Người viết truyện Bác Ba Phi

Bác Ba Phi là một nhân vật có thật với những câu chuyện tiếu lâm trở thành huyền thoại của vùng đất Nam bộ. Thế nhưng, ít ai biết người có công đưa tác phẩm truyền khẩu Bác Ba Phi trở thành văn bản chính thống là nhà văn Anh Động (ảnh) - một cây bút chưa từng một ngày ngồi học thực sự trên ghế nhà trường.

Bác Ba Phi là một nhân vật có thật với những câu chuyện tiếu lâm trở thành huyền thoại của vùng đất Nam bộ. Thế nhưng, ít ai biết người có công đưa tác phẩm truyền khẩu Bác Ba Phi trở thành văn bản chính thống là nhà văn Anh Động (ảnh) - một cây bút chưa từng một ngày ngồi học thực sự trên ghế nhà trường.

 

1. Nhà văn Anh Động năm nay đã bước vào tuổi 75, nhưng vẫn còn nguyên vẻ phương phi của một người sinh ra và lớn lên ở vùng kênh rạch miền Tây. Nhân chuyến về Kiên Giang, tôi ghé thăm ông ở ngoại ô thành phố Rạch Giá.

Trước đây, nhà văn Anh Động có mấy chục năm làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Kiên Giang, nhưng từ khi về hưu ông bán nhà trung tâm đô thị dọn ra gần sân vận động Rạch Sỏi để có chút vườn tược và quan trọng hơn là quy tụ con cháu đông đúc sống chung cho vui.

Nhà văn Anh Động bộc bạch: “Tui được sinh ra trong rừng U Minh. Chưa kịp lớn lên đã nếm mùi bom đạn. Rồi tui bắt đầu tham gia cuộc kháng chiến cứu nước. Nhiều lần quân thù làm tôi đổ máu thể xác lẫn đổ máu tâm hồn trên mảnh đất này”. Những người từng hoạt động cách mạng ở miệt thứ vẫn không ngớt khâm phục khi kể về thời thanh niên oai hùng của Anh Động.

Chuyện rằng, mỗi khi hành quân, Anh Động một mình lội ra giữa sông sẵn sàng đối mặt với mọi hiểm nguy rình rập từ kẻ thù để bảo đảm an toàn cho đồng đội. Anh Động bảo: “Tuổi thơ của tui không được học ở một trường cấp nào. Nhưng được học qua cuốn vần A, B, C và lời ru, lời kể chuyện “đời xưa” của mẹ. Những năm tham gia cuộc chiến, tui nâng súng ngắm theo định hướng của mẹ, cầm bút viết theo lời ru của mẹ...”.

Nhìn nhà văn Anh Động, dễ dàng thấy ngay cốt cách một lão nông Nam bộ. Đồng nghiệp và bạn bè đều biết thói quen của Anh Động luôn bỏ dép ngoài cửa. Dù làm lãnh đạo Hội Văn nghệ tỉnh, nhưng cứ bước vào phòng ông lại đi chân không.

Có lần Anh Động đi xe từ Kiên Giang lên TPHCM khám bệnh, trước khi lên xe ông cũng bỏ dép ra. Xe chạy một đoạn, Anh Động mới sực nhớ đôi dép còn nằm ở bến xe. Cũng may tài xế biết ông là nhà văn nên thông cảm quay xe lại cho ông lấy đôi dép.

Chất phác, hồn hậu và nghĩa tình, nhà văn Anh Động luôn mang đến cho người gặp gỡ một sự cảm mến. Anh Động thổ lộ: “Sau gần 30 năm chui rừng leo núi giành nhau từng tấc đất với giặc, đến ngày 30-4-1975, tui mới biết thế nào là chỗ ở của mình có điện và có lộ xe. Với vốn chữ không đầy lá mít, tui lấy bút danh Anh Động thay cho tên thật Nguyễn Việt Tùng mà không biết phải viết gì đây trong thời bình? Trăn trở 20 năm tôi vẫn không “ngồi dậy” nổi”.

