Nghề huấn luyện chó

Vào một buổi trưa khi chúng tôi đến khu Trung tâm Huấn luyện và chăm sóc chó PDS (35 Vườn Lài, phường An Phú Đông, quận 12), mở đầu màn chào hỏi chúng tôi là những tràng sủa hung tợn của các chú chó khi thấy người lạ. Nhưng chỉ cần người huấn luyện ra lệnh, ngay lập tức các chú chó dừng lại.

Vào một buổi trưa khi chúng tôi đến khu Trung tâm Huấn luyện và chăm sóc chó PDS (35 Vườn Lài, phường An Phú Đông, quận 12), mở đầu màn chào hỏi chúng tôi là những tràng sủa hung tợn của các chú chó khi thấy người lạ. Nhưng chỉ cần người huấn luyện ra lệnh, ngay lập tức các chú chó dừng lại.

Kỷ luật quân đội

Hiện nay việc nuôi chó cảnh hay chó bảo vệ được nhiều người quan tâm. Tùy điều kiện gia đình và mục đích mà từng gia đình có thể nuôi các giống chó khác nhau.

Theo anh Phan Thanh Long, bác sĩ thú y tại Trung tâm huấn luyện và chăm sóc chó PDS, chó hiện nay khách hàng đem tới huấn luyện phần nhiều là giống Béc-gie Đức, Béc-gie Bỉ (Malinois), Rottweiler. Đây là những giống chó rất thông minh, lanh lẹ, “trứ danh” trong việc huấn luyện.

Những giống chó này nếu mua ở trong nước giá khoảng 10-15 triệu đồng (từ 2-3 tháng tuổi), nhập từ Thái Lan giá 15-25 triệu đồng (từ 3-4 tháng tuổi), còn nhập từ châu Âu lên đến vài ngàn USD trở lên bởi giống tốt và ở xa nên tiền chi phí vận chuyển cao.

Bên cạnh đó, một loại chó cũng được nhiều đại gia thích nuôi hiện nay là giống Ngao Tây Tạng, có giá 200-500 triệu đồng, đây là giống chó có sức mạnh vô địch đã trở thành huyền thoại. Hoặc một số người thích nuôi chó Alaska Malamute cũng đem đến đây huấn luyện.

Các chú chó được huấn luyện để biết nghe lời và làm theo nhiều hành động. Ảnh Y.NHI 

Các chú chó được huấn luyện để biết nghe lời và làm theo nhiều hành động. Ảnh Y.NHI 

Theo anh Ngô Văn Khê, phụ trách chăn nuôi tại trung tâm huấn luyện PDS, một con chó sau khi được huấn luyện sẽ biết nghe lời chủ trong việc thực hiện những hành động như: đứng, nằm, ngồi, bò, sủa, đi bên cạnh, gọi lại, cắp vật, từ chối thức ăn của người lạ, bảo vệ chủ hoặc đồ vật chủ giao, biết vượt chướng ngại vật…

“Một con chó được huấn luyện tốt nhất là từ 3-4 tháng tuổi. Vì lúc này chúng chưa hình thành hết tính cách nên dễ dàng huấn luyện và kiềm chế những bản tính bẩm sinh đang hình thành của nó. Nếu để qua độ tuổi này sẽ rất khó huấn luyện. Thông thường để huấn luyện một con chó biết nghe lời mất 3 tháng, còn đối với những chú chó nghiệp vụ cần khoảng 6 tháng.

Hầu hết sau khi huấn luyện chú chó trở thành những “vệ sĩ” rất lợi hại và trung thành với chủ nhân. Các chú chó sống tại trung tâm huấn luyện sẽ được chăm sóc một cách khoa học, đầy đủ, chuyên nghiệp giúp hình thành được tính kỷ luật, nghe lời chủ, biết được phép và không được làm những gì.

Bên cạnh đó, với các bài rèn luyện thể lực, vận động tăng sức khỏe, các chú chó ở đây sẽ được phát triển đầy đủ thể chất, được hòa nhập với môi trường tự nhiên” - anh Khê cho biết.

