Mùa hải âu

(ĐTTCO) - Từ đầu tháng 2 đến nay, quán cà phê Cánh Buồm ở TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang là nơi tập trung những vị khách đặc biệt. Họ đến ngày hai buổi và đến hàng ngày. Không phải quán thu hút khách nhờ vị trí đẹp, cà phê ngon, mà là vì một thứ từ trên trời: đàn chim biển.

 

Tưởng dễ mà khó

Cứ sau Tết Nguyên đán, dân nhiếp ảnh từ các tỉnh ĐBSCL đến TPHCM lại thường hỏi thăm những đồng nghiệp tỉnh Kiên Giang chỉ một câu: “Nó về chưa?”. “Nó” ở đây chính là đàn chim biển, trong đó chủ yếu là hải âu lớn, số ít hơn có chim nhạn. Khi biết đàn chim đã về và chịu ăn mồi, các tay máy ngay lập tức tập trung lại để bắt đầu mùa “săn” ảnh chim nhiều cảm xúc. Vùng biển Kiên Giang có nhiều chim biển. Khi đi tàu ra các đảo, du khách thường chứng kiến cảnh tượng từng đàn hải âu bay theo suốt hải trình để bắt cá nhỏ ngoi lên theo con sóng do tàu tạo nên. Sóng gió khiến tàu lắc lư không ngớt, lại không biết hải âu lao xuống lúc nào, nên nhiều tay máy đã thúc thủ trước ý định bắt lấy khoảnh khắc đẹp. Đó chính là nguyên nhân sự cuốn hút người chơi khi chụp ảnh hải âu săn mồi từ đất liền. Không ít tay máy sẵn sàng đi hàng trăm cây số đến Rạch Giá chỉ để được một ngày chụp ảnh, rồi lại lập tức trở về.

Một buổi chụp ảnh đàn hải âu. Ảnh: T.N

Một buổi chụp ảnh đàn hải âu. Ảnh: T.N

Quán Cánh Buồm nằm ngay cửa biển Rạch Giá, một phía là biển, phía còn lại là sông. Nhờ vậy, các tay máy có thể chụp ảnh hải âu ăn mồi dù ở  bên nào. Những buổi chụp ảnh hải âu luôn tạo nhiều niềm hứng khởi không chỉ đối với dân chơi ảnh, mà “lây” sang cả khách uống cà phê bình thường. Nhiều người không ngần ngại dùng điện thoại, máy tính bảng để lưu lại những khoảnh khắc đàn chim lao xuống mặt nước tranh mồi. Nhạc sĩ - nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Thành Liêm, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Kiên Giang, là người sở hữu nhiều bức ảnh sống động về đề tài này. Anh chia sẻ, sở dĩ đàn hải âu thu hút các tay máy như vậy do chúng có hành động. Ở các nước phương Tây có nhiều hải âu, chúng rất dạn, nhưng khó đoán định, nên muốn chụp ảnh bắt mồi không dễ. Đó là lý do hiếm khi thấy ảnh hải âu săn mồi của các tác giả nước ngoài. Còn ở đây, hải âu săn mồi “có điều khiển” nên dễ “canh” khoảnh khắc.

Mùa hải âu ảnh 2

Dù vậy, đối tượng hoạt động nhanh trong thứ ánh sáng và bối cảnh phức tạp nên phải qua mấy mùa thất bại, anh em nhiếp ảnh mới tích lũy được kinh nghiệm để có những bức ảnh đẹp, sinh động. “Nhiều tay máy có tiếng tăm trong lĩnh vực chụp ảnh chim, thiên nhiên hoang dã của Việt Nam, dù tự tin tay nghề của mình nhưng nhiều khi cũng phải “trắng tay” trước đàn hải âu này. Thất bại thường gặp là ảnh bị “khét” (mất chi tiết) trên vùng màu trắng, do bị phản xạ ánh sáng mạnh của hải âu. Còn khi tránh được “khét”, vùng tối của bức ảnh cũng giảm mạnh kéo theo mất chi tiết mắt của chim. Khi chụp ảnh chim thú, nếu không thể hiện được ánh mắt sinh động xem như chủ đề không còn là động vật nữa” - anh Liêm chia sẻ kinh nghiệm. 

