Mầm xuân ở Trường Sa

Trong gió, nắng và những nhọc nhằn, từ cát, đá san hô, những loài cây phong ba, bão táp, bàng vuông, cây tra… vẫn dịu dàng ôm ấp từng hòn đảo nhỏ. Ở nơi xa xôi, khắc nghiệt này, cuộc sống vẫn đâm chồi, nảy lộc mỗi ngày. Thế hệ công dân trẻ Trường Sa vẫn tiếp tục ra đời, như cây xanh trên đảo, không thể bị sóng gió làm khô héo, chính là những "mùa xuân” dài lâu vùng biên hải.

Trong gió, nắng và những nhọc nhằn, từ cát, đá san hô, những loài cây phong ba, bão táp, bàng vuông, cây tra… vẫn dịu dàng ôm ấp từng hòn đảo nhỏ. Ở nơi xa xôi, khắc nghiệt này, cuộc sống vẫn đâm chồi, nảy lộc mỗi ngày. Thế hệ công dân trẻ Trường Sa vẫn tiếp tục ra đời, như cây xanh trên đảo, không thể bị sóng gió làm khô héo, chính là những "mùa xuân” dài lâu vùng biên hải.

Những “mùa xuân” đầu

Trường Sa, nơi Tổ quốc nhìn từ phía biển, khiến cho tôi đi hết cung bậc cảm xúc này đến cung bậc cảm xúc khác. Trong một chiều lồng lộng gió, vẳng trong ánh hoàng hôn có tiếng khóc trẻ nhỏ và lời mẹ ru nghe đến lạ: “Con ơi con ngủ cho ngoan / Để anh chiến sĩ vơi cơn nhớ nhà”…

Câu hát ru đầm ấm, thân thương đã dẫn dụ tôi đến những ngôi nhà mái ngói đỏ nằm khuất sau hàng phong ba, bàng vuông rợp bóng. Và tôi đã tình cờ được gặp công dân Việt Nam đầu tiên chào đời trên quần đảo Trường Sa bằng phương pháp sinh mổ.

Tên của bé Nguyễn Ngọc Trường Xuân được ghép từ tên của những người đã cùng góp sức để em ra đời và cả tên hòn đảo nơi em cất tiếng khóc đầu tiên. Ngọc là tên của bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc, người đã chăm sóc 2 mẹ con suốt thời gian mang thai.

Xuân là tên lót của bác sĩ Hồ Xuân Lãng, người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật để bé ra đời vào ngày 4-4-2011. Bố của bé, anh Nguyễn Tấn Thi mong muốn con mình là mùa xuân dài lâu ở Trường Sa nên đặt là Trường Xuân.

Pha ấm trà mời khách, chị Nguyễn Thị Thúy, mẹ bé Trường Xuân, hồ hởi tiếp chúng tôi. Trong phút giây trải lòng, chị kể lại những kỷ niệm khi sinh bé Trường Xuân: “Qua siêu âm, thăm khám, bác sĩ xác định đây là ca sinh khó, không thể sinh thường. Gần đến ngày sinh, diễn biến của thai càng thêm phức tạp. Ngôi thai nằm ngang, bị thiếu ối và dây nhau quấn cổ thai nhi. Sau khi báo cáo về đất liền với lãnh đạo, Bệnh viện Quân y 175 quyết định dùng phương pháp sinh mổ, bảo đảm an toàn cho mẹ và con.

Ngay lập tức, bác sĩ chuyên khoa Hồ Xuân Lãng được cử ra cấp tốc chi viện cho đảo. 6 giờ 30 phút ngày 4-4, tôi bắt đầu chuyển dạ. Đến 8 giờ, mọi việc chuẩn bị đã xong, ca mổ được tiến hành lúc 10 giờ 37 phút với sự hỗ trợ của Bệnh viện 175 qua cầu truyền hình. Chỉ vài phút sau, bé Trường Xuân nặng 3,2kg đã chào đời, cất tiếng khóc”.

Kể đến đây, ánh mắt chị sáng lên vẻ tự hào. Gương mặt sạm đi vì nắng gió cũng rạng rỡ lạ thường. Bởi sự ra đời của em bé có cái tên “mùa xuân dài lâu” chính là niềm vui vỡ òa của những người thầy thuốc tận tụy, niềm hân hoan của gia đình và của tất cả mọi người trên đảo.

