Nhọc nhằn đời công nhân

Đa phần những công nhân các khu chế xuất, khu công nghiệp tại TPHCM đều không biết nhiều về khủng hoảng kinh tế nhưng “hơi nóng” của nó đang ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng bữa ăn mỗi công nhân. Mỗi ngày, những công nhân này đều phải tính toán tằn tiện chi tiêu từ khoản tiền lương ít ỏi, teo tóp của mình để “gồng mình” chống chọi với khó khăn thường nhật.

Đa phần những công nhân các khu chế xuất, khu công nghiệp tại TPHCM đều không biết nhiều về khủng hoảng kinh tế nhưng “hơi nóng” của nó đang ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng bữa ăn mỗi công nhân. Mỗi ngày, những công nhân này đều phải tính toán tằn tiện chi tiêu từ khoản tiền lương ít ỏi, teo tóp của mình để “gồng mình” chống chọi với khó khăn thường nhật.

TPHCM là trung tâm kinh tế, năng động nhất cả nước, thu hút hàng triệu lao động từ mọi nơi đổ về. Tuy nhiên, đằng sau vẻ hào nhoáng đó đang xuất hiện ngày càng nhiều những cảnh đời đáng thương. Điển hình là những công nhân trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, dù họ chăm chỉ, khéo tay đang ngày đêm tạo ra nhiều sản phẩm làm giàu cho xã hội, đất nước nhưng cuộc sống mưu sinh đang ngày càng bấp bênh, vô định.

Mặc dù nhiều năm qua, chính quyền TPHCM, ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp và doanh nghiệp luôn trăn trở tạo nơi ăn, chốn ở cho công nhân, làm sao để họ yên tâm làm việc, sản xuất. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của các ban ngành cũng không thể bù đắp hết những khó khăn, thiếu thốn những công nhân đang phải trải qua từ cái ăn, cái mặc, sân chơi hay nơi sinh hoạt giao lưu văn hóa… Vì vậy, nhiều công nhân phải tự động viên, cố bám trụ lại thành phố chờ ngày tươi sáng để không phải trở về quê làm bạn với con trâu, cái cày.

Ảnh minh họa. 

Ảnh minh họa.

Trước mặt tôi là cô gái có thân hình nhỏ thó, gương mặt gầy gò nhưng vẫn luôn lạc quan. Cô là Thiên, 22 tuổi, quê Long An, lên thành phố làm công nhân được 3 năm. Nở nụ cười tươi, cô cho biết đang làm tại công ty may mặc ở khu chế xuất Tân Thuận. Ngày còn bé, bà Năm mẹ cô đã đặt tên cho con gái là Thiên với hy vọng được hưởng lộc trời, đưa gia đình thoát cảnh nghèo đói.

Từ nhỏ Thiên nhỏ nhắn, xinh xắn, tinh nghịch nhưng học giỏi. Chính vì thế bà Năm không quản công nuôi dạy, buôn bán, làm lụng chăm lo cho Thiên học hành nên người. Nhưng tai ương bỗng ập xuống gia đình. Trong một tai nạn, bà Năm mất một cánh tay, còn người cha chỉ làm nông dân thuần túy. Từ đó khiến kinh tế gia đình sa sút. Năm đó, Thiên vừa học hết lớp 9, và cô đành từ bỏ ước mơ đại học. Trong một lần về quê chơi, cô bạn tên Lan đang làm công nhân trên thành phố đã rủ Thiên lên làm cùng.

Hôm sau, Thiên khăn gói, xa gia đình lên làm công nhân cho công ty may mặc tại TPHCM. Ban đầu, cô cảm thấy khó khăn với công việc mới vì trước đây chỉ quen phụ ba má làm ruộng. Nhưng vốn sáng dạ lại ham học hỏi, Thiên nhanh chóng hòa nhập, lao động năng suất và được đánh giá cao trong ca chuyền. Ngày nhận tháng lương đầu tiên, Thiên mừng rơi nước mắt… Cô tự động viên mình sẽ cố gắng làm nhiều để có tiền gửi về phụ thêm gia đình và dành dụm cho tương lai.