Ông khiêm tốn nói thế, chứ cái mảnh đất Kiên Giang nhiều lần hiện lên trong văn chương của ông thật ấm áp và gần gũi qua các tác phẩm “Ven rừng tràm”, “Bóng núi Tô Châu” hoặc “Dòng sông lấp lánh”. Thế nhưng, đóng góp lớn nhất của nhà văn Anh Động chính là việc văn bản hóa huyền thoại bác Ba Phi. Năm 1995, tập truyện “Bác Ba Phi” của Anh Động được phát hành đã xác lập một dòng văn học dân gian độc đáo.

Với tư cách một người nghiên cứu và viết truyện Bác Ba Phi, nhà văn Anh Động phân tích: “Tui chưa từng gặp ông Ba Phi. Năm 1964, ông Ba Phi mất tui còn ở chiến khu. Thực sự lúc ông Ba Phi còn sống những mẩu chuyện của ổng cũng chỉ lưu hành phạm vi rất hẹp. Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, bộ đội khắp nơi tụ về địa phương để học hành và tập huấn, họ mới là tác nhân truyền tụng truyện Bác Ba Phi”. Còn cơ duyên nào dẫn đến quá trình viết lại truyện Bác Ba Phi của nhà văn Anh Động?

Đó là từ gợi ý của nhà văn Nguyễn Tuân. Năm 1976, gặp Anh Động ở Hà Nội, nhà văn Nguyễn Tuân khuyên: “Cậu phải về khai thác bác Ba Phi. Vì cậu là nông dân U Minh mà bác Ba Phi cũng là người U Minh nên chất giọng của cậu sẽ chuyển tải được tinh thần những câu chuyện tiếu lâm của bác Ba Phi”. Nghe lời bậc đàn anh trong nghề, Anh Động sưu tầm và viết lại truyện Bác Ba Phi một cách hệ thống.

2. Sau này, khi nhân vật bác Ba Phi đã trở nên phổ biến, có một câu chuyện dở khóc dở cười liên quan đến Bác Ba Phi và nhà văn Anh Động. Tại một cuộc hội thảo khoa học quy mô tổ chức tại Cà Mau về Bác Ba Phi, nhiều vị có học hàm, học vị đã đăng đàn phân tích ngôn ngữ Bác Ba Phi xuất sắc thế này, văn phong Bác Ba Phi dí dỏm thế kia.

Đến lượt mình phát biểu, nhà văn Anh Động huỵch toẹt: “Nghe các anh chị khen ngợi tui cũng sướng, nhưng có ai thấy bác Ba Phi để lại dòng chữ nào không? Tất cả văn bản do tui viết đấy. Tui nghe quần chúng kể rồi viết, chứ bản thân bác Ba Phi có cầm bút ghi chép cái gì đâu”. Chưng hửng, nhiều bản tham luận hoành tráng khác về Bác Ba Phi đành phải xếp vào ngăn kéo.

Dù đã viết hàng trăm mẩu chuyện Bác Ba Phi, nhưng nhà văn Anh Động khiêm tốn thú nhận: “Đôi khi đi trên những chuyến đò, nghe người dân kể những câu chuyện Bác Ba Phi mình đã viết, tui cứ giật thót. Đồng bào thêm vào nhiều chi tiết lôi cuốn lắm, hay lắm, sáng tạo hơn cả mình. Chính vì Bác Ba Phi tắm trong dân gian và được dân gian bồi đắp nên hình tượng nhân vật càng ngày càng hấp dẫn”.

Ngồi đối diện với nhà văn Anh Động, nghe ông say sưa nói về Bác Ba Phi, bất giác tôi nghĩ rằng: Nếu làm một bộ phim về Bác Ba Phi, có lẽ không ai hợp vai Ba Phi hơn nhà văn Anh Động. Từ dáng dấp đến điệu cười của nhà văn Anh Động đều toát lên nét mộc mạc và hóm hỉnh những ai từng đọc truyện Bác Ba Phi đều hình dung về nhân vật này. Riêng nhà văn Anh Động bây giờ sum vầy giữa con cháu lại ấp ủ tâm sự:

“Chắc có lẽ những ngày còn lại, tui dành dụm chữ của mình ghi lại những gì mắt thấy tai nghe của thời thơ ấu, xung quanh khu rừng U Minh của mình vậy. Mỗi cuộc đời đều có mang số phận khác nhau. Thôi đành vậy. Đôi dép mang dưới chân đây nó cũng có mang số nữa là...”.

 Tháng 8-2013

Các tin khác