Nhà báo và trách nhiệm với doanh nghiệp

Hiện nay nhà báo viết mảng kinh tế thường gắn với các doanh nghiệp nên có các mối quan hệ thân thiết với doanh nghiệp. Nói như vậy không có nghĩa nhà báo sẽ lợi dụng doanh nghiệp, thực ra ở đây có mối quan hệ tương hỗ.

Hiện nay nhà báo viết mảng kinh tế thường gắn với các doanh nghiệp nên có các mối quan hệ thân thiết với doanh nghiệp. Nói như vậy không có nghĩa nhà báo sẽ lợi dụng doanh nghiệp, thực ra ở đây có mối quan hệ tương hỗ.

Doanh nghiệp cần báo chí để thông tin hoạt động, tạo điều kiện mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu, định hướng thông tin, phản bác các tin đồn, “giải độc” các luồng tin ác ý.

Thí dụ, một doanh nghiệp bị tố cáo tung hàng kém chất lượng, lừa dối khách hàng. Sau khi bản thân doanh nghiệp điều tra hoặc có được kết quả điều tra từ cơ quan chức năng (kể cả do báo chí tham gia) đó là một âm mưu phá hoại của đối thủ cạnh tranh, thì báo chí vẫn là kênh “giải độc” hữu hiệu nhất.

Hay trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong nước được hưởng lợi bởi mạng lưới thông tin luôn dày đặc với tính định hướng rất tích cực. Dĩ nhiên, doanh nghiệp cũng qua báo chí để quảng cáo, tự giới thiệu sản phẩm và tên tuổi mình. Ngược lại, báo chí cũng cần doanh nghiệp để tìm hiểu thông tin.

Báo chí dù là công cụ của Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội, là diễn đàn của nhân dân cũng cần thông tin kinh tế. Hơn nữa, nguồn quảng cáo từ các doanh nghiệp là khoản thu rất quan trọng để tăng nguồn kinh phí cho tờ báo.

 Ban Biên tập báo SGGP trao kỷ niệm chương cho 12 doanh nhân đoạt giải trong cuộc thi PS-KS "Doanh nhân - Bản lĩnh và cống hiến" do báo ĐTTC tổ chức. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ban Biên tập báo SGGP trao kỷ niệm chương cho 12 doanh nhân đoạt giải trong cuộc thi
PS-KS "Doanh nhân - Bản lĩnh và cống hiến" do báo ĐTTC tổ chức. Ảnh: VIỆT DŨNG
 

Với tinh thần người làm báo là người tuyên truyền, giới thiệu các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, nên người làm báo phải có trách nhiệm với doanh nghiệp, trách nhiệm thực sự chứ không phải chỉ với thông tin mình viết về doanh nghiệp đó.

Trước hết, người làm báo phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh, bền vững. Qua bài viết và các hoạt động khác của nhà báo giúp doanh nghiệp chấp hành đúng các chủ trương, chính sách, hỗ trợ phương hướng phát triển, tháo gỡ khó khăn, bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của doanh nghiệp.

Chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp dễ dàng chấp nhận các lời đề nghị đầu tư từ châu Phi mà thiếu cảnh giác trước các cạm bẫy, thủ đoạn lừa đảo.

Nhà báo bằng nghiệp vụ của mình thông qua bài viết giúp các doanh nghiệp phát hiện các mánh khóe lừa đảo, vạch trần những tổ chức “ma”, kiến nghị cơ quan chức năng có biện pháp bảo vệ doanh nghiệp.

Người làm báo không được vì lợi ích doanh nghiệp mà bỏ qua những cảnh báo sai lầm của doanh nghiệp, từ đó làm đơn vị ngày càng “lún sâu” hơn dẫn đến phá sản hoặc bị pháp luật xử lý.

Người làm báo cũng không tô hồng thành công của doanh nghiệp làm nhiễu thông tin của doanh nghiệp khác có quan hệ làm ăn với nhau, nhất là khi nhiều người vẫn cho rằng lời khen của báo chí là một “bảo chứng” tin cậy. Không chỉ vậy, sự tô hồng quá mức dễ làm bản thân doanh nghiệp bị “ảo tưởng” giá trị và sự thành công của mình mà thiếu sự cẩn trọng cần thiết.

Ngoài ra, người làm báo tuyệt đối tránh tình trạng “đục nước béo cò”, “giậu đổ bìm leo”, “đánh hội đồng”… Tất cả thông tin nào công khai đến bạn đọc cũng cần cân nhắc tính lợi và hại.

Bởi có khi vì lợi của nhóm người này làm hại nhóm người khác, có khi “đánh” một doanh nghiệp giúp một vài doanh nghiệp khác được lợi, nhưng nhiều công nhân, người lao động của doanh nghiệp đó phải mất việc… Thông tin của bài báo không chỉ cần chính xác, khách quan, trung thực mà còn phải phân biệt được nên hay không nên.

Xét cho cùng, người làm báo có trách nhiệm với doanh nghiệp chính là có trách nhiệm với xã hội, trong đó có bản thân người làm báo. Có như vậy mới nâng cao uy tín người làm báo và thúc đẩy xã hội phát triển, tiến bộ, công bằng.

Các tin khác