, tuổi từ 17-22.

Tình yêu của các chị gửi vào tình yêu đất nước bằng những công việc khẩn trương, khó nhọc và có thể hy sinh bất cứ lúc nào trên tuyến đường máu lửa đi qua ngã ba Đồng Lộc. Trưa ngày 24-7-1968, như mọi ngày, tiểu đội 4 thanh niên xung phong đang ở khu vực địch vừa thả bom để san lấp hố bom sửa chữa đường, kết hợp sửa chữa hầm trú ẩn khơi sâu rãnh thoát nước ở đoạn đường độc đạo để nhanh chóng thông đường cho xe qua. 16 giờ 30 phút, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc, 1 quả bom rơi xuống ngay sát miệng hầm, nơi 10 cô đang tránh bom… Tất cả đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ”.

Dù trời nắng gay gắt, nhưng khách đến thăm Khu Di tích Ngã ba Đồng Lộc rất nhiều. Vì là ngày 26-3, ngày thành lập Đoàn, nên trong những đoàn khách đông đảo có nhiều chiếc áo xanh của đoàn viên thanh niên nổi bật hơn hẳn. Các em đến đây thắp hương để tưởng nhớ những người phụ nữ anh hùng. 10 ngôi mộ, với những đóa hoa màu trắng. Khách mang đến và những dòng người đứng lặng lẽ, bày tỏ sự ngưỡng vọng những con người bất tử hy sinh cho đất nước…

Tôi bỗng nhớ đến bài hát “Những bông hoa trên tuyến lửa”: “Cô ấy ngã mấy lần, không đếm được, mà sao không khóc mới lạ lùng. Nước mắt chỉ dành cho người ngã xuống… Em là người thanh niên xung phong. Không có súng, chỉ có đôi vai cáng thương tải đạn. Trong chiếc áo bạc màu đôi miếng vá, cô gái Việt Nam đẹp đến lạ kỳ…”.

3. Xe đang chạy trên đường Trường Sơn huyền thoại ngày ấy, bây giờ là đường Hồ Chí Minh. Từ những ngày đầu tiên đi mở đường gian khổ để nối liền Nam Bắc (năm 1959). Khi ấy những người đầu tiên vượt Trường Sơn vào Nam phải hơn 6 tháng trời dong ruổi trong rừng với bệnh sốt rét, thiếu ăn, đối mặt bom đạn nguy hiểm. Những năm sau này, đoạn đường được rút ngắn hơn, còn 3 tháng, cũng nhờ những thanh niên xung phong ngày đêm mở đường cho tuyến đường bớt hiểm trở hơn.

Tôi bỗng dưng nhớ lại những kỷ niệm, khi mình còn là một cô bé 15 tuổi, út trong gia đình, vượt Trường Sơn ra Bắc để đi học. Dù ngày ấy chúng tôi đi phía bên kia dãy Trường Sơn, trên đất Lào và Campuchia, vượt cao nguyên Poloven với những con dốc ngược lên tận đỉnh trời, để trèo lên tận đỉnh Bô Phiên nổi tiếng mà hãnh diện đọc câu thơ: “Đèo cao thì mặc đèo cao. Ta lên đến đỉnh ta cao hơn đèo”.

 Để nhớ anh giao liên Trường Sơn hay nói dóc: "Dốc cao hôm nay phải đi 45 phút"... mà mình leo cả 2 tiếng chưa thấy đỉnh. Sau này khi nghiệm ra mới biết đó là một yếu tố tâm lý của giao liên Trường Sơn nhằm làm yên tâm chúng tôi. Nhớ trạm 73 anh hùng, ở giữa rừng mà nhà cửa đẹp đẽ, khang trang... Nhớ những cơn mưa rừng kéo dài ngày này qua ngày khác, phơi quần áo hoài không khô, trong khi hành trang chỉ có 3 bộ đồ. Ròng rã gần 3 tháng trời mới ra tới Hà Nội…

Nhớ nhạc sĩ Nay Pha, lúc bấy giờ ở đoàn ca múa miền Nam. Chúng tôi gặp các anh chị khi đoàn biểu diễn từ Lào ra. Và anh hay hát “Bài ca Trường Sơn” để động viên các học sinh nhỏ chúng tôi quên đường dốc cao mệt nhọc, quên những cơn sốt rét rừng hành hạ... Bài hát theo anh có một câu cần phải chỉnh lại “Trường Sơn ơi, trên đường ta qua không một dấu chân người” phải là “Trường Sơn bây giờ đã có hàng triệu dấu chân người”.

Liên tục đi, nghe, nhìn, ghi nhận, không ngơi nghỉ. Chúng tôi đã đi dọc theo đất nước mình. Đi để hiểu và thêm yêu đất nước, con người Việt Nam. Rồi sẽ có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật mới và những bộ phim, bắt đầu từ những chuyến đi này. Ai cũng tâm niệm, thầm nhủ với lòng mình như vậy khi đi qua những địa danh lịch sử.

Tháng 4-2013

Các tin khác