Từ mỡ tới cá

Cửa biển Rạch Giá là nơi nhiều loài chim biển thường vào kiếm ăn. Nhưng ăn tập trung theo mùa từ tháng giêng đến tháng ba Âm lịch. Tuy số lượng chim kiếm ăn khá lớn, nhưng muốn chụp được một bức ảnh đặc tả sinh hoạt không dễ. Nguyên nhân bởi chúng thường hoạt động ngoài tầm với của các ống kính tiêu cự dài. Để dụ được bầy hải âu đến chỗ lý tưởng là một quá trình lâu dài và kiên trì. Qua hơn 10 mùa, dân nhiếp ảnh Kiên Giang mới tích lũy được những khiến thức và kinh nghiệm cho việc dụ này. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Ngô Phương cho biết, ban đầu anh em thử ném mỡ heo xuống cửa sông cho chúng ăn. Những ngày đầu chúng không chú ý. Rồi khi có một nhóm chim nhạn (chim biển nhỏ nhưng háo ăn hơn hải âu) đụng tới thứ thức ăn mới, đàn hải âu đã bị kích thích và xông vào cuộc tranh mồi với chim nhạn. Cứ như vậy, đàn chim dần dần ăn dưới sự điều khiển của con người lúc nào không hay.

Nhưng đó chỉ là khởi đầu. Bởi những bức ảnh tuy sống động, nhưng vẫn còn một yếu tố khó khắc phục. Mồi là mỡ heo nên nhìn không tự nhiên và có phần phản cảm. Nhưng khi thay đổi mỡ bằng cá, thời gian đầu chúng không chịu ăn. Dân nhiếp ảnh Kiên Giang phải kiên nhẫn thử thay dần bằng đủ loại cá nước mặn, nước ngọt, cho đến khi chúng chịu ăn. Theo nhẩm tính của nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Văn Chung, cứ mỗi mùa chụp ảnh hải âu, anh em tốn đến cả 1 tấn thịt và cá.

Mấy mùa gần đây, đàn chim cứ sáng sớm đã có mặt ở cửa biển chờ được ăn. Chúng còn quen cả tiếng gõ thanh sắt hàng rào của quán cà phê. Đến trưa, khi mọi người về nghỉ ngơi, chúng cũng tản ra tìm mồi tự nhiên. Khoảng 3 giờ chiều lại tụ về để được cho ăn. Nếu thấy chúng vẫn mải mê săn cá ở xa, thợ săn ảnh chỉ cần gõ vào hàng rào sắt để dụ chúng tụ về. Một công việc khá khó và phải chịu hy sinh khi cùng nhau chụp ảnh hải âu là quăng mồi. Nghe tưởng dễ, nhưng thật ra cùng với khả năng quăng chính xác, phải là người am hiểu thói quen tập quán của chim, đồng thời phải am hiểu về ánh sáng và bố cục trong nhiếp ảnh mới có thể có những cú quăng mồi chính xác vào những vùng nước lý tưởng. Ai nhận trách nhiệm quăng mồi, người đó xem như không có nhiều cơ hội bấm máy.

Tháng ba Âm lịch, khi những cơn gió Tây Nam đầu tiên kéo về báo hiệu mùa mưa bão sắp đến, cũng là lúc đàn chim biển kéo nhau về đảo xa sinh sản. Nơi đó là Hòn Nhạn, thuộc quần đảo Thổ Châu, huyện Phú Quốc. Hòn đảo nhỏ này không có người ở và được bảo vệ nghiêm ngặt. Đó chính là giang sơn của các loài chim biển trên vùng biển Kiên Giang. Dân nhiếp ảnh lại lục tục cuốn máy trở về chờ mùa săn sau. Và cứ thế, những mùa hải âu trở thành niềm vui bất tận không chỉ với riêng dân nhiếp ảnh.

Các tin khác