Nghề bảo vệ du khách

Vừa là du khách vừa là nhà báo của tạp chí du lịch Mexico, anh Philipper, nhân một dịp đến TPHCM đã thốt lên: “Thật cảm kích khi chứng kiến sự trợ giúp ân cần và hiệu quả của các trật tự viên bảo vệ du khách ở TPHCM. Tôi đã từng đến nhiều TP trên thế giới, nhưng chưa thấy nơi nào tổ chức được lực lượng trợ giúp du khách chuyên nghiệp như vậy”.

Vừa là du khách vừa là nhà báo của tạp chí du lịch Mexico, anh Philipper, nhân một dịp đến TPHCM đã thốt lên: “Thật cảm kích khi chứng kiến sự trợ giúp ân cần và hiệu quả của các trật tự viên bảo vệ du khách ở TPHCM. Tôi đã từng đến nhiều TP trên thế giới, nhưng chưa thấy nơi nào tổ chức được lực lượng trợ giúp du khách chuyên nghiệp như vậy”.

Vất vả nhưng vui

Hôm mới đến TPHCM, mặc dù đã đọc kỹ sách hướng dẫn du lịch TPHCM, nhưng Philipper vẫn phải bực bội khi tự gọi taxi và đã đi nhầm "xe dù". Từ Dinh Thống Nhất đến chợ Bến Thành chỉ có 800m, nhưng tài xế cố ý chạy lòng vòng buộc anh phải trả 200.000 đồng. Sau đó, nhờ các du khách ngụ cùng khách sạn tại “phố Tây” chỉ dẫn, mỗi khi đến các điểm tham quan, khi cần Philipper luôn nhờ đến sự trợ giúp của những thanh niên trang phục màu xanh lá để được chỉ dẫn tử tế và tận tình. Họ là những người trong đội trật tự viên bảo vệ du khách thuộc Công ty Dịch vụ công ích - Lực lượng Thanh niên xung phong TPHCM, có nhiệm vụ bảo vệ du khách ở 22 điểm các quận trung tâm.

Tại khu vực Bưu điện TPHCM - Nhà thờ Đức Bà, Dinh Thống Nhất, chợ Bến Thành, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, các trung tâm mua sắm và những nơi tập trung nhiều du khách nước ngoài, ngày nào cũng có các tổ trật tự viên chia thành từng chốt 4 người túc trực. Đội còn có 5 tổ tuần tra có nhiệm vụ phát hiện các tình huống đáng ngờ để kịp thời xử lý, hỗ trợ cho cả du khách nước ngoài và du khách nội địa. Trong đội có những người làm việc thời vụ và chuyên nghiệp. Hầu hết người làm việc thời vụ là sinh viên - học sinh, tranh thủ làm thêm ngoài giờ học để kiếm thêm thu nhập, vừa cọ sát thực tế để trang bị vốn sống trước khi tốt nghiệp. Những người chuyên nghiệp là thành phần nòng cốt của các tổ, đội, gắn bó lâu dài với nghề.

Các du khách đến TPHCM được trật tự viên chỉ dẫn, trợ giúp tận tình. Ảnh: NGUYÊN MINH

Các du khách đến TPHCM được trật tự viên chỉ dẫn, trợ giúp tận tình. Ảnh: NGUYÊN MINH

Hướng dẫn và bảo vệ khách du lịch không phải là công việc nhàn nhã. Các trật tự viên phải đứng trực ở những nơi có được tầm nhìn bao quát để nắm bắt nhanh mọi diễn biến xung quanh, hướng dẫn và làm những việc không tên như: gọi hộ taxi, đưa khách băng qua đường, chỉ đường… Lê Thị Thu Hương, trật tự viên tổ bảo vệ du khách trước Dinh Thống Nhất cho biết: “Nghề này cũng lắm gian truân. Nhiều người bán hàng rong thường bày hàng tràn lan làm mất trật tự và mỹ quan điểm tham quan, chèo kéo du khách, các trật tự viên phải vất vả mới dẹp được. Hay kẻ xấu thường đến các điểm tham quan chờ du khách sơ hở để ra tay móc túi, giật dọc. Nhiều tên tỏ ra rất hung hăng khi bị các trật tự viên truy đuổi, sẵn sàng dùng hung khí đánh trả. Do vậy nghề này ngoài việc biết giao tiếp bằng tiếng Anh, có kiến thức về du lịch, còn một điều kiện không thể thiếu đối với người được tuyển dụng là phải biết võ thuật”.

Trật tự viên Phan Hữu Thành, sinh viên năm cuối Trường Cao đẳng Tài chính - Hải quan, nói: “Nghề này thu nhập không cao, nhưng hay và vui, có việc để làm suốt ngày vì TPHCM bây giờ du khách đến nhiều. Những khi có đoàn du khách đến TPHCM bằng tàu biển, tụi em rất tất bật, liên tục chỉ dẫn, giải thích và đưa hết nhóm khách này đến nhóm nọ qua đường... Những ngày đầu còn bỡ ngỡ, nay đã quen và tìm thấy niềm vui trong công việc, hôm nào thưa khách lại thấy buồn”.

Những giá trị ngoài lương

Thu nhập từ lương và các khoảng phụ cấp của một trật tự viên khoảng 2,2 triệu đồng/tháng, nhưng họ còn nhận được những giá trị ngoài lương. Trật tự viên Huỳnh Thị Phương Thảo tâm sự: “Trước đây em là công nhân xí nghiệp may, chỉ mới tham gia đội trật tự viên bảo vệ du khách 3 tháng nhưng công việc rất thú vị. không chỉ thu nhập ổn định, em còn có niềm vui là góp phần mang đến sự an toàn và tạo được tình cảm thân thiện cho du khách”. Với sinh viên, có thêm một khoản thu nhập là rất quý, nhưng điều quan trọng hơn chính là được học từ thực tế cuộc sống và công việc. Chẳng hạn trình độ ngoại ngữ được nâng cao nhờ có cơ hội tiếp xúc du khách nước ngoài; học được rất nhiều thứ như văn hóa giao tiếp của các dân tộc trên thế giới; tầm kiến thức, hiểu biết rộng ra…

Đội trật tự viên bảo vệ du khách ra đời từ năm 2006, ban đầu chỉ có vài chục người, nay lên đến gần 300 người. Đây là đội trật tự viên bảo vệ du khách duy nhất trên cả nước. Do không có mô hình để học hỏi, rút kinh nghiệm nên ngay buổi đầu Công ty Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong TPHCM không khỏi lúng túng trong tổ chức hoạt động của đội. Nay đội đã hoạt động rất chuyên nghiệp, bài bản, các trật tự viên thường xuyên được đào tạo nghiệp vụ, ngoại ngữ. Họ không chỉ đủ sức nắm chắc địa bàn để chỉ dẫn và bảo vệ du khách, mà còn rất tự tin trong vai trò hướng dẫn viên du lịch, người thay mặt người dân TPHCM tiếp đón du khách đến thăm.

Nhà báo Philipper nhận xét: “Chính những người trang phục xanh tử tế ấy đã góp phần tạo nên một sản phẩm du lịch độc đáo, du khách có thể an tâm khi đến TPHCM. Sau chuyến thăm Việt Nam trở về, chắc chắn tôi sẽ giới thiệu mô hình này đến Mexico - đất nước có ngành du lịch rất phát triển”.

Các tin khác