Nhiều giải thưởng, ít vai diễn

Sân khấu Việt Nam năm 2012 chỉ sôi động hơn văn chương và mỹ thuật chút xíu, nhưng không thể so sánh sự rộn ràng với ca nhạc, điện ảnh và thời trang. Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc diễn ra tại Huế được xem như sàn diễn nước nhà năm 2012 có cơ hội để trở mình. Tuy nhiên, được mùa giải thưởng lại càng băn khoăn về chất lượng vai diễn.

Sân khấu Việt Nam năm 2012 chỉ sôi động hơn văn chương và mỹ thuật chút xíu, nhưng không thể so sánh sự rộn ràng với ca nhạc, điện ảnh và thời trang. Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc diễn ra tại Huế được xem như sàn diễn nước nhà năm 2012 có cơ hội để trở mình. Tuy nhiên, được mùa giải thưởng lại càng băn khoăn về chất lượng vai diễn.

Với 26 vở diễn của 20 đơn vị nghệ thuật, Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012 đã trao 34 huy chương vàng và 64 huy chương bạc cho các diễn viên tham dự. Không ai dám dựa vào cơn mưa huy chương kia để mạnh dạn tuyên bố về sự khởi sắc mơ hồ của sân khấu.

Chỉ có thể thong thả giãi bày với nhau rằng, số lượng huy chương giống như sự khích lệ dành cho những người còn biết hồi hộp khi tấm màn nhung được kéo lên. Hơn nữa, cách phong tặng danh hiệu NSƯT và NSND vẫn lấy huy chương hội diễn làm thước đo hiệu quả cống hiến, nên Ban tổ chức tiếc gì chút quà mọn, để nghệ sĩ sân khấu gom góp thêm hành trang cá nhân trên bước đường danh vọng gập ghềnh thử thách và trĩu nặng âu lo.

Vì vậy, huy chương trao cho ai người nấy biết để ghi vào hồ sơ cá nhân, chứ công chúng hoàn toàn ngơ ngác. Ngay cả tài năng của ban giám khảo cũng là ẩn số gây tranh cãi, thì kết quả cầm cân nảy mực một kỳ liên hoan chẳng khiến mấy kẻ bận tâm. Khi sàn diễn chỉ còn lác đác tri âm ở 2 thành phố lớn Hà Nội và TPHCM, chuyện săn huy chương ở mỗi kỳ hội diễn cũng là một thú vui thanh lịch của nghệ sĩ sân khấu.

Một cảnh trong vở "Những mặt người thấp thoáng". 

Một cảnh trong vở "Những mặt người thấp thoáng".

Dẫu thờ ơ và dửng dưng với Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, vẫn phải căn cứ vào cuộc gặp gỡ nghề nghiệp này để làm cơ sở đánh giá khả tín cho hoạt động năm 2012 của sân khấu Việt Nam. Nếu so với 2 vở diễn cùng đoạt huy chương vàng là “Lũ quét” của Nhà hát kịch Quân đội và “Những mặt người thấp thoáng” của Nhà hát kịch Hà Nội, thì vở diễn “Tộc ác quyền lực” của CTCP Phước Sang được dàn dựng dường như chỉ nhằm tham dự hội diễn mà thôi.

Nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương đưa vào nhiều vấn đề thời sự, đạo diễn Trần Ngọc Giàu dày dạn kinh nghiệm, diễn viên như Tấn Hoàng, Việt Hà, Mạnh Trành cũng làm chủ được vai diễn, nhưng vở kịch “Tội ác quyền lực” vẫn chưa đủ sức khái quát căn bệnh giả dối và tha hóa đang gây nhức nhối xã hội. Sau niềm vui gặt hái được ở Liên hoan tại Huế, “Tội ác quyền lực” chơi vơi và lạc lõng trong kịch mục của Sân khấu kịch Sài Gòn như một tiếng thở dài ngao ngán.

Trong 6 vở diễn đoạt huy chương bạc, bên cạnh vài thương hiệu sân khấu như Nhà hát kịch Quân đội với “Cái chết chẳng dễ dàng gì”, Nhà hát kịch Việt Nam với “Chia tay hoàng hôn”, Đoàn kịch nói Công an Nhân dân với “Tôi là người Việt Nam” bỗng xuất hiện 3 đơn vị mới toanh mà sản phẩm của họ mang tính “đến hẹn liên hoan lại lên đường ứng thí”.

Cùng khao khát phản ánh sự khốc liệt của cuộc sống, nhưng đặt trong tương quan giữa những vở diễn cùng được vinh danh như nhau, “Biển và bờ” của Trung tâm bảo tồn và Phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam nhờ dàn diễn viên gạo cội như Trần Nhượng, Thu Hà, Lệ Ngọc… nên vượt trội hơn “Âm binh” của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM và “Mùa hạ cay đắng” của Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.

Được đánh giá là một hình mẫu thành công của quá trình xã hội hóa sân khấu, kịch IDECAF vẫn liên tục sáng đèn trong năm 2012. Thế nhưng, kịch IDECAF nhiều năm qua gầy dựng trên dàn diễn viên nổi tiếng Thành Lộc, Hữu Châu, Thanh Thủy… Những gương mặt ưu tú này đang ngày càng già đi, mà lớp trẻ kế cận chưa đủ sức thay thế. Mặt khác, khâu khai thác kịch bản của IDECAF không đầu tư thích đáng nên dăm vở diễn mới như “Tía ơi, má dìa”, “Cưới vợ cho ai” hoặc “Tình yêu chạy trốn” chỉ quẩn quanh chuyện sinh hoạt thường nhật.

Tuy mở rộng biên độ thẩm mỹ hơn kịch IDECAF, nhưng sau món “đặc sản” kịch ma và kịch kinh dị, Sân khấu kịch Phú Nhuận của NSND Hồng Vân hơi chật vật trên con đường khẳng định phong cách trong lòng khán giả. Ngoài vở kịch “Cúc cù cúc cu” được chú ý vì vai trò đạo diễn do Á hậu Trịnh Kim Chi đảm trách, ấn tượng lớn nhất mà Sân khấu kịch Phú Nhuận có được trong năm 2012 đều do vở kịch “Làm…” mang lại. Phỏng theo tiểu thuyết “Làm đĩ” của Vũ Trọng Phụng, vở kịch “Làm..” ồn ào bởi tranh cãi quanh cái tên và những cảnh nóng bỏng.

Năm 2012 đã khép lại, sàn diễn được mùa giải thưởng nhờ có Liên hoan sâu khấu chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức vào tháng 7, nhưng thật khó để chọn ra một vở diễn xuất sắc hoặc một vai diễn xuất sắc. Tuy nhiên, khi sức hấp dẫn của màn bạc và sàn thời trang vẫn không ngừng thu hút nhan sắc, vài mỹ nhân trẻ tỏ ra gắn bó với sân khấu như Thanh Vân, Cát Tường, Lan Phương… ít nhiều cho công chúng hy vọng rằng mối ưu tư của người Việt hôm nay vẫn lấp ló sau tấm màn nhung.

Các tin khác