Theo anh Long, hiện nhu cầu nuôi chó rất cao nhưng vì điều kiện ở thành phố chật chội nên khoảng 80-85% người nuôi đem đến các trung tâm huấn luyện cho theo học một khóa để phát huy những khả năng và tạo tính kỷ luật. Chi phí để nuôi một con chó cũng rất tốn kém, một con chó nhỏ chi phí khoảng 2-3 triệu đồng/tháng, chó lớn chi phí phải lên đến 5-7 triệu đồng/tháng.

Vất vả, hiểm nguy

Để huấn luyện một con chó biết nghe lời không dễ, đôi khi người huấn luyện còn gặp phải những tai nạn nghề nghiệp. Anh Phan Thanh Long cho biết: “Một huấn luyện viên chó dễ gặp những tai nạn như bị chó cắn vì nhiều con quá dữ hoặc do chủ quan. Với đặc thù luôn phải nhận những con chó mới do khách hàng gửi đến huấn luyện nên giai đoạn khó khăn nhất là việc làm quen và tạo sự thân thiết.

Điều này đòi hỏi người “thầy” phải cẩn thận, nhạy bén, biết chịu đựng và khéo léo, nắm bắt tâm lý từng con chó. Mỗi huấn luyện viên phụ trách 1-4 chú chó, dựa trên kinh nghiệm “nhìn” để đánh giá được khả năng từng con, từng giống để có biện pháp huấn luyện phù hợp”.

Một khách hàng của trung tâm huấn luyện dở khóc dở cười với chú chó Béc-gie mua về quá thân thiện kể cả với người lạ cũng như người quen. Để tìm lại bản năng cắn, sủa người huấn luyện phải giả làm “con mồi”, tay cầm một chiếc gối nhồi bông đập xuống đất hay lấy các loại cây, gậy gộc khua lên để khiêu khích bản năng tấn công hung dữ.

Đóng vai “con mồi” người huấn luyện sẽ phải giằng, giựt, giẫy giụa với mục đích làm tăng thêm tính hung tợn từ các chú chó. Và đương nhiên phải chịu trận từ những cú nhào tới, tấn công quyết không buông tha của các chú chó cho đến khi nhận được hiệu lệnh dừng lại từ huấn luyện viên.

Việc làm mục tiêu cho các chú chó tấn công rất nguy hiểm và không phải ai cũng đảm đương được, đôi khi phải đánh đổi bằng nước mắt và máu. Muốn làm được việc này cần một tinh thần thép để khống chế nỗi sợ hãi và sự nhạy bén, nếu không dễ nguy hiểm đến tính mạng.

Mỗi ngày các chú chó sẽ được luyện tập 2 lần vào buổi sáng sớm và buổi chiều, mỗi lần khoảng 1-2 tiếng vì nếu lâu chó sẽ mệt, không nghe lời, hiệu quả và chất lượng buổi tập không cao. Ngoài việc huấn luyện “học trò”, các huấn luyện viên còn vệ sinh tắm, chải lông, cho ăn. Những công việc này đòi hỏi lòng yêu thích, niềm say mê đối với việc huấn luyện những “học trò” đặc biệt này.

Tham gia một buổi huấn luyện tại trung tâm, anh Chiến chỉ cho chúng tôi một chú chó Rottweiler khoảng 3 tháng tuổi đang được huấn luyện các động tác bò, nằm, gọi lại, đi bên cạnh và học sủa khi được lệnh. Đang rất ngoan ngoãn nghe theo khẩu lệnh của người huấn luyện, nhưng khi thấy bóng dáng cô chủ từ xa, ngay lập tức cậu ta chạy đến bên mừng cuống quýt.

Người chủ chú chó này chia sẻ: “Khoảng 2 tuần tôi tới đây thăm thấy được sự thay đổi rõ rệt của nó như không chạy nhảy lung tung, biết làm theo một số bài huấn luyện như gọi tên chạy lại, không cắn vào tay khi đùa, rất biết nghe lời, ngoan hơn nhiều, lúc trước nó quậy phá lắm.

Mình coi chú chó này như thành viên trong gia đình, một người bạn trung thành nên khi thấy con vật cưng của mình khôn lớn và biết nghe lời mình rất vui mừng”.

Các tin khác