Người vừa hát vừa vẽ

Ký họa chân dung rất nhanh, thậm chí anh còn có thể vừa hát vừa vẽ, khi bài hát kết thúc bức tranh của anh cũng hoàn thành (thời gian chỉ độ 3-5 phút). Anh là họa sĩ Trần Đạt - người được giới nghệ sĩ, bạn bè đặt biệt danh “phù thủy ký họa”.

Ký họa chân dung rất nhanh, thậm chí anh còn có thể vừa hát vừa vẽ, khi bài hát kết thúc bức tranh của anh cũng hoàn thành (thời gian chỉ độ 3-5 phút). Anh là họa sĩ Trần Đạt - người được giới nghệ sĩ, bạn bè đặt biệt danh “phù thủy ký họa”.

Vẽ qua nhân tướng học

Tôi được anh cho một cái hẹn tại nhà riêng trong con hẻm trên đường Tân Kỳ-Tân Quý sau khi anh vừa trở về từ đợt triển lãm tranh của mình tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. Trong nhà, đâu đâu cũng thấy tranh, tranh được anh treo trên tường, dựng đứng… Đập vào mắt tôi là bức tranh chân dung nhà văn Tô Hoài được anh họa bằng sơn dầu rất lớn.

Sinh 1953 tại Nam Định, mới 1 tuổi anh đã theo gia đình vào sống ở TPHCM. Ngay từ nhỏ, cậu bé Đạt đã rất mê hội họa, thường lấy que vẽ lên mặt sân đất. Năng khiếu hội họa cứ thế phát triển theo tự nhiên, chẳng qua trường lớp nào. Lên trung học, ngồi trong lớp, Đạt cũng thường vẽ lén chân dung các thầy cô giáo rồi khoe với bạn bè, ai cũng trầm trồ, thích thú.

Ngoài khả năng hội họa, Đạt còn viết chữ theo lối phăng-ta-di (fantasi) rất bay bướm cho nên bạn bè đặt cho biệt danh “Thầy đồ”. Anh cho biết: “Cũng như rèn luyện kung fu vậy. Càng lớn lên tôi càng say mê bộ môn này nên ra sức rèn luyện. Tôi không qua trường lớp hội họa nào nhưng tôi đã tham khảo nhiều tài liệu hướng dẫn về hội họa, kể cả những sách về nhân tướng học, nhân hình học. Tôi thường xuyên trao đổi, học hỏi nhiều ở những anh em họa sĩ thế hệ đàn anh ở TPHCM cũng như ở các tỉnh khác”.

Họa sĩ Trần Đạt đang vẽ.

Họa sĩ Trần Đạt đang vẽ.  

Sau 1975, vì cuộc sống mưu sinh nên anh trở lại những nghề có “dính dáng” đến mỹ thuật như vẽ pa nô quảng cáo, truyền thần… Những khi rảnh rỗi anh lại hí hoáy ký họa chân dung những người chung quanh. Anh vẽ rất nhanh, cố gắng nắm bắt và làm bật lên cái “thần” của nhân vật. Chính thức bước vào hội họa từ năm 2000, lúc ấy Trần Đạt đang làm MC cho quán hát với nhau “Bè bạn” trên đường Trần Huy Liệu (quận Phú Nhuận, TPHCM).

Chiêu câu khách của quán là nhờ anh vẽ ký họa chân dung cho khách (không công), anh vẽ rất nhiều người, trong đó có nhà văn Nguyễn Quang Sáng, họa sĩ Uyên Huy, kiến trúc sư Nguyễn Thanh Sơn… Anh cho rằng, ở dưới ánh đèn sân khấu là môi trường “luyện tay nghề” cực tốt.

“Mình vẽ mà “người mẫu” không hề hay biết nên họ cứ vô tư nói cười và… động đậy liên tục. Vẽ người mẫu trong trạng thái “động” đã rất khó mà lại còn phải vẽ trong ánh đèn màu chớp tắt liên hồi còn khó gấp bội” - anh Đạt chia sẻ.

Nhưng cũng nhờ đó đã hình thành trong anh thói quen nhận dạng nhân vật qua phương pháp “nhân tướng học” để vẽ nhanh và chuẩn xác. “Anh em song sinh” của thể loại ký họa là vẽ hí họa (chân dung tếu), anh thường vẽ chân dung nhân vật có thêm chút cường điệu, “đính kèm” theo những phụ kiện liên quan đến nghề nghiệp, tính cách của nhân vật ấy…

Rồi trong những bàn nhậu, “để thay đổi không khí” anh bày ra trò vừa hát vừa vẽ để… tăng độ khó, tự thử thách chính mình. Thời gian làm MC đã tạo cho anh những kỹ năng sân khấu, cộng với chất giọng khá tốt và khả năng ký họa giỏi, kết hợp tạo ra kỹ năng đặc biệt: vừa hát, vừa vẽ bằng chì than hoàn tất trong 3-5 phút, nhưng trong mỗi tác phẩm đều thể hiện sự tinh tế và chiều sâu của bức chân dung.

