Người đi dép cao su

Đôi dép lốp rất đỗi bình dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi vào thơ ca Việt Nam, vì đó là biểu tượng cảm động về một vị lãnh tụ cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, phong cách sống vô cùng khiêm tốn và giản dị.

Đôi dép lốp rất đỗi bình dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi vào thơ ca Việt Nam, vì đó là biểu tượng cảm động về một vị lãnh tụ cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, phong cách sống vô cùng khiêm tốn và giản dị.

Đôi dép lốp ấy cũng đi vào văn học và sân khấu thế giới thật ấn tượng với vở kịch thơ nổi tiếng “Người đi dép cao su” (L’homme aux sandales de caoutchouc) của nhà soạn kịch Kateb Yacine, xuất bản bằng tiếng Pháp lần đầu vào năm 1970. Kể từ đó đến nay, vở kịch này đã được dàn dựng trên nhiều sân khấu nước ngoài, từng là một trong những vở diễn hàng đầu của nhà hát nổi tiếng La Comédie Francaise ở Paris.

Để hiểu rõ hơn về tác phẩm này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với GS. PHÙNG VĂN TỬU - nhà nghiên cứu phê bình văn học phương Tây, đồng thời cũng là người đã dịch kịch thơ này sang tiếng Việt.

- Nhà văn Kateb Yacine là một tên tuổi vừa lạ lại vừa quen đối với Việt Nam. Mong ông cho biết đôi điều về Kateb Yacine.

Bác Hồ bắt nhịp bài ca Kết đoàn. Ảnh: Tư liệu

Bác Hồ bắt nhịp bài ca Kết đoàn. Ảnh: Tư liệu

GS. PHÙNG VĂN TỬU: - Kateb Yacine (1929-1989) là nhà văn, nhà thơ và nhà soạn kịch nổi tiếng người Algéria, hầu hết tác phẩm của ông đều viết bằng tiếng Pháp. Không chỉ sáng tác, ông còn tổ chức nhiều đoàn kịch và đưa đi diễn nhiều nơi ở Algéria và một số nước châu Âu, trước đông đảo các khán giả công nhân, nông dân, sinh viên. Kateb Yacine đã được nước Pháp trao Giải thưởng lớn về văn chương quốc gia (Grand prix national des lettres) năm 1987 do công lao đóng góp trong lĩnh vực sân khấu. Kateb Yacine từng đến Việt Nam vào năm 1967.

Kịch thơ “Người đi dép cao su” được Yacine hình thành trên nền tảng những gì ông đã nghe, thấy và đọc về Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Vở kịch này thành công trên nhiều sân khấu thế giới trong những năm đầu thập niên 70 thế kỷ trước, đã đánh dấu một bước ngoặt trong sự nghiệp sáng tác của Yacine: từ đấy ông chỉ chuyên tâm vào nghệ thuật sân khấu.

- Vì sao ông chọn dịch “Người đi dép cao su”?

- Trước đây, tôi có dịp đi công tác tại vài nước châu Âu và Bắc Phi - nơi tôi có những mối quan hệ bạn bè thân thiện. Tôi thực sự lúng túng khi họ hỏi tôi rằng vở kịch “Người đi dép cao su” viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nổi tiếng trên thế giới, đã được dịch và diễn tại Việt Nam hay chưa.

Suốt 40 năm qua vở kịch này chưa được khán giả Việt Nam biết đến do chưa có ai dịch để giới thiệu rộng rãi tại Việt Nam. Tôi hy vọng rằng với bản dịch này có thể giới thiệu được một tác phẩm quan trọng viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa bước đầu khái quát sự đóng góp của Yacine với nền kịch nghệ thế giới.

- Đôi dép Bác Hồ đã trở thành kỷ vật vô giá về một con người giản dị nhưng hết sức cao cả. Phải chăng đấy là khởi điểm sáng tạo của nhà văn Kateb Yacine khi viết kịch thơ “Người đi dép cao su”?

- Đúng thế! 41 năm trước đây, vào thời gian vở “Người đi dép cao su” ra đời, nhiều người trên thế giới đã biết đến đôi dép lốp giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vở kịch thơ “Người đi dép cao su” thực chất là một cuộc trình diễn lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam bằng nghệ thuật sân khấu, trong đó hình tượng Bác Hồ là kết tinh tất cả những gì được xem là tinh hoa của quá trình phát triển lịch sử dân tộc Việt Nam.

Tôi hình dung ra rằng, ngày ấy, khi bước vào rạp, có thể người ta chờ đợi sẽ trải qua trước mắt một vở diễn đậm màu sắc lịch sử, đậm màu sắc chính trị. Kể cả ngày nay, những ai chưa có dịp đọc hoặc được xem vở diễn, chắc cũng nghĩ như thế. Xem kịch hoặc đọc văn bản kịch xong, người ta mới cảm nhận rõ rằng “Người đi dép cao su” có nêu lịch sử nhưng không phải là một vở kịch lịch sử, có đề cập chính trị nhưng không phải là một vở kịch chính luận. Trước hết, đây là một tác phẩm nghệ thuật, trong đó hư cấu và sáng tạo có vai trò quan trọng và được cân nhắc kỹ lưỡng trong mối quan hệ với hiện thực.