Các cháu thiếu nhi - thế hệ tương lai trên đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: Minh Trường 

Các cháu thiếu nhi - thế hệ tương lai trên đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: Minh Trường 

Ở đảo Song Tử Tây, một công dân nhí khác cũng “nổi tiếng” không kém Nguyễn Ngọc Trường Xuân, đó là em Hồ Song Tất Minh. Song là từ chữ Song Tử, nơi bé đã cất tiếng khóc chào đời. Tất Minh là tên những người đã có công giúp em chào đời viên mãn.

Bé gái Hồ Song Tất Minh cũng chính là công dân đầu tiên được sinh ra tại đảo Song Tử. “Mai này đi đâu cái tên nhắc bé nhớ nơi chôn rau cắt rốn. Hy vọng chính cái tên ấy sẽ làm cho bé nhớ mãi đến hòn đảo nhỏ nơi đầu sóng để mai này sống có trách nhiệm hơn với Tổ quốc” - anh Hồ Dương Bảo, cha của Hồ Song Tất Minh, chân thành mong ước.

Những cây phong ba tiếp nối

Lang thang ở thị trấn Trường Sa vào buổi chiều khi đàn ông đã ra biển đánh cá và phụ nữ đi làm thêm, chúng tôi bắt gặp cảnh những đứa trẻ nô đùa bên những chiếc cầu trượt, hòn non bộ, vườn hoa và bộ đu quay mới. Tất cả các em đều mang những cái tên khá đẹp và đầy ý nghĩa: Hồng Hương, Quỳnh Hương, Trinh Si, Mỹ Sen, Viết Hiền…

Cuốn theo những đứa trẻ đang vô tư nô đùa, vô tư cười nói, tôi chợt nhận ra bọn trẻ trên đảo sống rất hòa thuận. Suốt cả buổi chơi không hề có bất đồng, cãi vã. Phải chăng, ở giữa nơi xa đất liền, vắng tiếng người, bọn nhỏ đã sớm cảm nhận được những tình cảm mang tính cộng đồng.

Vừa chỉ dẫn cho các em chơi, “anh cả” Võ Viết Hiền (10 tuổi, học sinh lớp 5) vừa  khoe: “Ở đảo bọn cháu coi nhau như anh em, có món gì ngon hay đồ chơi mới đều chia sẻ cho nhau. Hết giờ học ở lớp, chúng cháu lại cùng nhau học ở nhà, đứa nào cũng là học sinh tiên tiến và giỏi chú à”.

Nhìn ánh mắt trong veo của Hiền tôi cảm nhận một nghị lực khác lạ, một cái gì đó khác lắm những ánh mắt của những cô cậu học trò đồng trang lứa trong đất liền.

Thật cảm động và trân trọng khi được hỏi ước mơ sau này của mình, Hiền trả lời không do dự: “Ở đảo chưa có trường cấp 2 nên cháu phải vào đất liền học tiếp. Học xong, cháu sẽ làm bộ đội Hải quân để lại được về Trường Sa. Sang năm phải về đất liền, xa đảo cháu buồn lắm”.

Vẫn biết trong suy nghĩ của một đứa trẻ mới lên 10, khái niệm về tình yêu Tổ quốc, tình yêu đất nước còn khá mơ hồ. Trong đầu các em có lẽ chỉ biết rằng, nơi mình đang sống chính là quê hương, là nơi thân thương và chan hòa tình nồng ấm của ba mẹ, bạn bè. Nhưng chẳng phải đợi lâu, tinh thần của Thánh Gióng, Trần Quốc Toản… sẽ được các em tiếp nối cùng chiều dài lịch sử phát triển của đất nước. 

Bóng chiều khuất dần về phía đất liền, cũng là lúc bọn trẻ rục rịch trở về nhà ăn cơm và học bài. Tôi đứng nán lại bên mép biển nghe sóng gào, thấy lòng mình chếnh choáng. Giữa mênh mông đại dương xanh thẳm, màu xanh của cây phong ba, tiếng hát của những em bé, ánh mắt đầy tin tưởng của những bà mẹ trẻ và niềm vui của những ông bố ở Trường Sa, đã tạo nên sức sống mãnh liệt nơi quần đảo sóng gió…

Các tin khác