Rong chơi với hội họa

Năm 1997, anh đã bị tai biến mạch máu não liệt nửa người. Sau một thời gian dài chữa trị mới đi lại được. Bác sĩ khuyên anh “Cứ vui mà sống chung với lũ, đừng lo nghĩ chuyện kinh doanh, mưu sinh”. Từ đó, Trần Đạt lang bạt giang hồ, hành trang chỉ có cây bút vẽ. Trước là dưỡng bệnh sau là dịp để thỏa mãn niềm đam mê hội họa.

Đi tới đâu, ký họa tới đó. Nhiều người gọi anh là “phù thủy ký họa”, cùng với biệt tài “độc nhất vô nhị” vừa vẽ vừa hát trên sân khấu và hoàn tất bức chân dung trong một bài hát. Điều đáng khâm phục là trong một lúc, anh có thể biểu diễn nhiều bài hát để thực hiện ký họa nhiều bức chân dung khác nhau. Những lúc như thế, Trần Đạt như một gã say, hát rồi vẽ, vẽ rồi hát cứ như một màn biểu diễn ảo thuật.

Đam mê vẽ, lại thích ngao du, nên anh thường vác “đồ nghề” rong ruổi khắp mọi miền đất nước, mỗi ngày ung dung tận hưởng hạnh phúc trong từng khoảnh khắc ký họa bằng cả niềm đam mê khát vọng. Ở những nơi anh đi qua, gặp ai anh cũng vẽ tặng như là một “món quà lưu niệm” bắt đầu cho tình bằng hữu đậm đà sau này.

Có thể nói, chân dung của từng nhân vật qua tài nghệ ký họa của Trần Đạt rất có hồn, mỗi bức tranh là một cách thể hiện nguồn cảm hứng của người họa sĩ. Hát và vẽ. Khi dàn nhạc bắt đầu, là lúc anh cất giọng và bắt đầu cầm bút múa trên khung vẽ, nhạc điệu đến đoạn nào hát theo đến đó, tay vẽ, mắt nhìn người mẫu. “Cao trào bản nhạc chính là lúc tôi tập trung vẽ 3 yếu tố chính của bức tranh: mắt, mũi, miệng. Bài hát sắp kết thúc là lúc tôi "tút” lại những đường nét để bức chân dung hoàn chỉnh về độ giống. Khi đến nốt nhạc cuối là lúc tôi bỏ cây cọ và bức tranh hoàn thành” - hoạ sĩ Trần Đạt cho biết.

Những bức chân dung ký họa, những tranh chân dung bằng sơn dầu của anh đã làm hài lòng không ít văn nghệ sĩ nổi tiếng như: nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (khổ 1,5x1,7m), Phan Huỳnh Điểu, Phạm Tuyên, Vũ Hoàng, thi sĩ Bùi Giáng, họa sĩ Bùi Xuân Phái, đạo diễn Lê Cung Bắc, nhà văn Tô Hoài, GS. Vũ Khiêu, GS. Trần Văn Khê, nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng… Tất cả cũng trên 50 người.

Để thực hiện số lượng tranh chân dung của những nghệ sĩ nổi tiếng khắp cả nước, anh phải bỏ ra hơn 10 năm đi nhiều nơi. Nét độc đáo trong ký họa chân dung của họa sĩ Trần Đạt dù màu hay đen trắng đều thể hiện nhân vật rất có hồn. Đạo diễn Lê Cung Bắc từng nhận xét tại buổi khai mạc triển lãm: “Lần đầu tiên, họa sĩ Trần Đạt vẽ tôi và lập tức tôi nhận ngay ra tôi trong tác phẩm. Điều này không phải họa sĩ nào cũng thể hiện được”.

Với anh, điều đáng quý là nhân cách và tính nghệ sĩ của mình. Chỗ nào, nơi nào anh cũng đều vẽ được và vẽ một cách đam mê. Anh vẽ không tính toán, vô tư thả hồn nghệ sĩ với bạn bè, thân hữu và tặng không những bức ký họa thực hiện bằng tất cả sự chân tình.

Các tin khác