Đang loay hoay chuẩn bị bữa cơm đạm bạc, chỉ một nồi cơm nhỏ, một bó rau cải và hai hột vịt, cô bạn Lan ở cùng phòng chen vào, giọng trách móc: “Hàng tháng, ngoài tiền nhà, sinh hoạt, Thiên nó vẫn gửi tiền về chữa bệnh cho mẹ. Em hay nhắc nhở dù thế nào cũng phải ăn uống bảo đảm sức khỏe cho bản thân nhưng nó rất chủ quan. Nhiều ngày thấy Thiên nhịn đói đến công ty, còn những bữa ăn thì dè xẻn, thiếu chất. Hôm trước, vừa tan ca, Thiên mệt muốn ngất xỉu trước cổng công ty khiến em phải đưa đến bệnh viện tiếp nước. Bác sĩ bảo nó bị suy nhược cơ thể, cần ăn uống bồi bổ để hồi phục. Bệnh là thế nhưng ngày nào cũng phải làm việc thêm giờ”.

Lan là cô gái hoạt bát, năng nổ có tiếng ở công ty. Nhưng khi chia sẻ về bản thân, gia đình cô lại khá rụt rè. Lan kể: “Em lên thành phố làm công nhân được 5 năm nhưng chẳng biết Thảo cầm viên ở chỗ nào. Nhiều lúc, về quê mấy đứa cháu cứ hỏi về Thảo cầm viên chỉ biết trả lời cho qua chuyện. Hàng ngày em đi làm từ sớm đến chiều tối mới về. Cuối tuần nếu không phải tăng ca em chỉ thích về quê với gia đình. Vả lại, đi sở thú chơi thấy tốn tiền quá nên thôi”.

Kể về ước mơ, Lan nhìn xa xăm: “Em mong được học bổ túc thêm và sau này trở thành cô giáo quay về quê dạy các em nhỏ. Nhưng đó chỉ là ước mơ, còn trước mắt em sẽ cố gắng làm thật nhiều, ăn uống, chi tiêu tiết kiệm mong để dành một khoản tiền rồi mới nghĩ đến việc học”.

Theo khảo sát của Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, có 50% công nhân cho biết đã ăn mì gói 6 lần trong tuần, 80% bữa ăn hàng ngày chủ yếu dùng rau, lượng gạo sử dụng trong ngày ít hơn chuẩn trung bình 373g, và hầu hết không có sữa. Khẩu phần ăn hàng ngày của công nhân đang dưới chuẩn năng lượng tối thiểu để làm việc của người trưởng thành.

Trong đó, công nhân nữ khẩu phần ăn chỉ đáp ứng 64,6% năng lượng tối thiểu và nam khoảng 85%. Đây là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ suy dinh dưỡng, sức khỏe yếu trong công nhân tương đương 30%. Công nhân không đủ sức khỏe làm việc và đặc biệt ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của công nhân nữ.

Một nghiên cứu gần đây nhất cho thấy tỷ lệ thiếu máu của công nhân trên địa bàn TPHCM là 19,2%. Trong đó, tỷ lệ thiếu máu ở công nhân nữ 24,5%, công nhân nam 10,2%. Đa số công nhân bị thiếu máu do bỏ ít nhất 1 trong 3 bữa ăn chính hàng ngày để tiết kiệm chi tiêu.

Điều này dễ dẫn đến hậu quả bị suy tim, thiếu máu, ngất, choáng trong quá trình lao động làm ảnh hưởng đến năng suất lao động. Từ thực trạng trên, các bác sĩ Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM cho rằng cần phải có thêm những chương trình hỗ trợ bữa ăn cho công nhân. Bản thân công nhân cần trang bị thêm những kiến thức dinh dưỡng để có thể thiết kế cho mình bữa ăn tiết kiệm nhưng vẫn đủ chất.

Chia tay, tôi bước đi mà lòng nặng trĩu, mắt hướng về căn phòng thiếu ánh sáng - nơi hai cô gái gầy gò hàng ngày vẫn ăn uống kham khổ mong dành dụm phụ giúp gia đình vơi bớt gánh nặng mưu sinh. Chỉ mong sao “cơn gió” khủng hoảng sẽ sớm qua mau.

Các tin khác