Mênh mông dừa nước

(ĐTTCO) - Có nhiều lúc, trên những cung đường lang bạt, giữa mệt mỏi rã rời cơ thể, tôi lại thầm cảm ơn những bến sông, những quán võng với bạt ngàn dừa nước mọc lan man, xanh xanh dịu dàng. 

Trong cái nắng nóng oi bức thường thấy của trời đất phương Nam, không điều gì làm ta dịu đi, thư thái và thanh bình hơn những hàng dừa nước. 

1. Dừa nước như cái máy điều hòa không chỉ cho cơ thể mà cả tâm hồn đều cảm thấy mát mẻ. Nhưng không chỉ có những người khách phương xa lạ lẫm như tôi, hàng ngàn người dân, từ trăm năm qua ở vùng đất này cũng đã coi những bạt ngàn dừa nước là khoảng xanh bình yên của cuộc sống, là cái neo để họ níu lại, giữa mênh mang sông nước nơi này.
Không có thứ gì vẽ lên màu xanh của dải đất này hơn những cánh rừng dừa nước bởi đây là loài cây “chung thủy”, không đổi màu qua tháng năm, mùa nước. Từ hàng dừa nước ở ven bến đò Hồng Đức, bến đò Cái Tôm trên sông Vàm  Cỏ Tây cho tới những cánh rừng dừa nước hoang vắng ngút ngàn ở tuốt mạn Đức Hòa, Thủ Thừa nơi dòng Vàm Cỏ Tây sáp nhập với Vàm Cỏ Đông để mang tên Vàm Cỏ.
Tất cả đều là một màu xanh nõn nà ngọc bích. Cũng như dòng sông, những hàng dừa nước chảy dài từ thượng nguồn cho tới tận khi về với biển khơi mênh mông. Dừa nước làm trời đất như rộng thêm ra, mướt mà, yêu kiều hơn.

Mấy người bạn luống tuổi ở vùng hạ lưu sông Soài Rạp, nơi có những cánh rừng dừa nước ngút ngàn từ Gò Công qua Cần Giuộc, Cần Đước, Cần Giờ… kể với tôi, dừa nước là loài cây hoang dại kỳ lạ. Ngoài công dụng lợp nhà từ xa xưa, nó như một vùng đệm bất cứ dòng sông, bưng đồng nào cũng cần có.
Cứ mùa khô, gốc dừa nước là nơi để giữ chút nước hiếm hoi trên kinh rạch. Còn đến mùa nước nổi, rừng dừa nước cũng là nơi để ngăn con nước tràn bờ không cuốn đi tất thảy những gì được con người gầy dựng lên. Đó là lý do 6 tháng mùa khô, người ta vẫn sống khỏe bên hàng dừa nước. Và cũng là nguyên nhân khiến những mùa nước nổi dâng cao tới 2m nước cũng không cuốn đi những gì quý báu của con người. 

