Người thành phố "ăn đụng"

(ĐTTCO) - "Ăn chung, đánh đụng" những tưởng chỉ có vào dịp Tết, khi mấy gia đình ở nông thôn cùng hùn nhau xẻ con lợn, con bò, bê. Nhưng thời gian gần đây, trước quá nhiều thông tin “bủa vây” về tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ở những cụm dân cư tại Hà Nội, nhiều gia đình cũng tụ tập lại “ăn đụng”, chia nhau những thứ đồ ngon đặc sản, và để giữ lại nếp sinh hoạt cộng đồng.

(ĐTTCO) - "Ăn chung, đánh đụng" những tưởng chỉ có vào dịp Tết, khi mấy gia đình ở nông thôn cùng hùn nhau xẻ con lợn, con bò, bê. Nhưng thời gian gần đây, trước quá nhiều thông tin “bủa vây” về tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ở những cụm dân cư tại Hà Nội, nhiều gia đình cũng tụ tập lại “ăn đụng”, chia nhau những thứ đồ ngon đặc sản, và để giữ lại nếp sinh hoạt cộng đồng.

Mùa nào thức nấy

Đã thành lệ cuối tuần, 4 chị Hương, Vân Anh, Thoa, Chung (Chung cư CT3A, phường Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cùng hẹn nhau lấy đồ. Sống cùng chung cư, gửi con cùng một lớp, dần dần 4 nhà thành thân. Ban đầu, cứ nhà nào về quê sẽ mang quà ra biếu, từ con gà, cái bánh đa làm quà, dần dần mùa nào thức nấy, các chị gom lại đặt cùng đợt đồ ăn từ quê ra để có thức ăn ngon, bảo đảm vệ sinh cho gia đình cả tuần. Chị Lê Thanh Hương chia sẻ: “Ngoài thành phố kiếm được mớ rau sạch cũng quý như vàng, trong khi ở quê nhiều khi cho nhau không hết. Tranh thủ mỗi lần về quê, tôi mất công tha lôi thật nhiều rồi chia cho mấy nhà hàng xóm, cũng gọi vui là “đánh đụng”, từ con cá trắm tới chai tương bần. Có cái gì chia nhau đụng hết”.

Lý do để ăn đụng thường bắt nguồn từ đặc sản của những người ở quê mang ra Hà Nội, như: khoai Lệ Phố, thịt lợn Mường, gà đồi Bắc Giang, thịt dê Ninh Bình, cá tươi… “Cuối tuần này em về nhà ông bà nội ở Bắc Giang, nhà hàng xóm có đàn gà đồi thơm ngon lắm, các chị có ăn em nhờ người bắt thịt sẵn cho” - chị Vân Anh háo hức hẹn trước khi xách một túi rau sạch đủ loại về. Đến mùa rươi, chị Phương Linh (phường Trung Văn, huyện Nam Từ Liêm, Hà Nội) bao giờ cũng được mọi người dặn về quê Ninh Giang, Hải Dương phải mua mang ra Hà Nội. Chị Linh kể có đợt mang lên cả thùng xốp đựng rươi sống, ấy vậy chỉ một lúc sau mọi người đã đến lấy hết sạch.

Cuối tuần nào chị Nguyễn Thị Thảo (phố Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội) cũng được bố mẹ gửi đồ ở quê ra ăn, từ gà thả vườn, lợn nuôi bằng rau bèo cám bã, cá trong ao chăn thả tự nhiên... Sau vài lần liên hoan cùng hàng xóm hay cả cơ quan về thăm nhà, mọi người đã động viên bố mẹ chị Thảo mở rộng vườn ao chuồng để nuôi lợn, gà, cá để cung cấp lên thành phố cho mọi người. Đến buổi chiều cuối tuần mọi người ở cơ quan, hàng xóm khu tập thể đã có đồ tươi ngon. Chị Thảo cho biết: “Trung bình 1-2 tháng mẹ tôi mới có lợn để thịt. Tôi thông báo cho mọi người, mỗi người lấy 2-5kg, có người đặt luôn 15-20kg thịt. Mẹ tôi pha chế cho từng người, tôi chỉ việc ra bến xe đón hàng rồi phân phối cho mọi người. Có khi trong làng có người thịt bò, thịt trâu, mẹ tôi cũng nhận phần ăn đụng để tôi mang ra Hà Nội. Mọi người còn đặt luôn cả rau, khoai tây, khoai lang rồi mang ra phân phát. Nhiều khi cũng vất vả, nhưng biết được tâm lý họ hàng, đồng nghiệp luôn tìm đồ quê, đồ sạch để ăn, lại giúp có thêm thu nhập ngoài đồng lương văn phòng”.

