Nhan sắc Mường Lò

Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ), có lẽ là mảnh đất trữ tình, tuyệt diệu nhất mà thiên nhiên ban tặng cho Yên Bái. 17 dân tộc anh em sống quây quần, kho tàng nếp sống đa dạng và nền văn hóa phong phú của họ đã khiến mỗi ai đến đây cũng đều phải thốt lên những lời thán phục.

Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ), có lẽ là mảnh đất trữ tình, tuyệt diệu nhất mà thiên nhiên ban tặng cho Yên Bái. 17 dân tộc anh em sống quây quần, kho tàng nếp sống đa dạng và nền văn hóa phong phú của họ đã khiến mỗi ai đến đây cũng đều phải thốt lên những lời thán phục.

Miền trầm tích

Giờ đây, đường sá không còn khó đi, đường lên Nghĩa Lộ đã thênh thang và vùng đất này đâu chỉ có dân “phượt” mới hay lui tới. Ngay cả những công nhân, viên chức, giáo viên bình thường cũng muốn dành cho mình sự hòa quyện với thiên nhiên, chìm đắm trong các chuyến đi khám phá nhỏ. Mường Lò - Nghĩa Lộ trở thành một địa chỉ quen thuộc.

Và với tôi, đã không dưới 10 lần trở lại đây. Có khi chỉ để thăm những em học trò ngộ nghĩnh khám phá ra các trò chơi mới. Có khi chỉ để xuống bản ngắm các thiếu nữ dệt vải, thêu khăn và say với men rượu cần. Hoặc cũng có khi chỉ để thỏa một cơn khát khí trời cao nguyên bao la.

Chế biến món ăn dân giã phục vụ khách. 

Chế biến món ăn dân giã phục vụ khách. 

Và tôi cũng biết, có những anh nhà thơ đa tình, tìm đến miền văn hóa này để chưng cất những tứ thơ. Nhà thơ Lê Văn Triển là một người như thế, thậm chí anh cũng đã làm một số phim ngắn về cuộc sống con người nơi đây. Anh cũng làm hơn chục bài thơ lấy cảm hứng từ vùng đất mà anh yêu thích.

Anh Lê Văn Triển cho biết: “Cảnh sắc Mường Lò đã “nhảy” vào thơ tôi, lấp lánh như sao trên trời. Đầy màu sắc và thi vị, đó là cuộc sống chính con người, cùng với thiên nhiên thung lũng Mường Lò đã tự mình hun đúc nên”.

Thật vậy, người dân nơi đây sống theo cách của họ, hiền hòa và bình yên. Họ làm theo những gì cha ông chỉ dạy, để rồi được khách thập phương biết đến. Từ hàng chục năm qua, nhận ra lợi thế của mình, người dân trong vùng đã tập trung phát triển ngành “công nghiệp không khói” - du lịch, và đã đem đến cho du khách biết bao đặc sản. Vậy Mường Lò có gì? Họ có xôi nếp, gạo nương, có rêu đá, gà đồi, thịt trâu khô. Họ còn có lễ hội “xên bản xên mường”, có các điệu múa xòe say đắm lòng người.

Người dân ai cũng hiếu khách, đặc biệt các cô gái Thái xinh xắn sẵn sàng làm những hướng dẫn viên và tỏa sáng bằng nụ cười đẹp như hoa rừng. Nhưng đâu chỉ có thế, con gái Mường Lò vừa biết làm duyên, lại biết bảo lưu các giá trị văn hóa cha ông mình để lại.

Qua tìm hiểu nhiều vùng đất, tôi biết, hiếm có nơi nào người Thái ý thức giữ gìn truyền thống như ở Mường Lò. Từ nếp nhà sàn có biểu tượng “Khau cút” đến các lễ hội, những điệu khèn, điệu xòe và các trang phục truyền thống.

Phải đến nhiều, giao lưu và tìm hiểu, mới khám phá hết những tập tục sống, phong cách ẩm thực cũng như cách thết đãi khách của họ. Người Thái ở đây cũng nổi tiếng với truyện thơ “Tiễn dặn người yêu” (Xống chụ xôn xao) được đánh giá là “thiên truyện thơ hay nhất trong kho tàng truyện thơ của các dân tộc ít người”.

Phát triển du lịch cộng đồng

Mường Lò đang phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Rất nhiều thôn bản đã tự đi học kinh nghiệm rồi về mở dịch vụ. Đơn cử như thôn Đêu 3, xã Nghĩa An. Chị Hoàng Thu Phượng, người đi đầu trong việc đầu tư, đón khách đến nghỉ tại gia đình. Sau khi quy hoạch nhà cửa gọn gàng, đưa chuồng trại xa khu vực nhà ở, đầu tư trang thiết bị và cải tạo ngôi nhà sàn cổ, khách đến nhà chị ngày một đông.

Thêm nữa, với tài nấu ăn ngon, chồng chị lại sử dụng tiếng Anh thành thạo, nên có thể đưa khách đi tham quan, ngắm cảnh, xuống các bản làng, các thắng cảnh khác trong tỉnh. Hiện nay, chị đang hợp tác với một số hãng du lịch lớn ở Hà Nội, TPHCM để tổ chức tour, phục vụ khách. Sau những năm hoạt động hiệu quả, cơ ngơi của 2 vợ chồng chị giờ tương đương với khách sạn 3 sao.

Nghĩa An là xã có nghề dệt thổ cẩm. Với lợi thế này, bà con đã kết hợp phát triển du lịch cùng với nghề dệt để tạo nên sự hấp dẫn nơi các bản làng. Ngay như các xã bên cạnh, số nghệ nhân có tay nghề giỏi rất nhiều và tiềm năng du lịch và nghề dệt rất lớn.

Bà Điêu Thị Xiêng, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghĩa An, là người không chỉ làm tốt công tác hội, mà cũng tâm huyết với nghề, đã kết hợp thành lập các tổ hợp thêu, dạy thêu nhằm đưa thương hiệu thổ cẩm Nghĩa An đi nước ngoài.

Qua bà Điêng, chúng tôi được gặp chị Hà Thị Thanh (bản Đêu 2), người đã dày công phát triển tay nghề và cẫn mẫn cùng các thành viên trong gia đình tạo ra các sản phẩm phục vụ du khách. Khăn piêu, khăn 7 màu hay những chiếc áo được khâu bằng tay của các chị được du khách rất yêu thích. Hầu hết, chúng được làm thủ công và mang theo tâm hồn của người phụ nữ Thái. “Chúng tôi chỉ lấy công làm lãi, mỗi sản phẩm thực tế chỉ được lãi vài ngàn đồng. Sau này đi xa, chúng tôi thấy sản phẩm của mình xuất hiện ở các nhà hàng, khách sạn thấy sung sướng lắm” - chị Thanh tâm sự.

Người dân Nghĩa An đang từng ngày tạo ra nhiều sản phẩm dệt có mẫu mã đẹp, đa dạng. Khách có thể thông qua đó hiểu được những nét đặc sắc trong đời sống người dân. Và cách bán hàng không “chặt chém”, thậm chí nếu thích có thể biếu, tặng, đã làm du khách cảm mến, và các điểm du lịch nơi đây cũng trở thành những điểm đến đầy ý nghĩa.

Các tin khác