Tôi không nhớ mình đã gặp bao nhiêu hình ảnh những cánh rừng dừa nước mọc ken dày như thế, suốt chiều dài những dòng sông Tây Nam bộ bởi một phần vì chúng quá nhiều, phần nữa vì dừa nước là thứ nhỏ bé, gần như vô danh, vô phận của vùng đất này. Nhưng rồi dần dà con người nơi đây cũng nhận ra rằng, dừa nước không phải là thứ bỏ đi, chỉ mọc hoang hoải ven sông, chúng bắt đầu có vai trò quan trọng với người dân, đem lại nguồn thu nhập cụ thể tính bằng những đồng tiền.
Từ lá, bẹ, cho tới trái dừa nước đều được khai thác một cách tối đa, với những công dụng khác nhau. Và hầu hết chúng đều được đem về thành phố. Tất nhiên, cũng vì thế những cánh rừng dừa nước bắt đầu thưa đi, mỏng hơn sau khi bị chặt dần từ mùa này qua mùa khác. Chắc chắn, khi giá trị của chúng ngày một tăng lên, và nhu cầu của người thành phố ngày một nhiều hơn, diện tích dừa nước của dải đồng đất cũng sẽ ít đi. Trước kia, dừa nước có mặt khắp nơi, ở bất cứ nơi nào có nước.
Còn vài năm gần đây, dừa nước chỉ còn ở những cửa sông, ven sông, những bãi đồng hoang trũng phèn mặn. Không biết đó là điều nên vui hay buồn. Chỉ chắc chắn rằng, dừa nước đã thoát khỏi thân phận “bên lề” của số phận, thoát luôn khỏi sự quanh quẩn những ven sông, ven đồng như xưa để đi xa hơn, tới những vùng đất khác.
Mênh mông dừa nước ảnh 1 Người dân đi lấy dừa nước. 
2. Những vựa buôn bán lá dừa nước đã bắt đầu xuất hiện nhiều, ven tuyến quốc lộ ở miền Tây cũng xuất hiện nhiều hơn, để làm nơi trung chuyển những sản phẩm dừa nước. Hầu hết trong đó là lá dừa nước, loại lá nhỏ bé nhưng lại ken dày. Nếu để một mình trơ trọi, chúng chắc chắn không có bất cứ công dụng nào nhưng khi gặp nhau, bện tết lại là nguyên liệu xây dựng đến nhiều vật liệu công nghiệp hiện đại không bằng.
Thực ra, không phải đến bây giờ người ta mới biết công dụng xây dựng của lá dừa nước, nhưng bẵng đi rất lâu, sau khi mải mê với gạch ngói, pờ rô xi măng hay tôn, nhựa… người ta mới giật mình nhận ra, dừa nước là thứ không thể thay thế. Một chủ vựa lá dừa nước ở thị trấn Tân Thạnh (huyện Tân Thạnh, Long An) kể với tôi rằng, nếu trước kia dừa nước bạt ngàn phải chặt đốn thường xuyên vì chúng sinh sôi quá nhanh, đến nay, lá dừa được tính bằng tiền triệu cho mỗi thiên (một ngàn) lá.
Những người dân quanh đây, nếu chăm chỉ một ngày rong ghe máy đuôi tôm, dầm mình trong nước có thể lấy được nửa thiên lá, đem về phơi khô, bán cho các vựa. Và khác với những chủ vựa buôn bán là những ông chủ, bà chủ, hầu hết chủ vựa lá tôi biết đều là những người nông dân. Họ chỉ khác người lao động không phải dầm mình trong nước chặt lá dừa, còn cũng gom lá mang lên thành phố bán cho những người cần bằng những chuyến ghe thương hồ xuôi ngược.

Tôi vẫn nhớ những chiếc ghe chở lá dừa nước lặng lẽ đậu ở ngã ba sông Chợ Đệm bên phía Bình Chánh, TPHCM trong một chiều mưa. Khác với nhiều ghe hàng hóa chở nông thủy sản có giá trị hàng tỷ đồng, những chiếc ghe lá kia neo vào đợi con nước lên để đi tiếp như những thân phận nghèo khổ giữa phố phường. Phần vì giá trị của nó thấp, phần vì thân phận bèo nước chất chồng càng khiến cho chủ nhân của những ghe lá ấy thêm nhỏ nhoi, cô độc bên rìa thành phố.
Người chủ ghe bảo, anh cũng là nông dân đi lấy lá dừa nước, năm ngoái gom tiền mua được chiếc ghe hơn mười tấn làm phương tiện buôn chuyến thương hồ. Thay vì những mặt hàng giá trị, anh chỉ gom lá dừa nước của bà con trong xóm rồi đem lên Sài Gòn, Thủ Dầu Một bỏ mối.
Mỗi chuyến chừng dăm bảy ngày, hết hàng lại men đường sông nước quay về quê dưới tuốt vùng biên giới Mộc Hóa, nơi những người dân đã chặt, phơi lá dừa nước đợi ghe về. Những chuyến hàng như thế, nếu không có gì bất chắc, lời lãi khoảng chục triệu đồng, chia cho 2 đứa cháu một nửa, anh còn một nửa để nuôi gia đình, còn dư giả gom lại trả nợ tiền mua ghe. Cứ thế, cuộc sống thương hồ lặng lẽ với dòng sông trôi đi, mênh mang trên những chuyến ghe lá dừa…

Các tin khác