Anh Lê Trung (khu đô thị Văn Phú, Hà Đông) chia sẻ, ở chung cư mỗi dịp lễ, tết, hoặc tổng kết, mọi người lại rủ nhau mua lợn mán Hòa Bình về ăn đụng. Sau khi thuê người làm thịt sạch sẽ, phân nhỏ anh chở về Hà Nội chia phần cho mọi người mang về. Những gia đình có nhu cầu ăn đụng ở phố thường có gốc quê, thèm không khí vui vẻ, đầm ấm của xóm làng quây quần lại. Vui nhất vẫn là ở những khu chung cư, khu tập thể rủ nhau ăn đụng. Anh Trung kể: “Có bữa nhà hàng xóm sinh em bé, mấy nhà rủ nhau ăn đụng một con dê, còn phần lại cặp chân để làm quà cho chủ nhà ăn vì lợi sữa. Hay như cuối năm vừa rồi, cả dãy chung cư cũng ăn đụng một con lợn, rồi các anh em tự vào bếp trổ tài nấu ăn để chị em duyệt, không khí rất vui và đầm ấm”.

Đặc sản nhà quê được nhiều người dân thành phố ưa chuộng.
Đặc sản nhà quê được nhiều người dân thành phố ưa chuộng.

Ăn đụng… online

Không chỉ là những mối quan hệ trong làng, ngoài phố mới tìm đến “đánh đụng” với nhau, nhiều người tổ chức lập hội, câu lạc bộ rau sạch, thậm chí tham gia vào những diễn đàn để “ăn đụng… online”. Trước kia, trên những cộng đồng hay diễn đàn như webtretho, chẳng ai xa lạ với những nhóm “Phú Yên quê mình, có ai không?”, “Ai có về Hải Phòng bánh đa cua không?”, “Thèm ăn bánh canh quá, Quảng Bình quê ta ơi!”… Chị Hoàng (xã Văn Điển, huyện Thanh Trì) tham gia bữa “đụng dê” từ diễn đàn “Đồng hương Ninh Bình đâu rồi?” và được các thành viên trao đổi thăm hỏi nhau: Tình hình quê ta có gì khởi sắc không? Em thèm ăn dê nướng Ninh Bình quá; Mình ít được ăn thịt dê ngon ở Hà Nội, xin hỏi thịt dê mua về chế biến thì mua ở đâu, và làm những món gì ạ, cách nấu thế nào?; Hay hôm nào làm bữa ra mắt hội đi… Dần dần họ đặt dê từ Ninh Bình lên, rồi lấy một địa chỉ và dành ngày thứ 7 đến đánh đụng nhau.

Thời gian gần đây, nhiều người dùng Facebook cũng tìm đến để chia sẻ về món ăn. Từ một lần tham gia vào group của hội đồng hương Tĩnh Gia, ông Phạm Văn Nam (khu tập thể Thủy Lợi, quận Đống Đa, Hà Nội) cũng có một hội để đánh đụng đồ quê, trao đổi qua diễn đàn, gửi email thông báo thời gian địa điểm lấy hàng cho từng thành viên. Chị Khánh, con dâu ông Nam, cho biết: “Ông nội xa quê đã lâu, nhiều khi ông thèm những món như mắm tôm mắm tép mà chẳng có. Giờ đây khi có mối để đặt hàng hương quê nên ông rất vui. Từ những buổi đánh đụng online, các ông bà vừa giải tỏa được nỗi nhớ quê, vừa lại hẹn hò chia sẻ đồ, có khi là khoai cát, cá biển, mắm tôm, hay rủ nhau cùng đến nhà nấu bánh canh, bánh bột lọc… Các cụ gặp đồng hương cũng vui, mà con cái biết thêm về quê hương bản quán”.

Hiện nay, nhiều thành viên ở các chung cư đã mở những trang fanpage hay lập group trên Facebook để mọi người họp chợ. Nhóm Chợ cóc cư dân C14 hầu như ngày nào cũng có những chủ đề rôm rả: Em gom mua chung các mẹ ơi. Em ko buôn bán nhé nhưng bé nhà em thích ăn nên em đặt, các mẹ có muốn đặt cùng thì nhắn em; Được bạn gửi cho ít hồng để chín tự nhiên, ăn ngon ngọt và thơm. Khác hẳn hồng mua ở chợ. Nên em đăng lên gom đơn để bạn em hái gửi ra... Là những chia sẻ từ những cư dân trong cùng một dãy chung cư.

“Ăn đụng” vừa là cách để con người chia sẻ với nhau những mối lo thường ngày về chuyện cơm áo, vừa là cách để làm con người trong mỗi căn nhà, khu phố trở nên gần gũi, thân thiết hơn, gắn bó hơn.

Các tin khác