Đây là một vở kịch 8 hồi, hết sức hoành tráng, về số lượng nhân vật, bối cảnh, tư liệu, về sự dàn trải của lịch sử từ Đông sang Tây, từ cổ đại đến hiện đại. Kateb Yacine xem tất cả gần như là nền cho hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh - con người biểu trưng cho công cuộc giải phóng dân tộc trong thời đại hôm nay. Thế giới nhân vật trong vở kịch khá đông đảo. Khoảng 150 nhân vật có lời thoại, 2/3 trong số đó có tên, thậm chí là những tên hết sức quen thuộc: Trưng Trắc, Trưng Nhị, Triệu Thị Trinh, Quang Trung, Nguyễn Ái Quốc, tướng Giáp, Trỗi, Quyên…Rồi tên các tướng của Pháp như Navarre, De Castries hay tên các tổng thống Hoa Kỳ như Johnson, Nixon được đọc trại đi cho ra vẻ hài hước. Tác giả sử dụng rất nhiều nhóm đồng ca và nhân vật lĩnh xướng của hình thức kịch Hy Lạp cổ đại để mô tả sự hiện diện của nhân dân trong suốt thời gian của vở kịch.

Thời gian trong kịch trải dài từ thời Bà Trưng đứng trước mộ chồng phát động cuộc khởi nghĩa chống Mã Viện năm 40 cho đến khi Bác Hồ mất năm 1969 trong cuộc diễu hành và đồng ca tiếc nhớ của toàn dân Việt Nam. Yacine đã đưa vào kịch khá nhiều câu thoại có nguồn từ trong huyền thoại, dã sử Việt Nam, trong “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu, “Ngục trung nhật ký”, “Tuyên ngôn độc lập” và những bài thơ xuân của Bác Hồ, nhằm làm nổi bật hình tượng của nhân vật. Cần lưu ý một điều là nhân vật Nguyễn Ái Quốc - Bác Hồ chỉ xuất hiện ở 4 trong số 8 hồi của vở kịch, không kể lần xuất hiện mang tính biểu tượng cuối vở kịch, chỉ có 44 lời thoại trong tổng số 1.800 lời thoại của cả vở kịch.

Thật là nghịch lý, một nhân vật xuất hiện ít như thế, thoại ít như thế, nhưng vẫn cứ là nhân vật trung tâm của tác phẩm.

- Nhiều nhà phê bình nhận xét với vở kịch “Người đi dép cao su”, Kateb Yacine đã đóng góp cụ thể cho việc hiện đại hóa nghệ thuật sân khấu thế giới. GS nghĩ sao về nhận định này?

- Đây là một vở kịch sáng tác theo tinh thần kịch tự sự của Bertolt Brecht - nhà soạn kịch Đức nổi tiếng thời ấy. Trong đó, xung đột không còn là động lực chủ yếu thúc đẩy hành động kịch. Kateb Yacine không cấu trúc kịch theo quy luật diễn biến nhân - quả trực tiếp của kịch truyền thống.

Nói cách khác, diễn biến nhân - quả gắn với trục thời gian các sự kiện, hành động được ông thay thế bằng cách sắp đặt bên cạnh nhau trên không gian của văn bản, cũng là của sàn diễn, những nhân vật, sự kiện, hành động có vẻ chẳng liên quan trực tiếp gì với nhau. Song đằng sau các sự kiện tưởng như rời rạc ấy có mối liên hệ logic hàm ẩn. Kateb Yacine đã xử lý thành công mối quan hệ giữa trục không gian của kết cấu văn bản và trục thời gian của sự kiện, giữa cái ảo và cái thực, giữa hư cấu nghệ thuật và tính cách chân thực của nhân vật lịch sử, thậm chí còn tô đậm tính chân thực khi tác giả xây dựng hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh lâu nay vẫn được xem là cội nguồn cảm hứng sáng tạo của nhiều văn nghệ sĩ, kể cả trên bình diện quốc tế. Và kịch thơ “Người đi dép cao su” của nhà văn Kateb Yacine là minh chứng rõ nét cho nhận định đó. Khi vở kịch hạ màn trong tiếng hát của đội đồng ca, khán giả cảm nhận rõ hình tượng Bác Hồ - con người bình dị đời thường nhưng lại vô cùng lớn lao:

“…Người đi trong giấc mơ của chúng ta

Người đi dép cao su

Người cùng khổ có vầng trán cao cao

Người mà ai cũng gọi là Bác Hồ

Hồ Chí Minh, người soi sáng

Người mà cả dân tộc nhắc tên…”

Các tin khác